BARCELONA: Vận đen, âm mưu hay sự tuột dốc của hệ thống?

Thứ Năm, 17/04/2014, 17:30

Barca, một cái tên lừng lẫy, một hình ảnh giàu sức biểu cảm, và một thương hiệu danh giá, bất ngờ rơi vào hố đen khủng hoảng. Không phải cuộc khủng hoảng trên sân cỏ, mà đó là sự hoảng loạn trong hệ thống vận hành. Những cú sốc liên tục đẩy Barca vào cơn lốc xoáy kinh hoàng, khiến nhiều người đặt ra câu hỏi: Liệu Barca gặp "vận xui", sự tuột dốc của một thương hiệu, hay đây là một âm mưu mà Barca là nạn nhân?

1. Khi bóng đá trở thành trò chơi thương mại hạng sang, những cạm bẫy là điều đương nhiên có. Cạm bẫy từ đối thủ, cạm bẫy từ thương trường, cạm bẫy từ truyền thông, dư luận, và cạm bẫy từ chính bản thân mình với hàng ngàn quy định, điều lệ, luật… điều chỉnh từ hoạt động thi đấu, chuyển nhượng, thương mại, đối ngoại, đầu tư…

Mới đây, Bayern Munich vừa mới trải qua quãng thời gian bi kịch khi Chủ tịch Uli Hoeness được đưa ra xét xử vì tội trốn thuế. Dù chỉ là vụ án cá nhân, không liên quan gì đến CLB, nhưng ít nhiều thì việc Hoeness vào khám và phải từ chức đã tạo ra một vết sẹo trong tiềm thức về một đội bóng vĩ đại, với những con người vĩ đại, trong đó có cả ông Chủ tịch Uli Hoeness. Vụ án mà Bayern trải qua khác hẳn với những gì đang diễn ra ở Barca, cũng liên quan đến vị Chủ tịch khả kính, khiến ông phải từ chức.

Thương vụ Neymar tưởng như diễn ra êm ả như hàng trăm vụ chuyển nhượng mà Barca đã thực hiện, bỗng nhiên có cáo buộc BLĐ đội bóng do Chủ tịch Sandro Rosell đứng đầu, đã làm những hoạt động thương mại giả trong vụ chuyển nhượng Neymar (51,7 triệu euro hoặc 86,1 triệu euro) và kê khai dưới giá trị thật để trốn tiền thuế. Ngay lập tức, Chủ tịch Sandro Rosell phải từ chức, còn Barca phải nộp 15 triệu euro tiền thuế gian lận. Sau khi scandal này bị phanh phui, những người Barca mới ngồi lại mà suy ngẫm. Tại sao thông tin nào bị bại lộ, mà nguồn gốc lại vô cùng mập mờ, thậm chí được hồ nghi rằng từ những tờ báo thân Real Madrid, đối thủ kình địch của Barca.

Dù Barca đã chao đảo, xiêu vẹo như kẻ bị trúng đạn sau scandal Sandro Rosell, nhưng bi kịch vẫn chưa chịu dừng lại.

Chỉ 2 tháng sau khi Chủ tịch Sandro Rosell phải tuyên bố từ chức vì vụ Neymar, một cú đấm chí mạng giáng xuống đầu Barca. Không hề có cảnh báo nào được đưa ra, ngày 2/4, FIFA ra quyết định cấm Barca chuyển nhượng trong 14 tháng vì vi phạm quy định chuyển nhượng cầu thủ dưới 18 tuổi. Đây được coi như đòn knock-out quyết định có thể biến Barca trở nên tồi tệ. Tồi tệ về chất lượng, về thành tích, và tồi tệ về cả hình ảnh, thương hiệu, danh tiếng.

Messi trốn thuế ảnh hưởng lớn tới Barca.

Quy định của FIFA có điều khoản: Một CLB chỉ có thể chuyển nhượng một cầu thủ từ nước ngoài trên 18 tuổi, nếu cầu thủ chưa đủ 18 tuổi thì phải có đủ 1 trong 3 yếu tố: 1. Cha mẹ của cầu thủ đó phải chuyển đến quốc gia đó vì lí do phi bóng đá; 2. Nếu họ đến từ quốc gia khác trong liên minh châu Âu hay khu vực kinh tế châu Âu và cầu thủ trong độ tuổi từ 16 đến 18; 3. Nếu họ sống trong bán kính 100km xung quanh CLB đóng quân.

