Bầu Thắng, bầu Đức và Chuyện 'một nửa cái đẹp'

Thứ Hai, 31/08/2015, 15:55
Một nửa sự thật không còn là sự thật. Vậy một nửa cái đẹp có còn là cái đẹp? Trước câu hỏi này, cựu Giám đốc kĩ thuật (GĐKT) CLB Hoàng Anh Gia Lai (HA.GL) Nguyễn Văn Vinh trả lời thật lòng: "Ở đời này và ở làng bóng này, đẹp một cách tương đối cũng là đáng quý lắm rồi".
Chuyện Hoàng Anh Gia Lai

Sở dĩ phải đề cập tới chủ đề cái đẹp và câu trả lời của cựu GĐKT HA.GL là vì trước vòng 22 V.League cuối tuần vừa qua, khi HA.GL thay ông thầy Pháp Guillaume Graechen bằng thầy nội Nguyễn Quốc Tuấn thì nhiều người đặt ra câu hỏi: Liệu triết lý đẹp có bị khai tử hay không? Đẹp ở đây không đơn thuần là đẹp về mặt lối chơi, mà cái chính là đẹp về tư tưởng và phong cách.

Bởi dưới thời Guillaume Graechen, có rất nhiều thời điểm những chú "cừu non" HA.GL đã không thể chơi hay chơi đẹp những bầy sói dạn dày kinh nghiệm chiến trường, nhưng chắc chắn đấy là một tập thể nuôi dưỡng và bảo vệ tư tưởng đẹp đến cùng. Cái đẹp của những con người có thể thua, thậm chí là thua hết trận này đến trận khác, và cận kề đối diện nguy cơ xuống hạng nhưng nhất định không chịu thoả hiệp với tiêu cực.

Khi ông Graechen ra đi, ông Quốc Tuấn lên cầm quyền và HA.GL chuẩn bị đối đầu với Sông Lam Nghệ An (SLNA) - cuộc đấu mà dư luận làng bóng râm ran thông tin "Sông Lam sẽ thua" thì chính bầu Đức đã đăng đàn cho biết: "Chúng tôi quyết không xin điểm, vì xin điểm nhục lắm". Và sau khi ông Đức "tiền hô" lại đến lượt ông TGĐ Công ty cổ phần Bóng đá Sông Lam Nguyễn Hồng Thanh "hậu ủng" bằng tuyên bố: "Trong quá khứ cũng có những thời điểm HA.GL rơi vào thế khó khăn, nhưng tôi chưa thấy anh Đức đi xin xỏ ai bao giờ".

Có nghĩa là xét ở phương diện tuyên bố thì trận HA.GL - SLNA nhất định là trận đấu theo dạng không xin không cho. Nhưng xét ở những diễn biến cụ thể trên sân thì đấy lại là trận đấu mà cầu thủ Sông Lam để thua những bàn lãng xẹt. Và nếu xâu chuỗi lại một số trận đấu trên sân khách của Sông Lam thời gian qua (bị Đồng Nai cầm hoà, bị Thanh Hoá đánh bại) không khó "ngửi" thấy hàng phòng ngự Sông Lam bỗng nhiên ngô nghê một cách có hệ thống.

Trên cương vị Chủ tịch VPF, ông Võ Quốc Thắng nghĩ gì về những trận đấu của Hoàng Anh Gia Lai và Đồng Tâm Long An? (Ảnh: H.M.).

 Đã có người nhìn vào sự ngô nghê ấy để hỏi: "Liệu có gì không?" Lại có người ôn cố tri tân bằng cách nhớ lại những chuyến làm khách mất điểm bất thường của Sông Lam thời bóng đá bao cấp, khiến những cổ động viên ruột SLNA phải ra ga Vinh đón đội bằng khẩu ngữ: "Hoan hô đội bóng tỉnh ta/ Đi làm kinh tế ở xa mới về". (?)

Ở đây, không thể phủ nhận những thay đổi tích cực cả về tâm lý lẫn chuyên môn của cầu thủ HA.GL dưới trào tân HLV Nguyễn Quốc Tuấn. Những thay đổi mà với nó không khí thoải mái đã xuất hiện nhiều hơn trong các buổi tập trước trận đấu, và khi vào trận đấu, ông Tuấn đã tung tới 6 cựu binh, thay vì chỉ sử dụng những cầu thủ trẻ thuộc lứa U.19+ như dưới thời cựu thầy Graechen.

