'Bấm huyệt' ông Miura: Cần nhưng chưa đủ!

Thứ Năm, 17/09/2015, 09:05
HLV Toshiya Miura bỗng nhiên bị cả làng cả nước "bấm huyệt" sau trận Việt Nam thắng Đài Loan (Trung Quốc) 2-1 tại vòng loại World Cup 2018 khu vực châu Á. Lý do: Đội tuyển thắng nhưng ai cũng bảo là thắng may, và nói như ông bầu - Phó Chủ tịch VFF Đoàn Nguyên Đức thì "đá kiểu ấy và thắng kiểu ấy, không có gì hãnh diện". Ông Đức thậm chí còn táo bạo đề xuất phương án nên cho ông Miura về nước.
Cần phải trả lời ngay, chuyện cho ông Miura về nước lúc này là không tưởng, bởi nhìn vào mặt thành tích thì một người từng giúp ĐT Olympic lọt vào tứ kết Asiad 2014, ĐT Quốc gia lọt vào bán kết AFF Suzuki Cup 2014, ĐT U.23 lọt vào VCK giải U.23 châu Á 2016 và bán kết SEA Games 28 (2015) không thể bị cho nghỉ việc một cách nhanh chóng, dễ dãi như thế được.

Vì hợp đồng giữa VFF với ông Miura được VFF giữ kín như bưng nên người ta không hiểu hai bên có soạn thảo điều khoản "chấm dứt hợp đồng" chỉ sau một trận thắng may, thắng không thuyết phục hay không, nhưng có lẽ chỉ những người vô lý trí mới ký với nhau một hợp đồng như vậy. Mà một người có tác phong làm việc cặn kẽ, tỉ mỉ và khoa học như ông Miura dĩ nhiên không thuộc dạng này.

Thế nên nếu vì một lý do và một sức ép không tưởng nào đó mà đề xuất của bầu Đức được thông qua, ông Miura bị cách chức giữa chừng thì không loại trừ khả năng bóng đá Việt Nam sẽ bị khởi kiện giống như cựu thầy Letard từng kiện, khiến chúng ta từng phải đền bù hàng tỉ đồng năm 2004. Có lẽ, khi nói câu: "Tôi sẵn sàng giơ tay đầu tiên để đưa ông Miura về nước", ông Đức cũng thừa hiểu những vấn đề này. Hiểu, vậy thì vì sao ông vẫn nói?

Thứ nhất, phải thừa nhận rằng lối chơi bóng dài bóng bổng, mà bổng một cách đơn giản với những quả câu bóng thẳng từ tuyến hai vào trung lộ, chứ không cần tấn công biên - tạt bóng mà ông Miura áp dụng trong trận đấu với Đài Loan (Trung Quốc)  quả đúng là rất không phù hợp với thể hình thể trạng của cầu thủ Việt Nam. Chính một bộ phận các tuyển thủ cũng có cảm giác bị làm khó, làm khổ bởi lối chơi trái sở trường này. Thế nên một người yêu thích bóng đá đẹp, bóng đá cống hiến như bầu Đức rơi vào cảm giác chán nản, thất vọng khi chứng kiến lối chơi này cũng là dễ hiểu.

Thứ hai, cho đến trước khi ông Miura xuất hiện, Thường trực VFF từng thống nhất kế hoạch đưa lứa U.19 + của bầu Đức thay ĐT U.23 Quốc gia tham dự SEA Games 28 để lấy kinh nghiệm, phục vụ mục tiêu HCV SEA Games 29 bằng mọi giá. Nhưng ông Miura xuất hiện và đề cao tư tưởng "bóng đá cơ bắp" thì lập tức những cầu thủ U.19+ nổi tiếng là khoẻ, khéo nhưng yếu thể lực bị cho ra rìa. Chính từ điều này mà cá nhân bầu Đức với cá nhân ông Miura từ lâu đã không gặp nhau về tư tưởng.

HLV Miura vừa trải qua những ngày giông bão.

