Ưu tiên nguồn lực đầu tư chống ngập cho đô thị Đà Nẵng

Thứ Sáu, 15/12/2023, 05:13

Hai năm trở lại đây, tình trạng ngập lụt cục bộ do mưa lớn tại Đà Nẵng ngày càng phức tạp với nhiều điểm ngập phát sinh, phạm vi ngập lụt mở rộng, mực nước ngập sâu hơn... gây nhiều thiệt hại kinh tế, xáo trộn đời sống của người dân.

Cùng với nguyên nhân do lượng mưa tăng bất thường thì hệ thống thoát nước đô thị của Đà Nẵng nhiều khu vực đang trong tình trạng quá tải, chưa đáp ứng được yêu cầu thoát lũ.

Tại kỳ họp HĐND TP Đà Nẵng khóa X ngày 13/12, nhiều đại biểu đã đề xuất ưu tiên nguồn lực đầu tư chống ngập ứng, giải quyết các điểm ngập nặng.

Theo ông Lê Văn Dũng, Phó Trưởng Ban đô thị HĐND TP Đà Nẵng, tình trạng ngập nặng có nguyên nhân là do khí hậu biến đổi cực đoan, đồng thời hệ thống thoát nước và các hồ điều tiết của thành phố đã quá tải. Thống kê cho thấy, trong năm 2022, lượng mưa trung bình 3 giờ lớn nhất là 407mm, 6 giờ là 568mm và 24 giờ là 698mm; năm 2023, lượng mưa trung bình 3 giờ lớn nhất là 145mm, 6 giờ là 241mm và 24 giờ là 456mm, tăng gấp nhiều lần so với các năm trước đó.

tn1.jpg -0
Lực lượng Công an giúp người dân ra khỏi khu vực nguy hiểm do ngập lụt. Ảnh chụp tại phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu (TP Đà Nẵng)

Lượng mưa quá lớn đã gây quá sức chịu tải hệ thống thoát nước của thành phố. Thêm vào đó, việc đô thị hóa nhanh kèm theo diện tích ao hồ trữ nước bị suy giảm, một số tuyến thoát nước chính chưa được thi công hoàn thiện, chưa nạo vét, khơi thông trước các đợt mưa lớn… đã khiến tình trạng ngập lụt thêm trầm trọng. Nhiều khu vực chỉ cần một trận mưa lớn là ngập. Một số khu vực ngập nặng như đường Mẹ Suốt, tuyến đường vào KCN Hòa Khánh giáp Tôn Đức Thắng, cầu Đa Cô, đường Yên Thế, đường Bắc Sơn, Cách Mạng Tháng Tám - Cống Quỳnh, một số tuyến đường phía tây bắc sân bay Đà Nẵng...

Đáng chú ý, hệ thống thoát nước chính hiện nay của thành phố chưa khai thác hết lợi thế địa hình tự nhiên giáp sông, giáp biển. Nhiều tuyến thoát nước đi lòng vòng, kéo dài, tập trung về cùng khu vực cửa xả dẫn đến xung đột, cản trở dòng lẫn nhau, làm giảm hiệu quả thoát nước. Qua bình đồ có thể thấy hiện có 8 hướng thoát nước chính chảy về sông Phú Lộc dẫn đến xung đột dòng lẫn nhau. Những dòng chảy có cao độ thấp như Khe Can, Phần Lăng ra sông bị các dòng lớn, như Kinh Dương Vương, hồ Bàu Sấu… cản dòng, làm cho hiệu quả thoát nước kém.

Để khắc phục tình trạng trên, ông Lê Văn Dũng kiến nghị thời gian đến cần ưu tiên đầu tư một số tuyến thoát nước ra vịnh Đà Nẵng để phân lưu dòng chảy, tận dụng được lợi thế địa hình và tối ưu quãng đường lũ thoát.

