Alfred Riedl: Sao mãi mãi vòng kim cô màu bạc?

Thứ Năm, 22/12/2016, 09:03
Huấn luyện viên Alfred Reidl không giấu nổi gương mặt thất vọng sau trận chung kết lượt về AFF Suzuki Cup năm nay, khi Đội tuyển của ông bại trận 0-2, và cá nhân ông lại một lần nữa ngậm ngùi phận bạc.


Sau trận chung kết lượt đi trên sân nhà, Indonesia thắng Thái Lan 2-1, một mặt ông Riedl thừa nhận "đẳng cấp Thái Lan vẫn cao hơn", và "phải nhanh nhất 2 năm nữa Indonesia mới có đẳng cấp ngang bằng đối thủ" nhưng mặt khác ông vẫn không nguôi hy vọng về một lần bước lên đỉnh vàng Đông Nam Á.

Bằng chứng là khi cầm quân tới Bangkok đá trận lượt về, ông vẫn cố "lên gân" cho các học trò bằng tuyên bố: "Chúng tôi đến đây để giành chức vô địch, chứ không phải đi du lịch".

Thực tế, các học trò của Riedl đã làm tất cả những gì có thể: một thế trận phòng ngự triệt để được bày ra - y hệt như trận bán kết lượt về trên sân Mỹ Đình (Việt Nam) với hy vọng là kiểu phòng ngự tầng tầng lớp lớp ấy sẽ khiến các chân sút Thái Lan nản lòng, một tinh thần chiến đấu quả cảm đã được thể hiện từ phút đầu tiên đến những phút bù giờ cuối cùng, nhưng tất cả những điều đó vẫn không che lấp được sự cách biệt quá lớn về đẳng cấp.

Thái Lan thắng dễ 2-0, biến chiến thắng 2-1 ở lượt đi của Indonesia trở nên vô nghĩa, và biến những lời "lên gân" trước trận đấu của ông Riedl trở nên lạc điệu.

Không ai trách ông Riedl khi không thể giúp đội bóng của mình vượt qua Thái Lan, vì một mặt đội bóng của ông chỉ vừa trở lại sau lệnh cấm của FIFA, và vì giải vô địch Indonesia vẫn đang diễn ra nên ông không thể triệu tập được tất cả những cầu thủ giỏi nhất như mình mong muốn, một mặt - cái mặt quan trọng nhất: Thái Lan đang là bá chủ Đông Nam Á, và những gì họ thể hiện từ cấp độ Đội tuyển Quốc gia đến cấp độ Đội tuyển U.23, từ sân chơi AFF Suzuki Cup đến sân chơi SEA Games trong khoảng 4 năm liên tiếp gần đây cho thấy họ đang cách mặt bằng bóng đá Đông Nam Á quá xa.

Thế nên sau trận chung kết AFF Cup, ông Riedl nhận được nhiều lời động viên, an ủi từ người hâm mộ bóng đá Indonesia. Và có lẽ cá nhân ông cũng chính xác khi phát biểu: "Các cầu thủ đã làm mọi điều có thể, và họ hứa hẹn sẽ là ứng cử viên vô địch lớn ở giải đấu này lần sau". Nhưng nếu nhìn lại tất cả những gì đã xảy ra với chính mình trong các trận chung kết Đông Nam Á xưa nay, chắc chắn ông Riedl không thể tránh được cảm giác buồn bã và tiếc nuối.

Giải vô địch bóng đá Đông Nam Á lần thứ 2, năm 1998 (hồi ấy còn mang tên Tiger Cup), Riedl lần đầu tiên xuất hiện ở Đông Nam Á trong tư cách HLV trưởng Đội tuyển Việt Nam. Đấy là một Riedl với mái tóc xoăn, phong cách ăn mặc quần sóc - áo phông trẻ trung, và là một Riedl khiến nhiều người nhiều giới ngả mũ sau trận bán kết Việt Nam hạ Thái Lan 3 bàn.

Hồi ấy ai cũng nghĩ với thiên thời địa lợi nhân hoà, đội bóng của Riedl "giải quyết" kèo dưới Singapore trên sân nhà Hàng Đẫy là điều chỉ còn chờ thời gian đóng chốt, thế mà nghiệt ngã thay, trận đấu ấy Việt Nam thua đau 0-1. Thua từ một cái lưng thô kệch nhưng xuất hiện đúng nơi đúng lúc của hung thần Sasi Kumar.

Sau trận chung kết ấy Riedl bị các quan chức bóng đá Việt Nam đưa lên "bàn mổ", và đã có những "mổ xẻ" rất nghiêm túc quanh việc: Một ông thầy trình độ cấp ba sao có thể làm giảng viên Đại học? 

Sau này, khi nhiều tấm màn bí ẩn dần dần được kéo lên người ta mới hiểu, Riedl thua trận đó không phải vì kém tài, mà vì không dễ gì hiểu được và điều khiển được "cái đầu" cầu thủ. Bi kịch này thì không riêng gì Riedl, nhiều thầy ngoại khác đến Việt Nam hành nghề đều ít nhiều nếm trải.

Mười hai năm sau cái lần chết đau ở chung kết Tiger Cup ấy Riedl lần thứ hai vào chung kết, trên cương vị thuyền trưởng Đội tuyển Indonesia. Lạ là đường vào chung kết AFF Cup 2010 ấy, đội bóng của Riedl lại một lần nữa đánh bại Thái Lan, khiến Thái Lan thậm chí không qua nổi vòng đấu bảng. Và lại một lần nữa cái đội bóng "đánh bại Thái Lan" của Riedl được nhận định là sẽ dễ dàng "làm gỏi" kèo dưới Malaysia.