Thứ ba, ông Miura xét cho cùng cũng chỉ là sản phẩm của bộ đôi Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng và PCT chuyên môn Trần Quốc Tuấn. Khi nhiệm kỳ VII mới thành hình, ai cũng biết ông Dũng - ông Đức là một cặp bài trùng, và "trùng" nhất là ở việc cả hai đều đặt niềm tin tối cao vào lứa U.19. Thế nên khi ông Dũng nghiêng về phía ông Miura, và mỗi lúc một đẩy lứa U.19 ra xa thì giữa ông với ông Đức cũng dần dần xuất hiện nhiều vết rạn. Bây giờ, khi ông Đức tổng công kích ông Miura thì ở một góc độ nào đó, cũng có thể tin rằng ông nhắm vào ông Miura một phần, nhưng nhắm vào cái người mang Miura đến Việt Nam mười phần.

Tất cả những điều trên đây nói lên cái gì? Nó nói rằng bộ máy lãnh đạo VFF hoá ra không đồng nhất và đồng thuận như người ta tưởng. Nói cho chính xác thì ở một nhiệm kỳ mà người đứng đầu VFF là một doanh nhân, ông phó chủ tịch tài chính cũng là một doanh nhân, có cảm giác chỉ khi nào lợi ích doanh nhân trùng với nhau, mọi thứ mới cùng đi một hướng và ngược lại. Và ở cái chiều ngược lại này, người ta có thể nói, có thể phát ngôn, có thể hành động tới mức không kiêng dè, nể nang.

Một điều chết người nữa là tất cả những mảng việc lớn ở VFF lúc này đều được quyết bởi 5 nhân vật chính trong thường trực, và ngoại trừ 2 doanh nhân kể trên, 3 người còn lại thì một người là dân gốc điền kinh (PCT chuyên môn Trần Quốc Tuấn), một người vốn là nhà báo (PCT truyền thông Nguyễn Xuân Gụ), một người chỉ chăm lo mảng bóng đá futsal (ông Trần Anh Tú) - một kết cấu mà người ta thấy rất rõ sự thiếu vắng của những người thực hành bóng đá và hiểu bóng đá thực sự.

Khi giới lãnh đạo chóp bu của VFF khủng hoảng tính chuyên môn trầm trọng thì vai trò tư vấn chuyên môn của Hội đồng HLV Quốc gia hoặc của những chuyên gia gạo cội là cực kỳ quan trọng. Nhưng Chủ tịch Hội đồng HLV Quốc gia cũng đồng thời là ông Trần Quốc Tuấn - người chưa bao giờ làm HLV bóng đá, vì thế cái hội đồng do ông phụ trách từ lâu cũng chỉ tồn tại một cách hữu danh vô thực. Còn với các chuyên gia bóng đá, không khó thấy một cảm giác ngại nói, ngại cộng tác, ngại quan hệ là khá rõ. Nói như chuyên gia bóng đá Nguyễn Văn Vinh thì: "Chúng tôi có nói thế, nói mãi mà họ vẫn không nghe thì nói để làm gì?".

Có phải vì cái khoảng trống chuyên môn chết người này mà khi ông Chủ tịch Lê Hùng Dũng muốn Nhật hoá nền bóng đá, và bằng mọi giá phải đưa thầy Nhật đến Việt Nam thì cả một bộ máy lập tức "y lệnh", chứ không có những phản biện kín kẽ, sắc sảo nào? Có phải cũng vì cái khoảng trống chuyên môn chết người này mà khi thầy Nhật mới xuất hiện, giành được những thành công ban đầu thì tất cả đều vỗ tay khen, còn bây giờ, khi mọi thứ không như ý thì lại có người quay ra thất vọng?

Phó Chủ tịch tài chính VFF Đoàn Đức Nguyên (phải) muốn ông Miura về nước sớm (ảnh trong bài của H.M.)

Thật buồn cho một nhiệm kỳ từng khởi đi với rất nhiều kỳ vọng nhưng hoá ra càng đi càng rối. Và cái rối đáng sợ ấy mới là cái cần được "bấm huyệt" rồi chữa trị đến nơi đến chốn,  chứ không chỉ là chuyện "bấm huyệt" một mình ông Miura rồi chấm hết.

