Ứng phó với sạt lở vào mùa khô ở miền Tây Nam Bộ

Chủ Nhật, 26/03/2023, 09:21

UBND tỉnh Trà Vinh vừa công bố tình huống khẩn cấp sự cố sạt lở bờ biển khu vực Cồn Nhàn tại ấp Đông Thành và Hồ Thùng (xã Đông Hải, huyện Duyên Hải).

Ông Trần Trường Giang, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Trà Vinh cho biết đây là khu vực thường xuyên chịu tác động mạnh của triều cường, nước biển dâng, nhất là vào mùa gió chướng. Từ năm 2015 đến nay, khu vực này có hơn 3km đất ven biển bị nước biển xâm thực làm mất khoảng 220 hecta đất sản xuất và đất rừng phi lao phòng hộ. Những tháng cuối năm 2022 và đầu năm 2023, các đợt triều cường cao kết hợp sóng lớn làm nước biển dâng cao vào đất liền, gây sạt lở bờ biển, làm ngập nhà ở của người dân.

Ứng phó với sạt lở vào mùa khô ở miền Tây Nam Bộ -0
Sạt lở bờ sông Cổ Chiên qua huyện Long Hồ (tỉnh Vĩnh Long) đã cuốn theo nhiều tài sản của người dân.

Ngày 14/3 vừa qua, ông Lê Văn Hẳn, Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh trực tiếp kiểm tra tình hình sạt lở tại khu vực này. Ấp Đông Thành và Hồ Thùng có 157 hộ dân có nhà ven biển cần di dời khẩn cấp. Lãnh đạo xã Đông Hải kiến nghị cần có phương án di dời khẩn cấp 49 hộ có nhà ven biển nguy cơ mất an toàn cao, di dời theo lộ trình đối với 108 hộ dân ven biển gần với khu vực nguy cơ cao. Sau buổi khảo sát, Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh giao Sở NN - PTNT phối hợp với các đơn vị tư vấn chuyên môn, hoàn thiện phương án, giải pháp và đề xuất thật nhanh, đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản và cuộc sống của người dân.

Hai tháng qua, tuyến đường giao thông nông thôn dọc theo sông Ô Môn đoạn qua ấp Thới Thuận (xã Thới Thạnh, huyện Thới Lai, TP Cần Thơ) bị sạt lở. Đoạn sạt lở dài khoảng 26m, ăn sâu vào đất liền 8m. Ông Trần Quốc Cường, Chủ tịch UBND xã Thới Thạnh cho biết đây là tuyến giao thông nông thôn nên khi xảy ra sạt lở, chính quyền địa phương đã rào chắn và cắm biển cảnh báo người dân hạn chế qua khu vực này.

Theo ông Nguyễn Tấn Nhơn, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT TP Cần Thơ, từ 2010-2022, địa phương có 262 điểm sạt lở với chiều dài gần 10km. Diễn biến của sạt lở bờ sông, kênh, rạch ngày một nghiêm trọng và phức tạp (tăng cả cường độ và số lượng), đặc biệt các đoạn sông, kênh, rạch chảy qua các khu vực đông dân cư, các cồn trên sông Hậu. Điển hình là khu vực đầu cù lao Tân Lộc (quận Thốt Nốt), sạt lở đã làm 13 hecta đất trôi xuống sông. “Chúng tôi đã tuyên truyền, khuyến khích người dân bảo vệ cây cối ven sông, không chất tải, không xây cất nhà cửa lấn chiếm lòng sông, không khai thác cát, đất ven sông”, Phó giám đốc Sở NN-PTNT TP Cần Thơ thông tin. Để hạn chế thấp nhất tình trạng sạt lở, chính quyền địa phương cũng triển khai các công trình kè kiên cố hoặc kè bảo vệ bằng vật liệu thô.

Còn tại Đồng Tháp, sạt lở trên sông Tiền và sông Hậu xảy ra ở 21 xã, phường, thị trấn của 8 huyện, thành phố với chiều dài hơn 27km, ăn sâu vào bờ từ 0,3 đến 22m, diện tích sạt lở 3,2 hecta. Kết quả kiểm tra thực tế, tổng chiều dài vành đai nguy cơ sạt lở hơn 131km, 5.973 hộ dân cần phải di dời đến nơi ở mới an toàn. Còn trong nội đồng, tình trạng sạt lở xảy ra ở 28 xã, phường của 7 huyện, thành phố, với tổng chiều dài hơn 21km, ăn sâu vào bờ từ 0,5 đến 6m, diện tích sạt lở 31.312m2. UBND tỉnh Đồng Tháp đã công bố tình trạng khẩn sạt lở sông Tiền tại xã Tân Mỹ, Mỹ An Hưng B (huyện Lấp Vò) và xã Tân Quới (huyện Thanh Bình).

