5 Khoảnh khắc & bộ mặt V.League

Thứ Ba, 22/09/2015, 11:53
Tấm màn nhung hạ xuống, V.League 2015 khép lại với rất nhiều dấu hỏi về sự trong sạch của các trận đấu cả năng lực tổ chức, điều hành của những nhà làm giải. Có thể "cận cảnh" 5 khoảnh khắc tiêu biểu nhất của một mùa giải để thấy cả cái được lẫn cái chưa được, cả cái hài lẫn cái bi của một giải đấu tiếng là chuyên nghiệp, nhưng thực chất vẫn đang ở thời quá độ lên chuyên.

1. Chức vô địch đầu tiên của "tướng" Mai Đức Chung 

Vòng 24, sau trận hoà 0-0 trên sân Lạch Tray (Hải Phòng), Becamex Bình Dương chính thức bảo vệ thành công ngôi vô địch, và đó là chức vô địch V.League đầu tiên của một HLV thuộc vào hàng lão làng như ông Mai Đức Chung. Ở thời bóng đá bao cấp, ông Chung từng dẫn dắt Tổng cục Đường sắt vô địch giải VĐQG, và sau đó ông cũng ghi nhiều dấu ấn trên các cương vị trợ lý HLV trưởng ĐTQG hay HLV trưởng ĐT nữ, nhưng kể từ khi tham gia sân chơi V.League ông luôn trải qua rất nhiều trắc trở.

Năm 2009, ông Chung bị chính Bình Dương sa thải giữa chừng, sau đó ông về cầm Navibank Sài Gòn và không lâu sau thì đội bóng cũng bị xoá tên khỏi bản đồ bóng đá Việt Nam. Năm 2014, ông Chung đã bất ngờ giúp bóng đá xứ Thanh giật được huy chương đồng, nhưng sau một cái "đồng" lịch sử thì giữa ông với những nhà lãnh đạo CLB lại tồn tại rất nhiều sự lệch pha.

Phải đến khi người bạn thân của mình là cựu GĐKT Bình Dương Lê Thụy Hải bị sa thải, và ông Chung ngồi vào thế chỗ thì niềm vui trọn vẹn mới đến với ông. Nhưng khách quan, ở một mùa giải mà Đà Nẵng, Sông Lam sa sút trông thấy, Hà Nội T&T chỉ tăng tốc ở giai đoạn cuối mùa, còn Thanh Hoá cũng chỉ đủ sức gáy lên vài tiếng thì chức vô địch mà thầy trò ông Chung có được diễn ra khá thuận. Và chính cái thuận ấy tố cáo sự thật về một mùa giải mà nhìn ở nhóm dẫn đầu người ta không tìm thấy dấu hiệu cạnh tranh tích cực.

Bình Dương hạnh phúc với ngôi vô địch. H.M.

2. Hoàng Anh Gia Lai trảm tướng, thắng liên hồi

Chủ tịch CLB HA.GL Đoàn Nguyên Đức bước vào mùa giải mới với rất nhiều mơ mộng được đặt vào lứa cầu thủ U.19+ của những Công Phượng, Văn Toàn, Tuấn Anh..., và sau trận đầu ra quân thắng lợi thì sự mơ mộng tăng thêm một nấc. Nhưng đến ngay vòng đấu thứ 2 thì dàn cầu thủ trẻ của ông Đức đã bị Đồng Tâm Long An hạ gục và kể từ đó họ chính thức rơi vào một cuộc khủng hoảng, mà đỉnh cao của nó là đã có lúc đội bóng rơi xuống những vị trí cùng đinh.

Trước tình cảnh ấy, ông Đức buộc phải nói lời chia tay với thầy giáo Guillaume Graechen để thay bằng thầy nội Nguyễn Quốc Tuấn, và thật sốc, ông Tuấn vừa nhiếp chính HA.GL thắng liền tù tì 3 trận. Nếu cái thắng 2-1 trước Đồng Nai trong một trận đấu được ví von như chung kết ngược đến bằng thực lực và sự may mắn thì hai trận thắng gắn liền với hai cú lội ngược dòng khó tin trước Sông Lam Nghệ An và Hà Nội T&T lại bị giới chuyên môn đặt ra rất nhiều dấu hỏi.