Trong trường hợp của Barca, họ đã thực hiện khoảng 10 vụ mua cầu thủ dưới 18 tuổi từ các nước khác trong khoảng thời gian từ 2009 đến 2013, vi phạm điều lệ của FIFA, cụ thể là FIFA đã xác định rằng cha mẹ của các cầu thủ này di chuyển đến Tây Ban Nha vì lí do bóng đá. Kết cục là Barca phải chịu hình phạt cấm chuyển nhượng 14 tháng (tức là 2 kì chuyển nhượng, mùa hè 2014 và mùa đông vào tháng 1/2015), đồng thời nộp phạt 450.000 francs Thụy Sĩ, Liên đoàn Bóng đá Tây Ban Nha cũng liên lụy và phải nộp 500.000 francs Thụy Sĩ.

Đầu tiên cần phải khẳng định rằng, những hoạt động trên của Barca là sai luật, và Barca có 90 ngày để kháng cáo lên Tòa án thể thao quốc tế (CAS), nhưng những bê bối liên tiếp diễn ra như vậy đã tạo ra một làn sóng hồ nghi về quá trình đẩy những scandal này ra ánh sáng.

2. Trong thời gian 90 ngày Barca kháng cáo sẽ có những diễn tiến hứa hẹn rất thú vị. Năm 2009, bóng đá châu Âu cũng đã chứng kiến trường hợp tương tự Barca bây giờ, đó là Chesea. Họ bị cấm chuyển nhượng 1 năm khi mua một cầu thủ 17 tuổi từ Pháp. Nhưng sau khi kháng cáo lên CAS, bản án được lật ngược trong những mối nghi ngờ về bàn tay của ông chủ tỷ phú Roman Abramovich.

Tuy nhiên, đây không phải là câu chuyện chính, mà vấn đề nằm ở chỗ, chắc chắn Barca không phải CLB duy nhất dính phải "cái bẫy" chuyển nhượng cầu thủ trẻ. Arsenal từng kí hợp đồng với Cesc Fabregas của lò La Masia năm 2003 khi anh mới 15 tuổi. Mấy năm qua họ cũng mang về nhiều tài năng trẻ như Fran Merida, Ignasi Miquel, Julio Pleguezuelo và Jon Toral từ học viện La Masia của Barca. Năm 2004, Man Utd mua hậu vệ Gerard Pique cũng từ Barca lúc chưa đầy 17 tuổi. Rồi còn những vụ Josimar Quintero đến Chelsea, Sergi Canos đến Liverpool

Tất cả họ đều chưa tới 17 tuổi. Và chính Barca cũng đã mua Lionel Messi, lúc cầu thủ người Argentina này mới 11 tuổi. Thậm chí, khi đó họ cũng chẳng giấu giếm gì việc mời cha mẹ Messi đến Barcelona vì thương vụ này. Có thể các quy tắc đã thay đổi theo thời gian, nhưng thực tế là về cơ bản các quy định không khác về nội dung. Sở dĩ Arsenal hay Man Utd có thể lách được luật mà mua tài năng trẻ từ Tây Ban Nha bởi lỗ hổng trong hệ thống luật: CLB không thể kí hợp đồng với cầu thủ cho đến khi họ đủ 18 tuổi.

Không chỉ có những đội bóng trên, chắc chắn sẽ có nhiều CLB lớn khác đang làm trái luật. Nhưng tại sao chỉ có Barca bị xử?

Ngay sau khi Chủ tịch Sandro Rosell phải từ chức, những dấu hỏi đã được đặt ra, liệu đây có phải là nước cờ chính trị từ một lực lượng anti-Barca, hoặc những phần tử Barca chống đối Sandro Rosell? Hiện nay, Chủ tịch tạm thời của Barca là Josep Maria Bartomeu, đang phải đối mặt với một áp lực cực lớn từ phía CĐV kêu gọi một cuộc bầu cử càng sớm càng tốt.

Trong quá trình điều tra của tòa án, họ còn thu thập được một thông tin rằng, một thành viên của đội, bác sĩ của Barca là ông Jordi Cases đã có những hành vi nhằm lật đổ Rosell. Tuy nhiên, đó là chuyện nội bộ nên tòa án không can dự. Tiếp đó, sau sự vụ chuyển nhượng cầu thủ dưới 18 tuổi này, FIFA đã có hẳn một cuộc điều tra nhắm vào hệ thống đào tạo trẻ mà Barca không hề biết. FIFA còn có danh tính của 10 cầu thủ trẻ mà Barca đã mua sai luật (nhưng họ không tiết lộ), và lí do đưa ra đều là cha mẹ của chúng đến Tây Ban Nha vì lí do bóng đá.

