Bí ẩn bàn chân của một kỷ lục gia điền kinh

Thứ Ba, 17/11/2020, 08:26
Vào ngày 10-11-2020, tại giải Điền kinh vô địch Quốc gia 2020, trên đuờng chạy 100m nam, vận động viên Ngần Ngọc Nghĩa của Đoàn Thể thao Công an nhân dân đã khiến tất cả phải chú ý đến mình khi phá kỷ lục quốc gia với thành tích 10 giây 40.


Điều đặc biệt là kỷ lục cũ 10 giây 47 cũng do chính chàng trai 21 tuổi ấy lập ra tại nội dung này ở Đại hội Thể dục thể thao toàn quốc năm 2018. Đằng sau những thành tích đó lại là cả một câu chuyện dài về nghị lực không biết mệt mỏi nhằm hoàn thiện vượt lên những bất lợi của bản thân đến từ chàng thanh niên người Thái này.

Kỷ lục gia và đôi bàn chân dẹp

Ngày 26-3-2015 là cột mốc thay đổi cuộc đời của cậu thiếu niên người Thái Ngần Ngọc Nghĩa khi được HLV Nguyễn Văn Hoàng tuyển chọn vào đội điền kinh của Đoàn Thể thao Công an nhân dân. Vị HLV điền kinh nhìn thấy được tố chất của chàng trai 16 tuổi này. Sau đó là quá trình tập và gặt hái quả ngọt với hai lần phá kỷ lục vào các năm 2018 và 2020. Nếu chỉ nhìn vào đó người bình thường ít cảm thấy được những gì mà Nghĩa đã phải bỏ ra để đánh đổi cho thành công hôm nay.

Là người thuộc dân tộc thiểu số, sinh sống tại vùng núi cao, Nghĩa sở hữu đôi bàn chân dẹp, đây là điều mà HLV của Nghĩa ông Nguyễn Văn Hoàng khi phát hiện ra cậu đã thấy và ông cũng hiểu được đó là bất lợi lớn thế nào khi muốn đào tạo chàng trai người Thái này thành một vận động viên điền kinh chuyên nghiệp. Thông thường, bàn chân mọi người đều có phần cong lên, phần cong lên này càng nhô cao thì diện tích tiếp xúc xuống mặt đất càng ít. Với các vận động viên điền kinh điều này giúp họ giảm diện tích tiếp xúc xuống đất trong mỗi bước chạy qua đó làm tăng khả năng bứt tốc. Với người có bàn chân dẹp thì ngược lại, diện tích tiếp xúc của bàn chân sẽ lớn, không những tăng ma sát mà còn phân tán lực từ chân xuống mặt đường chạy. Nếu có một bàn chân dẹp mà vẫn sử dụng kỹ thuật thông thường, vận động viên gặp bất lợi lớn trong thi đấu đặc biệt lại ở trong nội dung chạy cự ly ngắn nơi sự khác biệt giữa thắng và thua chỉ là vài phần trăm giây.

Ngần Ngọc Nghĩa (số đeo 64) rực sáng trên đường chạy 100m nam, phá kỷ lục Quốc gia.

Chính vì thế mà HLV Nguyễn Văn Hoàng phải chuẩn bị cho Nghĩa riêng một giáo trình để khắc phục điểm yếu cơ thể này. Trong giới vận động viên điền kinh Việt Nam, những người có đôi bàn chân dẹp khá hiếm vì thường sẽ bị loại ngay trong quá trình tuyển chọn của ban huấn luyện. Trước Nghĩa thì trường hợp được ghi nhận gần đây chỉ có Đinh Thị Bích. Nhà vô địch SEA Games 2019 tại cự ly 800m cũng sở hữu đôi bàn chân dẹp và để có chiến tích huy hoàng như thế tại Philippines, cô gái người Nam Định cũng phải bỏ ra vô vàn mồ hôi trên sân tập trước đó. Nói thế để thấy những nỗ lực không biết mệt mỏi mà Nghĩa và cả HLV Nguyễn Văn Hoàng đã bỏ ra để có được thành tích ngày hôm nay lớn đến thế nào.

Song khó khăn của Nghĩa khi quyết định gắn bó với môn điền kinh không chỉ có thế. Ngoài bàn chân dẹp, HLV Nguyễn Văn Hoàng còn phát hiện cậu học trò của mình còn có một điểm yếu khác. Trong lúc chạy, Nghĩa thường để mũi bàn chân bên trái chếch ra phía ngoài quá nhiều mà theo ngôn ngữ dân gian là "chân đi chữ bát", đây cũng là một yếu điểm cực lớn khiến vận động viên điền kinh CAND bị phân tán lực rất nhiều ở mỗi bước chạy. HLV Nguyễn Văn Hoàng tiết lộ để điều chỉnh dáng chạy cho cậu học trò, ông chỉ cho Nghĩa cách bước đi trên một đường thẳng.

"Bàn chân Nghĩa cũng bị hướng ra bên ngoài, do đó khi di chuyển sẽ phát tán lực. Mỗi ngày cho bạn ấy tập trên một đường thẳng. Mỗi sáng, Nghĩa đều phải chạy hướng mũi chân trên một đường thắng trong khoảng 15-20 phút. Đến bây giờ, Nghĩa vẫn phải tập các bài bổ trợ như vậy", HLV Nguyễn Văn Hoàng giải thích về bài tập giúp Nghĩa khắc phục điểm yếu.

Nói ra thì đơn giản thế nhưng để có những bước chạy xé gió, những pha bứt tốc khiến đối phương mệt bở hơi tai mà vẫn không theo kịp như Nghĩa đã thể hiện vừa qua, chàng trai này đã phải đánh đổi bằng rất nhiều nỗ lực trên sân tập.

