Thấy gì từ câu chuyện của Atletico và Leicester?

4-4-2, xu hướng chiến thuật mới

Chủ Nhật, 09/10/2016, 10:39
Cuối tuần này các giải VĐQG sẽ tạm nghỉ để các ĐTQG tập trung thi đấu vòng loại World Cup 2018. Đây là quãng thời gian phù hợp nhất để cùng nhìn lại 1/4  mùa giải đã qua và cả chặng đường trước đó của những đội bóng được xem là hiện tượng ở mùa giải trước.


Tờ Mundo Deportivo đã có một bài phân tích cụ thể về thành công của Leicester của mùa 2015/16 với sự tham chiếu thú vị từ chiến tích của Atletico cách đây 3 mùa.

Một lần nữa, chúng ta lại phải nói về Atletico và Leicester dù mùa giải mới vừa trải qua giai đoạn rốt-đa. Trong khi Atletico vẫn duy trì phong độ đáng sợ bằng ngôi đầu bảng La Liga thì Leicester đã quay lại mặt đất với vị trí thứ 12.

Ranieri cùng các học trò tạo nên câu chuyện cổ tích ở mùa giải năm ngoái.

Nhưng dù giữa họ có thể đang tồn tại rất nhiều khác biệt thì vẫn còn đó viên gạch nối vô cùng quan trọng: 4-4-2. Trong cuộc khảo sát mới nhất của ESPN, có 24 ĐTQG trong đợt tập trung cho chiến dịch VL World Cup 2018 khu vực châu Âu nhiều khả năng sẽ sử dụng sơ đồ 4-4-2 và các biến thể. Rõ ràng, tầm ảnh hưởng mà Atletico và Leicester tạo ra là rất lớn.

4-4-2, Sacchi và chất Italia

Atletico mùa 2013/14 là một tập thể vô cùng thú vị. Họ là đội bóng đầu tiên ở La Liga vượt mặt Real Madrid và Barcelona để vô địch La Liga kể từ khi Valencia làm được điều này năm 2004.

Chỉ một năm trước đó, Atletico còn cán đích kém nhà vô địch Barcelona tới 36 điểm. Không ai nghĩ rằng thày trò Simeone sẽ làm nên chuyện khi phải cạnh tranh với hai đại gia có ngân sách chuyển nhượng gấp đôi, thậm chí gấp ba họ.

Hầu như không có lợi thế nổi trội, Los Rojiblancos đã khiến tất cả phải ngả mũ kính phục. Chức vô địch của họ hoàn toàn xứng đáng, bất chấp việc Real Madrid và Barcelona đều có những vấn đề ở mùa giải đó.

Nhưng không phải vì thế mà vinh quang của Atletico bị lu mờ. Dưới sự dẫn dắt của Simeone, đội chủ sân Vicente Calderon đã có một mùa giải đáng nhớ bằng lối chơi phòng ngự phản công hợp lý và tinh thần máu lửa của các cầu thủ.

Bộ óc của chiến lược gia Argentina, cùng với máu và nước mắt của các cầu thủ, là những thứ xây nên thành công cho Los Rojiblancos.

Đâu là bí quyết thành công của Atletico? Họ chỉ ghi được 77 bàn thắng, ít hơn 27 bàn so với Real Madrid, nhưng cũng chỉ để thủng lưới 26 bàn thua.

Hệ thống 4-4-2 của Simeone đã phát huy hiệu quả tối đa khi nó giúp kết hợp các cầu thủ không thuộc tốp siêu sao hàng đầu thế giới trở thành một tập thể chắc chắn, thực dụng, hiệu quả một cách đáng sợ.

Thành công sau đó của Leicester ở mùa giải năm ngoái gần như là một bản copy hoàn hảo những gì Atletico làm được ở La Liga trước đó. Họ có xuất phát điểm thậm chí còn kém xa đội bóng Tây Ban Nha, nhưng bằng thứ chiến thuật hợp lý, biết mình biết người đã tạo nên câu chuyện cổ tích kỳ diệu nhất trong bóng đá.

Một lần nữa chúng ta lại phải nhắc đến hệ thống 4-4-2, chiến thuật mà Ranieri đã sử dụng ở Leicester trong suốt mùa giải năm ngoái. Cả Ranieri và Simeone đều có xuất phát điểm chung trong triết lý là môi trường Serie A.