Cựu HLV trưởng HA.GL Guillaume Graechen thất bại trong lần đầu cầm quân V.League. H.M.

Người ta hỏi: Quả thật là HA.GL với ông thầy mới đã được "hô biến" tới độ đủ sức đánh đâu thắng đấy, hay vì một lý do nào đấy mà đối thủ của họ tự thua? Rõ ràng cuộc thay tướng giữa dòng và một mùa giải vừa mất tiếng vừa suýt mất miếng là một thất bại không thể chối cãi của ông bầu Đoàn Nguyên Đức.

3. HLV trưởng Trần Bình Sự đòi cơ quan Công an vào cuộc

Sau khi chứng kiến những chiến thắng khó tin của HA.GL, HLV trưởng Đồng Nai Trần Bình Sự bình luận: "Cờ đã vào thế hết rồi". Ông Sự bảo trận HA.GL - SLNA, cầu thủ hai đội chỉ đá thật trong khoảng 45 phút đầu tiên, và trận HA.GL - HN. T&T cũng thế. Từ đó, ông kiến nghị VPF, VFF phải có kế hoạch mời Công an vào cuộc làm rõ trắng đen vấn đề. Phải nhắc lại, ông Sự đã gần 70 tuổi, và là ông thầy nhiều tuổi nhất mùa giải vừa qua. Thế nên ông hiểu những gì mình nói, và một bộ phận không nhỏ giới chuyên môn, người hâm mộ cũng đồng cảm với những điều ông nói.

Về phía HA.GL, dĩ nhiên là không ngừng xuất hiện những lời "tố" ông Sự đã nói văng mạng, thậm chí còn "tố" ông đã hết thời. Về phía VPF, nghe đâu cũng có những nhắc nhở về việc "nên thận trọng trước mỗi phát ngôn", nhưng mọi thứ chung quy cũng chỉ dừng lại ở đấy. Rốt cuộc, ông Sự nói đúng hay sai, và tuỳ theo từng hoàn cảnh đúng - sai mà ông hoặc trở thành người hùng, hoặc trở thành người vu cáo không hề được VPF trả lời đến nơi đến chốn.

4. Pha bóng rợn người của Quế Ngọc Hải

Vòng áp chót V.League, trong một trận đấu không có quá nhiều ý nghĩa giữa Sông Lam Nghệ An - SHB.Đà Nẵng, tuyển thủ Quốc gia Quế Ngọc Hải đã thực hiện một cú song phi rợn người vào ống quyển của cầu thủ Anh Khoa. Nó gợi nhớ lại cú song phi làm gãy chân Anh Hùng của Đình Đồng - một đồng đội của Quế Ngọc Hải một năm về trước. Và nó gợi nhớ lại một V.League từng có thời điểm chìm trong bạo lực kinh hồn.

Ban Kỷ luật VFF lập tức ra án phạt treo Quế Ngọc Hải 6 tháng, phạt 15 triệu đồng và phải đền bù mọi chi phí chữa bệnh cho Anh Khoa. Nhiều người bảo tại sao không phải là treo theo "trận" mà lại treo theo "tháng"? Và tại sao bên cạnh việc treo ở V.League lại không treo luôn ở cấp độ ĐTQG? Với câu hỏi thứ nhất, không khó "ngửi" thấy rằng treo 6 tháng cũng có nghĩa Hải chỉ bị đình chỉ một số lượng rất ít các trận đấu, bởi thời điểm xuất hiện án phạt V.League chỉ còn 1 vòng đấu, và cũng phải 5 tháng nữa, mùa giải 2016 mới diễn ra.

Với câu hỏi thứ 2, cảm giác như VFF không muốn ĐTQG và ĐT U.23 QG bị giảm sức mạnh. Rất may là sau khi dư lận ầm ầm phản ứng, đích thân Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng đã khẳng định sẽ kiến nghị Tổng cục TDTT không gọi Hải vào đội tuyển. Mong là pha bóng dã man của Quế Ngọc Hải chỉ là một hình ảnh hiếm hoi, chứ không gợi lại cái không khí bạo lực vốn từng ngự trị V.League vài mùa giải qua.

