Tràn lan MV nhảm trên mạng Internet: Ảnh hưởng xấu đến giới trẻ

Chủ Nhật, 11/03/2018, 16:04
Vài năm trở lại đây, có hàng loạt MV (video ca nhạc) nhảm nhí lan truyền chóng mặt trên Internet, với lượt nghe, xem, tải xuống cả triệu, nhiều ngang ngửa những bản hit được đầu tư công phu của những nghệ sĩ chân chính. Điều này khiến nhiều người lo ngại cho một môi trường “không trong sạch của Internet”, ảnh hưởng xấu đến văn hóa, giáo dục đối với giới trẻ thậm chí cả những học sinh cấp tiểu học.


Lan tràn nhạc rác trên mạng

Người ta gọi là nhạc rác, nhạc nhảm bởi vì những MV âm nhạc kiểu này thường gây sốc bằng những lời lẽ nhảm nhí, hình ảnh phản cảm. Thậm chí có những sản phẩm sử dụng ngôn từ, minh họa thiếu lành mạnh, cổ xúy cho các tệ nạn xã hội, hay lối sống bất cần, phá phách của giới trẻ.

Trong một lần đến nhà người bạn chơi, tôi vô cùng bất ngờ bởi hai cậu con trai đang chăm chú xem Youtube những MV được ghép những lời nhảm nhí với nền nhạc của các bài hát nổi tiếng. Đặc biệt những cậu bé đang ở tuổi tiểu học này lại tỏ ra thích thú. Đặc biệt hơn nữa, cậu em mới chỉ 4 tuổi đã thuộc làu làu lời bài hát mà chẳng phải ai dạy hay ép buộc.

Chị Thanh (mẹ của hai cháu nhỏ) tâm sự: “Ban đầu tôi cho các cháu xem các clip ca nhạc thiếu nhi, phim hoạt hình để dỗ dành các cháu ăn. Vài năm sau đó các cháu lớn hơn, tự truy cập được Internet và đã xem những MV ca nhạc này. Nhiều lúc thấy chúng nó vui vẻ xem tôi cũng không để ý là xem cái gì, không biết bài hát đó hát gì. Nói đúng là lỗi phần nhiều do bố mẹ, giờ thì chúng nghiện những MV kiểu như vậy rồi”.

Một hoạt cảnh trong MV "Đời xe ôm".

Trong thực tế, các bài hát kiểu ghép lời trên nền nhạc của những bài hát nổi tiếng này giống như sự nhân danh sáng tạo để thỏa mãn nhu cầu nổi danh, thậm chí muốn nổi loạn của một vài cá nhân. Đặc biệt hơn, không chỉ Youtube mà còn các trang mạng xã hội cũng “ngấm ngầm” tiếp tay cho sự lan truyền ca khúc nhảm này, ngay cả những trang nhạc trực tuyến.

Chẳng khó khăn gì để lên mạng tìm được những MV đang “hot” với giới trẻ, theo đó phải kể đến những gương mặt youtuber “làm mưa làm gió” trên mạng Internet như: Vanhleg, Đỗ Duy Nam… Sản phẩm của họ làm thường là chế các ca khúc nổi tiếng với những lời lẽ, hoạt cảnh vừa nhảm nhí vừa thô tục. Thế nhưng giới trẻ lại vô cùng háo hức chờ đợi các MV mới ra lò.

Số lượng người xem tăng lên chóng mặt chỉ trong vài giờ đăng tải. MV ít cũng có vài triệu, nhiều có khi tới vài chục triệu, thậm chí có MV vượt ngưỡng 100 triệu lượt xem. Youtuber Vanhleg với những MV như: “Tết nhà bà Hoan” (20 triệu lượt xem) dù mới chỉ ra lò chưa được bao lâu; “Anh Thơ nụ” (dựa theo nền nhạc bài “Em gái mưa”, 64 triệu lượt xem), “Chuyện tình thợ xây” (dựa theo bài “Nơi này có anh”, 65 triệu lượt xem).

