"Bà đỡ" cho nhạc sĩ trẻ

Thứ Tư, 18/04/2018, 17:37
Những cuộc thi tìm kiếm người sáng tác như “Sing my song” (Bài hát hay nhất) đã ít nhiều tác động đến thị trường âm nhạc giúp đỡ những người trẻ tài năng với những ca khúc có chất lượng đến với công chúng.


Sáng tác là câu chuyện cá nhân. Không ai thay thế người sáng tác trong mọi khâu. Nhưng khi người sáng tác còn trẻ, việc có một “bà đỡ” tài năng, giúp người sáng tác “căn chỉnh” lại mình, giúp họ hoàn thiện cả về tư duy lẫn kỹ năng sáng tác là điều cần thiết. 

Trong tình hình đời sống âm nhạc những năm qua, số lượng người viết trẻ tham gia địa hạt sáng tác ca khúc tăng vọt, số lượng ca khúc bổ sung vào đời sống âm nhạc nhiều lên và tỷ lệ với đó là số lượng ca khúc chết yểu cũng không hề ít thì những cuộc thi tìm kiếm người sáng tác như “Sing my song” (Bài hát hay nhất) đã ít nhiều tác động đến thị trường âm nhạc. 

Những người trẻ tài năng với những ca khúc có chất lượng của họ góp phần định hướng lại thẩm mỹ âm nhạc của công chúng cũng như định hướng thị trường theo chiều tích cực hơn.

Vì sao ca khúc chết yểu?

Một thời gian dài đã qua, chúng ta chứng kiến nhạc trẻ phát triển theo kiểu mạnh ai nấy làm. Tràn lan trong đời sống là những ca khúc não tình, ngôn tình, than thở, ỉ ôi. Chưa khi nào ca từ trong bài hát lại tra tấn tai nghe của công chúng đến thế. 

Những câu chuyện nhạt nhẽo tầm phào, được viết lên bởi những giai điệu đơn giản, rỗng tuếch, không chứa đựng một thông điệp gì đáng kể vẫn hàng ngày hàng giờ len vào đời sống, ngấm vào cả một thế hệ người nghe trẻ tuổi. Nhiều nhạc sĩ lớn tuổi và những người nghe có trách nhiệm, có tri thức đã lên tiếng chống lại những “rác nhạc” như vậy. 

Ngày nay, ngoài những kênh âm nhạc chính thức đáng tin cậy còn muôn vàn vạn trạng cách khác để một bài hát đi đến với công chúng. Ai cũng có thể sáng tác nhạc. Và tác phẩm hay dở bất cần biết, chỉ cần người ta muốn nó đến với công chúng và chịu bỏ một khoản tiền nhỏ là nó sẽ đến được với công chúng. 

Những trang mạng trực tuyến sẵn sàng giúp sức cho ý đồ của họ. Chỉ cần hòa âm phối khí đơn sơ rồi nhờ người hát ca khúc hoàn chỉnh theo cách chủ quan của họ là họ có thể tung lên các trang nghe nhạc trực tuyến.

Giám khảo Bài hát hay nhất mùa thứ 2 - những “bà đỡ” giúp cho sáng tác của nhạc sĩ trẻ nâng tầm.

Thậm chí, nếu cần một làn sóng gây chú ý trong dư luận bằng cách khen hay chê không quan trọng, họ cũng sẽ mua được bằng tiền. Truyền thông với hàng trăm trang báo online, điện tử sẵn sàng giúp đỡ họ. 

“Cơn khát” nổi tiếng của một người sáng tác trẻ sẽ được đáo ứng tức thời. Và dù cho sự nổi tiếng họ đạt được có là “nhất thời” đi nữa thì liên tiếp những cái “nổi tiếng nhất thời” đó cũng giúp cho tên tuổi của một người được nhắc đến nhiều lần trong một khoảng thời gian ngắn. 

Với những người làm nhạc không phải vì âm nhạc, mà vì một mục đích thương mại ngắn hạn nào đó trong thị trường âm nhạc, như thế cũng là đủ để họ tìm kiếm danh lợi ngắn hạn. 

Chỉ ngặt nỗi là đời sống âm nhạc phải đón nhận thêm những cái tạm gọi là bài hát nhưng chẳng mang lại giá trị nào về mặt nghệ thuật. Dĩ nhiên những cái không có giá trị thì rồi sẽ tiêu biến theo thời gian. 

Nhưng trước khi nó tiêu biến theo thời gian, chỉ trong một khoảng thời gian nào nó tồn tại (thậm chí còn khuấy đảo thị trường giải trí) thì nó cũng đã làm kịp làm phiền một bộ phận công chúng. 

