Những bất cập khiến cho danh hiệu nghệ sĩ đang dần mất thiêng!

Thứ Ba, 25/08/2015, 08:00
Mồng 2/9/2015 sẽ là ngày tôn vinh các nghệ sĩ đạt danh hiệu NSƯT, NSND. Nhưng dường như đây không còn là sự kiện được chờ đợi nhiều khi không ít nhiều câu chuyện buồn xung quanh việc xét tặng. Những bất cập, khiến cho câu chuyện danh hiệu dần mất thiêng.
Vì sao một danh hiệu vốn được coi là cao quý và thiêng liêng đối với nghệ sĩ lại trở thành những chuyện lùm xùm. Vì sao bây giờ, danh hiệu được phổ cập đến mức, nó dần không còn thực sự thiêng với nhiều nghệ sĩ. Thậm chí, họa sĩ Hoàng Hà Tùng chua chát khi nói rằng, cứ đà này nghệ sĩ thường sẽ không còn nữa, khi chúng ta đang có quá nhiều NSƯT và NSND.
Nhìn vào danh sách phong tặng danh hiệu NSƯT và NSND trình lên cấp nhà nước lần này, có những cái tên xa lạ, thậm chí gần như vắng bóng trong đời sống nghệ thuật. Trong khi đó, có những nghệ sĩ mà tên tuổi và sự cống hiến của họ không thể phủ nhận lại bị gạt ra ngoài. Vì sao có chuyện đó?

Theo tìm hiểu của chúng tôi, có  nhiều bất cập trong việc xét tặng danh hiệu. Và một trong những bất cập lớn nhất là việc quy đổi huy chương trong xét tặng danh hiệu. Các nghệ sĩ cho rằng, danh hiệu không phải là vàng bạc mà có thể quy đổi. Việc quy đổi huy chương đã tạo ra nhiều hệ lụy. Đó là nhiều NSƯT, thậm chí NSND nhưng không mấy ai biết họ đã có cống hiến gì trong lĩnh vực của họ, và sự ảnh hưởng của họ ra sao.

Một buổi họp đề nghị xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT năm 2015 của tỉnh Thái Bình.

Nhiều năm nay, họa sĩ, NSƯT Hoàng Hà Tùng không làm hồ sơ xét tặng danh hiệu NSND. Bởi với anh, danh hiệu NSND là một điều gì đó rất cao quý, thiêng liêng, không thể vơ đũa cả nắm. Họa sĩ cho biết: "Bất cứ một người nào, đã tham gia vào một vở diễn được huy chương vàng (HCV) đều được tính 1/3 HCV. Theo cách quy đổi, một vở diễn được HCV thì diễn viên chính sẽ được 2/3 huy chương.

Còn các diễn viên phụ, ở tất cả các khâu, diễn viên phụ, hậu đài, ánh sáng... chỉ cần chứng nhận của đạo diễn là có tham gia vở X được HCV, sẽ được hưởng 1/3 vàng. Như vậy cứ tham gia nhiều, khoảng 5-6 vở được HCV, nghĩa là nghiễm nhiên, các diễn viên phụ sẽ có một huy chương "vàng ròng". Và cứ tích cóp dần như thế, theo năm tháng và thời gian, họ sẽ có đủ số HCV cần thiết để được phong tặng danh hiệu, từ NSƯT đến NSND. Rồi cứ 3 HCB sẽ được quy đổi thành 1 HCV. Cứ đà này, thì Việt Nam sẽ nhan nhản danh hiệu".  

Đành rằng, những diễn viên phụ cũng là một khâu trong chuỗi sáng tạo. Nhưng thiết nghĩ, với những lĩnh vực đặc thù như nghệ thuật, thì cá tính sáng tạo, dấu ấn cá nhân rất quan trọng. Một solid trong múa, một diễn viên chính trong kịch, hay phim, chèo, tuồng, không thể cào bằng với những nghệ sĩ quần chúng, người làm hậu đài.

Vì thế, nhiều nghệ sĩ cho rằng, để đảm bảo sự công bằng và tôn vinh đúng những cá nhân xuất sắc trong nghệ thuật, dựa trên tiêu chí HCV, thì nhất thiết, đó phải là những HCV cá nhân, là sự sáng tạo của cá nhân đó. Sự quy đổi vô tình cào bằng mọi giá trị trong nghệ thuật, làm mất tính phấn đấu, sự khổ luyện của nghệ sĩ để đạt được những thành công. Bởi không cần là solid, họ chỉ cần tham gia nhiều vở, nghiễm nhiên họ sẽ được công nhận danh hiệu.