5. Đồng tiền xứ Thanh

Đầu mùa giải năm nay, bóng đá xứ Thanh khởi đi với cái tên quen thuộc "CLB Thanh Hoá" nhưng sau đó đã nhanh chóng đổi tên thành "FLC Thanh Hoá". Với sự vào cuộc của FLC, Thanh Hoá bỗng trở thành một đội bóng ngập ngụa trong tiền. Từ chỗ bị nợ lương thưởng, các cầu thủ đã được thanh toán sòng phẳng, và lập tức được thưởng ở mức 500 triệu đồng/trận thắng. Thoạt tiên, mãnh lực đồng tiền giúp Thanh Hoá giành được một loạt các trận thắng liên tiếp, để phả hơi nóng lên gáy đội đầu bảng Bình Dương.

Nhưng trong "trận chung kết xuôi" với Bình Dương, Thanh Hoá đã thua tan nát 2-5, và kể từ đây là một chuỗi các trận đấu khiến người hâm mộ xứ Thanh không hài lòng. Rõ ràng, đồng tiền không thể giúp đội bóng này mua được đẳng cấp và danh hiệu trong một sớm một chiều. Thế nên nhiều người hy vọng với nguồn lực tài chính dồi dào, Thanh Hoá sẽ có chiến lược đầu tư cho bóng đá một cách căn cơ, bài bản hơn thay vì chỉ biết treo tiền để cầu thủ ra sân là...chạy (?).

Thiếu nhân tố mới

V.League năm nay đã siết lại số lượng ngoại binh và các cầu thủ nhập tịch được sử dụng trong mỗi trận đấu. Đó được cho là một cơ hội để những cầu thủ nội chứng tỏ khả năng của mình, và quả nhiên là trong cuộc đua danh hiệu ngôi phá lưới, hai cầu thủ nội là Lê Văn Thắng (Cần Thơ) cùng Hoàng Đình Tùng (Thanh Hoá) cũng đã xuất hiện một cách đều đặn. Tuy nhiên V.League năm nay vẫn chưa cho thấy những cầu thủ mới, cầu thủ trẻ thực sự hứa hẹn nào. Với thực trạng ấy, HLV trưởng ĐTQG Toshiya Miura chắc chắn sẽ phải đối diện với nhiều bài toán khó trong những lần cầm quân đánh trận tới đây.

Nhạt nhoà vai trò trưởng giải

V.League năm ngoái có ông trưởng giải người Nhật Tanaka Koji, tuy nhiên sự tồn tại của ông Koji diễn ra hết sức mờ nhạt. Dấu ấn duy nhất va lớn nhất mà ông để lại là cái tổng kết về việc: "Các cầu thủ V.League mỗi trận chỉ chạy được 5,6km, trong khi đó con số này của các cầu thủ châu Á là 10km". Năm nay, trước thềm mùa giải mới, ông Koji âm thầm về nước, và ông Nguyễn Minh Ngọc - trưởng giải hạng Nhất 2014 được đẩy lên, nhưng dấu ấn của ông Ngọc xem ra cũng chẳng hơn ông Koji là mấy.

Khi V.League đi vào giai đoạn nước rút và xuất hiện nhiều trận đấu đáng ngờ, ông cũng chỉ ra những văn bản kêu gọi các đội bóng, các cầu thủ phải đá trung thực, hết mình một cách chung chung - điều mà ai cũng có thể làm được. Nó khác hẳn thái đội mạnh mẽ, đầy dũng khí của cựu trưởng giải Ngô Tử Hà thời bóng đá bao cấp ngày xưa - người dám đè các đội bóng ra trừ điểm mà chỉ căn cứ vào "những dấu hiệu tiêu cực", chứ không cần truy tìm "chứng cứ tiêu cực".

Có rất nhiều khả năng, ông Nguyễn Minh Ngọc sẽ tại vị trên ghế trưởng giải thêm vài mùa bóng nữa, và nếu đúng thế, hy vọng dũng khí của ông sẽ được cải thiện nhiều hơn.

Diệp Xưa
.
.
.