Có khi nó còn kịp làm hỏng ít nhiều tư duy nghe nhạc, thẩm mỹ âm nhạc của một lớp khán giả trẻ, vốn chưa có nhiều sức đề kháng để chống lại những vi trùng, vi khuẩn, vi rút độc hại trong văn hóa.

Đã có một thời điểm mà đời sống giải trí tưởng như đang bội thực những ca khúc não tình. Chưa khi nào người ta sợ ngôn từ của âm nhạc như vậy. 

Nó hời hợt, chỉ sợt qua da người, không bao chứa một thông điệp sâu sắc nào. Kiểu như: “từ trên trời rơi xuống, anh yêu em dài lâu”, hay “anh biết yêu em một lần, anh biết yêu em hai lần, rồi thể nào cũng yêu em nhiều lần...”.

Nói một cách chính xác, những ca khúc như vậy là cực kỳ nguy hại cho đời sống. Nhưng rất tiếc là đời sống công nghệ hôm nay đang có nhiều công cụ đắc lực sẵn sàng hỗ trợ để những ca khúc như vậy có cơ hội xuất hiện, làm phiền tai nghe công chúng, đầu đọc khán giả trẻ. 

Một khi những người trẻ như Lệ Rơi vẫn có thể nổi tiếng nhờ mạng xã hội với cách hát nhảm nhí và những ca khúc nhảm nhí thì ca khúc nhảm nhí còn đất sống.

 Dù đời sống đó là không lâu dài, dù sự chết yểu cho những loại ca khúc đó là tất yếu thì vẫn cần những chiến dịch làm sạch môi trường âm nhạc từ trước khi những ca khúc như vậy ra đời hay tìm cách đến với đám đông. Để bảo vệ một môi trường âm nhạc lành mạnh cho thế hệ tương lai.

Sa Huỳnh - một gương mặt nổi bật trong chương trình Bài hát hay nhất mùa 2.

"Bà đỡ" tài năng cho những người trẻ tài năng

Khoảng chục năm về trước, chương trình được xem là bệ đỡ cho các nhạc sĩ trẻ ra đời có tên là “Bài hát Việt”. Đây thực sự là một sân chơi hữu ích, khích lệ những người mới bắt đầu con đường sáng tác âm nhạc và muốn đi dài lâu trên con đường này. 

Chương trình đã đóng góp rất lớn vào việc tìm kiếm, phát hiện, phát triển những tài năng sáng tác kế cận cho nền âm nhạc thập kỷ đầu tiên của thế kỷ 21. 

Những nhạc sĩ trẻ tài năng được biết đến từ sân chơi “Bài hát Việt” có thể kể ra như Lê Minh Sơn, Nguyễn Vĩnh Tiến, Lưu Thiên Hương, Nguyễn Hải Phong, Giáng Son, Phạm Toàn Thắng, Lê Cát Trọng Lý... Hội đồng thẩm định của “Bài hát Việt” là những tên tuổi có dấu ấn trong đời sống âm nhạc. 

Họ chính là những người có vai trò “bà đỡ”, ghi nhận và đánh giá, xếp loại đúng mức các ca khúc mà các nhạc sĩ trẻ gửi đến sao cho công tâm nhất, không để lọt bất cứ người tài năng nào.

Sau “Bài hát Việt”, “Sing my song” (Bài hát hay nhất) tiếp tục con đường tìm kiếm người sáng tác trẻ. Tuy nhiên, có một sự thay đổi mang tính thời đại hơn là sân chơi này dành cho những nhạc sĩ trẻ có kỹ năng làm âm nhạc chuyên nghiệp. Nghĩa là họ có thể vừa chơi đàn, vừa sáng tác vừa hòa âm phối khí và có khả năng đưa bài hát mình sáng tác đến với công chúng. 

Trên thế giới, mô hình nghệ sĩ đa-di-năng vừa sáng tác vừa hòa âm vừa biểu diễn rất thịnh hành, và “Sing my song” đã cập nhật xu hướng đó. “Bài hát hay nhất” đang diễn ra ở mùa thứ 2 và đã nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của các nhạc sĩ trẻ. 

Giám khảo mùa 2 là những gương mặt nổi bật trong đời sống âm nhạc đương đại như Đức Trí, Hồ Hoài Anh, Lê Minh Sơn, Giáng Son. Họ xuất hiện trên ghế huấn luyện viên, ngoài việc lựa chọn các thí sinh có khả năng âm nhạc về đội của mình, còn là nhiệm vụ “bà đỡ” cho các ca khúc vừa ra đời của thí sinh. 

