3 chữ T, một nghệ sĩ

Chủ Nhật, 23/09/2018, 11:37
Tự sáng tác, tự hát, tự sản xuất sản phẩm âm nhạc là một xu hướng mới của nhiều nghệ sĩ trên thế giới. Các nghệ sĩ trẻ Việt cũng không nằm ngoài trào lưu này. 


Mặc dù đây là một công việc khó, thuộc 3 lĩnh vực khác hẳn nhau nhưng nhiều nghệ sĩ đã chứng tỏ được khả năng biến hóa đa-di-năng. Nhiều tên tuổi đã để lại dấu ấn mạnh mẽ trong công chúng với năng lực 3T đầy hấp dẫn của mình.

Những cái tên nổi bật

Ở các thế hệ trước, những người tự viết nhạc tự biểu diễn có thể kể ra những cái tên tiêu biểu như Trần Tiến, Nguyễn Cường. Tiếp theo đó có Lê Minh Sơn, Lưu Thiên Hương, Giáng Son… 

Những nghệ sĩ 2T đó đã tạo nên những ấn tượng đặc biệt trong công chúng về khả năng tự sáng tác tự trình bày tác phẩm của mình. Và phải đến thế hệ nhạc sĩ trẻ sau này, khi đời sống công nghệ phát triển hơn, có điều kiện hơn, thì công việc tự sản xuất sản phẩm âm nhạc mới được phát huy. 

Vũ Cát Tường, nghệ sĩ nổi bật trong việc tự sáng tác, tự hát, tự biên tập sản phẩm của mình.

Và một thế hệ nghệ sĩ 3T ra đời từ đó. Hiểu nôm na thì đây là những nghệ sĩ có khả năng tự sáng tác, tự hát, tự tham gia vào các quá trình biên tập album phòng thu hay thực hiện các MV ca nhạc. Để làm được một lúc 3 công việc như vậy, họ phải là những người tài năng, đam mê với âm nhạc. 

Thế hệ những người trẻ hiện nay có khả năng 3T tiêu biểu như Lê Cát Trọng Lý, Vũ Cát Tường, Sơn Tùng M-TP, Noo Phước Thịnh, Tăng Nhật Tuệ, Khắc Hưng, Khắc Việt… Một số tên tuổi đình đám khác, tuy không thường xuyên với công việc 3T nhưng cũng có một vài lần thử sức và ghi dấu ấn như Mỹ Tâm, Thủy Tiên. 

Còn nhớ, mấy năm trước, Mỹ Tâm đã tự tay làm một single mang tên “Ban mai tình yêu”, nhận nhiều ý kiến ủng hộ của người hâm mộ. Còn nữ ca sĩ Thủy Tiên, album “Dẫu chỉ là mơ” của cô phát hành 4 năm về trước là gồm 8 ca khúc cô tự sáng tác.

Cô tự mình biên tập, chỉnh sửa cho album của mình. Và dĩ nhiên, tự hát nữa. Giới chuyên môn và khán giả đánh giá cáo những nỗ lực này của nữ ca sĩ. Tên tuổi cô cũng được thêm một lần khẳng định sau khi album này phát hành.

Sau những người tiên phong như Mỹ Tâm, Thủy Tiên, hàng loạt nghệ sĩ trẻ đi theo xu hướng 3T. Vũ Cát Tường là cái tên đầu tiên không thể không nhắc tới. Ca sĩ đàn chị Hồng Nhung đã từng không tiếc lời khen ngợi khả năng tự sáng tác, tự hát, tự sản xuất của “cô em” nhỏ bé này. 

Cát Tường có kiến thức âm nhạc tốt, gu thẩm mỹ cao, cảm xúc ở độ chín, cộng với khả năng diễn đạt ngôn ngữ âm nhạc tuyệt vời. Cô có thể làm tốt mọi khâu từ sáng tác đến biểu diễn đến biên tập các sản phẩm của mình. 

Đam mê âm nhạc đến nỗi cô có thể ngồi nhiều ngày trong phòng thu, chỉ để trò chuyện với các giai điệu, các thanh âm. Gần đây, khán giả trẻ phát sốt với bản hit “Chạy ngay đi” của Sơn Tùng M-TP. Chàng trai 24 tuổi này đã khiến giới chuyên môn phải ngả mũ trong vai trò mới hoàn toàn: Giám đốc sản xuất. 

Nam ca sĩ trẻ người Thái Bình đã tạo lên một “quả bom” thực sự khi một lúc thực hiện nhiều vai trò khác nhau, người sáng tác, người hát, người sản xuất. Anh cũng kiêm luôn vai nam chính trong MV “Chạy ngay đi”. 

Sơn Tùng, chàng trai triệu view của showbiz Việt.

Một cái tên khác không thể không nhắc tới là Lê Cát Trọng Lý. Ngay từ khi xuất hiện, Lý gần như chỉ hát những ca khúc do chính mình sáng tác. Cô là một cái tên vô cùng đặc biệt trong đời sống biểu diễn. Sau đó cô kiêm luôn vai trò tự sản xuất các sản phẩm của mình.

3 chữ T: Tự sáng tác, tự hát, tự sản xuất, nghe thì đơn giản nhưng kỳ thực nó là cuộc chơi không dành cho người yếu bóng vía. Bạn có thể thử sức, nhưng để dại dấu ấn trong lòng khán giả hay không lại là một câu chuyện khác. Vì đời sống showbiz vô cùng khốc liệt.

Đâu phải vì chơi trội?

Một số nhận xét gần đây cho rằng, phong trào 3T trong nghệ sĩ trẻ gần đây có vẻ như là một sự đánh bóng, một sự cố tình chơi trội của nghệ sĩ. Ngẫm ra cũng không hẳn là như vậy. Đành rằng khi có điều kiện, tiền chẳng hạn, người ta có thể mua được công nghệ. Ví dụ, thuê người sáng tác, trả tiền, và xem như bài hát đó mình sáng tác. 

