Bảo hiểm cho diễn viên: Vẫn khó ba bảy đường

Thứ Hai, 04/04/2016, 15:00
Trong buổi họp báo ra mắt bộ phim hành động "Truy sát" do cô vừa đóng vai trò Nhà sản xuất vừa vào vai chính, Trương Ngọc Ánh chia sẻ, cô đã mua bảo hiểm cho tất cả các diễn viên trong phim. Nếu bị thương, họ sẽ được bồi thường ít nhất 50.000 USD. Đây là một thông tin khá nóng, khá hiếm hoi trong giới làm phim ở Việt Nam lâu nay.


Trương Ngọc Ánh mua bảo hiểm 50.000 USD cho diễn viên

Dù nghề diễn viên là nghề khá nguy hiểm, nhất là khi diễn viên tham gia nhập vai trong các phim hành động thì tỷ lệ rủi ro rất cao, nhưng không mấy người được bảo hiểm.

  Trương Ngọc Ánh trong một cảnh quay hành động phim Truy sát.

Trương Ngọc Ánh chia sẻ, việc mua bảo hiểm cho các diễn viên và các cascadeur bắt nguồn từ câu chuyện chính bản thân cô đã gặp phải. Trong phim hành động Truy sát, Trương Ngọc Ánh vào vai một nữ chiến sĩ Công an, thành viên của Đội Cảnh sát phòng chống tội phạm về ma túy. Vai diễn có rất nhiều pha hành động, rượt đuổi. Trong cảnh quay bị xã hội đen tra tấn, Trương Ngọc Ánh bị bạn diễn "quá tay" đánh vào mắt. Cô kể lại, lúc đó, mắt cô không thể nhìn thấy gì. Nhiều giờ sau đó mắt mới bớt sưng và có thể nhìn thấy mọi vật xung quanh rõ ràng. Đây không chỉ là lần đầu Trương Ngọc Ánh bị thương trong diễn xuất. 

Trước đó, cô cũng nhiều lần bị xây xước cơ thể khi tham gia các bộ phim hành động. Vì vậy, trong vai trò là nhà sản xuất, cô thấy cần thiết phải mua bảo hiểm cho các diễn viên tham gia dự án phim của mình: "Tôi nghĩ làm vậy thì các diễn viên và các cascadeur sẽ yên tâm làm việc. Ngay khi thực hiện phim Truy sát, không chỉ tôi mà một vài bạn diễn khác cũng bị thương. Chẳng hạn Thiên Nguyễn bị mảnh vỡ đâm vào người phải đi cấp cứu, còn diễn viên Việt kiều Lâm Vissay bị đứt dây chằng chân phải".

Trương Ngọc Ánh có lẽ là nhà sản xuất đầu tiên ở Việt Nam mua bảo hiểm cho diễn viên với giá cao như vậy. Bảo hiểm cho nghệ sĩ là việc làm đương nhiên, bắt buộc ở nhiều nước có nền điện ảnh phát triển thì ở ta vẫn còn khá lạ lẫm. 

Từ trước tới nay, đa số các nghệ sĩ, đặc biệt là các diễn viên đóng thế, còn gọi là cascadeur đều phải tự tìm phương án bảo vệ mình là chính. Họ phải tập luyện kỹ càng, cố gắng giảm thiểu các rủi ro nhất có thể trong quá trình thực hiện những cảnh quay hành động nguy hiểm. Và một khi rủi ro đã xảy ra, có thể là té ngã hay tai nạn, họ gần như không được bồi thường. Tất cả những gì gọi là giúp đỡ, chỉ là do anh em đồng nghiệp, đoàn làm phim kêu gọi ủng hộ trên tinh thần tương trợ nhau là chính. 

  Cảnh quay khiến Lý Hải gặp nạn phải nhập viện điều trị.

Cách đây không lâu, ca sĩ, diễn viên Lý Hải đã gặp tai nạn khá nặng khi tham gia bộ phim "Lật mặt 2". Trong một cảnh quay hành động rượt đuổi bằng môtô phân khối lớn tại Ninh Thuận, Lý Hải đã suýt lao vào chiếc xe tải đang đi ngược chiều tại trường quay. Kết cục anh bị té ngã và bị chấn thương không thể đi lại được. 

Đoàn làm phim phải chuyển Lý Hải tới bệnh viện điều trị. Anh được các bác sĩ chẩn đoán rạn hai xương sườn số 5 và số 6, bị trầy xước khá nặng ở tay và chân phải mất thời gian tương đối dài mới có thể hồi phục. Trong suốt quá trình thực hiện bộ phim, Lý Hải gặp tai nạn tới 3 lần. Tất nhiên, vì không có bảo hiểm, nên kinh phí điều trị bệnh viện do Lý Hải và đoàn làm phim tự sắp xếp.

Cascadeur và những rủi ro nghề nghiệp

Nghề diễn viên đóng thế khó khăn nguy hiểm ba bảy đường. Đầu tiên, đó là một nghề không tên tuổi. Diễn viên vào vai trong một bộ phim, họ có tên tuổi, có danh, còn cascadeur là người đứng phía sau, người đóng thế, và rất ít khi được khán giả nhắc tới, nhớ tới. Những cascadeur đến với công việc chủ yếu là do niềm đam mê, và cũng thường là tự mày mò rèn luyện, học hỏi, chứ không được học hành bài bản. 

