“Bạn thân thầy Park” vẫn đi tìm dấu ấn

Thứ Ba, 01/10/2019, 14:38
Chung Hae-song và Park Hang-seo có mối thâm tình đặc biệt. Họ không chỉ cùng làm việc trong ê kíp của Guus Hiddink tại đội tuyển Hàn Quốc hồi World Cup 2002 mà còn từng là đồng đội của nhau ở CLB Lucky Gold Star.


Cách đây 2 năm, họ lại cùng sang Việt Nam để tìm kiếm cơ hội nghề nghiệp mới. Nhưng nếu Park Hang-seo đã trở thành “người hùng quốc dân” thì Chung Hae-song vẫn đang trong quá trình tìm một dấu ấn lớn tại vùng đất mới.

"Tôi ghen tỵ với ông Park"

HLV Chung Hae-song không ngần ngại thừa nhận điều đó. Người bạn thân của ông giờ đã là một biểu tượng với những thành công rực rỡ của bóng đá Việt Nam trong khoảng 2 năm qua. “Đi đến đâu cũng thấy hình ảnh ông Park. Ông ấy làm tôi ganh tỵ!” – HLV Chung Hae-song cho biết.

Dĩ nhiên, “ganh tỵ” ở đây mang ý nghĩa tích cực. Ông Chung và ông Park đã biết nhau hơn nửa đời người; họ hiểu nhau quá rõ, thậm chí như ruột thịt. “Ông Park là một người tuyệt vời. Những gì ông ấy có được với bóng đá Việt Nam xứng đáng với tài năng của ông ấy. Tôi mừng cho bạn mình và hy vọng ông Park sẽ tiếp tục có những thành tích mới!” – ông Chung chia sẻ.

Ít ai biết rằng trước khi Park Hang-seo ký hợp đồng với đội tuyển Việt Nam, ông Chung Hae-song mới là người được VFF nhắm đến. So với ông Park, ông Chung sắc sảo hơn về mặt chiến thuật.

Ông Park và ông Chung là những người rất hiểu nhau.

Điều này được chính chiến lược gia sinh năm 1958 tiết lộ: “Trong ê kíp của Guus Hiddink trước đây, tôi là người được giao nhiệm vụ tổ chức các buổi tập, còn ông Park chuyên làm công tác tư tưởng cho các cầu thủ. Ông ấy cực kỳ giỏi trong việc động viên tinh thần các cầu thủ”.

Điều đó chúng ta đều đã thấy trong 2 năm thầy Park dẫn dắt các đội tuyển Việt Nam. Với sự thân thiện, chu đáo và gần gũi, chiến lược gia Hàn Quốc luôn biến các tập thể mà mình dẫn dắt thành những gia đình lớn, nơi mọi thành viên đều cảm thấy mình phải có trách nhiệm làm tốt nhất nhiệm vụ được giao.

Tinh thần thi đấu, sự tập trung và ý chí quyết chiến mà thầy Park đã truyền vào các cầu thủ chính là điểm khác biệt nhất của thế hệ Quang Hải, Đình Trọng, Văn Hậu so với các thế hệ trước.

Trong khi đó, ông Chung không có được sự mềm dẻo như bạn của mình. Xuất sắc về mặt chuyên môn, nhưng phong cách ứng xử thẳng thắn của ông Chung có lẽ là điểm trừ khiến ông không có được vị trí như người bạn thân của mình. Môi trường làm việc tại Việt Nam lại cần sự khôn khéo không kém gì tài năng.

Thời điểm bầu Đức sang Hàn Quốc để ký hợp đồng với ông Chung và ông Park, đã có ý kiến cho rằng Hoàng Anh Gia Lai được “ưu tiên” hơn đội tuyển Việt Nam. Ông Park Hang-seo và ông Chung Hae-seong cùng thuộc quản lý của một công ty đại diện nhưng ông Chung có bản lý lịch tốt hơn người bạn của mình khi từng dẫn dắt nhiều CLB Hàn Quốc và có thâm niên làm giám đốc kỹ thuật. Xét về kỹ năng quản lý, vạch ra chiến lược đường hướng phát triển lâu dài, ông Chung có tiếng tăm ở quê hương mình.