Một điều ít ai biết, vào năm 2018 khi cái tên Ngần Ngọc Nghĩa lần đầu được nhắc đến trên bản đồ điền kinh Việt Nam với chiến tích phá kỷ lục ở đường chạy 100m nam thì vận động viên CAND vừa mới bình phục chấn thương cơ đùi sau được 2 tháng. Trong quá trình chuẩn bị giải, Nghĩa chỉ được cho tập các bài hô hấp, hồi phục... Chính HLV Nguyễn Văn Hoàng cũng bất ngờ với thành tích của cậu học trò, bởi trước đó mục tiêu cho Nghĩa tại giải này chỉ là tham dự và cải thiện thành tích.

Bàn chân dẹp của Nghĩa vốn là điểm yếu đối với một vận động viên điền kinh.

Thử thách phía trước

Chia sẻ với chúng tôi Nghĩa không giấu hy vọng được góp mặt tại SEA Games 31 sẽ diễn ra tại Việt Nam vào cuối năm 2021. Về mặt thành tích Nghĩa đã có một bước tiến dài khi vượt qua được chính kỷ lục của bản thân vào năm 2018 (10 giây 47) để có được kỷ lục mới 10 giây 40. Bản thân chàng trai 21 tuổi này cũng góp công rất lớn để Đoàn thể thao CAND giành được huy chương Vàng thứ 2 tại giải vô địch toàn quốc năm nay. Tuy nhiên để vươn ra biển lớn mà trước hết là SEA Games thì vẫn còn khá nhiều chông gai chờ đợi chàng trai người Thái này.

Theo một số chuyên gia điền kinh, ngay cả với mức kỷ lục quốc gia mà Nghĩa vừa thiết lập hôm 10-11 vừa qua thì mới chỉ đạt đến khả năng tranh chấp huy chương Bạc. Huy chương Vàng SEA Games 2019 hiện ở mức 10 giây 36, trong khi đó kỷ lục tại nội dung này đang do vận động viên Suryo Agung Wibowo của Indonesia nắm giữ với thành tích 10 giây 17 (được lập tại SEA Games 2009, Lào). Những con số chỉ cách nhau ở mức vài chục, hoặc vài phần trăm giây nhưng trong thể thao đặc biệt là điền kinh đó là một khoảng cách giữa tượng đài và bình thường.

Ngần Ngọc Nghĩa cùng đội điền kinh CAND về nhất nội dung 4x100m tiếp sức đồng đội tại giải vô địch toàn quốc 2020 hôm 11-11.

Một điểm đáng chú ý khác là tại các đường chạy cự ly ngắn, Thái Lan đang là một "ông kẹ" tại khu vực đặc biệt là ở đấu trường SEA Games. Dẫn chứng lớn nhất chính là ở những kỷ lục mà thể thao nước bạn đang nắm giữ ở các đường chạy 200m, 400m. Trong khi đó với Việt Nam, các nội dung của nam thường tập trung cho cự ly trung bình và dài, hai kỷ lục SEA Games ở đường chạy 1.500m, 5.000m hiện do Nguyễn Đình Cương và Nguyễn Văn Lai nắm giữ phần nào nói nên thực tế này.

Bản thân HLV Nguyễn Văn Hoàng cũng cho biết, trong nhiều năm qua, Việt Nam không có nhiều vận động viên nam tham dự nội dung chạy cự ly ngắn tại SEA Games hoặc các đấu trường khu vực, trước đây có Lê Trọng Hinh và hiện giờ là Nghĩa. Ông Hoàng cũng cho biết Nghĩa rất mạnh ở đoạn nước rút, đặc biệt sau khoảng 30m đầu tiên vì sở hữu các tố chất khá đều tuy nhiên để nói về mục tiêu giành huy chương Vàng hay thậm chí phá kỷ lục SEA Games thì vẫn còn quá sớm.

Nhà vô địch SEA Games 30 Đinh Thị Bích là trường hợp hiếm hoi có đôi chân giống như Ngần Ngọc Nghĩa.

HLV Nguyễn Văn Hoàng cũng tiết lộ với chúng tôi về quá trình huấn luyện Nghĩa trong tương lai. Ông sẽ giúp Nghĩa cải thiện hơn nữa khả năng về sức mạnh một trong những yếu tố hàng đầu quyết định thành tích của một vận động viên điền kinh tại những cự ly ngắn. Theo HLV Nguyễn Văn Hoàng, Nghĩa là một mẫu người rất chăm chỉ luyện tập đồng thời cũng biết hoàn thiện bản thân. Ông Hoàng lấy dẫn chứng về việc từ đầu năm đến nay, Nghĩa đã cải thiện rất nhiều khả năng xuất phát của mình.

HLV Nguyễn Văn Hoàng cũng cho biết đang cân nhắc sẽ cho một đồng đội cùng tập với Nghĩa tại nội dung này. Dù người đồng đội này vẫn chưa thể có thành tích tương đương với Nghĩa nhưng việc có hai người sẽ giúp vận động viên người Thái này có thêm động lực trong lúc luyện tập, đây cũng là điều mà Ngần Văn Nghĩa mong muốn lâu nay.

Hy vọng trong thời gian tới, cái tên Ngần Ngọc Nghĩa sẽ được xướng lên trong những sự kiện thể thao mang tầm quốc tế mà trước mắt chính là kỳ SEA Games 31 sẽ được tổ chức ở Việt Nam vào cuối năm sau.

Minh Thư
.
.
.