Thế nhưng ở trận chung kết lượt đi trên đất Malaysia, Indonesia lại bất ngờ gỡ 0-3, trong đó hình ảnh Riedl xua tay phản ứng trọng tài, đề nghị các học trò tạm dừng trận đấu đến tận lúc này vẫn được báo giới Indonesia ít nhiều nhắc đến.

Riedl làm thế là vì các học trò của ông bị các cổ động viên Malaaysia chiếu đèn Laser vào mắt, và trong buổi họp báo sau trận đấu, ông có lý khi bảo: "Hôm nay chúng tôi đã thua...cái đèn Laser" (trận lượt về trên sân nhà, Indo thắng lại 2-1 nhưng tỷ số đó không đủ giúp họ lật ngược ván cờ).

Từ cái lưng hung thần của Sasi Kumar ở chung kết Tiger Cup 1998 đến cái đèn Laser tai hại ở chung kết AFF Cup 2010, có cảm giác như Riedl quá đen với những trận đấu chốt hạ.

Bây giờ, trong lần thứ ba vào chung kết giải vô địch Đông Nam Á - lần mà đội bóng của Riedl bị đánh giá là yếu hơn nhưng cá nhân Riedl vẫn không ngừng hy vọng thì một lần nữa ông lại phải thất vọng. Có lẽ cái thua lần này không quá đau và nghiệt như 2 cái thua trong quá khứ. 

Duy có điều, Riedl đã lờ mờ nói đến việc sau AFF Cup năm nay, có thể ông sẽ chính thức giã từ công tác huấn luyện để dành thời gian cho gia đình, vợ con, có nghĩa ông đang thèm một chức vô địch chia tay - thèm một chiếc đinh cuối cùng - chiếc đinh vàng đóng lại một sự nghiệp cầm quân nhiều phận bạc. Thế mà cuối cùng vẫn chỉ là bạc.

Bên cạnh yếu tố đen đủi và sự cố như đã nói thì theo các chuyên gia bóng đá, một nguyên nhân quan trọng khiến Riedl cứ vào chung kết là lại bị bắt bài và thua...còn vì quan điểm cầm quân cầu toàn, máy móc quá đà của ông.

Từ Việt Nam đến Indonesia, Riedl đều bị đánh giá là HLV của một đội hình - một đấu pháp, cái đội hình mà người ta có thể dễ dàng đoán trước danh sách 11 cầu thủ ra sân ngay từ khi xuất hiện danh sách tập trung.

Còn đấu pháp thì gần như luôn là vậy: rập khuôn một kiểu đá, một cách đá từ trận đấu đầu tiên đến trận đấu cuối cùng. Có nghĩa, trong những thời khắc then chốt, cần đột biến, thậm chí cần sự táo bạo của một người "đánh bạc" thì Riedl vẫn nhất nhất cầu toàn.

Cần nhắc lại, ngoại trừ ba lần về nhì giải vô địch bóng đá Đông Nam Á với Việt Nam, Indonesia (không tính 3 về nhì SEA Games), Riedl cũng từng dẫn một CLB của Kuwait hai lần về nhì tại Cúp Quốc gia nước này. Không biết bây giờ, nhìn lại cuộc đời cầm quân của mình, có một mảy may nào Riedl thầm trách cái phận nhì, phận bạc cứ ám lấy mình như một định mệnh, một bóng ma, một cái vòng kim cô không sao gỡ bỏ?

Liệu có rút lại quyết định giải nghệ?

Sau trận chung kết với Thái Lan, HLV Alfred Riedl cho biết ông rất buồn với thất bại này, nhưng vẫn phải cảm ơn các cầu thủ vì dẫu sao họ cũng đã thi đấu với tất cả những gì có thể. Riedl nhấn mạnh rằng với một Đội tuyển Quốc gia vừa thoát lệnh cấm của FIFA, còn rất nhiều khó khăn thì việc lọt vào trận chung kết đã là một thành công ngoài mong đợi.

Xung quanh việc có chính thức giã từ công tác huấn luyện như mình từng đề cập trước đó hay không Riedl khiến người nghe rất bất ngờ với câu trả lời: "Tôi cũng chưa rõ tương lai của mình. Tôi thấy mình đang có một Đội tuyển giàu sức cạnh tranh, đủ khả năng tiến đến ngôi vô địch ở giải đấu 2 năm nữa. Nếu tiếp tục công việc này thì đấy cũng là một điều thú vị với tôi".

Với phát biểu này có vẻ ông Riedl đang muốn rút lại quyết định giải nghệ mà mình "lỡ" nhắc đến trước trận cuối cùng của Indonesia ở vòng đấu bảng.

Vấn đề nằm ở chỗ, ngay cả khi ông muốn ở lại để một lần nữa "xây mộng" AFF Cup 2018 thì Liên đoàn bóng đá Indonesia còn kiên nhẫn với ông không? Nên nhớ, trước thềm AFF Cup năm nay, khi LĐBĐ Indo quyết định mời lại Reidl thì đã có cả một làn sóng báo giới, dư luận phản đối quyết định này.

Diệp Xưa
.
.
.