Barca: Cuộc suy thoái trong sự… hào nhoáng!

Thứ Hai, 03/11/2014, 21:00
Cái tựa đề là một sự vô lí cùng cực. Chẳng thể nào duy trì được một thực thể tồn tại trong sự hào nhoáng, lại đang ở một chặng thoái. Thế nhưng với Barca, một CLB vĩ đại và khác thường, lại có thể tự "nhốt" mình vào một hoàn cảnh khác thường, sau một trận siêu kinh điển.

1.Thế giới hồi hộp chờ đợi trận El Clasico giữa Real Madrid và Barca trong sự háo hức, chắc mẩm đó sẽ là trận cầu rực lửa, cạnh tranh quyết liệt và cân bằng. Thực tế có vẻ như vậy khi Barca bất gờ có bàn dẫn trước của Neymar. Thế nhưng, đó chính là phút huy hoàng ít ỏi để bắt đầu cho một sự suy thoái ngay trong một trận đấu. Và khi trận đấu khép lại với cái kết đầy bi kịch, với thất bại 1-3 dành cho Barca, tất cả mới ngã ngửa ra rằng, những gì đang tồn tại ở Barca thực chất không phải là… Barca, không phải cái đội bóng mà vài ba năm trước còn thống trị toàn thế giới với thứ bóng đá tiqui-taka ảo diệu đến ma thuật.

Cũng cần phải nói lại rằng, khi đến Bernabeu gặp Real Madrid, Barca đang tạo ra một niềm tin rằng, họ đang trở lại mạnh mẽ đến vô cùng. Đó là khoảng cách 5 điểm so với chính Real Madrid, và đó là kì tích giữ sạch lưới cả 8 trận trước đó ở La Liga, một điều không tưởng đối với đội bóng có truyền thống tấn công hay nhưng phòng ngự luôn hớ hênh. Một hình ảnh Barca vô cùng hào nhoáng, đầy hi vọng và cả sự kiêu ngạo nữa. Thế nhưng, họ bị chọc thủng lưới 3 lần, trong một thế trận mà không ai có thể nhận ra nổi đó là Barca, ngoại trừ bộ trang phục mà họ mặc trên người.

Điều gì đang xảy ra một cách khác lạ, quái đản đến vậy? Phải chăng thời của Barca đã thực sự trôi qua? Những câu hỏi ấy quấn lấy họ suốt cả 1 ngày sau trận đấu. Báo chí Tây Ban Nha thậm chí còn khẳng định rằng Barca lúc này đã ở phía dưới Real Madrid một bậc. Có thể nhận định ấy quá vội vàng, nhưng nó không hẳn là không có cơ sở. Barca lúc này đã khác ở vị thế, khác ở cách thể hiện, khác ở phong thái và khác ở cả những chuyện phía sau hậu trường, dẫn đến sự thay đổi ở chính cái mà họ tôn thờ. Đó là truyền thống.

2.Barca ở trận gặp Real Madrid vừa qua là đội bóng có giá trị lên tới gần 500 triệu euro. Có Neymar (50 triệu euro), có Messi (được định giá khoảng 150 triệu euro), có Luis Suarez lần đầu ra mắt CLB với giá 80 triệu euro. Thế nhưng, sự hào nhoáng của những đồng euro đó không khỏa lấp được sự thật rằng, cái chất của lò La Masia, cái chất tiqui-taka đã phai tàn đi quá nhiều. Đội hình của Barca hôm đó chỉ có 5 người từng trưởng thành từ lò La Masia, thấm nhuần tư tưởng, triết lí tiqui-taka, trong đó Xavi và Iniesta thì đã lớn tuổi và không còn ở đỉnh cao sự nghiệp nữa. Và thế là, chiêu bài giữ bóng, ru ngủ đối phương và những pha phối hợp nhanh, đẹp và biến ảo của Barca cũng theo gió bay đi nơi nào đó. Trong suốt 90 phút, gần như hoàn toàn không có một chút hơi hướng gì của lối chơi truyền thống Barca. Và kết quả là họ bị vùi dập, một màn hành hạ mà nếu C.Ronaldo biết cẩn trọng hơn trong từng pha phản công, Barca thậm chí có thể thua tới 5, 6 bàn chứ không chỉ là 3.

