Ai "che chở" cho Ban trọng tài?

Thứ Sáu, 24/07/2020, 17:26
Mùa giải 2020 đang vỡ vụn dần dần khi công tác trọng tài yếu kém, đẩy mức độ căng thẳng tới mức bây giờ, khi giai đoạn 1 chưa hết nhưng đã có tới 3 trọng tài bị kỷ luật dài hạn.

Nhưng về phía Ban trọng tài, Trưởng ban Dương Văn Hiền nói thời điểm này cũng chỉ biết cố gắng động viên, nhắc nhở anh em tập trung làm cho tốt chứ cũng khó có thể làm gì hơn. Có vẻ như ông Hiền không quá lo lắng về việc cái ghế mình liệu có bị lung lay hay không sau những phản ứng dữ dội như vậy?

"Ban Trọng tài", thế giới riêng đầy quyền lực

Ông Dương Văn Hiền lên nắm chức Trưởng ban trọng tài VFF từ mùa giải 2019, sau nhiều năm làm phó cho ông Nguyễn Văn Mùi. Điều đó cho thấy ngoài năng lực chuyên môn từ những năm tháng cầm còi, ông Hiền cũng có không ít kinh nghiệm trong việc quản lý.

Tuy nhiên kể từ khi Ban Trọng tài có sếp mới, mọi chuyện lại diễn ra không mấy suôn sẻ. Từ mùa trước, công tác phân công trọng tài đã từng bị đặt dấu hỏi khi có một trọng tài bắt tới 6 trận của CLB Sài Gòn, hay có trọng tài cứ CLB Hà Nội đá sân khách là được giao cầm còi. 

Không ít CLB đã phàn nàn về chất lượng trọng tài ở V.League 2019. Và đến mùa giải năm nay, những sai sót của trọng tài diễn ra với mật độ ngày một nhiều hơn. Thậm chí, có thể coi nó đang ở mức báo động khi có quá nhiều quyết định sai từ "vua áo đen" gây ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả trận đấu.

Như một lẽ dĩ nhiên, mỗi khi có trọng tài mắc lỗi người ta sẽ luôn đặt câu hỏi trách nhiệm thuộc về ai?

Trưởng ban trọng tài Dương Văn Hiền.

Trước tiên cần biết rằng V.League hiện tại được tổ chức bởi Công ty VPF, nhưng cơ chế hoạt động vẫn cho phép Ban trọng tài tự phân công rồi gửi danh sách sang. Nghĩa là việc chọn ai, chọn cho trận đấu nào vẫn thuộc toàn quyền của Ban trọng tài. 

VPF có thể phản biện nhưng không phải là bên đưa ra quyết định cuối cùng. Căng lắm thì cũng chỉ đến mức như năm 2018, VPF ra thông báo không mời một số trọng tài làm việc đến hết mùa (đồng nghĩa với treo còi), còn việc sắp xếp nhân sự cho từng trận vẫn thuộc Ban trọng tài.

Nói thế để thấy quyền lực của Ban trọng tài lớn đến thế nào. Còn nhớ trước đây, bầu Kiên từng công khai nhắc đến chuyện trọng tài muốn được thổi thì phải có "đường dây". Vào được "dây" rồi thì sẽ được ưu tiên bắt chính nhiều hơn, đồng nghĩa với việc có thu nhập cao hơn. 

Chuyện này thực hư ra sao đến giờ vẫn là dấu hỏi, nhưng với một người làm bóng đá lâu năm như bầu Kiên, chắc hẳn ông biết nhiều hơn những người ngoài cuộc. Mà ở thời điểm hiện tại, người ký phê duyệt tờ phân công trọng tài đang là Trưởng ban Dương Văn Hiền.

Các cầu thủ Nam Định nhiều lần quây lấy trọng tài Mai Xuân Hùng.