Theo Sở NN-PTNT tỉnh Đồng Tháp, nguyên nhân sạt lở chủ yếu do động lực dòng chảy tác động vào lòng dẫn có cấu tạo trên nền địa chất mềm yếu và những cồn cát nổi lên ở lòng sông làm thay đổi dòng chảy ép sát vào bờ gây ra sạt lở. Sạt lở thường diễn ra ở những khu vực các cù lao và nơi dòng sông phân nhánh, khu vực nhập lưu của các nhánh sông, đoạn sông có luồng lạch không ổn định, nơi dòng sông hẹp, thắt cổ chai và do các dòng sông bị đói phù sa…

Ông Nguyễn Phước Thiện, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp nhận định sạt lở bờ sông diễn biến phức tạp, xảy ra nhiều nơi trên sông Tiền, sông Hậu và kênh, rạch nội đồng. Sạt lở bờ sông tiếp tục xảy ra ở nhiều nơi, đặc biệt các xã Long Thuận, Phú Thuận A, Phú Thuận B (huyện Hồng Ngự), An Phong, Tân Hòa, Tân Quới (huyện Thanh Bình), Mỹ An Hưng A, Mỹ An Hưng B (huyện Lấp Vò), Bình Thạnh, Bình Hàng Tây (huyện Cao Lãnh), Tân Thuận Đông, Tân Thuận Tây và phường 6 (TP Cao Lãnh).

Để đảm bảo cuộc sống cho người dân ảnh hưởng bởi sạt lở, tỉnh Đồng Tháp tiếp tục triển khai Chương trình Cụm tuyến dân cư giai đoạn 2 (46 cụm, tuyến đợt 1 và 7 cụm, tuyến bổ sung), có 14.071/15.193 hộ xây dựng nhà ở trong các cụm tuyến dân cư đã hoàn thành, chiếm tỉ lệ hơn 92%. Tổ chức triển khai thực hiện dự án di dân tập trung tuyến dân cư kênh 17 (xã Long Thuận, huyện Hồng Ngự) và dự án di dân tập trung tuyến dân cư rạch Mã Trường (xã Tân Quới, huyện Thanh Bình) để sắp xếp, ổn định cuộc sống và sản xuất cho 390 hộ dân.

Ngoài ra, tỉnh Đồng Tháp triển khai loạt dự án kè, nâng cấp tuyến đê bao, xử lý cấp bách sạt lở sông Tiền tại TP Hồng Ngự, Cao Lãnh, Lấp Vò, Hồng Ngự và Cao Lãnh. Ngoài các cụm tuyến dân cư đã thực hiện ở giai đoạn 2, tỉnh Đồng Tháp tiếp tục quy hoạch và đầu tư xây dựng thêm các cụm tuyến dân cư phục vụ tái định cư các hộ dân vùng sạt lở mới phát sinh, đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình kè chống sạt lở đã có quyết định đầu tư. Tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, giám sát việc khai thác cát sông theo quy định, nạo vét bãi bồi để tăng diện tích mặt cắt ướt, giảm tốc độ dòng chảy.

Ứng phó với sạt lở vào mùa khô ở miền Tây Nam Bộ -0
Sạt lở bờ sông Cổ Chiên qua huyện Long Hồ (tỉnh Vĩnh Long) đã cuốn theo nhiều tài sản của
người dân.

Sở NN-PTNT tỉnh Vĩnh Long vừa có báo cáo kết quả thực hiện dự án “Đánh giá ổn định bờ sông Cổ Chiên, khu vực từ rạch Cái Cá đến rạch Bà Bóng”. Việc thực hiện dự án được triển khai sau khi xảy ra sạt lở bờ sông Cổ Chiên đoạn qua xã Hòa Ninh (huyện Long Hồ) vào chiều 5/12/2022. Sạt lở với chiều dài 350m, rộng khoảng 160m, cuốn trôi khoảng 41.516m2. 22 hộ dân bị ảnh hưởng, 13 căn nhà trôi sông cùng nhiều tài sản khác,thiệt hại khoảng 35 tỷ đồng.

Theo Sở NN-PTNT tỉnh Vĩnh Long, kết quả tính toán, phân tích, nguyên nhân sạt lở do tác động của con người làm hạ thấp lòng dẫn; dòng chảy lũ, triều và suy giảm bùn cát từ thượng nguồn và tác động của sóng gió, sóng tàu thuyền. Trên cơ sở thực hiện dự án, ông Văn Hữu Huệ, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Vĩnh Long kiến nghị dừng các hoạt động khai thác cát tại những vị trí từ cầu Mỹ Thuận đến phà Đình Khao, đánh giá lại quy hoạch khai thác cát trên toàn bộ sông Tiền qua tỉnh Vĩnh Long và xây dựng hành lang dự báo sạt lở trên sông Tiền.

Văn Vĩnh
.
.
.