Báo động trào lưu làm phim mạng bạo lực của nghệ sĩ

Thứ Hai, 14/09/2020, 07:17
Năm 2019, trong các cuộc hội thảo góp ý vào dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi), rất nhiều chuyên gia đã đưa ra vấn đề quản lý phim online (web – drama) và hành lang pháp lý của loại hình phim đang nở rộ này. Thế nhưng, cho đến nay, dường như chúng ta vẫn chưa có một chế tài kiểm soát chặt chẽ. Phim online với những nội dung bạo lực vẫn tràn lan trên mạng xã hội, cảnh báo về những tác động xấu của nó đến một bộ phận lớn giới trẻ.


Nở rộ phim về bạo lực học đường

Đã có khá nhiều cuộc bàn thảo về một hành lang pháp lý cho phim online trong thời gian qua. Thế nhưng đến nay, chúng ta vẫn chưa có một chế tài kiểm soát và xử phạt cụ thể.  Thời gian qua, phim online với những nội dung bạo lực vẫn chiếm sóng trên các trang mạng xã hội. Bạo lực học đường đang trở thành chủ đề chính trong các phim chiếu mạng. Chỉ cần lướt qua các tựa phim như “Lớp trưởng tôi là đại ca”, “Bạn trai tôi trùm trường”, “Bạn gái tôi trùm trường”, “Cô giáo tôi trùm cuối lớp”, “Biệt đội công lý”, “Thiếu gia đi học”, “Đại ca đi học”… người xem có thể hình dung ra nội dung không thiếu những pha đánh đấm mang tính bạo lực.

Phim “Bạn gái tôi trùm trường”.

Rất nhiều phim mang hình ảnh các cô cậu học trò áo trắng tinh nhưng đầy hình xăm, mặt đằng đằng sát khí, mở miệng chửi thề, đối thoại với nhau bằng những ngôn từ khiếm nhã. Điều đáng nói, là trong các phim này, tần suất đánh nhau dày đặc bởi việc chia bè, phe nhóm - một vấn nạn học đường. Đó là những hành vi như “ma cũ” bắt nạt “ma mới”, đòi tiền bảo kê… Hình thức bạo lực cũng đa dạng, nhẹ thì uống nước phun vào mặt bạn, đổ sữa lên đầu, xô vào xe rác, trấn lột tiền, đồ ăn… nặng thì đánh đấm, thậm chí máu me đầy người…

Điều đáng nói là không chỉ các học sinh nam, mà nữ cũng được xây dựng theo xu hướng đầu gấu, kiểu giật tóc kèm những lời chửi mạt sát rất phản cảm, lại đặt trong bối cảnh học đường. Không hiểu những người làm phim này có dụng ý gì ngoài mục đích câu view bởi phim không mang nội dung giáo dục, lên án cái ác mà ngược lại, cổ xúy cho những trào lưu bạo lực.

Ngoài việc đưa những hình ảnh bạo lực, các bộ phim này còn làm méo mó hình ảnh những người thầy, cô trên giảng đường. Trong phim “Lớp trưởng lớp tôi là đại ca” nhân vật cô giáo diện váy ngủ ren khoe vòng 1 gợi cảm khi dạy thêm tại nhà cho nam sinh cô thích; nhân vật thầy giám thị nhận làm tay trong cho nhân vật chính sau khi được dạy cho cách… cua gái… Tất cả những điều đó đều được phản ánh một cách cụ thể, trực diện trong các bộ phim. Và đáng tiếc hơn, những bộ phim này đều đạt con số kỷ lục triệu người xem, thậm chí như phim “Cô giáo tôi là trùm cuối lớp” và “Lớp trưởng tôi là đại ca” đang trong top 20 phim thịnh hành hiện nay.

Còn nhớ, cách đây một thời gian, các trào lưu phim giang hồ gây sốt cộng đồng mạng và chính các nhân vật đó đã bị xử lý hình sự. Còn ở đây, với những phim bạo lực học đường, sử dụng hình ảnh của học sinh theo xu hướng bôi nhọ, phản cảm thì chưa thấy cơ quan quản lý nào lên tiếng.

Cảnh trong phim “Bạn trai tôi trùm trường”.

Phản ánh cái xấu, cái ác để lên án phê phán và tôn vinh cái đẹp, cái cao thượng là điều bình thường. Nhưng với những bộ phim kịch bản hời hợt, lời lẽ buông tuồng, dễ dãi, diễn viên gượng gạo, thông điệp mờ nhạt này chắc chắn không mang lại cảm xúc tích cực cho người xem. Đó chỉ là một trào lưu câu view rẻ tiền, lợi dụng tâm lý đám đông và sự hiếu kỳ của một bộ phận giới trẻ. Những bộ phim này đang xuất hiện ngày càng nhiều trên mạng xã hội và nhận được những lời lẽ bình luận tán dương của đông đảo bạn trẻ. Thế nhưng, cho đến nay, các cơ quan quản lý vẫn chưa có động thái nào để kiểm duyệt hay loại bỏ những bộ phim có nội dung tiêu cực đó.

Nghệ sĩ đua nhau làm phim bạo lực

Thời đại số cho thấy sự ưu việt của mạng xã hội và phát triển phim online là một xu hướng tất yếu. Thế nhưng, đáng tiếc là điện ảnh Việt trên nền tảng số lại chủ yếu là dòng phim bạo lực, nội dung nhạt nhẽo, hời hợt.