HLV Chung Hae-song sang Việt Nam với vai trò Giám đốc kỹ thuật của Hoàng Anh Gia Lai, theo lời mời của bầu Đức. Nhiệm vụ của ông là hỗ trợ huấn luyện viên đội bóng phố núi khi đó là ông Dương Minh Ninh. Sự xuất hiện của ông Chung Hae-song lúc đó đem đến nhiều hy vọng cho Hoàng Anh Gia Lai. Họ thậm chí đặt mục tiêu lọt vào tốp 4 mùa giải V.League 2018. Thế nhưng những sa sút bất ngờ ở giai đoạn nửa sau khiến đội bóng của bầu Đức chỉ cán đích ở vị trí 10/14, lọt lưới tới 53 bàn thua, cao nhất mùa giải.

Thống kê yếu kém ấy khiến cho tên tuổi ông Chung Hae-song bị ảnh hưởng đáng kể. Cùng thời gian đó, người bạn thân của ông là ông Park lại giành hết thắng lợi này đến chiến công khác cho bóng đá Việt Nam.

Từ xuất phát điểm như nhau, ông Chung chỉ còn được nhắc đến như là “bạn thân của thầy Park”. Đó là lý do vì sao ông quyết tâm rời đội bóng phố núi để bắt đầu một cuộc phiêu lưu mới tại CLB TP HCM.

Ông Chung đã có một mùa giải thành công cùng với CLB TP HCM.

Bóng đá Việt Nam không đơn giản

Trả lời phỏng vấn về quãng thời gian tại Hoàng Anh Gia Lai, ông Chung khẳng định: “Nói tôi thất bại ở Hoàng Anh Gia Lai là không chính xác. Tôi giữ vai trò giám đốc kỹ thuật, là người tư vấn và chia sẻ kinh nghiệm với HLV Dương Minh Ninh. Tôi tôn trọng quyền lực của HLV trưởng, ông ấy mới là người đưa ra những quyết định cuối cùng về mặt chiến thuật, nhân sự. Việc Hoàng Anh Gia Lai thi đấu không thành công là hệ quả của rất nhiều yếu tố”.

Tôn trọng nhiệm vụ mà mỗi người được giao, đó là phong cách làm việc ông Chung kế thừa từ chiến lược gia vĩ đại Guus Hiddink. Thành công của Hiddink tại đội tuyển Hàn Quốc có được một phần lớn đến từ mối tương tác cực tốt với các trợ lý bản địa như Chung Hae-song hay Park Hang-seo. Vị HLV Hà Lan luôn chủ động chia sẻ, lắng nghe với tinh thần cầu thị các ý kiến đóng góp từ đội ngũ trợ lý.

Ông Chung đã mang cách làm việc này đến với đội bóng thứ hai của mình tại Việt Nam là CLB TP HCM. Tại đây, ông mới được thỏa sức vẫy vùng. So với khi làm giám đốc kỹ thuật tại Hoàng Anh Gia Lai, khối lượng công việc của vị HLV Hàn Quốc nhiều hơn hẳn. “Tôi phải quyết định mọi thứ, từ sinh hoạt, tập luyện đến thi đấu. Việc cho cầu thủ nghỉ ngơi như thế nào, nghỉ bao lâu sau mỗi trận đấu cũng là nhiệm vụ của tôi. Quan trọng nhất, tôi còn phải chuẩn bị kế hoạch của cả đội, trong 1 tuần, 1 tháng hay thậm chí là cả năm” – ông Chung mô tả về công việc tại CLB TP HCM.

Quả thật, dù không thể vô địch V.League 2019, CLB TP HCM đã có sự lột xác đáng khen ngợi dưới sự dẫn dắt của ông Chung. Từ một đội bóng phải vật lộn với cuộc đua trụ hạng, CLB TP HCM gây bất ngờ lớn khi có thời điểm vượt lên trên ứng cử viên số 1 là CLB Hà Nội để giữ ngôi đầu bảng.

