Bi kịch sau bức ảnh bóng đá được sử dụng nhiều nhất lịch sử

Thứ Tư, 04/02/2015, 09:24
Cách đây đúng 35 năm, vào tháng 1/1980, một người đàn ông được biết đến với 2 cái tên đã qua đời khi mới 38 tuổi. Ông là một nhà nhiếp ảnh, một phóng viên bình thường, nhưng được biết tới bởi một bức ảnh được coi là nổi tiếng nhất trong lịch sử bóng đá: bức ảnh chụp lại pha ghi bàn gây tranh cãi của đội tuyển Anh trong trận chung kết World Cup 1966 với Đức. Những câu chuyện và cả những bi kịch bắt đầu xuất hiện sau khi bức ảnh đó lan tràn khắp thế giới và trở thành bức ảnh bóng đá được sử dụng nhiều nhất lịch sử.
1. Một phóng viên ảnh chụp được một bức ảnh đẹp vốn cũng là chuyện bình thường. Nhưng số phận của bức ảnh ấy và cả số phận của người chụp ra nó lại là một câu chuyện, thậm chí là một định mệnh. Trên trang bìa cuốn sách có tên "Das Tor des Jahrhunderts" (Bàn thắng thế kỉ) là bức ảnh chụp cú sút ghi bàn của Geoff Hurst ở phút thứ 101.

Đó là tình huống gây tranh cãi nhất trong lịch sử bóng đá thế giới, bởi cho đến bây giờ không ai phân định được quả bóng đã rơi vào phía trong vạch vôi khung thành hay chưa. Bức ảnh này được đưa ra như một tư liệu để mổ xẻ, tranh cãi đến tận bây giờ.

Nhưng ở đây, không phải là chuyện về tầm quan trọng của bức ảnh đó, mà là tại sao nó lại ra đời và số phận của người chụp nó như thế nào. Bức ảnh nổi tiếng kia đã không bao giờ ra đời nếu không có một cuộc tranh cãi, thậm chí có thể coi là mối mâu thuẫn đáng sợ giữa những người trong gia đình nổi tiếng, gia đình Springer.

Người đứng đầu gia đình này là một trong những nhân vật gây tranh cãi nhất trong lịch sử nước Đức kể từ sau chiến tranh thế giới. Đó là Axel Springer. Ông chẳng khác gì nhà tài phiệt truyền thông, một ông trùm trong giới báo chí, có tầm ảnh hưởng gần như tuyệt đối trong giới báo chí Đức thời điểm thập kỉ 40 của thế kỷ trước.

 Axel Springer xây dựng một đế chế thực sự, mà đi đầu là tờ báo "khét tiếng": Bild (hiện nay vẫn là tờ báo lá cải số 1 tại Đức, trong đó mục thể thao và đặc biệt là bóng đá rất phát triển). Bên cạnh đó là hàng chục ấn phẩm khác do ông sáng lập hoặc mua lại, thâu tóm từ các nhà tài phiệt truyền thông khác.

Bức hình Uwe Seeler nổi tiếng.

Trong vai của một ông trùm có sức mạnh không thể ngăn cản, Springer là người thủ cựu, với tư tưởng chính trị thuần túy, và trở thành người bị căm ghét từ lớp sinh viên cấp tiến cuối những năm 1960. Khi Rudi Dutschke, người phát ngôn rất nổi tiếng của phong trào sinh viên Đức bị bắn và bị thương nặng vào năm 1968, nhiều người đã đổ lỗi cho chiến dịch do Axel Springer khởi xướng, bắt đầu từ tờ Bild.

Với nền tảng hoàn hảo như vậy, nhưng định mệnh không cho Axel Springer sự trọn vẹn trong quan hệ gia đình. Con trai cả của ông là Axel Junior sinh năm 1941, nhưng chẳng có chút tham vọng hay nỗ lực nào của cha mình. Thay vào đó, Axel Junior chỉ chơi bời, chẳng có nghề nghiệp nào để theo đuổi, chẳng có bằng cấp nào dù đã đi du học ở 3 nước.

Những rạn nứt trong quan hệ cha con nảy sinh và ngày càng trầm trọng. Năm 1960, khi mới 19 tuổi, Axel Junior gặp một cô gái mới 16 tuổi có tên Rosemarie. Họ bắt đầu một mối quan hệ đầy lãng mạn, sâu sắc và mãnh liệt. Chỉ đến khi gặp Rosemarie, Axel Junior mới suy nghĩ đến tương lai.

Không bằng cấp, không học hành, Axel Junior chỉ còn con đường làm báo, và nếu làm báo thì đương nhiên sẽ chịu sự chi phối của cha mình, ông trùm Springer. Tuy nhiên, Axel Junior muốn có một giá trị của riêng mình, chứ dứt khoát không sử dụng mối quan hệ gia đình để gây dựng sự nghệp.

