Ba thách thức cho tân thuyền trưởng Đội tuyển Việt Nam

Thứ Năm, 05/10/2017, 09:31
Sau khi nâng lên đặt xuống khoảng 5 cái tên được đưa vào "chung kết", cuối cùng Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) cũng quyết định chọn HLV Park Hang - Seo, người Hàn Quốc làm HLV trưởng Đội tuyển Việt Nam, Đội tuyển Olympic và U.23 Việt Nam. Sẽ có ít nhất 3 thách thức cho vị HLV đến từ một trong những nền bóng đá phát triển nhất châu Á này.

Thách thức từ quá khứ

Đó là lịch sử các đời HLV người Hàn Quốc tại Việt Nam. Ở sân chơi V.League trước đây, thầy Hàn Quốc đã từng xuất hiện ở các CLB Becamex Bình Dương và Hoàng Anh Gia Lai (HAGL), nhưng đều không để lại nhiều dấn ấn. Ở Bình Dương, thầy Hàn Nam Dea Sik từng phải đối diện với những trận thua mà có vắt tay lên trán ông cũng không hiểu vì sao... thua. Đấy là những trận đấu bị tình nghi là "thầy chỉ đạo một đằng, trò chơi một nẻo". 

Kết quả là cuối cùng, Ban lãnh đạo Bình Dương phải thay ông Nam Dea Sik bằng một thầy nội có khả năng "đọc vị" các cầu thủ của mình. Sau này thì những nhà lãnh đạo bóng đá Bình Dương kết luận, thầy Hàn Quốc có thể chuyên môn tốt, đọc trận đấu nhanh, và đặc biệt là tổ chức đội bóng khá bài bản, chuyên nghiệp, nhưng tất cả những điều đó vẫn không đảm bảo việc một đội bóng có thể giành thành tích cao, ở một cuộc chơi phức tạp, khôn lường như V.League. 

Ở HA.GL, thầy Hàn Choi Um Kyum cũng mang đến một phong cách huấn luyện mới mẻ, đặc biệt là công tác huấn luyện thể lực, nhưng dưới thời ông Choi, Hoàng Anh chỉ là một đội bóng trung bình khá, không đạt được bất cứ thành tích đáng kể nào.

Nhìn rộng sang cấp độ Đông Nam Á, không khó thấy, thầy Hàn Quốc đã từng làm việc ở những nền bóng đá yếu ở khu vực này như Brunei, Campuchia, Timor Leste. 

Mới đây U.22 Timor Leste đã hai lần gặp U.22 Việt Nam tại vòng loại giải U.23 châu Á 2018 và vòng bảng SEA Games 29, cả hai lần ấy, HLV trưởng người Hàn Quốc của Timor Leste - Kim Shin Wan đều tuyên bố sẽ quyết thắng Việt Nam. Nhưng kết quả là sau 2 trận, đội bóng của ông Kim đã phải vào lưới nhặt bóng cả thảy 8 lần. 

Nói chung chưa có thầy Hàn Quốc nào thành công với bóng đá Việt Nam (cấp CLB) cũng như bóng đá Đông Nam Á (cấp Đội tuyển Quốc gia). Do vậy tân HLV trưởng Đội tuyển Việt Nam Park Hang - Seo rõ ràng sẽ phải đối diện với một áp lực không nhỏ đến từ... lịch sử.

Thách thức lớn đang chờ thầy Hàn Park Hang - Seo.

Thách thức từ thực tại

Ông Park đến Việt Nam trong bối cảnh nền bóng đá Việt Nam đang gặp nhiều trục trặc. Mặc dù vừa được Liên đoàn Bóng đá Đông Nam Á (AFF) bầu là Liên đoàn xuất sắc nhất trong năm 2016 nhưng thực tế VFF lại có rất nhiều vấn đề nan giải bên trong - những vấn đề mà có thể AFF chưa nhìn ra hết. 

Thế mới có chuyện Chính phủ đã phải cấp tốc chỉ đạo Bộ Văn hoá, Thể thao & Du lịch chấn chỉnh lại những tồn đọng của VFF, và mới đây, đích thân Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã phải làm việc với ngành thể thao và Liên đoàn Bóng đá về vấn đề này. 

