Tân binh "bom tấn" của Cardiff City mất tích: Bi kịch và những quyết định tranh cãi của CLB

Chủ Nhật, 27/01/2019, 15:22
Ba ngày sau khi đặt bút ký vào bản hợp đồng với Cardiff City, Emiliano Sala mất tích trên chuyến bay từ Pháp đến Anh. Bi kịch Sala gặp phải như một đỉnh điểm các sự cố xảy ra với Cardiff City, một đội bóng đang vật lộn với cuộc chiến trụ hạng cùng những khó khăn về tài chính do mô hình quản lý thiếu bền vững.


"Bom tấn" mất tích

Emiliano Sala được Cardiff City thông báo "chiêu mộ bằng mức giá kỷ lục trong lịch sử đội bóng" từ Nantes. Con số này ước chừng lên tới 15 triệu bảng. Cardiff mua Sala về với kỳ vọng anh sẽ đóng góp bàn thắng trong cuộc đua trụ hạng mùa này. Đội bóng Xứ Wales hiện xếp thứ 18 tại Premier League, với cầu thủ ghi bàn tốt nhất là Callum Paterson, một... hậu vệ cánh phải được đẩy lên đá tiền đạo.

"Tôi cảm thấy mình thật đặc biệt khi trở thành bản hợp đồng kỷ lục của CLB. Tôi muốn sớm có mặt để cùng làm việc, giúp đỡ các đồng đội, giúp CLB giành kết quả tốt hơn", Sala phát biểu trong lễ ra mắt Cardiff. Tuy vậy, cơ hội để anh có thể thực hiện điều đó gần như không còn. Tối thứ hai (theo giờ Pháp), chiếc máy bay chở Sala mất tích trên đường đến Anh.

Sala mất tích khi chưa chơi trận nào cho Cardiff.

Ngay sau khi nhận được thông tin chiếc máy bay chở Sala mất tích, cơ quan chức năng đã tiến hành công đoạn tìm kiếm cứu hộ. 2 trực thăng, 2 xuồng cứu sinh, một máy bay chuyên dụng cùng nhiều tàu cá địa phương được huy động tham gia. Tuy nhiên, bước đầu họ chỉ tìm thấy một số mảnh vỡ của chiếc máy bay cá nhân Piper Malibu.

Cơ hội sống sót của Sala rất mong manh, khi các mảnh vỡ máy bay rơi rải rác được tìm thấy trên phạm vi lên tới 3.000 cây số vuông. Các đơn vị tìm kiếm cứu hộ khẳng định cơ hội để Sala cùng viên phi công chở anh sống sót thực sự rất nhỏ. Vùng biển giữa Anh và Pháp trong mùa đông có nhiệt độ tụt xuống dưới điểm đóng băng.

Với Premier League, đây là bi kịch thứ hai giải đấu này phải chịu trong mùa giải này. Trước đó vào tháng 10, ông chủ Vichai Srivaddhanaprabha của Leicester City cùng 4 người khác đã thiệt mạng khi chiếc trực thăng chở ông rơi ngay bên ngoài sân vận động King Power. Còn với Cardiff, Sala mất tích là bi kịch lớn nhất họ gặp phải trong những năm qua, nhưng không phải duy nhất.

Một ban lãnh đạo lạ kỳ

Kể từ năm 2000, kết quả thi đấu của Cardiff dần khởi sắc nhờ dòng tiền của các ông chủ nước ngoài đổ vào. Năm 2013, đội bóng Xứ Wales lần đầu được trải nghiệm cảm giác thi đấu tại Premier League. Nhưng kể từ đó, hệ thống quản lý của CLB bắt đầu bộc lộ yếu kém, khiến Cardiff lâm vào cảnh trầy trật, khó có khả năng tiến xa hơn.

Năm 2011, Cardiff bổ nhiệm Malky Mackay làm HLV trưởng. Mackay khi đó là một HLV trẻ đang lên, và được đưa về với kỳ vọng sẽ giúp CLB thăng hạng lên Premier League sau 2 mùa giải thất bại ở loạt play-off. Mackay được giao chỉ tiêu thực hiện điều đó trong 3 mùa giải, và ông hiện thực hóa điều đó chỉ trong mùa thứ 2. Họ thậm chí còn giành chức vô địch Championship mùa giải 2012-2013.