Trong MV “Chuyện tình thợ xây” với nhiều lời lẽ tục tĩu như: “Em là ai bước đến nơi đây mà đẹp như tiên? Em là con mẹ Hiên bán miến gần hầm Kim Liên. “Miến” em thật ngon, “nước nôi” cũng rất ngọt, đắm say từ phút đó, định sờ tay em nhưng không cho…” hay MV “Đại ca lớp 12A” dựa theo nền nhạc bài “Túy âm” và “Save me”.

Chuyện kể về một nam học sinh thường xuyên đi học muộn, khi bị cô giáo phạt thì các bạn hùa vào chửi theo: “Chết mẹ mày chưa, cái tội ngu, thức đêm thẩm du xong đếu dậy được, sau này mày làm gì cho đất nước”.

Em Nguyễn Văn Thắng (học sinh lớp 10, quận Hà Đông) cho hay: “Nhiều bạn thích các MV này là vì lời họ đưa vào bài hát là những từ lóng hằng ngày các bạn trẻ hay dùng. Như “VCL”, “CCMNR”… đồng thời họ chọn những bài hát hit của những ca sĩ nổi tiếng, như bài: “Em gái mưa”, “Buồn của anh”, “Túy âm”… Cháu không hiểu tại sao mà nhiều bạn thích thể loại này đến vậy, đến lớp nhiều bạn hát lắm, các bạn còn tự dựng lại cả clip dựa theo các MV ấy”.

Còn với Youtuber Đỗ Duy Nam cũng cho ra lò những MV không kém phần “long trọng” như bài: “Mặt trời của anh” dựa theo bài “Kém Duyên” thu hút tới 3 triệu lượt em. MV này kể về tình yêu của một anh đồng nát với những lời lẽ dung tục và nhảm nhí như: “Tình yêu ta là tình yêu bát ngát, yêu anh rồi cho anh hôn một phát. Đã yêu nhau là tình yêu xanh ngát, yêu anh rồi em đếch phải rửa bát”. Hay MV “Người lạ ơi” và “Buồn của anh” được chế lời cũng hút tới 12 triệu lượt xem.

MV nhảm sẽ rất nguy hiểm cho hành vi, nhận thức của trẻ em.

Nói tới những youtuber “đình đám” không thể không nói đến hai cái tên Pinboys và Huynh Jamses. Họ có những MV đang “nóng bỏng tay” với giới trẻ như “Mình cưới nhau đi” với 54 triệu lượt người xem. Lời của MV này khiến không ít người giật mình: “Yêu là phải cưới, mà dính bầu thì cũng phải cưới. Xóm của anh là xóm ăn chơi còn xóm của em là xóm biển khơi… Chờ ngày mai bình minh ló rạng, anh đốt vàng mã anh thỉnh luôn nàng”.

Kết thúc bài hát bằng câu: “Em ơi em ơi, em đừng cà chớn chén với xoong có ngày lên đầu”. Còn MV của Huỳnh Jamses có tên “Cho họ ghét em đi” cũng cán tới 71 triệu lượt xem, lời lẽ cũng chẳng kém phần thô thiển: “Mới sáng sớm anh bước ra ngõ, anh đạp cứt chó thật quá nhọ. Đời của anh giống như chữ 0, anh hơi sống khác hơn là bọn họ”.

Vì mục đích cá nhân mà làm ảnh hưởng tới nhiều người

Theo tìm hiểu của chúng tôi, nhưng MV kiểu như vậy ban đầu chỉ được dựng lên để thỏa mãn sở thích “quái gở”, tạo sự nổi tiếng trên thế giới ảo. Tuy nhiên khi những MV được số lượng người truy cập đột biến, những youtuber được nhiều người biết đết thì họ sẽ nhận được không ít lợi nhuận về mình.