Simeone có những năm tháng đẹp nhất đời cầu thủ ở Italia, trong màu áo Parma, Lazio rồi Inter. Ranieri từng dẫn dắt Napoli, Fiorentina, Parma, Juventus, Roma và Inter. Họ đều thừa nhận rằng, chất Italia thấm đẫm trong lối chơi mà họ áp dụng tại Atletico và Leicester.

Điều đó càng trở nên đúng đắn hơn nếu chúng ta biết rằng hệ thống 4-4-2 được “phát minh” bởi bậc thầy chiến thuật Arrigo Sacchi. Trên lý thuyết, việc đá với hai tiền đạo có mục đích chính là tăng cường khả năng tấn công.

Nhưng thực tế, 4-4-2 lại là hệ thống hoàn hảo để phòng ngự, được Sacchi xây dựng với mục tiêu bao vây các số 10, nhạc trưởng trong lối chơi các đội bóng ở thời của ông.

Đây là sơ đồ lý tưởng để các hàng thủ thực hiện phòng ngự khu vực, đặt bẫy việt vị và cũng rất hiệu quả khi tổ chức phản công. Bí quyết của nó nằm ở khoảng cách giữa các tuyến và việc bố trí nhân sự hợp lý, điều mà Ranieri và Simeone đã làm rất tốt ở các đội bóng của mình.

Họ đã chơi thế nào?

Hãy cùng nhìn vào đội hình ra sân của Atletico mùa 2013/14. 11 cái tên thường xuyên ra sân là Courtois; Juanfran, Miranda, Godin, Filipe Luis; Arda Turan, Gabi, Tiago, Koke; David Villa, Diego Costa.

Simeone có một thủ môn xuất sắc (Courtois), người chỉ huy hàng phòng ngự rất tốt. Hai hậu vệ biên giàu năng lượng (Juanfran và Filipe Luis). Hai trung vệ mạnh mẽ và tắc bóng siêu hạng  (Miranda và Godin). Hai tiền vệ trung tâm chơi đơn giản, hiệu quả (Gabi và Tiago).

Một tiền vệ phải có khả năng đột phá tốt (Arda Turan), một tiền vệ trái thiếu tốc độ nhưng có nhãn quan chiến thuật tuyệt vời và chuyền bóng xuất sắc (Koke). Một tiền đạo khôn ngoan, chịu khó di chuyển (David Villa) và một trung phong mạnh mẽ, sẵn sàng đối đầu với các hậu vệ và săn bàn tốt (Diego Costa). Leicester cũng đã làm như vậy.

Đưa lên bàn cân so sánh, có thể thấy rõ ràng từng vị trí, chức năng, nhiệm vụ và cả lối chơi của các cầu thủ trong đội hình Leicester gần như trùng khớp với Atletico mùa 2013/14. Sự khác biệt có lẽ chỉ ở trình độ của từng cầu thủ.

Đó là điểm giống nhau về hình thức giữa hai tập thể này. Nhưng cái tạo nên thành công là cách thức vận hành lối chơi.

Cả Atletico lẫn Leicester đều có xu hướng “thu gọn” đội hình theo cả chiều ngang và chiều dọc sân. Họ chơi với các tuyến chỉ cách nhau khoảng 20m, với hai tiền vệ cánh thường xuyên bó vào trung lộ.

Simeone được các học trò tung hô sau khi vô địch La Liga mùa 2013/14.

Các tiền đạo cũng chủ động lùi sâu, cùng các đồng đội bao vây các cầu thủ tiền vệ của đối phương. Atletico và Leicester bóp nghẹt lối chơi của đối thủ bằng lối pressing cực rát, máu lửa và không ngại va chạm. Leicester tắc bóng nhiều nhất Premier League mùa giải năm ngoái và 3 cầu thủ của họ có tên trong danh sách những người tắc bóng nhiều nhất (Fuchs, Kante, Drinkwater).

Khi tấn công, cả Atletico và Leicester đều cố gắng đưa bóng đến sát khung thành đối phương nhanh nhất có thể bằng những đường chuyền sâu xuống cánh hoặc vào thẳng vòng cấm cho những trung phong cao lớn, mạnh mẽ và tốc độ (Diego Costa và Jamie Vardy).

Với lối chơi này, không khó hiểu khi họ kiểm soát bóng rất ít. Atletico chỉ đứng thứ 9 về tỷ lệ kiểm soát bóng ở mùa 2013/14, trong khi Leicester thậm chí còn xếp thứ 3 từ dưới lên ở Premier League 2015/16 cùng tỷ lệ đường chuyền thành công tệ nhất (65,1%).