Cụ thể, mở mới tuyến cống dọc theo đường Hà Huy Tập, Hà Khê ra vịnh Đà Nẵng để giải quyết thoát nước cho khu vực sân bay từ hồ Đầm Sen ra vịnh. Mở tuyến cống thứ hai dọc theo đường Phùng để thoát nước cho lưu vực Kênh Đa Cô, giảm lượng nước tập trung về kênh Phú Lộc. Trong tương lai, có thể mở thêm tuyến cống dọc đường Trần Đình Tri ra vịnh Đà Nẵng để thoát nước cho lưu vực hồ Bàu Vàng, giảm lượng nước về kênh Kinh Dương Vương. Việc mở mới các cửa xả ra sông, ra vịnh cần có giải pháp để không ảnh hưởng môi trường biển; chỉ vận hành xử lý khi mưa lũ...

Ông Phùng Phú Phong, Giám đốc Sở Xây dựng TP Đà Nẵng nhìn nhận vấn đề ngập nước của thành phố khi mưa lũ có nhiều hạn chế, từ việc thiết kế, quy hoạch đến quản lý đô thị. Một số khu vực ngập nặng là do chưa tập trung đầu tư hạ tầng kỹ thuật thoát nước, do người dân xây dựng trái phép nhà trên đất nông nghiệp (như khu vực đường Mẹ Suốt, phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu)…

Theo ông Phong, năm 2024, thành phố sẽ tập trung triển khai, mua sắm thiết bị và nâng cao khả năng chống ngập, tập trung nạo vét hệ thống thoát nước và hồ điều tiết. UBND thành phố đã giao cho Ban quản lý hạ tầng KCN và Khu công nghệ cao nghiên cứu tuyến thoát nước theo đường Phùng Hưng (đoạn từ kênh Hòa Minh ra vịnh Đà Nẵng) nhằm giảm tải cho sông Phú Lộc.

Giám đốc Sở Xây dựng TP Đà Nẵng cho biết thêm, hiện Ban quản lý dự án hạ tầng KCN đang tính toán việc thoát nước khu vực đường số 4 KCN Hòa Khánh. Trong quý I/2024, sẽ hoàn thành nghiên cứu, trình UBND thành phố phê duyệt. Đối với các hồ điều tiết trên toàn thành phố, cơ quan phát triển hạ tầng đô thị khảo sát đánh giá các hồ điều tiết để tư vấn nạo vét, cải tạo kịp thời trước mùa mưa 2024…

Trước mắt, các đại biểu kiến nghị bên cạnh nạo vét, khơi thông, đẩy nhanh tiến độ thi công hoàn thành các tuyến thoát nước chính dở dang, thành phố cần ưu tiên dành nguồn lực triển khai ngay xử lý một số vị trí ngập nặng. Bên cạnh đó, cần đưa một số dự án chống ngập cấp bách vào danh mục công trình trọng điểm trong kế hoạch đầu tư công năm 2024. Theo quy hoạch từ nay đến năm 2030, tầm nhìn 2050, Đà Nẵng cần đầu tư 19 hệ thống thoát nước. Để giải quyết tổng thể tình trạng ngập nước khu vực đô thị Đà Nẵng, cần có nguồn lực lớn và thời gian kéo dài. Trong quá trình lập đồ án quy hoạch phân khu, thành phố sẽ ưu tiên dành quỹ đất để bố trí hành lang thoát lũ, hình thành các hồ điều hòa và tăng diện tích hành lang xanh, mảng xanh đô thị, hạn chế tối đa việc bê tông hóa nếu không thật sự cần thiết...

Ông Lương Nguyễn Minh Triết, Phó bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng đề nghị thành phố cần tập trung các giải pháp khắc phục chống ngập. Trong đó, ngành xây dựng và các ngành khác tham gia vào các khâu, từ đầu tư, kinh phí đến quy hoạch, kỹ thuật, tuyên truyền sự tham gia vào của người dân. Việc đầu tư hạ tầng thoát mưa, thoát lũ phải khoa học và đồng bộ, không để tình trạng xử lý chỗ này lại phát sinh chỗ khác. Đối với những khu vực ngập nặng, UBND TP cần ưu tiên nguồn lực để giải quyết sớm, không đầu tư dàn trải; cần phải quyết liệt, tập trung thực hiện để đáp ứng yêu cầu tình hình chống ngập.

Thân Lai
.
.
.