Ông Chung khá khiêm tốn khi nói rằng những gì CLB TP HCM có được trong mùa giải này là sự đóng góp của cả một tập thể, nhưng rõ ràng nếu so sánh trực quan với những người tiền nhiệm như Toshiya Miura, công sức và tài năng thầy Chung thật sự đáng ghi nhận.

Nếu có một điều gì đó còn hơi thiếu ở ông Chung thì có lẽ đó là sự hiểu biết về môi trường bóng đá Việt Nam. Khác với ông Park vốn mềm mỏng, tinh tế và hòa nhập nhanh, cũng như đặc trưng làm việc ở đội tuyển quốc gia ít va chạm trực tiếp với câu lạc bộ, ông Chung có vẻ như chưa hoàn toàn “thích nghi” với môi trường V.League. 

Đó là lý do vì sao khi bầu Đức cảnh báo CLB TP HCM không thể vô địch mùa giải vì tình trạng “5 đánh 1” thì ông Chung đã phản ứng dữ dội, để rồi khi mùa giải hạ màn, ông lại phàn nàn về việc nhà vô địch CLB Hà Nội nhận quá nhiều ưu ái từ các trọng tài.

Có lẽ ông Chung sẽ còn mất một thời gian nữa để thực sự hòa nhập với bóng đá Việt Nam. Khi đó, việc ông để lại một dấu ấn lớn cho “bằng bạn bằng bè” hoàn toàn có thể xảy ra, ví dụ như một chức vô địch V.League. 

Quan hệ với bầu Đức

Mối quan hệ giữa bầu Đức và ông Chung Hae-song ít khi được nhắc đến trên báo giới, nhưng qua những phát ngôn của hai người, có thể hiểu rằng mối quan hệ này đã xấu đi nhiều kể từ khi ông Chung rời ghế Giám đốc kỹ thuật CLB Hoàng Anh Gia Lai dù trên mặt báo, ông Chung từng nói mình biết ơn bầu Đức vì quãng thời gian ở đội bóng phố núi.

Nguyên nhân của điều này xuất phát từ sự can thiệp của bầu Đức vào chuyên môn đội bóng, điều mà ông Chung rất không thích. Tại CLB TP HCM, ông là một trong những huấn luyện viên đầu tiên tại V.League công khai tuyên bố “cấm” chủ tịch đội bóng ngồi ở khu vực kỹ thuật của ban huấn luyện. "Chủ tịch có thể ra những chỉ đạo tầm chiến lược nhưng nếu ông ấy trực tiếp nhúng tay vào lựa chọn cầu thủ hay can thiệp vào chiến thuật, bộ máy sẽ vận hành không hiệu quả”, ông Chung chia sẻ với báo giới. 

Ở mùa giải này, sau khi bầu Đức tuyên bố CLB TP HCM của HLV Chung Hae-seong không thể vô địch V.League 2019 thì chiến lược gia Hàn Quốc cũng đã phản bác lại quan điểm đưa cầu thủ ra nước ngoài để dự bị của bầu Đức.

Phát biểu về việc Công Phượng sang Bỉ khoác áo Sint-Truidense, ông Chung cho biết: “Khi cầu thủ đi nước ngoài mà không được thi đấu thì ở lại V.League vẫn tốt hơn. Với tôi, đã là cầu thủ thì phải được ra sân thi đấu, nếu sang nước ngoài mà chỉ để tập luyện rồi ngồi dự bị thì khi trở về đội tuyển quốc gia sẽ mất phong độ. Điều quan trọng nhất là các cầu thủ phải chọn được một câu lạc bộ phù hợp, không nhất thiết phải đá cho những câu lạc bộ hàng đầu thế giới. Nếu họ xem việc sang nước ngoài là thành công thì sai lầm. Ra nước ngoài, cầu thủ phải được ra sân, đấu và chứng tỏ năng lực của mình. Nếu đi chỉ để ngồi dự bị thì không nên".

Đơn Ca
.
.
.