Điều cuối cùng trong bí quyết thành công của họ nằm ở tinh thần. Câu nói nổi tiếng của Ranieri với các học trò là: “Hãy chơi bóng như đang tuyệt vọng!”, trong khi Simeone thúc giục học trò chiến đấu đến giọt mồ hôi cuối cùng với khẩu hiệu: “Ngừng chiến đấu là chấp nhận thua cuộc!”.

Và bây giờ, khi tình trạng của hai CLB là rất khác nhau, giới quan sát vẫn phải nói về họ trong tuần lễ “thảnh thơi” hiếm có của làng cầu đương đại. Cũng dễ hiểu, khi xu hướng của phần đông  các đội bóng là “không để thủng lưới trước khi nghĩ đến chuyện tấn công”, đặc biệt là cấp ĐTQG, nơi mỗi đội không có nhiều cơ hội sửa sai. Mà như thế, Atletico và Leicester rõ ràng là những ví dụ sinh động nhất.

Vì sao Leicester sa sút?

Cách Atletico và Leicester lên đỉnh vinh quang giống nhau, nhưng tại sao sau đó Atletico vẫn giữ được vị thế của mình, còn Leicester bộc lộ sự sa sút thấy rõ ở mùa giải tiếp theo, mà cụ thể là mùa 2016/17?

Câu trả lời nằm ở chính sách chuyển nhượng. Sau mùa 2013/14, Atletico mất tới gần một nửa đội hình chính sau sự ra đi của Courtois, Miranda, Filipe Luis, David Villa, Diego Costa. Nhưng đội chủ sân Vicente Calderon cũng lập tức đưa về các cầu thủ giỏi như Oblak, Alderweireld, Siqueira, Griezmann, Mandzukic về để thay thế đúng vào vị trí những người rời đội.

Trong khi đó sau thành công ở mùa giải trước, Leicester không tìm được người thay Kante – mắt xích được xem là quan trọng nhất trong lối chơi của Ranieri.

Cũng phải tính tới sức cạnh tranh của hai giải đấu. Trong khi Atletico chỉ phải đối đầu với hai ông lớn là Barcelona và Real Madrid tại La Liga thì tại Premier League, sức cạnh tranh là lớn hơn rất nhiều khi luôn có tới 5 hoặc 6 đội bóng cạnh tranh ngôi vô địch. Thày trò Ranieri rõ ràng phải chịu một áp lực lớn hơn khi họ là nhà ĐKVĐ, đối tượng cần đánh bại tất cả các CLB còn lại.

Điểm yếu của 4-4-2

Điểm yếu lớn nhất trong sơ đồ 4-4-2 và cách thức vận hành nó nằm ở khả năng duy trì cường độ lối chơi một cách liên tục. Điều này từng được Jose Mourinho, một người ưa thích sơ đồ 4-2-3-1, chỉ ra khi ông còn dẫn dắt Real Madrid.

Với việc hàng tiền vệ và hàng hậu vệ giăng ngang chơi song song với nhau, các cầu thủ phải di chuyển liên tục để đảm bảo khoảng cách hợp lý giữa các tuyến, đồng thời luôn luôn ở trạng thái sẵn sàng để chuyển từ phòng ngự sang phản công bất cứ lúc nào. Trong hệ thống 4-2-3-1, sự xuất hiện của hai tiền vệ phòng ngự chuyên biệt giúp cự ly đội hình được đảm bảo tốt hơn, đồng thời giảm bớt gánh nặng phòng thủ cho những cầu thủ tuyến trên.

Thể lực, đó chính là yếu tố quan trọng bậc nhất trong lối chơi mà Simeone và Ranieri vận hành ở Atletico và Leicester. Ranieri thường cho các học trò nghỉ ngơi hoàn toàn không phải tập luyện vào ngày thứ hai, sau vòng đấu cuối tuần để họ phục hồi sức lực. Trong khi đó, bí quyết của Simeone là những bài rèn luyện thể lực rất nặng sau kỳ nghỉ hè và trước khi mùa giải bắt đầu. Theo HLV Argentina, những bài tập đó giúp các cầu thủ Atletico làm quen với mật độ thi đấu dày đặc trong suốt 9 tháng.

Đơn Ca
.
.
.