Theo đó, Axel Junior lấy bút danh bí mật không hề có chút màu sắc Đức nào cả: Sven Simon (thậm chí có thông tin rằng, ông đã đổi tên, bỏ tên khai sinh để chuyển thành Sven Simon). Vài tháng sau, một biến cố đã xảy ra, và đó là một ngày định mệnh, là tiền đề để bức ảnh nổi tiếng ra đời.

Sven Simon.

2.Đó là lúc Axel Junior thông báo với cha mình về việc cưới Rosemarie, khi cô gái đủ tuổi thành hôn. Springer cha thừa hiểu chuyện gì sắp xảy ra và cảm thấy đây là một chuyện thú vị, bởi đó là lúc ông vừa li dị bà vợ thứ ba và chuẩn bị cưới vợ lần thứ 4 (điều trùng hợp là vợ thứ 3 của Springer cha vừa li dị cũng có tên là… Rosemarie). Springer cha tuyên bố, hai cha con tổ chức đám cưới chung, nhưng Springer con phản đối kịch liệt. Họ cãi nhau kịch liệt và kết cục là Axel Junior đứng dậy bỏ đi và không bao giờ quay trở lại nữa.

Câu chuyện về mâu thuẫn gia đình ở Đức khi đó không phải là hiếm, bởi điều này cũng từng xảy ra với một gia đình nổi tiếng khác là anh em ruột nhà Dassler. Mâu thuẫn này đã khiến gia đình Dassler chia đôi, và từ đó xuất hiện 2 tập đoàn sản xuất đồ thể thao hàng đầu thế giới là Adidas (của người em Adi Dassler) và Puma (của người anh Rudolf Dassler). Ngày Axel Junior ra đi, có nghĩa Springer con phải tìm một nghề nghiệp để mưu sinh. Có quá ít lựa chọn, Axel Junior đi theo nghề yêu thích là nhiếp ảnh, với cái tên Sven Simon.

Sven Simon chụp tất cả những đơn đặt  hàng, chụp cả những bức ảnh mà chẳng để làm gì. Nhưng điều đặc biệt ở những ảnh ấy là bố cục, sự chặt chẽ, nội dung rõ ràng, thậm chí có cả những tác động khiến chúng trở nên gần gũi, chân thực.

 Khả năng ấy giúp Axel Junior (nay là Sven Simon) có được công việc và thu nhập ổn định. Tuy nhiên, những bức ảnh xã hội không giúp Sven Simon nổi tiếng, mà lại là những bức ảnh về bóng đá. Cùng với danh tiếng của mình, Sven Simon bắt đầu đối đầu với đế chế truyền thông của cha mình. Thậm chí, đã có những mâu thuẫn nảy sinh cần phải viện đến pháp lí.

Đỉnh cao sự nghiệp nhiếp ảnh của Sven Simon là vào những năm 1970, sau kì World Cup tuyệt vời tại Mexico với những hình ảnh kinh điển về đội  tuyển Brazil và cá nhân huyền thoại Pele. Thế nhưng, kì World Cup 1966 mới là điểm bắt đầu và cũng là điểm nhấn làm thay đổi cuộc đời Axel Junior. Đó là thời điểm Sven Simon thành lập một công ty ảnh có tên Sven Simon picture Agency.

Năm 1967, Sven Simon xuất bản cuốn sách "Das Tor des Jahrhunderts" và đưa bức ảnh pha ghi bàn gây tranh cãi của Hurst ra trang bìa. Trong đó, Sven Simon đã chứng minh và đưa ra bằng chứng để nói rằng, bóng không bao giờ đi qua vạch vôi cầu môn.

Những bức ảnh giúp Sven Simon ngày càng nổi tiếng, nhưng cũng chính thời điểm đó, sự hủy hoại bắt đầu đến với ông. Sven Simon trở thành nhiếp ảnh gia để cưới Rosemarie, nhưng cũng nghề nghiệp này cũng khiến gia đình ông tan vỡ.

 Năm 1970, hai người chia tay. Chính Sven Simon từng nói: "Bóng đá cho tôi sự nổi tiếng, nhưng chính bóng đá đã phá hủy cuộc sống gia đình tôi". Cuộc chia tay với Rosemarie cũng dẫn đến một mối quan hệ bất ngờ nữa, đó là sự hòa giải giữa Sven Simon với cha mình.