Không khó nhận ra hàng loạt tồn đọng trong mối quan hệ giữa những nhân vật chóp bu của Liên đoàn, cũng như cái cách mà cả một Liên đoàn bị một, hai nhân vật thế lực nào đó dắt đi. Đội tuyển U.22 Việt Nam - Đội tuyển được hy vọng nhất và quan tâm đầu tư nhất trong năm nay đã thất bại thảm hại tại SEA Games 29, để lại những dư chấn tâm lý rất xấu trong lòng cầu thủ. 

Đến Việt Nam trong một bối cảnh như vậy, ông Park chắc chắn sẽ phải đối diện với rất nhiều vấn đề. Phải làm gì để xốc dậy tâm lý của các cầu thủ Việt Nam? Phải làm gì để có thể nâng nền thể lực của những tuyển thủ mà như nhận xét của chuyên gia bóng đá Trịnh Minh Huế là "bây giờ chỉ có thể đá được khoảng 70 phút các trận đấu quốc tế"? 

Phải làm gì để kiến tạo một lối chơi phù hợp nhất với tố chất cầu thủ Việt, điều mà người tiền nhiệm của ông là thầy nội Nguyễn Hữu Thắng đã thất bại? 

Nếu như nhìn lại thời điểm xuất hiện của các ông thầy ngoại từ trước tới giờ, có thể nói thầy ngoại Park Hang - Seo xuất hiện trong một thời điểm vất vả, khó khăn hơn cả.

Thầy Nhật Miura đã thất bại trong việc tạo nên một diện mạo mới cho ĐTVN.

Thách thức từ sự tương phản văn hoá

Đời thầy ngoại gần nhất của bóng đá Việt Nam diễn ra cách đây 2 năm. Đấy là thời kỳ mà thầy Nhật Toshiya Miura xuất hiện, và Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng thậm chí đã từng kỳ vọng ông thầy Nhật Bản này sẽ giúp Đội tuyển Việt Nam cất cánh. Nhưng thực sự là trong quãng thời gian ở Việt Nam, ông Miura đã va phải những vấn đề khiến ông không nản lòng mới lạ.

Hồi mới sang Việt Nam, có lần ông Miura đi thị sát sân Đồng Nai, và khi chui vào cái nhà vệ sinh thì ông phải lắc đầu vì... không thể nào tưởng tượng được. Ngồi tại phòng làm việc của mình ở VFF, thấy giờ nghỉ trưa, nhiều quan chức Liên đoàn ra hàng bia trên đường Lê Quang Đạo làm... vài vại, ông cũng không thể nào tưởng tượng được. 

"Tại sao ở đây người ta lại uống bia vào buổi trưa, khi ngày làm việc chưa kết thúc?" - ông Miura thường xuyên đặt ra câu hỏi ấy. Mà thậm chí ông còn "bê" nguyên vấn đề ấy lên một tờ báo Nhật Bản. Nhưng những va vấp bên lề ấy chưa bõ bèn gì so với những va vấp chuyên môn. Ví dụ như trước các buổi tập, ông thường "ép" các học trò khởi động bằng cách chạy hàng chục vòng quanh sân. 

Ông cũng chạy cùng với các học trò. Nhưng trong khi ông chạy "ngon", chạy "ngọt" thì nhiều học trò của ông mệt bở hơi tai. Tại sao nhiều cầu thủ kém tuổi tôi nhưng lại không thể duy trì sức bền thể lực như tôi? Có thể trong lòng mình, ông cũng đã tự hỏi mình như thế. 

Và ông sẽ biết đích xác câu trả lời khi nghe người đồng hương đồng thời cũng là trưởng BTC V.League hồi ấy - Tanaka Koji kết luận: "Ở Việt Nam các cầu thủ chỉ có thể chạy trung bình 6 km/trận, trong khi với cầu thủ châu Á, con số này là 10 km". Thế đấy, ở Việt Nam có nhiều cái khác và khác xa so với mặt bằng chung châu Á.

Ông Miura đến từ một trong những nền bóng đá hàng đầu châu Á - Nhật Bản. Ông lại có thời gian dài tu nghiệp ở Đức và chịu ảnh hưởng lớn bởi tính kỷ luật của người Đức. Thế nên ông Miura tổ chức một đội bóng, lên sơ đồ chiến thuật, sắp xếp đội hình thi đấu một cách kỷ luật và chặt chẽ. 