Trọng tài V.League: vừa thiếu vừa yếu

Ở giai đoạn đầu mùa và giữa mỗi mùa giải, luôn có các đợt sát hạch về chuyên môn và thể lực với các trọng tài. Tuy nhiên do ảnh hưởng của dịch COVID-19, V.League 2020 mới đá được 2 vòng đã phải tạm nghỉ, sau hơn 2 tháng mới có thể trở lại. 

Quãng nghỉ trên không hề ngắn và có thể gây ra nhiều tác động. Bản thân các đội bóng trong giai đoạn này dù không thể tập luyện tập trung nhưng cũng luôn khuyến cáo cầu thủ cần tự tập để duy trì trạng thái sung sức thể thao, sẵn sàng trở lại bất cứ lúc nào.

Tuy nhiên với giới trọng tài, sau một quãng nghỉ dài như vậy, đã không có một đợt kiểm tra nào. Bằng cách nào Ban trọng tài có thể đảm bảo rằng những ông "vua áo đen" vẫn duy trì được thể lực để liên tục di chuyển, theo sát các diễn biến của trận đấu trong suốt 90 phút? Trưởng ban Dương Văn Hiền có phát biểu rằng đôi khi các tình huống diễn ra quá nhanh khiến trọng tài không theo kịp. Vậy nguyên nhân vì đâu?

Đó là chưa kể đến việc ngay từ đầu, chất lượng trọng tài V.League 2020 đã bị cảnh báo. Mùa trước cả giải có 5 trọng tài FIFA nhưng đến năm nay chỉ còn hai người là Ngô Duy Lân và Hoàng Ngọc Hà. Nhiều trọng tài kinh nghiệm như Nguyễn Hiền Triết, Nguyễn Trọng Thư, Nguyễn Trung Kiên, Hoàng Phạm Công Khanh đều vắng mặt ở lượt đi vì vấn đề thể lực, khiến Ban trọng tài phải đôn các trọng tài trẻ lên làm việc. Điều này là dễ hiểu, tuy nhiên việc thẩm định năng lực trọng tài để trao quyền cầm còi cho họ dường như chưa được làm tốt.

Phan Văn Đức đứng trên hàng phòng ngự Viettel cả mét nhưng vẫn bị trọng tài biên bắt việt vị.

Như trường hợp của trọng tài Mai Xuân Hùng, người mới bị treo còi ba trận vì bỏ sót đến ba quả penalty chỉ trong một trận đấu chẳng hạn. Mùa trước ông Hùng bắt ở giải hạng Nhất và suýt bị các cầu thủ Huế đuổi đánh ở vòng 19 vì bị cho rằng thổi ép. 

Đến năm nay khi được lên V.League, trước khi cầm còi trận Sài Gòn - Nam Định, trọng tài Mai Xuân Hùng mới chỉ có hai lần được bắt chính, vậy mà lại được trao cho việc bắt trận của Nam Định, đội bóng từ đầu mùa đã không ít lần kêu ca về trọng tài và luôn "soi" rất kỹ từng tiếng thổi còi vì cho rằng đội bóng của mình đang bị xử ép một cách có hệ thống. Một trận đấu yêu cầu bản lĩnh cao như thế với người non kinh nghiệm như ông Hùng rõ ràng là quá sức.

Hay như vừa rồi có một trường hợp trọng tài khác cũng bị treo còi ở V.League, sau đó được phân công về bắt ở một giải dành cho các đội U13 mà vẫn mắc lỗi khiến CĐV không khỏi bức xúc. 

Ông này bị CĐV Nam Định nhớ mặt nhớ tên nên khi chứng kiến việc chỉ phạt thẻ vàng dù thủ môn cố tình kéo ngã với tiền đạo đối phương chuẩn bị sút vào khung thành trống, họ lại thêm một lần đặt dấu hỏi về khả năng chuyên môn và sự công tâm của trọng tài này.

Việc V.League 2020 thay đổi thể thức thi đấu khiến giải đấu trở nên khốc liệt ngay từ giai đoạn lượt đi. Các đội bóng đều hướng đến một vị trí trong top 8 để sớm trụ hạng khiến cho các "trận cầu 6 điểm" xuất hiện nhiều hơn. Bởi thế mà khi thua vì sai sót trọng tài, họ càng "nổi điên" hơn.