 Cuối năm 1968, Sven Simon đã kí một bản "hòa ước", hủy bỏ tất cả các đơn từ pháp lí khiếu kiện đế chế của cha mình, dĩ nhiên đổi lấy là Sven Simon có được một khoản tiền lớn. Điều này đã giảm bớt căng thẳng giữa hai cha con. Tuy nhiên, Sven Simon vẫn chỉ là một tay làm thuê mạt hạng cho một đế chế truyền thông khủng khiếp.

Đêm Giáng sinh năm 1979, Rudi Dutschke qua đời, người ta truy trở lại cuộc ám sát xảy ra với ông năm 1968 mà người khởi xướng được cho là tờ Bild và ông trùm Axel Springer. Ngày diễn ra đám tang của Rudi Dutschke là ngày 3/1/1980.

Vào lúc 2 giờ sáng hôm đó, Sven Simon lang thang đi bộ dọc theo đường Alster ở Hamburg. Ông ngồi xuống chiếc ghế đá không quá xa nhà mình và lôi ra khẩu súng Smith & Wesson, khẩu súng ông được phép mang theo vì là một người trong nhà Springer, là mục tiêu tiềm năng cho những kẻ khủng bố hay tội phạm. Không ai nghe thấy tiếng nổ. Nhưng vài tiếng sau, Sven Simon được tìm thấy trong vũng máu, khi mới 38 tuổi.

3.Axel Junior không để lại bất kì thứ gì giải thích cho cái chết của mình. Cho đến tận bây giờ vẫn không ai biết lí do ông tự sát. Những giả thuyết đưa ra cho rằng, Axel Junior bị mắc chứng trầm cảm, với áp lực từ công việc, cuộc đối đầu với cha mình và từ cả cuộc hôn nhân đổ vỡ.

Thậm chí, có nhiều giả thuyết cho rằng, Axel Junior đã biết những bí mật, những kế hoạch mưu sát và thâu tóm của cha mình, có thể có liên quan đến cả cái chết của Rudi Dutschke, nên đã đánh đổi cuộc sống của mình hòng chuộc lại tội lỗi của cha. Giả thuyết này có vẻ mang nhiều kịch tính, bởi Axel Junior đã có mối quan hệ rất tốt với người vợ thứ 5 của cha mình (bà Friede).

Bìa cuốn sách Das Tor des Jahrhunderts với bức ảnh bàn thắng gây tranh cãi ở trận chung kết World Cup 1966.

Mười tám năm sau cái chết của Sven Simon, cái tên này bất ngờ gây xôn xao một lần nữa khi bức ảnh khác của ông được công bố. Đó là hình ảnh chụp ở trận chung kết World Cup 1966, bức ảnh đoạt giải "Ảnh thể thao của năm" (sau này được bình chọn là ảnh thể thao thế kỉ của Đức), ghi lại đội trưởng Tây Đức Uwe Seeler rời sân, cúi mặt xuống đất. Năm 1997, bức ảnh này gây tranh cãi với chi tiết: ban nhạc diễu hành trong hình.

 Nó được chụp vào lúc nào? Trước trận hay sau trận? Tất cả đều sai. Nó được chụp vào lúc nghỉ giải lao giữa hai hiệp. Nhưng câu hỏi được thắc mắc nhiều là tại sao bức ảnh này không được đưa ra sau trận chung kết, mà phải đợi đến 18 năm sau mới tìm thấy?

Tất cả chỉ là một màn bí ẩn.

Gia tc Springer

Những giả thuyết và những thắc mắc về số phận nhiếp ảnh gia Sven Simon (hay Axel Junior) vẫn là một bí ẩn trong suốt 35 năm qua. Đã có rất nhiều nghiên cứu tìm hiểu về ông, về các bức ảnh bất hủ, ghi lại một quá trình lịch sử của bóng đá thế giới, nhưng đều không mang lại kết quả gì.

Và có lẽ, câu chuyện về Axel Junior hay nhiếp ảnh gia Sven Simon mãi mãi là câu chuyện thú vị đầy mầu sắc bí ẩn. Tuy nhiên, có một điều chắc chắn, đó là Sven Simon vẫn là một người trong gia tộc Springer nổi tiếng nhưng cũng mang nhiều điều kì lạ.

Cha của Sven Simon, ông trùm Axel Springer cũng được coi là một chính trị gia khi ông sử dụng báo chí để thể hiện quan điểm chính trị của mình và ủng hộ chính quyền lúc đó. Axel Springer qua đời năm 1985 (73 tuổi), quyền thừa kế thuộc về bà vợ thứ 5 (bà Friede Springer, bà cũng là vú em của Sven Simon suốt 30 năm).

Cho đến ngày nay, Springer vẫn là tập đoàn báo chí truyền thông, nhà xuất bản lớn nhất châu Âu với hơn 230 tờ báo, tạp chí và trên 80 dịch vụ trực tuyến khác.

Lê Giang
.
.
.