Fomat của chương trình khá hấp dẫn, nhất là ở vòng “Trại sáng tác 24 giờ”. Nghĩa là chỉ trong 1 ngày mỗi thí sinh được lựa chọn của mỗi đội sẽ phải cho ra đời một ca khúc hay và có khả năng hấp dẫn thị trường về một chủ đề bất kỳ do huấn luyện viên đưa ra. 

Vòng thi này thử thách nghệ sĩ rất lớn. Họ phải vượt qua áp lực tâm lý căng thẳng để hoàn thiện một ca khúc từ sáng tác đến hòa âm đến biểu diễn, chỉ trong vòn vẹn 1 ngày.

Đến với các sân chơi chuyên nghiệp là cách các nhạc sĩ trẻ ghi dấu ấn trong đời sống âm nhạc.

Lẽ dĩ nhiên, việc sáng tác không thể nói chuyện nhanh hay lâu, nhưng khả năng sống trong áp lực, sáng tạo ra một sản phẩm âm nhạc trong một thời gian hạn định cho thấy rõ hơn ai là người có tài, có thái độ làm việc chuyên nghiệp, có tính thích ứng cao có thể đáp ứng được nhu cầu của thị trường biểu diễn. 

Các huấn luyện viên luôn ở cạnh các nhạc sĩ trẻ. Họ sẽ đưa ra những nhận xét, gợi ý, thậm chí là uốn nắn hợp lý, kịp thời để mỗi thí sinh phát huy được điểm mạnh nhất của mình, hạn chế tối đa những điểm thiếu sót, nâng tầm ca khúc vừa sáng tác của thí sinh, cho nó thêm cơ hội tốt để hòa nhập vào đời sống âm nhạc.

Nhạc sĩ Lê Minh Sơn cho biết, tất cả những nét nhạc hay ca từ được xem là giống ai đó của từng thí sinh sẽ được các huấn luyện viên kiên quyết từ bỏ.

 Chuyện này rất dễ gặp nhất là ở những người mới sáng tác lần đầu. Thậm chí có những ca khúc thí sinh hoàn thiện rồi, nhưng phần âm nhac, ca từ, và tư duy quá đơn giản, huấn luyện viên yêu cầu bỏ, viết lại một ca khúc hoàn toàn mới. 

Yêu cầu của các huấn luyện viên là nhạc sĩ trẻ phải viết bằng cảm xúc thật, bằng những gì mà tác giả vui, buồn thật sự. Nghĩa là nhạc sĩ trẻ phải học cách đào sâu vào chính mình, bỏ qua những cái bên ngoài, không chạy theo xu hướng rẻ tiền, chiều chuộng tai nghe của những khán giả có thẩm mỹ thấp kém. 

Người trẻ mới bước chân vào nghệ thuật thường rất nhanh nhạy trong việc tiếp thu cái mới, cái hiện đại nhưng lại thường bị hổng về kiến thức, phông văn hóa còn non yếu. Họ chưa thể có khả năng tiếp thu những cái mới một cách có chọn lọc để biến thành cái riêng tinh túy của mình. 

Có thể nhìn rõ nhất nhược điểm này của những người sáng tác nhạc trẻ tuổi trong ca từ hay phần âm nhạc mà họ sáng tạo ra. Qua “Sing my song”, bằng những phần thi trực tiếp, người ta thấy rõ vai trò của “bà đỡ” của những người có chuyên môn giỏi trong việc định hướng tư duy sáng tác cho nhạc sĩ trẻ. 

Các “bà đỡ” đã giúp nhạc sĩ trẻ chăm sóc chỉn chu ca từ, cả phần hòa âm phối khí đến cách thức biểu diễn để khi bước ra sân khấu trình làng tác phẩm của mình, nghệ sĩ có tác phẩm hoàn chỉnh nhất, gây “ép-phê” khán giả nhất. 

Các “bà đỡ” cũng là người có nghề hơn ai hết, hiểu thị trường hơn ai hết. Họ sẽ giúp cho cho nghệ sĩ trẻ đi vững trên đôi chân thị trường và nghệ thuật, vốn là hai yếu tố hài hòa cần thiết cho sự tồn tại của họ. 

Điều quan trọng là nhạc sĩ trẻ phải cầu thị, phải biết tận dụng sự ủng hộ của “bà đỡ”. Cùng với đó là ý thức làm nghề nghiêm túc, chuyên nghiệp, bỏ qua cái dễ dãi để tự gây khó mình, theo đuổi những cái lâu dài, có giá trị. 

Lệ Chiến
.
.
.