AFF Cup của Nguyễn Hữu Thắng

Thứ Tư, 16/11/2016, 22:27
Huấn luyện viên Nguyễn Hữu Thắng nhận nhiệm vụ đưa Đội tuyển Việt Nam vào chung kết AFF Suzuki Cup 2016, khởi tranh vào cuối tháng này. Cái nhiệm vụ mà thời còn là cầu thủ, Hữu Thắng từng làm được, nhưng thế hệ cầu thủ của anh khi ấy hiểu rằng "vào chung kết" vẫn chưa phải là tất cả.


Đấy là kỳ Tiger Cup (tiền thân của AFF Cup) năm 1998 trên sân nhà Hàng Đẫy. Kỳ Tiger Cup mà Hữu Thắng và các đồng đội tạo nên chiến công lớn với chiến thắng 3-0 trước ông kẹ Thái Lan ở bán kết, và cả Đông Nam Á tin rằng chúng ta sẽ đoạt cúp vàng.

Thế mà ở chung kết với kèo dưới Singapore - trận chung kết mà sân Hàng Đẫy chuẩn bị sẵn tâm lý trọng tài thổi còi mãn cuộc là ăn mừng chiến công thì chúng ta lại gãy, và gãy trong một kịch bản không thể đau hơn.

Hơn ai hết, Hữu Thắng hiểu nỗi đau của trận chung kết không dễ gì lý giải ở góc độ chuyên môn ấy. Hai năm trước đó, khi Tiger Cup được tổ chức lần đầu tiên thì Hữu Thắng cũng dính phải một sự cố buồn. Đấy là sự cố phải nhận thẻ đỏ rời sân trong trận Việt Nam - Lào, dẫn đến việc Đội tuyển phải đá thiếu người và đã bị Lào dẫn trước 1-0. May mà ở những phút cuối, Lê Huỳnh Đức đã xuất sắc đá phạt thành bàn mang lại trận hoà 1-1 đầy quý giá.

Sau trận đấu ấy, HLV trưởng Weigang giận Hữu Thắng, và giận luôn cả một bộ tứ ở hàng tiền vệ mà ông cho là đã không thi đấu hết ga hết số của mình.

Ông Weigang thậm chí còn tính đến chuyện đuổi những cầu thủ này về nước, nhưng với sự can thiệp của trưởng đoàn Tô Hiền, "quả bom" đã được tháo kíp nổ vào phút chót, và Đội tuyển sau đó vào bán kết rồi đoạt luôn Huy chương đồng.

Nhắc lại như vậy để thấy cuộc đời cầu thủ của Hữu Thắng gắn liền với những kỷ niệm buồn Tiger Cup, và hơn ai hết, Hữu Thắng muốn xoá tan nó bằng một chiến công của hôm nay. Vấn đề là hôm nay, trong tay Hữu Thắng đang có gì để hy vọng?

Hy vọng Nguyễn Hữu Thắng (phải) sẽ đổi vận ở kỳ AFF Cup trên tư cách huấn luyện viên.

Không khó nhận ra trong tay ông thầy xứ Nghệ này là sự kết hợp giữa một lứa cầu thủ đã chín muồi với những cầu thủ trẻ, mới lần đầu đem chuông đi đánh trận Đông Nam Á.

Trong số những cầu thủ chín muồi như Đình Luật, Thành Lương, Văn Quyết, thậm chí có những người (Công Vinh chẳng hạn) đã xác định rõ ràng đây là kỳ AFF Cup cuối đời.

Ngược lại những cầu thủ trẻ như Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường đang có cả một tương lai rộng dài phía trước để phấn đấu. Cái đội tuyển kết hợp nửa già nửa trẻ của Hữu Thắng tạo cho người xem ấn tượng lớn nhất ở thái độ, tinh thần thi đấu.

Đó là tinh thần lăn xả vào những pha tranh chấp, và đặc biệt, khi bị dẫn bàn trước vẫn tự tin triển khai lối chơi của mình, chứ không hề nao núng, run rẩy. Có thể nói một cách hình ảnh rằng đấy chính là chất thép mà một người khi còn đá bóng vẫn nổi tiếng với phẩm chất "thép" như Hữu Thắng đã tạo ra.

Nhưng khi cái "thép" bị đẩy tới mức thái quá thì nó lại tạo ra những tình huống mà có cảm giác học trò của Hữu Thắng vào bóng như muốn triệt chân đối thủ. 