Cardiff cũng lập kỳ tích lọt vào chung kết League Cup mùa giải 2011-2012 và chỉ để thua trên chấm phạt đền. Giữa thời điểm Mackay nổi lên như một HLV trẻ hàng đầu tại Anh, không ít CLB tại Premier League muốn chiêu mộ ông. Tuy nhiên, Mackay chọn cách ở lại Cardiff. Sir Alex Ferguson đánh giá Mackay là một HLV hiếm có, với những phẩm chất vượt trội cả về tài năng lẫn tính cách.

Trụ hạng luôn là mục tiêu khó khăn với một đội bóng mới thăng hạng và Mackay nhanh chóng phải nếm trải điều này. Tuy nhiên, điều làm cho Mackay cảm thấy đau đớn hơn chính là việc ông không được ban lãnh đạo tin tưởng. Khi Premier League bước vào tháng 12, phía Cardiff ra thông báo công khai "Mackay phải tự từ chức nếu không muốn bị sa thải". Ông chỉ ở lại CLB đến cuối tháng.

Thay đổi màu áo và logo khiến ban lãnh đạo Cardiff bị người hâm mộ tẩy chay

Người thay thế Mackay là Ole Gunnar Solskjaer. Khi biết tin "sát thủ có bộ mặt trẻ thơ" được Cardiff quan tâm, Ferguson đã trực tiếp gọi điện cho cậu học trò cũ. Ông cảnh báo Solskjaer nên dè chừng với cách làm việc thiếu chuyên nghiệp của ban lãnh đạo Cardiff. Tuy vậy, Solskjaer quá háo hức trước viễn cảnh cầm một đội bóng tại Premier League.

Bổ sung Solskjaer không giúp Cardiff thoát khỏi cảnh xuống hạng với vị trí bét bảng mùa giải 2013-2014. Trong ngày cuối cùng Cardiff còn chơi ở Premier League mùa đó, ban lãnh đạo CLB tiếp tục khẳng định muốn gắn bó lâu dài cùng Solskjaer. Nhưng đến tháng 9, Solskjaer cũng bị sa thải.

Đó là thời điểm Championship mới diễn ra 1 tháng rưỡi. Cardiff luôn thiếu kiên nhẫn với những HLV và thường không cho họ đủ thời gian để thích nghi. Màn trình diễn ấn tượng Solskjaer đang thể hiện ở Man Utd hoàn toàn có thể diễn ra với Cardiff, nếu ông được ban lãnh đạo CLB kiên nhẫn dành cho cơ hội.

Không chỉ đưa ra những quyết định kỳ lạ trong bổ nhiệm vị trí HLV trưởng, ban lãnh đạo Cardiff City cũng khiến cổ động viên CLB phản đối dữ dội. Nguyên nhân nằm ở việc từ năm 2012, họ tự ý đổi màu áo xanh truyền thống thành màu áo đỏ, với niềm tin "màu đỏ sẽ đem lại may mắn".

Logo của Cardiff cũng phải chịu chung số phận. Hình con chim én vốn là trung tâm logo đội bóng bị đẩy xuống dưới, nhường chỗ cho một con rồng màu đỏ "cưỡi" bên trên, như khẳng định "CLB sẽ hóa rồng".

Niềm tin đó không giúp Cardiff trụ lại Premier League thành công, cũng như không giúp họ nhanh chóng lên hạng. CLB phải trở lại với màu áo xanh từ năm 2015. Logo cũng thay đổi, với hình con rồng màu đỏ bị đẩy xuống dưới, nhường chỗ cho cánh chim én màu xanh trở lại trung tâm như ban đầu.

Sau cùng, những ông chủ ngoại quốc của Cardiff cũng hiểu họ không thể khiến người hâm mộ chấp nhận việc xóa bỏ hơn 100 năm lịch sử đội bóng.