Mà trọng tài đâu chỉ sai vì không theo kịp các tình huống bóng sống. Như bàn mở tỉ số ở trận Nam Định 0-2 Hải Phòng tại vòng 6, bóng xuất phát từ một tình huống phạt góc nhưng việc cầu thủ đội khách việt vị rõ ràng lại không bị phát hiện ra. Ngược lại, nhiều trường hợp các trọng tài bắt việt vị một cách cảm tính đến nỗi khiến khán giả có cảm giác ở các tình huống nhạy cảm, họ cứ căng cờ bắt lỗi cho… an toàn.

Rõ ràng, trong thời điểm VAR chưa thể triển khai, còn phương án trọng tài ngoại khó thực hiện vì dịch COVID-19, công tác trọng tài vẫn là bài toán khó giải với V.League. Và dư luận sẽ chẳng thể nào hài lòng với kiểu phát biểu rằng sẽ cố hết sức, trọng tài sai chỉ vì yếu chuyên môn chứ không phải tư tưởng có vấn đề từ miệng ông Trưởng ban trọng tài. Cứ để sai sót diễn ra liên tục như thế, liệu ông Dương Văn Hiền không sợ bị mất ghế hay sao?

Vì sao V.League chưa thể có VAR?

Việc các trọng tài liên tục mắc nhiều lỗi nghiêm trọng khiến người hâm mộ bày tỏ mong muốn V.League sớm có VAR. Tuy nhiên để làm được điều này không phải dễ và gần như chắc chắc chưa thể triển khai được trong mùa giải 2020.

Năm ngoái, việc đưa VAR vào sử dụng được VPF nhắc đến nhiều, cùng với đó là những hứa hẹn về thời gian dự tính đưa vào sử dụng. Các phương án chi tiết cũng đã được bàn tới, như việc VPF sẽ không xây dựng trung tâm điều hành cố định mà sử dụng các xe chuyên dụng làm phòng VAR và di chuyển tới tùy địa phương ở mỗi vòng đấu.

VPF dự kiến sẽ triển khai lắp đặt thiết bị trên hai xe, với kinh phí cho mỗi chiếc khoảng 8 tỷ đồng. Với ban tổ chức thì con số này không quá lớn, nhưng vấn đề nằm ở chỗ hiện tại Việt Nam đang thiếu nhân sự để vận hành VAR.

FIFA yêu cầu VFF, VPF phải bố trí 100 trọng tài để họ đào tạo, nhưng con số này rõ ràng là khó. Đó là chưa kể đến việc dịch COVID-19 khiến FIFA cũng chưa thể cử nhân sự sang Việt Nam hướng dẫn, khảo sát, đánh giá việc triển khai hệ thống VAR.

Đó là chưa kể đến vấn đề nếu có đưa vào sử dụng được, việc chỉ 2/7 trận mỗi vòng có VAR cũng có thể sẽ khiến gây ra các tranh cãi từ phía các đội bóng với nhau.

Một công nghệ khác cũng khó áp dụng được V.League đó là Goal-line. Ai cũng biết việc có Goal-line sẽ giúp giảm thiểu gần như tối đa các tranh cãi về chuyến bàn thắng hay chưa bàn thắng, đồng thời yêu cầu về nhân sự vận hành không nhiều như VAR. Tuy nhiên về giá cả, Goal-line đắt hơn VAR khá nhiều. Đó là chưa kể đến việc cơ sở hạ tầng tại Việt Nam không dễ để đáp ứng được việc lắp đặt. 

Goal-line sử dụng 14 camera tân tiến lắp xung quanh khắp sân ở các vị trí khác nhau, hướng đều về hai mặt khung thành của hai đội với 7 chiếc/bên. Và rõ ràng để triển khai được nó không phải dễ với điều kiện các sân bóng ở nước ta.

Đơn Ca
.
.
.