Đến đây, cái gọi là học thuyết âm mưu lại được Barca đưa ra nhằm phản pháo lại học thuyết âm mưu có tên "Villarato" mà phía Real Madrid đã đặt cho họ (giả thuyết về các trọng tài có những quyết định thiên vị Barca). Liệu rằng có một nguồn tin, thậm chí là một "nhóm nghiên cứu Barca" được thiết lập để nhắm vào những điểm yếu, những bí mật phía hậu trường của CLB này? Khi mối nghi ngờ này được đưa ra, ngay lập tức đại diện phía Real Madrid đã lên tiếng bác bỏ, tuyên bố đó là lập luận vô căn cứ. Đúng là một mất mười ngờ, Barca không thể buộc tội bừa như vậy, nhưng những hồ nghi của Barca không phải là không có cơ sở khi những sự kiện diễn ra theo trình tự giống như một kịch bản được dàn dựng công phu, có cao trào, bất ngờ, và đầy bí ẩn.

3. Kể từ khi Pep Guardiola ra đi, hằng loạt rắc rối xảy đến với Barca như một vận đen đeo bám. Chỉ từ năm 2012, hình ảnh vàng son, chói lọi của một CLB với phương châm "Không chỉ là bóng đá" đã bị suy giảm đáng kể.

Trở lại tháng 12/2012, HLV Tito Villanova được chẩn đoán bị ung thư. Barca đưa Tito sang New York chữa trị, nơi Pep Guardiola sống. Và từ đây quan hệ giữa Pep và Chủ tịch Rosell trở nên căng thẳng khi Chủ tịch Barca chỉ trích cựu HLV Barca không thường xuyên thăm hỏi trợ lí cũ của mình, khiến Pep nổi điên và tuyên bố đoạn tuyệt với Rosell. Sau đó, Barca lại phải chia tay hậu vệ Abidal sau khi cầu thủ này ghé gan thành công và chiến đấu với bệnh ung thư. Khi đó, chính ông Rosell cũng đã bị chỉ trích nặng nề.

Chỉ một thời gian ngắn sau khi chia tay Abdal, Barca từ bỏ dòng chữ UNICEF trên ngực áo để tiến hành một thỏa thuận thương mại áo đấu đầu tiên trong lịch sử với Qatar Airways trị giá khoảng 30 triệu euro/năm. Và hình ảnh của Barca còn đi xuống nghiêm trọng hơn khi người ta phát hiện ra rằng, họ đã âm thầm, lén lút tiến hành 2 năm "chuyển tiếp" dưới cái mác biểu tượng của tổ chức từ thiện Qatar Foundation.

Đến lúc Rosell từ chức vì vụ bê bối Neymar, kế hoạch do ông khởi xướng nhằm tái tạo SVĐ Nou Camp, tăng sức chứa 105.000 chỗ cùng hệ thống khách sạn mới trị giá 600 triệu euro bị treo lại. Đáng nói đây là kế hoạch bị phản đối, và nó sẽ được trưng cầu ý kiến vào cuối tuần này.

Tất cả những sự kiện trên khi xâu chuỗi lại, đúng là Barca đang liên tục trải qua những cú đấm ác liệt, liên tục, bất ngờ khiến họ không kịp trở tay. Và thực tế họ đã "hứng trọn mọi đòn" đến mức xiêu vẹo, ngả nghiêng. Nghe đòn, Barca đã có một ê kíp điều tra xem liệu có một tổ chức nào đó chống lại mình hay không. Nếu có thật thì đó cũng là xuất phát từ sự hồ nghi, sau những sự kiện chết người diễn ra từ chính những hoạt động thượng tầng mang tính hệ thống xoay quanh hai chữ "tiền bạc"!

Những sự kiện khiến Barca mất hình ảnh

Sự đi xuống của Barca bắt đầu từ khi Pep ra đi.

Tháng 5/2012: Pep Guardiola từ chức sau 4 năm nắm quyền. Tito Vilanova lên thay thế.

Tháng 12/2012: Vilanova trải qua ca phẫu thuật ung thư và trở lại làm việc vào tháng 3/2013.

Tháng 3/2013: Barcelona xác nhận một thỏa thuận quảng cáo áo đấu với Qatar Airways, họ trở thành nhà tài trợ áo thương mại đầu tiên trong lịch sử của Barca.

Tháng 5/2013: Eric Abidal được phép rời Barca, chỉ 1 tháng sau khi trở lại từ ca ghép gan.

Tháng 6/2013: Lionel Messi bị cáo buộc trốn thuế.

Tháng 7/2013: Vilanova từ chức HLV Barcelona vì lý do sức khỏe.

Tháng 1/2014: Chủ tịch Sandro Rosell từ chức vì những cáo buộc Barcelona trốn thuế trong vụ chuyển nhượng Neymar.

Tháng 2/2014: Barca nộp 11,2 triệu bảng cho cơ quan thuế vụ Tây Ban Nha sau khi bị buộc tội gian lận thuế vụ chuyển nhượng Neymar, nhưng họ vẫn khẳng định mình không sai.

Tháng 4/2014: Barca bị cấm chơi chuyển nhượng 14 tháng.

L. Trung
.
.
.