Và chính kinh nghiệm thi đấu của những cựu binh này đã giúp HA.GL thể hiện một hình hài, một sức sống đầy tích cực. Nhưng khách quan mà nói thì sự tích cực đó không giúp họ trội hơn dàn cầu thủ Sông Lam, thế nên nội soi chiến thắng 3-1 của họ trước Sông Lam, người ta vẫn tin cái yếu tố "Sông Lam tự thua" đóng vai trò quan trọng.

Vấn đề là vì sao "Sông Lam tự thua"? Vì, sau khi đạt đủ điểm trụ hạng, lại không có tham vọng và cơ hội leo cao, cầu thủ SLNA đã không còn nhiều động lực thi đấu? Vì, những gì muốn chứng tỏ với đối phương, họ đã chứng tỏ một cách thuyết phục với chiến thắng 2-0 ở trận lượt đi rồi? Hay vì những tác động A, B, C khôn lường nào khác? Chắc chắn những nhà làm giải phải đặt những câu hỏi này lên bàn cân, và chắc chắn sự thật có như thế nào đi nữa thì thái độ thi đấu của Sông Lam cũng khiến cho chiến thắng của HA.GL bớt đẹp đi rất nhiều.

Chuyện Đồng Tâm Long An

Nói về chủ đề cái đẹp thì ông bầu Võ Quốc Thắng của Đồng Tâm Long An (ĐT.LA) cũng là một trong những người theo đuổi cái đẹp hơn bất cứ ai. Từ ngày bước chân vào làng bóng đến nay ông Thắng luôn yêu cầu các cầu thủ "phải đá đẹp để dân thương", và sẵn sàng xuống hạng chứ nhất định "không xin, không cho ai cả".

Thực tế thì cũng đã có mùa giải ĐT.LA xuống hạng, nhưng xuống rồi lại lên và ở lượt đi V.League năm nay thì có lúc ĐT.LA đã trở thành hiện tượng của mùa giải với một thứ bóng đá trong sáng, hiệu quả, đem lại hết chiến thắng này đến chiến thắng kia.

Thế mà đùng một cái, ở vòng 21, ĐT.LA lại thua tan nát SHB.Đà Nẵng tới 3-7 trên sân Chi Lăng. Sang đến vòng 22, ngay trên sân nhà của mình, họ tiếp tục thua "kèo dưới" Cần Thơ 1-2. Chắc chắn đấy là những cái thua mà ông Chủ tịch Võ Thành Nhiệm (em út của ông Võ Quốc Thắng, người nhận đội kể từ ngày ông Thắng lên làm Chủ tịch VPF) không thể không mổ xẻ.

Thoạt tiên thì ông "mổ xẻ" trận thua Đà Nẵng ở góc độ các cầu thủ đã bị nợ tiền thưởng 7 trận, và có thể vì vậy mà họ thua để "đánh động" Ban lãnh đạo (?). Nhưng đến trận thua thứ hai, khi tiền thưởng đã dần dần được giải ngân thì ông phải lý giải như thế nào? Chẳng nhẽ lại lý giải theo kiểu: Cần Thơ đang cần tích điểm trụ hạng trong khi đội bóng của mình đã ung dung trụ hạng từ lâu? Nhiều nhà báo chứng kiến trận đấu này không ngừng "chỉ điểm" những trụ cột ĐT.LA như Chí Công, Nhật Tân... chơi bóng như gà mắc tóc.

Và người ta còn cám cảnh cho ông HLV trưởng ĐT Việt Nam Toshiya Miura - người lặn lội từ Hà Nội vào Long An để xem trận tuyển quân nhưng hoá ra lại "bị" xem một trận đấu không như ý mình. Rõ ràng, hai trận đấu liên tiếp ở vòng 21, 22 V.League, ĐT.LA đã không còn đẹp như chính mình hồi đầu giải và chính mình trong quá khứ.

Niềm vui chiến thắng của HA.GL. (Ảnh: H.M.)

Cố mà tin

Từ những thay đổi trên ghế huấn luyện và trận thắng lạ của HA.GL trên sân Pleiku đến hai trận thua lạ liên tiếp của ĐT.LA từ sân khách đến sân nhà, không thể không đặt ra câu hỏi: Một nửa cái đẹp liệu có còn là cái đẹp? Đặt câu hỏi này, chúng tôi chợt nhớ tới 2 mùa giải mà HA.GL lên ngôi vua V.League vào các năm 2003 và 2004.