Bên cạnh khoản tiền mà nhà điều hành Youtube phải trả là một khoản tiền khổng lồ họ nhận được khi lồng ghép những quảng cáo games vào đó. Và nó đã trở thành một “nghề” của rất nhiều “hot boy” “hot girl” trên mạng. Rõ ràng chỉ vì những lợi nhuận cá nhân mà những MV nhảm nhí này làm ảnh hưởng tới không ít người xem. Nó sẽ gây ảnh hưởng tới nhận thức, hành vi của thanh, thiếu niên khi đề cao lối sống ích kỷ, bất cần, thích hưởng thụ, ngại cống hiến…

Và sẽ là không công bằng cho những nghệ sĩ, ca sĩ thực thụ, họ đầu tư công phu, tốn kém để làm ra những MV hay nhưng lượng người xem lại không thể theo kịp. Hơn nữa, điều này có nguy cơ kéo thấp thị hiếu thưởng thức âm nhạc của giới trẻ, hình thành một xu hướng nghe nhạc dễ dãi, rẻ tiền, làm thui chột khả năng lao động sáng tạo nghệ thuật nghiêm túc.

Sẽ không có gì đáng ngại nếu như những giai điệu của các bài hát nổi tiếng bị ghép với những lời vui vẻ, sôi động. Đáng ngại lại là những MV này còn có cả những hình ảnh trong các MV đó. Mới đây xuất hiện một MV khiến không ít người bức xúc nhưng lại được lan truyền chóng mặt. Đó là những thanh niên xăm trổ, hút thuốc, đánh bài thậm chí hút cả cỏ khô, phê pha bên rượu bia.

Không hiểu sao các bạn trẻ lại đón nhận rất cuồng nhiệt, liên tục chia sẻ, hát khắp trong nhà đến ngoài phố, thậm chí còn cover lại. Một video khác là cảnh rất nhiều sinh viên tụ tập tại phòng trọ để nhậu và hát. Vây quanh họ là một khung cảnh lôi thôi, lon bia vứt tứ tung.

Để rồi, có một nhóm học sinh lớp 12 một trường THPT ở Cà Mau vì quá “nghiện” bài hát mà đã biểu diễn ngay tại buổi mít tinh của trường. Đạo diễn Hoàng Duẩn, người tổ chức rất nhiều sân chơi nghệ thuật cho giới trẻ có nhận định trên truyền thông rằng, đây là những bài hát rất đáng lo ngại. Rất dễ tạo cho họ những suy nghĩ nguy hiểm về hưởng thụ trong cuộc sống.

Lời lẽ trong MV "Tết nhà bà Hoan" cũng khá tục tĩu.

Tất nhiên, việc lựa chọn bài hát, xem gì trên Youtube là câu chuyện riêng, nhu cầu riêng của mỗi người, không ai cấm được. Tuy nhiên nghe, xem và học theo lại là một việc rất đáng báo động. Câu hỏi đặt ra là, cơ quan quản lý nhà nước liệu có biết về những “hiện tượng mạng”, những bản “hit” nhảm nhí làm mưa làm gió trong đời sống của giới trẻ vừa qua?

Ngành Giáo dục hành động gì khi những bài hát phản cảm như vậy vẫn còn vang lên ngay trong trường học? Và những bậc phụ huynh vì sao vẫn buông lỏng con cái để chúng tùy tiện nghe, xem những MV nhảm nhí?

Năm 2014, Thanh tra Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã từng phạt một số trang nghe nhạc trực tuyến vì phổ biến bản ghi âm bài hát “Phiếu bé ngoan” và “Tan ka ka” có nội dung không phù hợp với thuần phong mỹ tục, truyền thống văn hóa Việt Nam. Sau đó, Bộ cũng gửi công văn tới hàng loạt đơn vị quản lý website âm nhạc đề nghị kiểm tra, gỡ bỏ ngay các bài hát có nội dung phản cảm. Tuy nhiên sau đó, mọi thứ đâu lại vào đấy và những ca khúc "rác" lại tiếp tục nở rộ. Tuy nhiên trong bối cảnh bùng nổ Internet, thì bất cứ thứ gì nhảm nhí cũng dễ dàng được đăng tải; việc có những chế tài mạnh tay là cần thiết.
Song Anh
.
.
.