Ban điều hành V.League 2019: Ai là người "đứng mũi chịu sào"?

Thứ Tư, 25/09/2019, 09:29
Ban tổ chức V.League không đưa cúp đến Vinh trao cho thầy trò HLV Chu Đình Nghiêm. Đó là một thiếu sót rất lớn khi Hà Nội sẽ phải chơi trên sân đấu không có khán giả ở trận sân nhà tiếp theo.


CLB Hà Nội đã bảo vệ thành công ngôi vô địch V.League sớm 2 vòng bằng thắng lợi sát nút trên sân của Sông Lam Nghệ An, thế nhưng đội bóng Thủ đô không có một màn ăn mừng hoàn hảo khi Ban tổ chức V.League không đưa cúp đến Vinh trao cho thầy trò HLV Chu Đình Nghiêm. Đó là một thiếu sót rất lớn khi Hà Nội sẽ phải chơi trên sân đấu không có khán giả ở trận sân nhà tiếp theo.

Quyết định thiếu hợp lý

Do không được trao cúp trên sân Vinh của Sông Lam Nghệ An, Hà Nội chỉ có thể nhận cúp ở trận sân nhà với Quảng Nam vòng 25 hoặc trận sân khách trước Quảng Ninh ở vòng đấu cuối cùng. 

Cả hai phương án này đều không hợp lý bởi sân Hàng Đẫy đang trong lệnh cấm khán giả đến sân vì sự cố pháo sáng ở trận gặp Nam Định, còn nếu trao cúp ở Quảng Ninh, các cổ động viên Hà Nội sẽ phải lặn lội hàng trăm cây số đến chia vui với các cầu thủ. 

Thêm nữa, việc trao cúp sân khách sẽ khiến Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) và Công ty cổ phần Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) phải chuẩn bị rất nhiều phương án đảm bảo an ninh.

Đó có lẽ là một phần lý do khiến các cầu thủ Hà Nội không mấy hào hứng sau khi đăng quang tại Nghệ An. Họ phải lựa chọn giữa việc ăn mừng trên một sân đấu không có bóng người, hoặc tại nơi đất khách quê người khi mà những cảm xúc chiến thắng đã phai nhạt ít nhiều. 

Thêm vào đó, nếu được trao cúp ngay tại Nghệ An, chắc chắn các cầu thủ Hà Nội sẽ có thêm động lực tinh thần rất lớn trước khi bước vào trận lượt đi chung kết liên khu vực AFC Cup 2019 với April 25 của Triều Tiên vào ngày 25- 9 tới đây.

Ông Nguyễn Trọng Hoài, Trưởng ban điều hành V.League 2019.

Sự khó hiểu trong quyết định này của ban điều hành V.League 2019 đã để lại thêm một vết gợn không nhỏ trong giai đoạn về đích. Rõ ràng họ đã không có những tính toán hợp lý để tôn vinh và động viên nhà vô địch Hà Nội một cách kịp thời.

Trong suốt mùa giải, những vấn đề bất ổn tương tự như vậy đã xảy ra nhiều lần. Hồi đầu mùa, việc ông Trần Anh Tú rút lui để ông Nguyễn Trọng Hoài lên làm Trưởng ban điều hành V.League 2019 tạo ra hy vọng sẽ giúp giải đấu diễn ra suôn sẻ hơn. Hy vọng đó có cơ sở khi ông Hoài từng nhiều năm làm Giám đốc điều hành tại FLC Thanh Hóa, có đủ kinh nghiệm và chuyên môn để đảm nhiệm chức vụ mới.

Các vị trí phó trưởng ban được trao cho bà Phạm Thị Ánh Tuyết, Trưởng phòng tổ chức thi đấu VPF ông Phạm Hồng Thái, Chánh văn phòng VPF và ông Phạm Hữu Thỉnh, Trưởng phòng tham mưu tác chiến.

Cũng cần nhắc lại thêm là từ mùa 2018, VPF đã chuyển đổi mô hình từ ban tổ chức giải thành ban điều hành các giải đấu quốc gia do ông Trần Anh Tú, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc VPF đảm nhiệm. 

