Bất lực vì 'mu bàn chân'

Chủ Nhật, 19/04/2015, 12:00
Gần một năm, chính xác là 347 ngày, Cristiano Ronaldo mới lại lập công từ chấm đá phạt với bàn mở tỷ số vào lưới Eibar trong chiến thắng 3-0 của Real Madrid tại La Liga cuối tuần qua. Với giới mộ điệu nói chung và người hâm mộ CR7 nói riêng, đó là một tin vui. Nhưng còn một câu hỏi cần lời đáp: Vì sao thứ vũ khí nổi tiếng của cầu thủ này rơi vào quên lãng lâu đến thế?
Khoảnh khắc kỳ diệu

Ronaldo viết lên trang Twitter cá nhân: "Không thể tin được, tôi đã thành công" để bày tỏ sự hạnh phúc sau tình huống đá phạt thành công bàn vào lưới Eibar tối thứ bảy. Rất lâu rồi, Ronaldo mới tìm được niềm vui từ những tình huống cố định, vốn là ngón đòn làm nên thương hiệu CR7 ngày nay.

Ngược trở lại quá khứ, phải kéo bản đồ thời gian xuống tháng 4 năm ngoái, siêu sao người Bồ Đào Nha mới làm được điều tương tự. Trong trận lượt về bán kết Champions League mùa trước, Ronaldo sút phạt tầm thấp, hạ gục Manuel Neuer, ấn định tỷ số 4-0 cho Real. Trong khuôn khổ giải VĐQG Tây Ban Nha, lần gần nhất Ronaldo lên tiếng từ chấm đá phạt đã diễn ra cách đây hơn một năm, ngày 26/3/2014 trong chuyến làm khách của Real tới xứ Andalusia gặp Sevilla.

Tính ra, trước thời điểm làm tung lưới Eibar, Ronaldo đã thất bại trong 56 tình huống sút phạt trực tiếp: 18 lần bị thủ môn cản phá, 23 lần bị chặn lại bởi hàng rào, 13 lần chệch mục tiêu và 1 lần bóng chạm khung gỗ.

Cần lưu ý một chi tiết là ở 49 lần ghi bàn bằng cú đá phạt trước kia, Ronaldo chỉ mất 391 pha dứt điểm, tức trung bình cứ 8 lần thử tài thủ môn đối phương, CR7 sẽ điền tên lên bảng điện tử. Bây giờ, hiệu suất là 1/56, quá thấp so với năng lực trước kia của đương kim Quả bóng vàng thế giới.

Cách sút không quyết định độ chính xác

Hai tuần trước, tờ Goal phỏng vấn Marcos Assuncao, một chuyên gia đá phạt người Brazil. Assuncao chia sẻ kinh nghiệm bản thân: "Khi dính chấn thương đầu gối, tôi không thể ra chân theo ý muốn. Những vết gợn khiến tôi dè dặt mỗi lần định sút bóng bằng mu chính diện". Cựu danh thủ từng khoác áo Real Betis cho rằng, chấn thương đầu gối Ronaldo gặp phải trong 2 năm qua là nguyên nhân chính khiến anh đánh mất khả năng sút phạt kỳ diệu. Lật ngược vấn đề, câu hỏi được đặt ra: Ronaldo sút phạt thế nào?

Để thực hiện một cú đá phạt mang thương hiệu CR7, bạn cần tuân thủ 6 bước. Một, hướng lực sút vào van trái bóng - nơi không khí tập trung nhiều nhất. Hai, giậm thật mạnh xuống đất để tạo cảm giác chân. Ba, xác định đường đi của trái bóng và chọn hướng lấy đà. Bốn, vung chân với điểm tiếp xúc là mu chính diện. Năm, hạ thấp đầu gối ngay khi trái bóng bay đi. Sáu, giữ nguyên tư thế ban đầu, không lao lên phía trước hoặc lùi lại phía sau.

Hướng di chuyển của những cú dứt điểm bằng mu chính diện bị chi phối tới 55% bởi sức gió. Vì vậy, cái hay của cách tiếp cận chấm đá phạt theo kiểu Ronaldo là bóng sẽ đổi hướng lúc đập đất trước khi tìm đến cầu môn đối phương.