Lằn ranh phá sản

Để mua lại Cardiff City và đầu tư cho CLB lên chơi ở Premier League, giới chủ CLB đã dùng thủ thuật tương tự cách các ông chủ Mỹ đã làm với Man Utd. Họ vay tiền để mua cổ phần CLB, rồi chuyển khoản đầu tư của mình dưới hình thức cho CLB vay tiền. Cardiff hiện chịu khoản nợ lên tới hơn 50 triệu bảng.

Khác với Man Utd, Cardiff không có doanh thu thương mại đáng kể. Đội bóng cũng không đào tạo được những cầu thủ có giá. Đó là lý do Cardiff đang lâm vào cảnh "nợ ngập đầu". Đây cũng là nguyên nhân khiến Cardiff khó có thể tiến xa trong tương lai, với viễn cảnh bị phạt vì vi phạm Luật Công bằng tài chính luôn treo trên đầu.

.Bức ảnh “Lời tạm biệt cuối cùng” của Sala.

Cardiff hiện đang đứng thứ 18 ở Premier League và họ đã mất trắng 15 triệu bảng với thương vụ Sala. Bi kịch mất tích của Sala có thể là giọt nước tràn ly khiến Cardiff tiếp tục lâm vào khủng hoảng, nhưng lại không phải nguyên nhân khiến CLB thi đấu thiếu ổn định những năm qua. Mô hình quản lý thiếu bài bản, đầu tư thiếu định hướng lâu dài đang khiến Cardiff phải trả giá.

Trong trường hợp tệ nhất, Cardiff hoàn toàn có thể bị phạt nặng (như Queens Park Rangers) hoặc đánh tụt hạng (như Parma, Rangers). Đó mới chính là bi kịch với những người hâm mộ đội bóng của Xứ Wales.

Sala và "linh cảm" kỳ lạ về cái chết

Sau khi đến Cardiff ký hợp đồng và làm lễ ra mắt, Sala đã trở về Nantes chào các đồng đội cũ. Tại đây, anh chụp hình cùng mọi người và chia sẻ kèm thông điệp "Lời tạm biệt cuối cùng". Các đồng đội ở Nantes sau đó đã chở Sala ra sân bay.

Trước lúc lên máy bay từ Pháp trở về Anh, Sala nhắn tin cho một số bạn bè và người thân. Anh lo sợ về mức độ an toàn của chuyến bay trở về Anh. Chiếc máy bay chở Sala là loại máy bay cá nhân.

Nỗi lo sợ đó theo cùng Sala ngay cả khi máy bay đã cất cánh. "Tôi đã rời Nantes, giờ tôi đang ở trên một chiếc máy bay, với một lịch trình có vẻ như sắp vỡ tan thành từng mảnh. Nếu bạn không có bất cứ tin tức nào của tôi trong một giờ rưỡi tới, tôi không biết liệu có phải cử người đi tìm kiếm tôi không. Tôi đang rất sợ hãi". Đó là những lời cuối cùng Sala nhắn gửi mọi người được ghi lại.

Sala có sự nghiệp chơi bóng chuyên nghiệp khá trắc trở. Tài năng của anh được phát hiện từ khá sớm, với nhiều điểm tương đồng như huyền thoại Gabriel Batistuta. Năm 19 tuổi, Sala đến Bồ Đào Nha chơi bóng, ghi hai bàn trong trận đấu đầu tiên, nhưng đột ngột thông báo về nước ngay sau đó.

Một năm sau, Sala đến Pháp đầu quân cho Bordeaux. Anh ở đội trẻ đến tận năm 22 tuổi mới được đôn lên đội một, nhưng sớm bị đem cho mượn ở những đội bóng hạng dưới. Năm 2015, Sala đầu quân cho Nantes, dần trở thành trụ cột tại đây. Trong giai đoạn có Sala trong đội hình, Nantes luôn nằm ở nửa trên bảng xếp hạng Ligue 1.

Mùa giải 2018-2019, Sala lọt vào mắt xanh của các CLB châu Âu khi ghi 13 bàn trong 18 trận cho Nantes. Thương vụ đến Cardiff chính là bản hợp đồng lớn đầu tiên trong sự nghiệp của Sala, đến vào lúc anh đã 28 tuổi. Tuy nhiên, Sala mất tích khi chưa có cơ hội chơi trận bóng nào trong màu áo CLB mới.

Đơn Ca
.
.
.