Barca đang suy thoái trong sự hào nhoáng?

Đến đây, câu hỏi đầu tiên được đưa ra là, thế hệ thứ 2 của La Masia đang ở đâu? Xin thưa, họ ở ngay trên sân với những Sergi Roberto, Busquet. Nhưng đó là một lứa cầu thủ chưa thể đạt tới tầm đẳng cấp. Và tiqui-taka đã biến mất giống như một quy luật không thể khác được của bóng đá: đã đứng trên đỉnh cao, ắt sẽ có lúc phải trôi xuống. Barca không tránh khỏi quy luật ấy.

Vài năm trở lại đây, có một "học thuyết âm mưu" tồn tại ở La Liga. Nó có tên "Villarato". Đó là thời điểm Barca vượt lên tất cả để thống trị bóng đá thế giới, với sức mạnh khủng khiếp đến mức không thể cản nổi. Nó được so sánh với "quyền ực đen" mà Juventus tạo ra ở Serie A, một đội bóng không thể thất bại và luôn được "trao tặng" những chiến thắng trong mọi tình huống. Khi ấy, người ta nói rằng: bất kì có chuyện gì xảy ra thì Barca vẫn là kẻ chiến thắng. Và đó là "hệ quả" của học thuyết âm mưu có tên "Villarato". Học thuyết này gắn liền với Chủ tịch của Liên đoàn bóng đá Tây Ban Nha, ông Angel Maria Villar, khi ông này được chính Chủ tịch Barca là ông Sandro Rosell hậu thuẫn để ngồi lên chiếc ghế đầy uy tín này trong một thời gian dài. Thế nhưng, đầu năm 2014, khi một vụ scandal lớn, gây chấn động bóng đá Tây Ban Nha diễn ra, mọi thứ đã không còn thuận lợi với Barca nữa.

Đó là câu chuyện về việc Barca kí hợp đồng với Neymar. Bản hợp đồng ấy đã bị phanh phui rằng, nó bị "băm nhỏ" để trốn thuế, và phục vụ các mục đích cá nhân. Vụ này được báo chí đưa ra nhanh chóng, nhưng điều đáng chú ý là những kẻ tố cáo chính là những nhân vật "thân Real". Cũng chẳng bao lâu sau sự vụ, Chủ tịch Barca, ông Sandro Rosell phải từ chức vào tháng 1/2014. Ngay từ lúc ấy, những  cảm nhận về sự sụp đổ của Barca đã xuất hiện. Trước đây, Barca luôn bị chỉ trích với những trận đấu được trọng tài ưu ái. Nhưng từ lúc này thì điều đó không còn nữa. Họ thua những trận tức tưởi, khó hiểu và chịu những thiệt thòi trong các quyết định của trọng tài, những tình huống mà vài năm trước họ có thể đã là người hưởng lợi.

Cuối mùa giải 2013/2014, Barca trắng tay. Nhiều nhà báo Tây Ban Nha nghiên cứu về học thuyết âm mưu "Villarato" đã đặt nghi vấn của mình vào sự trùng hợp này, khi 2 đội bóng thành Madrid vô địch hai danh hiệu lớn đúng vào năm Barca bị đánh tơi bời?

Mọi giả thuyết đều chỉ là những câu hỏi chưa có lời giải đáp, nhưng những lí thuyết mà báo chí Tây Ban Nha đưa ra có vẻ khá logic. Bởi lẽ, nếu tính về giá trị đội hình của Barca mùa này, họ đang sở hữu lực lượng mạnh nhất trong lịch sử. Số tiền mà Barca bỏ ra trong 2 năm gần đây đã lên tới gần 200 triệu euro. Kể cả trong giai đoạn hoàng kim nhất, việc Barca chi nhiều tiền đến thế chưa bao giờ xảy ra. Và đó cũng là một minh chứng cho sự tuột dốc của hệ thống La Masia được coi là thần thánh cách đây nửa thập kỉ.

Mua quá nhiều ngôi sao, Barca cho thấy họ đang xa rời truyền thống.