Đơn cử như pha vào bóng của Quế Ngọc Hải với một cầu thủ của CLB Avispa Fukuoka (Nhật Bản) trong trận giao hữu cuối cùng trước thềm AFF Cup. Đấy là một pha bóng mà Quế Ngọc Hải lao cả gầm giày vào chân đối phương, khiến cầu thủ đối phương lăn lộn nằm sân, và sau đó phải vào bệnh viện chụp phim ngay tắp lự. 

Chứng kiến pha vào bóng này, nhiều người nhớ lại pha vào bóng tương tự của Quế Ngọc Hải tại V.League 2015, trong trận Sông Lam Nghệ An - SHB. Đà Nẵng, khiến cầu thủ Anh Khoa của Đà Nẵng cũng phải lăn lộn rời sân. Rồi người ta còn nhớ lại chính pha vào bóng của Nguyễn Hữu Thắng với một cầu thủ Đội tuyển Lào tại kỳ Tiger Cup đúng 20 năm về trước.

Công Vinh - Xuân Trường tiêu biểu cho 2 thế hệ già - trẻ trong lòng Đội tuyển Việt Nam lúc này. H.M.

Từ khi còn làm cầu thủ đến khi chuyển sang công tác huấn luyện, Hữu Thắng luôn nêu cao phẩm chất "bóng đá đàn ông", hiểu theo nghĩa đã vào sân là phải máu lửa, phải chiến đấu hết mình.

Thực tế, như đã nói, Đội tuyển Việt Nam dưới thời Hữu Thắng đã thể hiện rõ điều này - điều mà không phải người tiền nhiệm nào của Hữu Thắng ở Đội tuyển cũng có thể tạo ra. Nhưng khi cái "phẩm chất đàn ông" bị phát tác quá đà, giống như kiểu Quế Ngọc Hải lao cả gầm giày vào đối thủ thì đội bóng của Hữu Thắng lại đối diện với nguy cơ ăn thẻ rất cao.

Hãy thử tưởng tượng, ở AFF Suzuki Cup tới đây, nếu chúng ta lại tạo nên một pha bóng như vậy thì chắc chắn trọng tài sẽ rút thẻ đỏ, và nếu đúng vậy liệu có thể tiếp tục hy vọng vào sự cứu rỗi của một "Lê Huỳnh Đức thứ 2", giống như Lê Huỳnh Đức ở Tiger Cup 1996 được không? Đây là điều mà Hữu Thắng cần phải phân tích thật kỹ cho các học trò của mình, trước khi chính thức dấn thân vào sân chơi chiến lược.

Có một điều rất dễ nhận ra là từ ngày chính thức cầm quân Đội tuyển Việt Nam, trong mọi tình huống, mọi hoàn cảnh Hữu Thắng đều lên tiếng bênh vực các học trò. Như khi Văn Quyết phản ứng trọng tài ở V.League, và bị treo giò chẳng hạn, lúc đó Hữu Thắng không ngại nhận xét đó là một quyết định có phần nặng tay.

Hay mới đây nhất, khi Công Phượng bị chê trách là thi đấu cá nhân thì cũng lại là Hữu Thắng lên tiếng bảo vệ: "Đấy là điều cần có ở một tiền đạo". Việc luôn đứng ra bảo vệ các học trò khiến Hữu Thắng nhận được sự ủng hộ gần như tuyệt đối từ các học trò, và đấy cũng là điều mà không phải tất cả các vị thuyền trưởng trước đây của Đội tuyển Việt Nam đều có được.

Đội tuyển Việt Nam dưới thời Hữu Thắng có thể không khiến người ta phải lo lắng về chuyện "ghế thầy 4 chân, cầu thủ nắm 3 chân..." như dưới thời Falko Goetz hay Toshiya Miura.

Đội tuyển Việt Nam dưới thời Hữu Thắng nhiều khả năng cũng không khiến người ta phải lo lắng về ý chí, tinh thần chơi bóng giống như dưới thời Phan Thanh Hùng, Hoàng Văn Phúc trước đây. Nhưng Đội tuyển Việt Nam dưới thời Hữu Thắng thi thoảng lại làm người ta phải giật mình bởi những pha vào bóng mạnh mẽ quá mức, và đi kèm với nó là nguy cơ ăn thẻ.