Đấy là những mùa giải mà họ được coi là hiện thân của một cái đẹp tuyệt bích, nhưng vòng đấu cuối hai mùa giải ấy, HA.GL lần lượt thua trên sân Thiên Trường để sau đó chủ sân Thiên Trường giành HCĐ và không thắng trên sân Lạch Tray để sau đó chủ sân Lạch Tray “hú hồn” trụ hạng. Trận đấu trên sân Lạch Tray, HA.GL thậm chí còn được hưởng 11m, và một người nổi tiếng là "tinh ý" như Kiatisak đã thực hiện quả 11m bất thành.

Hồi ấy GĐKT HA.GL là ông Nguyễn Văn Vinh - một nhân vật có "tư tưởng đẹp và lý lịch đẹp" hiếm hoi trong làng bóng, một nhân vật mà ở thời bóng đá bao cấp cứ hễ cầm đội nào là đội ấy xuống hạng vì nhất định không chịu thoả hiệp với vấn nạn tiêu cực và những trận cầu đen. Chúng tôi đã hỏi ông Vinh rất nhiều về hai trận đấu đáng ngờ của HA.GL trong hai mùa 2003, 2004 ấy, và câu trả lời của ông: "Đẹp một cách tương đối cũng là tốt lắm rồi".

Bây giờ, hơn một thập kỷ đã trôi qua, chứng kiến cái cảnh HA.GL và ĐT.LA có những trận cầu - những biểu hiện không thật đẹp có lẽ người hâm mộ cũng nên tự an ủi mình bằng lập luận của ông Vinh, rằng: "Đẹp một cách tương đối cũng là tốt lắm rồi".

Nói khác đi, một nửa cái đẹp vẫn là cái đẹp - hãy cố mà tin như thế!

Tiền và tình

Chiều qua, nhà báo kỳ cựu Nguyễn Lưu liên tục điện thoại cho tôi chia sẻ rằng ông là người Nghệ An nhưng nhìn các cầu thủ quê hương ông đá kiểu buông bỏ thì ông không thương nổi. Ông nói, ngay khi nhìn thái độ của SL Nghệ An trên sân Pleiku ông đã điện thoại cho ông Trưởng đoàn SL Nghệ An Nguyễn Hồng Thanh thì ông này nói rằng không đi cùng đội đến Pleiku vì lo việc lớn (?!).

Vậy là nhiều cổ động viên xứ Nghệ lặn lội lên Pleiku đã không được xem thứ bóng đá đẹp như ở lượt đi SL Nghệ An từng cống hiến cùng HA Gia Lai một trận đẹp và mãn nhãn.

V-League đang đi vào giai đoạn cuối và thứ bóng đá tình, tiền đang ảnh hưởng nặng đến các kết quả. Nguy hiểm hơn là đội bóng của những nhà đại diện bóng đá Việt và điều hành bóng đá Việt như thành viên VPF hay thành viên VFF, Thường trực VFF lại cùng ghim vào ổ bóng đá tình, tiền.

Chả trách bóng đá nội ngày càng mất giá…(Nguyễn Huy - Pháp Luật TP.HCM)

Nhục lắm, thật không?

Trước trận đấu, bầu Đức nói thế này: "Tôi đã khẳng định nếu HA.GL rớt hạng thì làm lại từ đầu, xem như đó là bài học quý giá cho việc làm bóng đá chuyên nghiệp. Chúng tôi đã chấp nhận điều tệ hại nhất là rớt hạng thì việc gì phải đi xin điểm, xin đội bạn nương chân. Nhục lắm! Và sẽ không bao giờ chúng tôi làm chuyện đó"... Chúng ta cứ phải ngồi với nhau, các bình luận viên hớn hở phân tích những cái hay về chiến thuật trong khi bản chất trận đấu có khi lại là 2 chữ "lừa đảo".

Có vẻ như không ai thấy ngại ngùng hay cảm thấy cần phải nói lên một điều gì đó: Cả làng bóng đá thế rồi, không khác được.

Hôm qua, ở trên sân Tân An, ĐT.LA cũng như là thua Cần Thơ. Sẽ chẳng có phán xét gì cả, V.League đang ở cảnh chợ chiều. Vả lại, dù sao thì HA.GL cũng là đội bóng "Thái tử", đội bóng của PCT VFF. Còn năm sau, bầu Hiển cũng có tới 4 đội chơi ở V.League, khi thêm CLB Hà Nội lên hạng.

Vấn đề là chúng ra xác định xem kịch thế nào mà thôi. Vả lại, nhục làm sao được khi cái sự nhục đã trở thành thói quen. Song An (Thể thao 24h)

Phan Đăng
.
.
.