Điển hình nhất là việc có lần một trợ lý của ông tự động phát biểu trên truyền thông về điều này điều nọ, ông liền nói ngay: "Khi chưa có sự đồng ý của tôi, không ai được phát biểu như vậy cả". Cách tổ chức đội bóng kiểu như thế là chuyện bình thường ở những nền bóng đá phát triển, nhưng ở Việt Nam thì nó lại gây khó chịu cho nhiều người.

Chúng tôi đã nghĩ rất nhiều về chu kỳ cầm quân của ông Miura và tự kết luận rằng: sự thất bại của ông không chỉ là sự thất bại của một cá nhân đơn lẻ. Nguy hiểm ở chỗ, nó là sự thất bại của một nền văn hoá kỷ cương, nề nếp khi phải va chạm với một nền văn hoá tuỳ tiện, thiên về cảm xúc. Nói như nhà nghiên cứu văn hoá - Giáo sư Trần Ngọc Thêm thì "văn hoá Việt Nam nặng về âm tính" trong khi văn hoá của một số nước phát triển ở châu Á như Nhật Bản lại nghiêng về "dương tính".

Tân HLV trưởng Việt Nam Park Hang  - Seo cũng đến từ một nền văn hoá dương tính - Hàn Quốc. Là người Hàn Quốc, là cựu trợ lý của HLV danh tiếng châu Âu, Guus Hiddkin, ông Park khả năng cũng sẽ tổ chức đội bóng một cách nền nếp, kỷ luật giống ông Miura. Vậy thì vấn đề quan trọng phải đặt ra: Nền bóng đá của chúng ta, bao gồm cả các quan chức Liên đoàn bóng đá lẫn các trợ lý người Việt và các học trò của ông Park đã chuẩn bị sẵn tư tưởng làm quen với một cách thức tổ chức mới mẻ như vậy hay chưa?

Chỉ sợ, sau một thời gian tiếp xúc, làm việc với một HLV kiểu đó các cầu thủ sẽ lại ngấm ngầm chống đối. Chỉ sợ, không ưng ý với một điều gì đó của ông là một quan chức nào đó trong VFF lại "gào" lên: nếu sa thải ông ấy, tôi sẽ tìm một nhà tài trợ cỡ bự cho Liên đoàn (?).

Muốn ông Park đến đây và làm việc hiệu quả, phải dọn dẹp lại cái nhà của mình với hàng loạt thói quen tuỳ tiện của mình trước đã.

Từng là trợ lý số 1 của "phù thuỷ" Hà Lan

Ông Park Hang Seo năm nay 58 tuổi vừa dẫn dắt CLB Changwon, thi đấu ở giải hạng Ba Hàn Quốc. Ông sẽ chia tay CLB này và sang Việt Nam vào ngày 14 tháng 10 để chính thức ký hợp đồng với VFF. Như thế, ông sẽ có một tháng chuẩn bị cho trận ra mắt của mình gặp Đội tuyển Afghanistan vào ngày 14 tháng 11, trong khuôn khổ vòng loại Asian Cup 2019.

Ông Park Hang Seo từng dẫn dắt các CLB nổi tiếng ở giải bóng đá nhà nghề Hàn Quốc như Gyeongnam FC, Jeonnam Dragons FC, Sangju Sangmu. Đặc biệt ông đã giúp Sangju vô địch giải hạng Hai Hàn Quốc vào năm 2013. Trước đó, ông từng làm trợ lý cho HLV trưởng Đội tuyển Hàn Quốc, Guss Hiddink tại VCK World Cup 2002 trên sân nhà - giải đấu mà Hàn Quốc bước qua một loạt đối thủ rất mạnh như Italia, Tây Ban Nha để trở thành đệ tứ anh hào của bóng đá thế giới. Cũng trong năm 2002, ông Park Hang Seo còn được giao nhiệm vụ dẫn dắt Đội tuyển Olympic Hàn Quốc đoạt huy chương vàng Asiad Busan, tuy nhiên do thiếu may mắn mà cuối cùng Đội tuyển của ông chỉ giành được hạng 3 chung cuộc. Trên báo chí Hàn Quốc, ông Park thường xuyên kể về quãng thời gian làm trợ lý số 1 cho HLV người Hà Lan Guss Hiddink, và khẳng định quãng thời gian ấy giúp ông học hỏi được rất nhiều điều. Thời còn làm cầu thủ, ông Park đá ở vị trí tiền vệ và từng khoác áo Đội tuyển Quốc gia trong giai đoạn 1979 - 1982. 


Diệp Xưa
.
.
.