Ở mùa 2018, ông Trần Anh Tú từng bị bầu Đức của Hoàng Anh Gia Lai chỉ trích gay gắt do nắm quá nhiều chức danh tại Công ty VPF và còn ra ứng cử Phó chủ tịch VFF khóa VIII. Đến trước V.League 2019, ông Tú rút lui khỏi vị trí Trưởng ban điều hành và nhường vị trí cho ông Hoài. Ông Hoài là gương mặt quen thuộc, có uy tín trong giới chuyên môn và từng có nhiều phát ngôn rất mạnh mẽ.

Một trong những nguyên nhân dẫn đến cuộc chuyển đổi này đến từ việc  trước đó Trưởng giải Nguyễn Minh Ngọc đã mắc nhiều sai sót tại V.League 2017. Ông Ngọc sau đó đã được VFF rút về và trao cho vị trí Phó tổng thư ký phụ trách chuyên môn.

Quyền lực ban điều hành đến đâu?

Nhận được sự kỳ vọng không nhỏ song đến thời điểm này, khó có thể nói rằng Ban điều hành V.League 2019 đã hoàn thành nhiệm vụ một cách xuất sắc.

Điển hình như vụ việc pháo sáng tại sân Hàng Đẫy trong trận đấu giữa Hà Nội và Nam Định, vai trò của ban điều hành giải quá mờ nhạt so với chức năng và nhiệm vụ. 

Ông Tú và ông Hoài đều cho biết người của ban điều hành đã xuống sân kiểm tra trước trận, vạch ra những phương án để đảm bảo an ninh rồi sau đó gửi công văn cho VFF xin hỗ trợ. Họ không có bất cứ một sự chủ động nào trong công việc khi mọi thứ đều phải chờ VFF ra chỉ thị. 

Khi sự việc đáng tiếc xảy ra, ông Tú cũng chỉ còn biết trách “ban tổ chức sân Hàng Đẫy quá vô trách nhiệm”. Ông Hoài vào tận Bệnh viện Xanh Pôn để thăm nữ cổ động viên bị thương do trúng pháo sáng, song đó cũng là việc có ích nhất mà ông có thể làm.

Nghịch lý nằm ở chỗ Ban điều hành giải của VPF là những người làm việc trực tiếp nhưng họ không có quyền hành gì trong việc cấm sân hay đưa ra án phạt cụ thể với các vi phạm. Chẳng riêng gì Ban tổ chức sân Hàng Đẫy, e rằng chẳng có ban tổ chức sân nào lại phải “sợ” ban điều hành giải trước thực trạng đó.

Mô hình ban điều hành cũng cho thấy sự bất cập của riêng nó. Trên thực tế, dù ông Hoài là trưởng ban nhưng ông Tú vẫn là người chịu trách nhiệm cao nhất trong công tác tổ chức. 

Ông Tú cũng là người thường xuyên đưa ra những phát ngôn trên truyền thông về các vấn đề liên quan đến V.League. Nhiều người cho rằng dù có khả năng chuyên môn nhưng ông Hoài đang khá mờ nhạt và không khác mấy so với thời ông Minh Ngọc còn làm trưởng ban tổ chức giải.

Hà Nội đăng quang ở đâu?

Ban điều hành V.League 2019 đã gặp khá nhiều vấn đề với những kế hoạch đặt ra từ đầu mùa, một trong số đó là việc áp dụng công nghệ VAR trong mùa giải này. Nhiều lời hứa hẹn đã được đưa ra, rốt cuộc đều không trở thành hiện thực vì nhiều nguyên nhân khác nhau.

Sự hiệu quả của ban điều hành dường như chỉ được thể hiện ở việc sắp xếp lịch thi đấu trong một mùa giải liên tục có những xáo trộn, khi câu lạc bộ Hà Nội phải thi đấu ở 3 đấu trường khác nhau cùng với lịch tập trung xen kẽ của đội tuyển quốc gia và U22 Việt Nam, lịch thi đấu V.League đã nhiều lần phải thay đổi nhưng không gặp nhiều phản ứng từ các đội bóng như các mùa giải trước.