Nhiều ý kiến cho rằng, đã HCV phải là huy chương cá nhân, tức "vàng ròng", chứ không thể quy đổi bất cứ điều gì. Như thế, may chăng, danh hiệu nghệ sĩ mới hiếm và quý. Và giữ được sự thiêng liêng trong trái tim người nghệ sĩ cũng như công chúng.

Việc quy đổi, đã tạo ra mưa danh hiệu, ai cũng có thể trở thành NSƯT và theo năm tháng, làm việc nhiều, họ sẽ trở thành NSND mà nhiều người không biết họ là ai. "Danh hiệu hiếm mới quý, cứ  đà này, thì không còn nghệ sĩ thường nữa. Tôi cho rằng, việc quy đổi là một sự xúc phạm đến danh hiệu cao quý đó, nó sẽ mất thiêng. Chính người nhận không còn cảm thấy hạnh phúc thì danh hiệu không còn thiêng nữa. Nó giống như việc thăng cấp hàm, đến hẹn lại lên nhưng việc thăng cấp hàm còn có giới hạn tuổi nghỉ hưu, chứ nghệ sĩ, làm gì có tuổi, nên sống lâu, cứ lên lão làng, ai cũng có thể thành NSƯT, NSND hết. Danh hiệu chẳng còn mấy giá trị. Những người có tài, có tâm và có lòng tự trọng, họ không còn mặn mà với danh hiệu, thậm chí không làm hồ sơ", họa sĩ Hoàng Hà Tùng chia sẻ.

Nhìn vào bộ hồ sơ của nhiều nghệ sĩ dày cộp không phải vì họ sở hữu nhiều giải thưởng cá nhân, mà vì họ tham gia nhiều vở được HCV. Hồ sơ của họ sẽ dày hơn những hồ sơ khác, vì sự tích cóp điểm, nhưng sự lao động và cống hiến của họ trong nghề như thế nào thì chắc mọi người đều biết. Họ có thể đạt được quy chuẩn "phần cứng" từ việc quy đổi huy chương, nhưng "phần mềm" của tài năng, của sự cống hiến, chắc phải xem lại.

Họa sĩ - NSƯT Hoàng Hà Tùng, nghệ sĩ múa Tuyết Minh và nhiều nghệ sĩ có trách nhiệm với danh hiệu đều chỉ ra những bất cập trong việc quy đổi huy chương này. Bởi nó sẽ đánh mất giá trị của danh hiệu, tạo kẽ hỡ cho những tiêu cực trong việc xét tặng danh hiệu. Và quan trọng nhất, nó tạo nên những thế hệ NSƯT và NSND quá phổ cập. 

Họa sĩ, NSƯT Hoàng Hà Tùng: Quy đổi giải thưởng là phi nghệ thuật

Mỗi lần xét tặng danh hiệu là chúng ta cứ đưa nhau ra mổ xẻ, tôi thấy rất đau lòng, bởi nghệ sĩ đích thực là những người trọng danh dự, dễ tổn thương. Cứ đà này, thì không còn nghệ sĩ thường nữa, vì chúng ta có quá nhiều danh hiệu, như mưa giải thưởng. Tôi cho rằng, vấn đề quy đổi huy chương là bất cập nhất hiện nay, nó tạo điều kiện cho những người không trực tiếp làm nghệ thuật, những cá nhân không có nhiều cống hiến cũng được danh hiệu vì họ tham gia vào một khâu nào đó, rất nhỏ trong quá trình sáng tạo.

Họa sĩ Hoàng Hà Tùng.

Quy đổi là một sự xúc phạm- bởi không có gì quy đổi được những giá trị tinh thần đó. Chỉ có vàng quy đổi ra tiền, một cách lạnh lùng mà thôi. Đã xét tặng danh hiệu phải là 3 HCV cá nhân thì được NSƯT và thêm 2 HCV cá nhân sẽ được NSND chứ không thể có chuyện, ngồi cộng dồn từng phần của HCV để được danh hiệu. Sự quy đổi đã đẻ ra nhiều NSƯT và NSND mà nhiều người không biết họ là ai, họ có đóng góp gì. Vì thế nền nghệ thuật của chúng ta cứ lẹt đẹt, không có nghệ thuật đỉnh cao.