Ví dụ, thuê người biên tập nhạc tốt, trả tiền, mình có nhúng tay vào chút xíu ví dụ thôi, nhưng nói là mình tự biên tập, tự sản xuất. Chỉ cần có giọng hát hay là đủ. Nhưng cái mua kia cũng chẳng để làm gì, nếu sản phẩm không hay. 

Lê Cát Trọng Lý, cô gái bé nhỏ đa tài.

Và cũng không ai có thể bỏ tiền mua mãi cái không phải của mình. Nghệ sĩ trẻ, những người được tiếp cận với đời sống âm nhạc văn minh, có lẽ không dại gì làm điều đó. Bước chân vào con đường âm nhạc, họ hiểu hơn ai hết, rằng nếu thực sự không có tài, sẽ chẳng trở thành gì cả. 

Và rằng, nếu anh giỏi một thứ như hát thôi, thì anh cứ hát cũng nổi tiếng, không nhất thiết phải chứng tỏ thêm nhiều khả năng khác mà mình không có. Những người có khả năng 3T chắc chắn phải là những người có kiến thức âm nhạc tốt, có nghề trong cả sáng tác, biểu diễn lẫn sản xuất. 

Khi bắt tay vào làm một sản phẩm, họ phải tự tin vào khả năng của mình, chắc chắn như vậy. Vì đầu tư vào một sản phẩm âm nhạc thường không ít tiền. Nếu không hiệu quả, ai dại mà nhúng tay vào.

Vũ Cát Tường ngồi "ghế nóng" Giọng hát Việt nhí.

Cái lợi của nghệ sĩ khi cùng một lúc thực hiện “3 chữ T” là gì? Rõ ràng khi tự sáng tác, tự biểu diễn, lại tự sản xuất nữa thì họ có điều kiện thể hiện tốt nhất, trọn vẹn nhất cảm xúc của mình. Họ làm được tất cả những gì họ mong muốn gửi gắm qua ca khúc, mà nếu để người khác nhúng tay vào, chưa chắc đã được như vậy. 

Trong quá trình sáng tác, vì cũng biểu diễn luôn, nên họ hiểu rõ điểm mạnh, điểm yếu trong quãng giọng của mình mà viết ca khúc cho phù hợp. Rồi khi tự sản xuất, cũng vì hiểu rõ thế mạnh, thế yếu của bản thân mà họ sẽ điều chỉnh sản phẩm sao cho tốt nhất. Vũ Cát Tường từng chia sẻ, chỉ có cô mới hiểu thấu hết những sáng tác của mình. 

Vì cô viết ra bằng những trải nghiệm, kinh nghiệm cá nhân của cô. Còn nhớ có lần nhạc sĩ Tuấn Khanh nhận xét về một thí sinh của cuộc thi Thần tượng âm nhạc Việt Nam, đó là Đinh Mạnh Ninh.

Ninh thường tự biểu diễn các ca khúc mình sáng tác trong suốt cuộc thi. Đến buổi Ninh biểu diễn ca khúc của người khác, nhạc sĩ Tuấn Khanh không ưng lắm. Nhạc sĩ nói: “Khi em hát ca khúc của em, thì đó là thế giới của em, rất nhiều màu sắc. Còn khi em hát ca khúc của người khác, thì vẫn có cái gì đó gò ép”.

Tất nhiên, cái hạn chế nhất của tuổi trẻ là sự non nớt, thiếu kinh nghiệm. Việc ham thể hiện mình trong nhiều vai trò khác nhau cũng là tham vọng của không ít nghệ sĩ trẻ. Việc chạy theo trào lưu, hay xu hướng để chứng minh cái Tôi trong “3 chữ T” này, nếu có, cũng không thể lâu dài. Bởi vì sự sàng lọc của đời sống vốn rất tự nhiên. 

Cái gì không hay, không có lý khắc sẽ bị đào thải. Cũng có không ít ví dụ nghệ sĩ trẻ chạy theo “3T” và sản phẩm của họ bị xem là nhảm nhí, vớ vẩn, rồi nhanh chóng chìm vào quên lãng. Thực chất, việc tự sáng tác, tự hát, tự sản xuất là quá khó. Giỏi một trong 3 thứ đó thôi đã khó rồi, huống chi. 

Muốn làm được tốt các sản phẩm, người nghệ sĩ phải tự nâng mình lên, trau dồi các kiến thức, kỹ năng, hiểu được thị trường, hiểu được công chúng. Như người bán hàng, họ phải làm ra các sản phẩm đủ hấp dẫn, nếu không muốn mình bị ế ẩm. 

Cái khó đó là thách thức, là rào cản, giống như bức tường dày họ phải đi xuyên qua. “3T” không phải chuyện xiêm áo làm đẹp để cứ thích là được, mà nó là nơi để thể hiện tài năng, hiểu biết thật sự. Bằng không, miễn bàn.

Cho nên phải khẳng định, cái danh nghệ sĩ 3T không phải là danh hão. Các nghệ sĩ trẻ phải đủ tỉnh táo để không bị chạy theo như một trào lưu nhất thời. Tự làm 3 việc một lúc để đưa ra sản phẩm tốt nhất cho công chúng, cuộc chơi đó đầy cam go, đầy mồ hôi, công sức với nghệ sĩ trẻ. 

Để trụ lại thành một cái tên vững vàng không phải chuyện dễ. Cho nên, trong đời sống biểu diễn, những cái tên nổi bật tự viết, tự hát, tự sản xuất luôn chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Thu Dương
.
.
.