Hiện ở ta vẫn chưa có các trường đẳng cấp để đào tạo diễn viên đóng thế. Thành ra, cascadeur là đủ các thành phần trong xã hội. Người có học vấn cao, người thậm chí chưa học hết phổ thông. Người chuyên nghiệp người chưa chuyên nghiệp, người có ý thức tốt về công việc làm phim, người còn nông nổi xem việc đóng phim là cuộc chơi mạo hiểm, thỏa chí tuổi trẻ. 

Khi hợp đồng làm phim với đoàn làm phim không phải cascadeur nào cũng nhận thức chính xác về công việc mình tham gia, những nguy hiểm sinh mạng mà mình phải đối mặt. Ngay cả khi đoàn làm phim có những điều khoản ràng buộc chặt chẽ, có ý thức bảo hộ cho người đóng thế tốt đến bao nhiêu, thì khi vào cảnh quay thực sự, những pha hành động thực sự, chỉ có các cascadeur là có thể tự bảo vệ mình. Một phút lơ đãng hay thiếu tập trung, họ có thể phải trả giá bằng cả sinh mạng của mình. Không ít cascadeur đã bỏ mạng trên phim trường hay phải chịu sống trong tàn phế suốt cuộc đời còn lại chỉ vì bất cẩn.

Nghệ sĩ phụ trách khói lửa Lê Minh Phương tử nạn sau vụ nổ kinh hoàng.

Bảo hiểm là cần thiết, cho dù bảo hiểm không giúp diễn viên, đặc biệt là diễn viên đóng thế tránh được những rủi ro, nhưng bảo hiểm sẽ giúp diễn viên có tâm lý tự tin hơn khi tham gia công việc của mình. Và nếu trong trường hợp không may, tai nạn xảy ra, sự chi trả của bảo hiểm sẽ giúp cho người diễn viên đỡ được phần nào gánh nặng tài chính trong quá trình chữa bệnh, phục hồi vết thương. Tuy nhiên, cái khó để có thể mua bảo hiểm cho diễn viên đóng thế nằm ở chỗ, điều kiện làm phim ở Việt Nam chưa tốt. 

Tài chính cho một bộ phim, nếu là phim nhà nước thường chưa cao, và rất khó để có thể cắt tiền đầu tư dành để mua bảo hiểm cho diễn viên. Số lượng diễn viên tham gia một đoàn làm phim cũng không nhỏ. Hơn nữa, các công ty bảo hiểm không phải lúc nào cũng sẵn sàng bảo hiểm cho công việc này. Vì đây là công việc khá đặc thù, độ nguy hiểm cao. Việc định giá bảo hiểm hay giám định tai nạn cũng còn nhiều khó khăn, chưa có cơ quan chuyên trách. Vì thế, ngay cả khi có nhu cầu mua bảo hiểm, các nhà sản xuất phim hay các diễn viên cũng không dễ tìm được đơn vị sẵn sàng bán bảo hiểm.

Một khó khăn nữa là những người tham gia công việc của cascadeur thường hoạt động manh mún. Chưa có một tổ chức có yếu tố pháp lý rõ ràng để bảo vệ quyền lợi cho các diễn viên đóng thế. Rất nhiều năm qua, nỗ lực thành lập Hiệp hội cascadeur vẫn còn bỏ ngỏ. Phần vì các thành viên phân tán, ít người tâm huyết, nhiệt tình tham gia vào công tác đoàn hội, vì cộng đồng của mình và nói tiếng nói chung của những người làm cùng ngành nghề. Các công ty bảo hiểm sẽ dễ dàng thỏa thuận việc mua bán bảo hiểm cho cascadeur hơn nếu như có một hiệp hội hay một tổ chức của những người làm chung ngành nghề này.

Khi trình độ làm phim trong nước phát triển ở một mức độ cao hơn, thì chắc chắn câu chuyện bảo hiểm cho diễn viên sẽ được quan tâm đầy đủ hơn. Hiện nay, các đoàn làm phim đều có ý thức mua bảo hiểm cho diễn viên, nhưng phải nói thật là mức bảo hiểm vẫn còn ở ý nghĩa ví dụ, "có cho yên tâm" là chính. Thực tế khi tai nạn, mức độ chi trả rất hạn chế. 

Năm trước, khi diễn viên Nguyễn Giàu tử nạn trên phim trường trong khi đang thực hiện cảnh quay trong phim "Hùng Ali và Sáu Lóc cóc", dấy lên một luồng ý kiến của các nghệ sĩ, cho rằng họ được quyền yêu cầu nhà sản xuất đảm bảo an toàn tuyệt đối cho mình trong quá trình làm phim. 

Về mặt lý thuyết thì không đoàn làm phim nào muốn xảy ra rủi ro, nhưng đảm bảo an toàn tuyệt đối thì rất khó, vì đoàn làm phim thường rất đông, và chỉ những ngôi sao lớn mới nhận được sự quan tâm lớn từ phía nhà sản xuất và công chúng. Bởi vậy, một khi xác định diễn xuất là một nghề, thì cần phải có các hiệp hội, các tổ chức công đoàn đứng ra bảo vệ quyền lợi của các hội viên trên cơ sở luật pháp. Việc này ở ta thực chất là còn rất yếu.

Nguyễn Sơn
.
.
.