Bao giờ cờ tướng mới chịu "lớn" và thoát "nghèo"?

Thứ Năm, 02/07/2020, 10:34
Giải Vô địch quốc gia môn cờ tướng vừa nhận được tín hiệu cực vui khi nhà tài trợ chính bất ngờ nâng mức thưởng lên đến 200 triệu đồng cho nhà vô địch ở nội dung cờ tiêu chuẩn của nam và nữ. Nhưng cũng đúng vào lúc này, lùm xùm lại xuất hiện.

Liên đoàn cờ Bình Dương và Đà Nẵng, hai đơn vị mạnh nhất từ chối cho truyền thông, truyền hình vào tác nghiệp vì lý do "sợ ồn". Đây không phải lần đầu môn cờ tướng vốn có lực lượng chơi đông đảo nhưng dường như không thể đi lên vì cơ quan chức năng không tạo điều kiện cho việc quảng bá hình ảnh và luôn vin vào những lý do khó hiểu.

Khoản tiền thưởng kỷ lục

Ngày 24-6, Giải Vô địch cờ tướng toàn quốc 2020 khai mạc tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, quy tụ những kỳ thủ xuất sắc nhất của làng cờ tướng Việt Nam hiện nay. Cũng trong ngày này, gần 90 kỳ thủ nam, nữ được đón nhận một tin cực vui khi nhà tài trợ chính quyết định nâng mức thưởng lên đến 200 triệu đồng cho nhà vô địch ở nội dung cờ tiêu chuẩn của nam và nữ.

Với những người trong cuộc, đây thực sự là con số rất "khủng" dành một bộ môn còn gặp nhiều khó khăn tài chính trong quá trình phát triển lên quy mô chuyên nghiệp như cờ tướng. Nên biết, trước đây số tiền thưởng cao nhất mà nhà vô địch cờ tiêu chuẩn ở giải quốc gia cũng chỉ là 80 triệu đồng.

Liên đoàn cờ tướng Việt Nam ra mắt vào ngày 6/5/2018, nhiệm kỳ I 2018-2023 với 39 Ủy viên.

Trên thực tế, cờ tướng là một bộ môn rất phổ biến ở Việt Nam, với thống kê cho thấy khoảng 1/3 dân số nước ta biết chơi môn này. Người ta có thể dễ dàng bắt gặp hình ảnh bàn cờ tướng ở quán nước, vỉa hè, tiệm cắt tóc… tại bất cứ đâu, dù là thôn quê hay thành thị

Tuy nhiên trong khi cờ vua, một môn trí tuệ khác cũng rất được người dân Việt Nam ưa thích, đã có những bước tiến mạnh mẽ trên con đường phát triển lên chuyên nghiệp thì cờ tướng lại khá lận đận. 

Những kỳ thủ cờ vua có thể sống khỏe với nghề, tham gia nhiều giải đấu, đại hội thể thao tầm cỡ, tên tuổi có sức lan tỏa rộng rãi, thậm chí được các đội nước ngoài mời sang thi đấu. Còn với cờ tướng, nhiều người trong cuộc vẫn gắn nó với một chữ "nghèo".

Nhưng đúng vào thời điểm cờ tướng nhận được cú huých mạnh từ việc tiền thưởng tăng lên mức kỷ lục, một câu chuyện gây tranh cãi lại xảy đến và khiến nhiều người trong cuộc không khỏi buồn lòng.

Giải cờ tướng VĐQG 2020 diễn ra từ ngày 24-6 đến 4-7. Thế nhưng chỉ sau khai mạc một ngày đã xảy ra sự việc gây ồn ào.

Muốn phát triển nhưng lại quay lưng với truyền thông

Mọi việc bắt đầu vào ngày 25-6 khi lãnh đội hai đoàn Bình Dương và Đà Nẵng đòi không cho đội ngũ phóng viên quay phát các ván đấu tại vòng 3 của hai đơn vị này với lý do việc trên làm ảnh hưởng tới kỳ thủ khi thi đấu. Dù không có bằng chứng, căn cứ cụ thể nào về sự "ảnh hưởng" ấy, nhưng ban tổ chức (Trưởng ban tổ chức là đại diện địa phương đăng cai) vẫn chiều theo đề nghị trên.

Giới cờ tướng ngay lập tức xôn xao trước vụ việc này, bởi điều đó đồng nghĩa với việc người hâm mộ sẽ không có cơ hội theo dõi những kỳ thủ mạnh thuộc hai đoàn Bình Dương và Đà Nẵng thi đấu. Những nghi ngờ về việc các ván đấu diễn ra không minh bạch nên mới phải né tránh truyền thông được đưa ra. Thậm chí CĐV còn kêu gọi tẩy chay, không theo dõi giải đấu nữa.