Tuy nhiên, mặt trái của những cú sút như vậy là toàn bộ trọng tâm cơ thể dồn xuống phần đầu gối, điểm nối giữa bắp đùi và chân. Về lâu dài, Ronaldo sẽ gặp khó khăn khi thi triển thứ vũ khí quen thuộc do tác động và ảnh hưởng của tuổi tác.

Năm 2012, Đại học Havard từng công bố một nghiên cứu cho thấy chiếc đầu gối của Ronaldo bị lão hóa tới 40 năm, tương tự trường hợp của Rafael Nadal trong môn quần vợt. Nhiều chuyên gia y học đưa ra lời khuyên Ronaldo nên thay đổi cách sút phạt, chuyển về những cú đá "lá vàng rơi" bằng lòng trong, giống với David Beckham.

Nhưng Juninho Pernambucano, huyền thoại của Lyon trong giai đoạn 2000-2007 và cũng là "vua sút phạt thế giới" theo bình chọn của FIFA chung ý tưởng tiếp cận những quả đá phạt với Ronaldo. Tiến sĩ Matthew Kleban, đại học Oxford từng phân tích thế này về cách đá phạt của Juninho: "Anh ấy chọn giải pháp sút thật mạnh để hạn chế vòng quay của trái bóng. Theo nguyên tắc chuyển động trong vật lý, bóng quay càng ít càng dễ đi trúng đích. Đó cũng là nguyên tắc cơ bản trong bóng chày, nơi người cầm gậy sẽ vụt ngang trái bóng chứ không đưa gậy từ dưới lên trên".

Trong 100 bàn thắng ghi được cho Lyon, có 44 lần Juninho lên tiếng sau những pha sút phạt, đạt tỷ lệ gần 50%. Nghĩa là, sút bóng mạnh như Ronaldo cũng được mà đá bóng xoáy giống Beckham vẫn hay, miễn là đạt được hiệu quả sau cùng. Tóm lại, Ronaldo không cần thay đổi theo lời Assuncao.

Vì đầu gối, hay vì mu bàn chân?

Nếu cách sút không phải là tác nhân chính dẫn tới thành tích nghèo nàn trên chấm đá phạt của Ronaldo, vậy đâu là nguyên nhân?

Như đã nêu, Ronaldo dồn rất nhiều trọng tâm vào đầu gối trong từng pha dứt điểm. Theo phản xạ tự nhiên, bạn đọc sẽ cảm nhận cái đầu gối của tiền đạo 30 tuổi đã bắt đầu "biểu tình". Đúng, nhưng chưa toàn diện. Nói thế là bởi hai năm trở lại đây, các bài tập với chân trong phòng thể lực của Ronaldo có khối lượng gấp đôi những bài tập còn lại.

Còn nữa, trong buổi kiểm tra thể trạng của Ronaldo năm 2012, hãng Castrol rút ra kết luận sức chịu đựng của Ronaldo cao hơn các đồng nghiệp tới 5 lần và con số ấy sẽ tăng tiếp 2 lần nếu đặt lên bàn cân với người bình thường. Do đó, khả năng tiết dịch nhờn giúp co giãn đầu gối của Ronaldo sẽ lâu hơn người khác từ 5 đến 10 năm. Ở tuổi 30, Ronaldo còn quá nhiều thời gian thể hiện kỹ năng sút phạt.

Khi làm tung lưới Eibar, trái bóng từ chân đi với vận tốc 98 km/h, chỉ kém gia tốc lực sút thời đỉnh cao của Ronaldo khoảng 10km. Rõ ràng, đầu gối của Ronaldo không "nát" như lầm tưởng. Vấn đề nằm ở "mu bàn chân". Càng lớn tuổi, khung xương cơ thể người càng yếu đi. Lúc vung chân, mu bàn chân của Ronaldo thường miết hẳn xuống mặt cỏ, dẫn tới những tổn thương dây thần kinh và độ bền xương.

Tháng 1/2013, bộ phận y tế ở Madrid thông báo xương ngón chân cái và xương bàn chân trỏ của Ronaldo xuất hiện vết nứt và không có khả năng hồi phục. Để đảm bảo thể trạng, Ronaldo phải tiêm 2 lần mỗi tuần vào những vết đau, dậy sớm hơn 30 phút mỗi sáng để đi bộ theo tin tức của tờ AS. Can thiệp y học chỉ phần nào làm chậm chứ chẳng thể ngăn cản quá trình lão hóa bộ xương, tương tự quy luật "sinh, lão, bệnh, tử" đời người.

