7 phút sự thật

Thứ Sáu, 25/04/2014, 16:00

Đã hai vòng đấu nay rồi, các trận đấu ở giải ngoại hạng Anh đều bắt đầu vào thời điểm rất 'lạ' so với thông lệ. Ví dụ, thay vì 19:30 (giờ Việt Nam) bóng sẽ lăn trong trận Liverpool tiếp Man City thì trọng tài sẽ nổi hồi còi bắt đầu trận cầu vào lúc 19:37. 7 phút trễ lại để làm gì? Đơn giản, đó là 7 phút dành mặc niệm 96 nạn nhân của thảm họa Hillsborough năm 1989, trong trận đấu giữa Liverpool và Nottingham Forest.

Để có được 7 phút mặc niệm đó, người Liverpool đã phải đợi chờ 25 năm. Trong 25 năm dài dằng dặc ấy, truyền thông Anh, đặc biệt là tờ lá cải The Sun, đã kết tội chính các CĐV Liverpool là nguyên nhân gây ra thảm họa. Chỉ đến khi Thủ tướng Anh chính thức xin lỗi cộng đồng CĐV của đội bóng này vào năm 2013, những người đã nằm xuống, những người vẫn còn sống với ký ức kinh hoàng mới được gột rửa sạch uy tín để được công nhận họ chính là nạn nhân của sự tắc trách của cảnh sát, của lực lượng cứu hộ và cả của ban tổ chức sân năm ấy.

25 năm dằng dặc đợi công lý, 25 năm dằng dặc đợi chờ một lần đầu tiên được mặc niệm, đó là một tiến trình dài, không ngừng nghỉ đấu tranh và cả điều tra để sự thật được sáng tỏ. Và một nỗ lực kéo dài như vậy đủ để gọi 7 phút chậm lại của hai vòng đấu vừa rồi là 7 phút của sự thật.

Chính vì 7 phút sự thật ấy, trong trận thắng Man City 3-2 vừa rồi, ở vào khoảnh khắc trọng tài nổi hồi còi chấm dứt trận đấu có thể sẽ giúp Liverpool đăng quang ngôi vô địch Premier League sau 24 năm đợi chờ, đội trưởng Steven Gerrard đã bật khóc, những giọt nước mắt như thể ẩn ức của một con người muốn được ghi nhận tài năng của mình bằng một thành tựu thực sự. Ít ai biết rằng, khi Gerrard bước chân vào học viện bóng đá trẻ của Liverpool mới được 1 năm, vụ Hillsborough đã xảy ra và ám ảnh về thảm họa ấy cũng theo anh mãi đến tận bây giờ. Như bất kỳ một ủng hộ viên nào khác của Liverpool, Gerrard cũng chờ đợi một lần danh tiếng Liverpool được gột sạch khỏi những cáo buộc dối trá của truyền thông và được gột sạch bằng chính một danh hiệu cao qúy để chứng minh rằng, ở Anh, Liverpool mới là đội bóng vĩ đại nhất.

Tình yêu dành cho màu cờ sắc áo chính là điều gắn kết con người ta lại, để đấu tranh cho một sự thật, bất chấp thời gian đấu tranh ấy có thể kéo dài bao nhiêu lâu. Những ủng hộ viên sẽ đấu tranh theo cách của họ, nhỏ nhất thì tẩy chay tờ The Sun (Liverpool là nơi mà The Sun phát hành kém nhất nước Anh), lớn hơn nữa thì gây dựng các phong trào tưởng niệm, thu thập các chứng cứ dữ liệu để chứng minh một cách đơn độc về sự trong sạch của cộng đồng Liverpool. Còn những người yêu mến Liverpool có năng lực, thẩm quyền thì đấu tranh theo hướng điều tra, xây dựng hồ sơ, khiếu nại. Và các cầu thủ, họ đấu tranh bằng cách chơi bóng trên sân thật đẹp mắt, hiệu quả và lịch lãm. Tất cả những nỗ lực tập thể ấy là từ trong tấm lòng, không ai nhắc nhở ai, miệt mài và quyết tâm. Cuối cùng, Liverpool đã được trả lại đúng vị thế của mình, vị thế đội bóng được yêu mến nhất Anh quốc.

Các CĐV Liverpool và 7 phút sự thật trên sân Anfineld.

Thế mới biết, để trả giá cho 7 phút sự thật, nếu không có một tình yêu lớn lao, đích thực làm chỗ dựa, nếu không có một văn hóa CLB đủ bề dày làm điểm tựa, 24 năm chờ đợi vẫn còn là thời gian quá ngắn. Giả sử, không có từng nỗ lực riêng lẻ kia, chắc phải thêm vài lần 25 năm sau, Liverpool may ra mới có được cơ hội cuối cùng chốt lại sự việc như ngày hôm nay.

Ở Việt Nam, vụ scandal Vissai Ninh Bình nổ ra và người hâm mộ lại thêm một lần nữa lắc đầu ngán ngẩm. Không nói đến ai đúng-ai sai trong câu chuyện còn nhiều uẩn khúc ấy mà chỉ nói tới lý do vì sao các cầu thủ tương lai như thế lại bỗng dưng nên nỗi. Có người đổ tại trình độ thấp kém, có người đổ tại guồng máy lãnh đạo CLB cũng có những bất cập, có người thậm chí đổ tại nền bóng đá Việt Nam nó vốn đã hư hỏng thế rồi. Nhưng ít ai nghĩ đến một lý do cơ bản nhất, sát sườn nhất. Đó chính là tình yêu, niềm tự hào, văn hóa nền tảng của CLB. Các cầu thủ không đến với CLB bằng tình yêu thực sự bởi CLB làm gì có bề dày, có nền văn hóa tập thể đủ để họ muốn là một phần trong đó, được tự hào vì khoác màu áo đó. Thế nên, mối quan hệ hợp tác chỉ đơn thuần là thuận thì làm, không thuận thì thôi và sơ hở ra là có thể lật kèo nhau như bàn tay khi ngửa khi sấp.

Và hơn tất cả, đằng sau nó vẫn còn rất nhiều sự thật mà không phải ai cũng có thể tỏ tường. Để có thể có 1 phút thôi, sự thật ấy được mở rộng đường, không biết sẽ phải mất bao lâu để những người công chính trong nền bóng đá Việt phải miệt mài đấu tranh đơn lẻ???

Nhưng sự thật vẫn là sự thật. Sẽ không thể giấu nó mãi mãi bao giờ...

Hà Quang Minh
.
.
.