Xét một cách toàn diện, Ban điều hành V.League 2019 vẫn chưa thực sự làm thỏa mãn những người yêu bóng đá khi giải đấu vẫn còn tồn tại rất nhiều vấn đề. Rõ ràng, khi ban điều hành giải chưa được trao quyền lực một cách triệt để, chưa được cầm trên tay “Thượng phương bảo kiếm” thì họ chưa thể hoàn thành nhiệm vụ của mình một cách hiệu quả nhất.

Một lần nữa, bài toán tổ chức lại được đề ra. Nên hay không nên có một ban tổ chức hay điều hành giải đấu được lập ra một cách hoàn toàn độc lập, không có bất cứ một “dây mơ rễ má gì” với các tổ chức bóng đá khác của Việt Nam. Cách làm này giống như thuê một CEO và trao toàn quyền để điều hành một doanh nghiệp, hiệu quả sẽ được đánh giá bằng các KPI trong từng lĩnh vực.

Về cơ bản, khi những nhóm lợi ích vẫn còn tồn tại, thật khó để một ban điều hành với những con người như hiện tại có thể “mạnh tay” mà không làm sứt mẻ quan hệ hoặc xung đột lợi ích. 

Giải tán Ban tổ chức để tối ưu lợi nhuận

Khi quyết định giải tán Ban Tổ chức giải để thành lập ban điều hành, ông Trần Anh Tú nêu quan điểm: “Chúng tôi muốn quyền lực điều hành được tập trung thay vì một bộ máy ban tổ chức cồng kềnh trước đây. 

Thứ nhất, điều này giúp VPF xử lý thông tin nhanh, chính xác thay vì sự đôi co qua lại như trước giữa câu lạc bộ cũng như giới truyền thông. Thứ hai, việc tinh giản biên chế giúp cho VPF tiết kiệm được một khoản kinh phí rất lớn”.

Để tiết kiệm kinh phí, ban điều hành có các thành viên được kiêm nhiệm nhiều vị trí. Ông Nguyễn Trọng Hoài, Trưởng ban đồng thời là Phó Tổng giám đốc VPF. Bà Ánh Tuyết, Phó ban kiêm Trưởng phòng tổ chức thi đấu VPF. Ông Hồng Thái, Phó ban kiêm Chánh văn phòng VPF.

Liệu những nhân vật kiêm nhiệm này có đủ sức để gánh vác cả hai công việc chuyên môn mà họ được giao, đặc biệt khi việc điều hành một giải vô địch quốc gia là rất nặng nề? Ban điều hành của VPF hiện tại còn phải hoàn thành nhiệm vụ ở 3 giải là V.League, giải Hạng Nhất và Cúp Quốc gia.

Việc tinh giản biên chế để giảm cồng kềnh cho bộ máy và tiết kiệm chi phí là việc nên làm, nhưng tính hiệu qua của công việc vẫn phải đặt lên hàng đầu. Với đội ngũ nhân sự mỏng lại phải đảm nhiệm nhiều nhiệm vụ, chức năng, thật khó để ban điều hành VPF tránh khỏi những sai sót đáng tiếc.

Bên cạnh đó, một ban tổ chức với đầy đủ ban bệ có lẽ vẫn cần thiết hơn tại một giải đấu có tầm cỡ như V.League. Cụ thể, khi xảy ra chuyện, người ta sẽ biết rõ ai phải chịu trách nhiệm trước công luận. Ví dụ như trong vụ pháo sáng ở sân Hàng Đẫy, không có bất cứ cá nhân nào của VPF phải chịu hình phạt dù tổ chức này không thể phủ nhận liên đới trách nhiệm. Hay như việc tổ chức trao cúp cho CLB Hà Nội, ai là người sẽ đứng ra để xin lỗi các cổ động viên Thủ đô phải chờ một khoảng thời gian rất dài và quãng đường di chuyển khó khăn để ủng hộ đội bóng của mình?

Đơn Ca
.
.
.