Một vở kịch không phải chỉ có diễn viên chính làm nên sự thành công, đó là sự cộng hưởng của nhiều người, ở nhiều lĩnh vực, diễn viên, hậu đài, ánh sáng, họa sĩ thiết kế... Nhưng, không thể cao bằng. Ai có tài năng, tâm huyết, ai để lại dấu ấn cá nhân, người đó được ghi nhận và tôn vinh. Một ca sĩ hát hay, dù hát ít thì họ vẫn là được ghi nhận, bởi họ tài năng. Nhưng một ca sĩ có thể hát không hay, vì hát nhiều, sẽ thành NSƯT. Vậy thì cần gì cá tính sáng tạo? Cần gì tài năng.

Danh hiệu là cá nhân, không thể quy đổi tập thể thành cá nhân được.Tôi nghĩ, việc xét tặng danh hiệu phải dựa vào huy chương cá nhân không quy đổi và uy tín nghề nghiệp và dư luận xã hội về cá nhân đó. Làm như vậy, chúng ta sẽ  đảm bảo sự công bằng, tôn vinh được những người xứng đáng và giữ được danh giá của danh hiệu. Tại sao ngày xưa, các thế hệ trước, danh hiệu là một điều cao quý như thế và họ giữ được điều đó. Còn chúng ta bây giờ?

Nghệ sĩ Tuyết Minh: Việc quy đổi huy chương xóa nhòa cá tính sáng tạo

Bất cập lớn nhất trong việc xét tặng danh hiệu là việc quy đổi huy chương. Cứ mỗi mùa xét danh hiệu, nhiều người chạy nháo nhào xin chứng nhận tham gia các vở được HCV để cộng huy chương. Điều đó thật đáng buồn vì nó cào bằng mọi giá trị mà trong nghệ thuật, cá tính sáng tạo là điều cốt lõi nhất. Nghệ sĩ không có cá tính nghệ thuật, họ sẽ không có gương mặt của chính mình. Việc quy đổi đã góp phần tạo nên sự cào bằng, xóa nhòa cá tính sáng tạo.

Như trong lĩnh vực múa, các nghệ sĩ tham gia múa tập thể, hay những người làm ánh sáng, hậu đài, họ chỉ góp một phần vào thành công của vở diễn, chứ không có nghĩa, không có họ thì không có HCV. Đối với nghệ thuật biểu diễn, người ta đánh đồng nhân vật chính và nhân vật phụ như nhau. Nhân vật phụ chỉ cần có mặt, chỉ cần làm nhiều, và vở mà họ tham gia được HCV, nghiễm nhiên họ cũng được một phần vàng. Nên rất nhiều NSƯT và NSND mà không ai biết. 

Biên đạo múa Tuyết Minh.

Bản thân một tác phẩm múa chẳng hạn, vai trò của solo rất quan trọng, họ phải biểu đạt được tình cảm, cảm xúc và tài năng của mình, thành công của tác phẩm là nhờ họ. Còn các nghệ sĩ múa tập thể, họ chỉ cần cười tươi, múa đều, không có sự xuất chúng, không có dấu ấn cá nhân. Nhưng qua thời gian, nhiều tác phẩm họ tham gia được HCV,  họ cũng sẽ được cộng và quy đổi để được danh hiệu. Như thế là không ổn. Tuy nhiên, nếu không tính quy đổi cho họ, thì có vẻ thiệt thòi. Nhưng không thể đánh đồng mọi giá trị. Nếu họ có tài năng, họ phải khổ luyện và phấn đấu, mới có cơ hội.

Còn chúng ta đang làm như thế này, sẽ khiến cho nhiều người không cố gắng rèn luyện, phấn đấu, bởi kiểu gì rồi họ cũng sẽ có danh hiệu. Dù với những nghệ sĩ chân chính, họ làm nghề bằng cảm xúc, bằng tình yêu, bằng sự đam mê chứ không phải vì danh hiệu. Năm nay, rất nhiều nghệ sĩ múa tập thể ở các đoàn được xét tặng danh hiệu trong khi các solid lại rất ít. Đó là một kẽ hỡ cần điều chỉnh để đảm bảo giá trị của danh hiệu.

Việt Hà
.
.
.