Có thể thấy, một việc làm gây ra sự bất bình lớn trong cộng đồng gây ảnh hưởng không nhỏ đến quyền lợi và sự phát triển của cờ tướng Việt Nam. Đặc biệt trong bối cảnh cờ tướng nước nhà đang rất cần đẩy mạnh công tác truyền thông để thu hút thêm nhà tài trợ, từ đó mới có nguồn lực để phát triển. Điều này đặt ra câu hỏi về vai trò của Liên đoàn Cờ tướng Việt Nam (VXF) trong bối cảnh giải đấu còn nhiều bất cập.

Trên thực tế, dù cờ tướng đã phổ biến ở Việt Nam từ rất lâu nhưng VXF mới chỉ được thành lập từ giữa năm 2018.

Với bất kỳ bộ môn nào, một liên đoàn còn non trẻ luôn gặp rất nhiều khó khăn trong những bước khởi đầu. Bởi thế với VXF, những vướng mắc gặp phải trong việc tổ chức, xây dựng và phát triển các giải đấu cờ tướng chuyên nghiệp ở Việt Nam có lẽ là điều khó tránh khỏi khi kinh phí và kinh nghiệm tổ chức còn hạn chế. 

Ngay như việc chiều lòng hai đoàn Bình Dương và Đà Nẵng được nhắc đến ở trên, đó cũng là quyết định của đại diện địa phương đăng cai, chứ không phải của VXF như nhiều người lầm tưởng.

Cần nước đi nào để cờ tướng Việt Nam tiến lên?

Trước giải Vô địch quốc gia 2020, lãnh đạo VXF từng có các cuộc trao đổi và thống nhất phải đẩy mạnh truyền thông. Vị Trưởng Ban truyền thông VXF cũng đã trực tiếp xây dựng văn bản quy định và hướng dẫn để lãnh đạo phê duyệt, gửi các đơn vị có nhu cầu quay, phát các trận đấu. 

Và ngay sau khi ồn ào xảy ra, vị này cũng tái khẳng định quan điểm của mình khi cho biết cờ tướng Việt Nam muốn thay đổi hình ảnh, thu hút tốt hơn các nguồn lực xã hội thì phải coi trọng và đẩy mạnh công tác truyền thông theo đúng nghĩa, không thể tiếp tục thoả hiệp với những kẻ có ý đồ cá nhân đi ngược lại lợi ích chung của cờ tướng nước nhà.

Giới cờ tướng có lẽ chẳng ai còn lạ gì câu chuyện "báu vật của làng cờ Việt" Lại Lý Huynh từng tuyên bố nghỉ thi đấu mọi giải quốc tế vào năm 2018 vì bức xúc với cách vận hành của cơ chế quản lý (thời điểm này VXF chưa thành lập); hay xa hơn là những lời kể buồn cách đây gần 10 năm, khi những vận động viên cờ tướng đỉnh cao cho biết họ chẳng đủ sống với mức lương chỉ 2-4 triệu/tháng, phải làm thêm nhiều việc như phục vụ, tiếp thị, chỉ mong đến các giải để thi đấu giành tiền thưởng thì lại bị đòi "phí bôi trơn". Tất cả dường như khiến cho một môn thể thao đầy tiềm năng như cờ tướng cứ mãi quanh quẩn ở ngõ cụt trên con đường tìm hướng đi cho mình.

Ngay như việc đoàn thi đấu từ chối cho ghi hình, nên chăng trong những lần tổ chức sau, VXF cần nghĩ đến việc ký thỏa thuận cho phép sử dụng hình ảnh với tất cả các kỳ thủ, cùng với đó là cam kết các đơn vị truyền hình phải tiến hành chuẩn bị công tác thu phát từ sớm, học hỏi kinh nghiệm từ những giải đấu lớn của Trung Quốc, Thái Lan để bố trí máy quay hợp lý, giúp không bên nào cảm thấy bị ảnh hưởng khi thi đấu.

Bởi đơn giản, chẳng môn thể thao nào có thể phát triển nếu như các đội cứ thích đóng cửa tự chơi với nhau mà quay lưng với khán giả và truyền thông. Và chắc chắn cũng chẳng doanh nghiệp nào còn hứng thú với việc tài trợ cho giải đấu khi thương hiệu của họ không thể lan tỏa tới cộng đồng. Nếu yêu cờ tướng, đừng tự tay bóp nghẹt tương lai của nó!

Đơn Ca
.
.
.