James Andrews, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Orthopaedic Center, Anh quốc khẳng định, "mu bàn chân" là điểm yếu lớn nhất của Ronaldo. Ông Andrews đưa ra kết luận qua nghiên cứu của mình: "Qua từng năm, Ronaldo chỉ có thể ghi bàn từ chấm đá phạt sau mỗi 65 lần sút. Với báo cáo từ văn phòng chúng tôi, bàn chân Ronaldo đang sở hữu tương tự bàn chân của một ông cụ 70 tuổi. Xương vỡ thì không lành, ít nhất là không được như nguyên bản, đó là chân lý khoa học".

Trong màu áo Real, Ronaldo đã 25 lần lập công từ chấm đá phạt: 17 ở La Liga, 7 ở Champions League và 1 ở Cúp nhà Vua. Xét riêng trong khuôn khổ La Liga, tính từ mùa giải 2009/10 - thời điểm Ronaldo chuyển từ M.U sang Real, anh đang là chân sút phạt hay nhất ở xứ đấu bò, xếp trên đại kình địch Messi của Barca (12) và Bernat của Athletic Bilbao (7). Villarreal và Sevilla là hai con mồi ưa thích của Ronaldo, mỗi đội để thủng lưới 3 bàn sau những pha đá phạt của Ronaldo.

Tuy nhiên, giáo sư James Andrews dự đoán trong vòng 18 tháng tới, Messi sẽ đuổi kịp và vượt mặt Ronaldo ở khoản đá phạt. Theo tính toán ban đầu, Ronaldo chỉ ghi được tối đa 3 bàn trong quãng thời gian này, còn con số của Messi là 10. Đến năm 2017, nếu Ronaldo còn chơi bóng đỉnh cao, tức khoác áo những CLB ở 5 giải VĐQG hàng đầu châu Âu, số bàn thắng anh ghi được từ tình huống cố định (không tính phạt đền) chỉ bằng 2/3 thống kê của Messi.

Trong trường hợp Ronaldo đến Mỹ hoặc khu vực Trung Đông, tỷ lệ ấy sẽ nâng lên thành 4/5 do chất lượng các giải đấu ở đây chỉ ở mức trung bình. Nếu ở lại La Liga và vẫn khoác áo Real, chỉ số ấy giảm xuống còn 1/2, một dự cảm không mấy an lành cho tiền đạo này.

Đặt giả thuyết Ronaldo thay đổi cách thức sút phạt. Thay vì sút thật mạnh bằng mu chính diện, anh ta chuyển sang cách đá phạt bằng lòng trong như Beckham. Thống kê của hãng Opta cho biết, tỷ lệ thành công bằng cách 2 nhỉnh hơn cách 1 khoảng 8%, tức vẫn có sự chênh lệch nhất định. Tuy nhiên, ngay cả khi dứt điểm thông thường bằng chân, Ronaldo lại không mấy khi sút bóng bằng lòng trong.

Cụ thể, 78% lượng bàn thắng của CR7 bắt nguồn bằng những cú đá mu chính diện. Trong 22% còn lại, Ronaldo sút nửa mu nửa má, tức chỉ dùng phần má trong tính từ đốt đầu tiên của ngón cái trở lên. Nghĩa là, còn sót lại một lượng rất nhỏ những pha dứt điểm bằng toàn bộ lòng trong được Ronaldo trưng dụng.

Thế nên, khả năng thành công của Ronaldo trên chấm đá phạt càng giảm xuống, xác suất còn sút 28 ăn 1. Ngược lại, tiếp tục kiên định với sở trường úp mu, Ronaldo đủ khả năng mỗi tháng ghi 1 bàn bằng những quả đá phạt với điều kiện anh phải đảm bảo khối lượng tập sút phạt đang được duy trì ở mức 100 quả/40 phút/buổi tập như hiện nay. Ngoài ra, cự li lý tưởng cho Ronaldo thực hiện chấm đá phạt dao động từ 27 m đến 32m. Dưới 25m, bóng trong chân Gareth Bale sẽ nguy hiểm hơn.

Đơn Ca
.
.
.