Mong rằng trong hành trình AFF Cup tới đây, cái nguy cơ này sẽ được giảm thiểu một cách tối đa. Và mong là trong lần dự AFF Cup với tư thế của một vị tướng cầm quân, Hữu Thắng sẽ được sống với những cảm giác khác xa so với khi còn xỏ giày ra trận!

Giải đấu cuối đời cầu thủ của Lê Công Vinh

Chia sẻ với báo giới, Đội trưởng Đội tuyển Lê Công Vinh cho biết mặc dù rất muốn chạm vào cột mốc 100 lần khoác áo Đội tuyển Việt Nam (hiện giờ là 80 lần), nhưng vì nhiều lý do khác nhau, anh vẫn sẽ chính thức chia tay Đội tuyển sau kỳ AFF Suzuki Cup này.

Chính vì thế hơn lúc nào hết Công Vinh hy vọng Đội tuyển Việt Nam sẽ đoạt được cúp vàng giống như kỳ AFF Cup 2008. Nếu đúng thế, giải đấu cuối đời trong màu áo Đội tuyển quốc gia của Lê Công Vinh sẽ là một vết son, một kỷ niệm vô cùng đẹp đẽ.

Điều này thì những thế hệ đàn anh của Công Vinh, tiêu biểu là "thế hệ vàng" đã không có được. Tiger Cup năm 2000 tại Thái Lan  là giải đấu cuối cùng của "thế hệ vàng" bóng đá Việt Nam, với những cái tên đến tận bây giờ vẫn để thương để nhớ trong lòng người như Huỳnh Đức, Hồng Sơn, Minh Hiếu, Công Minh...

Tiger Cup ấy, cả một "thế hệ vàng" đặt mục tiêu phải vượt qua Thái Lan để lên ngôi vô địch, tạo ra một cuộc chia tay đẹp đẽ. Nhưng rốt cuộc đấy lại là giải đấu mà chúng ta không gãy bởi Thái Lan, mà lại gãy bởi Indonesia sau một trận bán kết không như ý mình.

Đến tận bây giờ mỗi khi nhắc lại trận bán kết tai hại ấy, nhiều cầu thủ thuộc "thế hệ vàng" vẫn không tránh khỏi cảm giác nuối tiếc, vì đấy là trận đấu Vũ Công Tuyền đã gỡ hoà 2-2 vào đúng những phút cuối cùng, nhưng sang đến hiệp phụ thì chúng ta lại thua bởi một bàn thắng vàng oan nghiệt của đối phương.

Ngọc Anh 

Lo ngại nguy cơ tiêu cực

Đó là vấn đề được đặt ra bởi HLV người Anh Steve Darby - người từng có gần 20 năm hành nghề ở Bóng đá Đông Nam Á. Steve Darby xới lên câu chuyện này trong bối cảnh Liên đoàn bóng đá châu Á (AFC) vừa treo giò 4 tuyển thủ Lào do dính vào tiêu cực ở một giải giao hữu quốc tế tại Malaysia, và cho biết: "Khi tôi còn làm HLV trưởng Đội tuyển Lào, xem các trận đấu ở giải vô địch quốc gia để tuyển quân cho Đội tuyển, tôi đã nghi ngờ một số trận đấu có kết quả thiếu trung thực".

Ông còn bảo 2/4 cầu thủ nói trên từng là học trò cũ của ông ở ĐT Lào. Theo Darby thì với thực trạng phức tạp của bóng đá Đông Nam Á hiện nay, Ban tổ chức AFF Suzuki Cup 2016 cần phải thực hiện nhiều biện pháp đồng bộ để ngăn ngừa tiêu cực.

Trước đây, Darby từng dẫn dắt Đội tuyển nữ Việt Nam vô địch SEA Games năm 2001, sau đó thất bại thảm hại với Đội tuyển U.23 Thái Lan tại SEA Games năm 2009.

Xen giữa hai khoảng thời gian đó, ông từng cầm quân ở giải nhà nghề Malaysia, và hiện tại đang tạm rời xa công tác huấn luyện để làm bình luận viên bóng đá cho Đài truyền hình ESPN. Ông có vợ là cựu VĐV điền kinh Việt Nam Nguyễn Vân Anh.

Tuấn Thành

Hoàng Anh
.
.
.