Miura hay Mourinho cũng thế

VFF hiện nay đang là nhiệm kỳ thứ 7. Trong suốt lịch sử của tổ chức này, gần như chưa bao giờ chúng ta thấy được sự đoàn kết, một lòng một dạ vì bóng đá Việt của những con người đang giữ trọng trách phát triển bóng đá nước nhà. Ở đó luôn có sóng gió, luôn có mâu thuẫn, chia bè chia phái để nghĩ đến lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm. Một nhân vật là người hùng của công nghệ thông tin Việt Nam - ông Mai Liêm Trực - khi tham gia ngồi ghế Chủ tịch VFF chỉ một thời gian ngắn đã phải "tháo chạy" và để lại câu nói kinh điển: Bộ máy điều hành bóng đá Việt Nam đi sau xã hội 20 năm! 

Đó là lịch sử, còn hiện tại của VFF thì thế nào? Khi ông Lê Hùng Dũng được bầu làm Chủ tịch VFF nhiệm kỳ 7, chúng ta kỳ vọng sẽ khởi sắc khi so với người tiền nhiệm là một cựu quan chức ngành thể thao. Nhưng trong vòng khoảng một năm nay, ông Dũng gần như biến mất khỏi vai trò điều hành VFF do gặp nhiều khó khăn về công việc lẫn sức khỏe.

Chính bầu Đức đã tâm sự: "Tôi tham gia VFF là để ủng hộ anh Dũng. Nhưng bây giờ anh Dũng gần như rút lui, khiến mọi chuyện rối tinh và tôi ngao ngán"! Huy Thọ (Tuổi Trẻ TP Hồ Chí Minh)

Ai dám sa thải ông Miura ?

Suốt hơn một năm qua, ai giám sát, thẩm định và phản biện năng lực của thầy ngoại cùng những đánh giá về triết lý bóng đá của ông Miura có thực sự phù hợp với các đội tuyển Việt Nam?

Rõ nhất là lối chơi của đội tuyển quốc gia ở vòng loại World Cup với kiểu đá chém đinh chặt sắt thua Thái Lan 0-1 và mới đây "ăn rùa" Đài Loan 2-1 có phải là bản sắc của bóng đá Việt Nam sau 16 tháng đeo đuổi cùng Miura?

Cách chơi bóng dài và sẵn sàng đá rắn của đội tuyển do trình độ cầu thủ chưa đáp ứng yêu cầu mới buộc ông phải phá vỡ kiểu đá nhỏ, kỹ thuật như các đời HLV trước đó hay bởi giới hạn năng lực chuyên môn của HLV Miura?

Trách nhiệm của VFF và vai trò của phòng các đội tuyển quốc gia ở đâu suốt hơn một năm qua trong việc định hướng lối chơi của đội tuyển lẫn xác định HLV Miura là chọn lựa tốt cho sự phát triển của bóng đá Việt Nam?

Thời điểm này VFF chắc chắn không dám sa thải HLV Miura bởi họ không thể thừa nhận đấy là một sai lầm! Công Tuấn (Pháp Luật TP Hồ Chí Minh)

Sẽ thay đổi, nhưng...

Tháng 10 tới, Đội tuyển Việt Nam sẽ có liên tiếp 2 trận đấu cực kỳ quan trọng trên sân Mỹ Đình với Iraq và Thái Lan trong khuôn khổ vòng loại World Cup 2018. Nếu muốn nuôi hy vọng giành một trong 2 vé đầu bảng để có thể tham dự VCK giải vô địch bóng đá châu Á vào năm sau (Liên đoàn bóng đá châu Á căn cứ vào thành tích của các đội tại vòng loại World Cup để chọn đội tham dự VCK Asian Cup), chúng ta phải giành ít nhất 4 điểm trong 2 trận đấu này. Đầu năm 2016 lại đến lượt ĐT U.23 tham dự VCK U.23 châu Á tại Qatar.

Thông tin từ bộ phận chuyên môn VFF cho hay, họ đã ngồi lại với ông Miura sau trận đấu "gây bão" với Đài Loan (Trung Quốc) và ông thầy người Nhật cho biết sẽ có những thay đổi về nhân sự và lối chơi của cả ĐTQG lẫn ĐT U.23 theo chiều hướng phù hợp hơn, để từ đó, các ĐT có thể đạt thành tích tốt. Tuy nhiên, những thay đổi này rồi sẽ được thể hiện và đạt hiệu quả ra sao thì vẫn phải cẩn thận... chờ.

Phan Đăng
.
.
.