3.Real Madrid thời Mourinho được coi là giai đoạn đội bóng Hoàng gia Tây Ban Nha đáng sợ nhất. Tuy nhiên, ngay cả khi ấy Real Madrid vẫn phải tung mọi chiêu trò để chống lại Barca, vậy mà cũng chẳng ăn thua. Mourinho đã sử dụng từ những cuộc tranh cãi nảy lửa, đến trò chọc ghẹo đối thủ, những chiêu tâm lí chiến trước các trận đấu. Thậm chí, ông còn "móc mắt" Tito Vilanova (khi ấy còn là trợ lí của Barca), chì chiết HLV Pep Guardiola, gọi ông này là kẻ ăn may khi có được một đội hình mà bất kì ai dẫn dắt cũng có thể thành công… Và kết cục của hàng loạt miếng đòn ngoài bóng đá ấy đều dẫn đến kết quả là Real thua trận. Nhưng đến lúc này mọi chuyện đã thay đổi.

Real lúc này không còn Mourinho và Barca cũng chẳng có Pep Guardiola nữa. Và họ đi theo hai chiều trái ngược. Real của Ancelotti giờ không nhiều chiêu trò, rất kín tiếng, âm thầm và hầu như chẳng có bất kì một tiểu xảo nào, nhưng họ vẫn dễ dàng vượt qua Barca của Luis Enrique, một người nổi danh ở cả Real lẫn Barca, kết thúc sự ngiệp ở Barca, nhưng không phải là người trưởng thành từ La Masia, và cũng chẳng thấm nhuần tư tưởng, triết lí La Masia.

Và như thế, Barca đã tự biến mình thành một đội bóng khác, với điểm chung duy nhất là chiếc logo trên ngực áo. Truyền thống dần nhạt cùng tuổi tác của những Iniesta, Xavi. Phong cách cũng dần mờ cùng những bản hợp đồng hàng chục trệu euro lũ lượt kéo đến Nou Camp. Và triết lí cũng mất dần với các HLV được thay đổi liên tục và ngày càng xa với truyền thống mà họ đã dày công tạo dựng. Barca, một thất bại đầu tiên ở La Liga, những bàn thua đầu tiên ở La Liga, nhưng nó lại tạo ra quá nhiều điều cho một sự thay đổi ở một đội bóng từng được coi là bất khả xâm phạm. Và ở đó, nguyên nhân vẫn là điều gây tranh cãi. Những bí ẩn hậu trường của một cuộc đấu không chỉ diễn ra trên sân cỏ, hay đơn giản Barca đã tự bắn vào chân mình?

Suýt nữa đã có scandal!

Sau trận đấu mới có thông tin chính thức rằng, Ban tổ chức La Liga, Hiệp hội cầu thủ chuyên nghiệp Tây Ban Nha đã thở phào nhẹ nhõm khi Messi… không ghi bàn. Số là Messi hiện nay đã có 250 bàn thắng cho Barca tại La Liga, và chỉ kém kỉ lục của chân sút huyền thoại của Tây Ban Nha là Telmo Zarra có 1 bàn nữa. Trước trận đấu, Ban tổ chức La Liga đã có 3 cuộc thảo luận để tính xem, nếu Messi ghi bàn thắng để chạm mốc lịch sử này, có nên dừng trận đấu để tôn vinh Messi hay không. Sở dĩ phải nêu việc này ra bàn bạc bởi Barca thi đấu trên sân Bernabeu của Real, mà đây là hai đội bóng kình địch nhất thế giới. Bất kì một chuyện gì "thiếu tế nhị" kiểu như vậy rất có thể sẽ dẫn đến vỡ trận, thậm chí là nổ ra bạo loạn.

Sau nhiều giờ tranh cãi, họ đã đề xuất hỏi ý kiến các bên liên quan, từ Liên đoàn bóng đá Tây Ban Nha, đến các Hiệp hội cầu thủ ở Tây Ban Nha, thậm chí cả UEFA và FIFA. Kết quả khá bất ngờ là các bên đều tỏ ra nhất trí. Cuối cùng, La Liga cũng quyết định, sẽ dừng trận đấu 2 phút để tôn vinh Messi nếu anh có bàn thắng. Rất may là trận El Clasico này Messi đã chơi khá tệ và không có bàn thắng nào. Báo chí Tây Ban Nha cho rằng, nếu như Messi ghi bàn và có 2 phút tôn vinh Messi ngay tại Bernabeu, khả năng xảy ra scandal dẫn đến ẩu đả là rất lớn.

Lê Giang
.
.
.