Vậy các nhà sản xuất phim online là ai? Một phần lớn các nhà sản xuất phim online là những diễn viên, danh hài thành danh ở Việt Nam như Việt Hương, Nam Thư, Trấn Thành, Lâm Chí Khanh, Hồ Quang Hiếu… Không hiểu vì họ không đủ trình độ thẩm định giá trị của một tác phẩm dù là chiếu online hay trực tiếp hay họ cố tình làm như vậy để câu view và kiếm lợi nhuận từ chính lượt view họ “câu” được?  

Cảnh trong phim “Dòng máu giang hồ”.

Mới đây nhất, diễn viên Minh Hằng ra mắt phim chiếu mạng “Kẻ săn tin”. Nữ ca sĩ bỏ 6 tỷ đồng để thực hiện dự án. Tập 3 của phim bị Youtube gỡ xuống vì nội dung được cho là có yếu tố bạo lực, khủng bố. Cô đã nhanh chóng điều chỉnh tập 3 nhưng phim vẫn không được đánh giá cao bởi xuất hiện tình tiết có phần xúc phạm nghề streamer.

Cụ thể, một nhân vật nữ phụ bị hãm hiếp tâm sự ẩn danh với một anh chàng làm nghề streamer. Tuy nhiên, thay vì được cảm thông, cô chỉ nhận được những lời đùa cợt vô duyên, giễu cợt. Khi biết cô gái qua đời, chàng streamer nhỏ thuốc để tạo nước mắt giả khi đang lên sóng. Tình tiết này khiến nhiều khán giả bức xúc.

Không chỉ Minh Hằng, mà nhiều nghệ sĩ Việt đã tận dụng thời cơ của phim chiếu mạng tung ra nhiều sản phẩm nhạt nhẽo, làm ô nhiễm môi trường văn hóa. Series "Yêu lại từ đầu", “Cân mẹ”, “Trật tự mới”, “Về quê ăn Tết”... của nghệ sĩ Việt Hương; “Thập tam muội”, “Chị Mười Ba” của Thu Trang; “Thập tứ cô nương”, “Nam Phi liên hoàn kế”, “Ai là người thứ ba” của Nam Thư đều là những bộ phim gây bão trên mạng xã hội với hàng triệu lượt người xem dù nội dung của nó chỉ xoay quanh bạo lực, đâm chém…

“Thập Tam Muội” của Thu Trang  bị chê tràn ngập ngôn ngữ chợ búa, sống sượng. Web drama "Dòng máu giang hồ" của đạo diễn Đức Thịnh bị ném đá vì ngập ngụa bạo lực. “Tân Kim Bình Mai” của nghệ sĩ hài Vượng “râu” nhận phải những ý kiến trái chiều vì trang phục quá thiếu vải, nội dung bị đánh giá nhảm nhí, lời thoại thô.

Thế nhưng, vì sao các sao Việt vẫn đua nhau làm phim chiếu mạng? Thời gian qua, khi  các dự án điện ảnh, công việc biểu diễn đều bị ngưng trệ do dịch COVID-19, thì trào lưu này càng có nhiều cơ hội phát triển. Bởi đây là mảnh đất màu mỡ cho họ kiếm tiền. Loại hình này hứa hẹn những khoản lợi nhuận khổng lồ từ các nhà tài trợ, quảng cáo. Phim chiếu mạng có sức hút với nghệ sĩ Việt còn vì sự tiện lợi. Sản phẩm chiếu mạng đôi khi chỉ cần dài mấy phút là có thể đăng lên bất kì lúc nào. Trong khi đó, nếu chiếu truyền hình hay tại rạp, phim phải chờ được kiểm duyệt, điều chỉnh cho phù hợp đối tượng khán giả.

Không ai lên án phim chiếu mạng, thậm chí đó là một xu thế tất yếu trong thời đại số. Nhưng điều đáng bàn ở đây là các nghệ sĩ đã bán rẻ tên tuổi của mình vì những mục tiêu trước mắt, câu view rẻ tiền. Trên các kênh Youtube không ai kiểm duyệt nội dung và công chúng quá dễ dãi khiến dòng phim này có đất sống. Điều đáng nói là hiện dòng phim này đang không bị quản lý bởi Luật An ninh mạng cũng như Luật Điện ảnh. Ai cũng có thể sản xuất và tung lên mạng, nội dung không có một đơn vị nào kiểm duyệt. Trước mắt chỉ dựa vào trách nhiệm của các nhà sản xuất, nhất là khi họ là nghệ sĩ. Họ là những người của công chúng, xét một góc độ nào đó, có thể góp phần định hướng công chúng.

“Kẻ săn tin” của Minh Hằng bị tuýt còi vì nội dung bạo lực.

Nhưng họ đang dẫn dắt công chúng đi vào một xã hội đầy rẫy tiêu cực và bạo lực vì mục đích trước mắt của họ là câu view và kiếm tiền. Như vậy, trước khi nâng cao nhận thức, thẩm mỹ của công chúng để tránh được những virus độc hại như phim bạo lực trên mạng xã hội thì chính những nhà sản xuất phim- những nghệ sĩ - những người của công chúng cần tự nâng cao trách nhiệm của mình với cộng đồng.

Đã đến lúc cơ quan quản lý nhà nước cũng cần siết chặt việc kiểm duyệt phim online, bởi trong xu thế nghe nhìn mới, phim online chiếm thị phần nhiều hơn phim chiếu rạp, do đó, những tác động tốt/xấu của nó đến công chúng là không hề nhỏ, nếu không nói là rất mạnh mẽ. Với nội dung bạo lực của phim mạng hiện nay, chắc chắn đang ảnh hưởng không nhỏ đến lối sống và suy nghĩ lệch lạc trong một bộ phận lớn giới trẻ hiện nay.

Linh Nguyễn
.
.
.