Trao nhầm vương miện hoa hậu:

Biết sửa ngay vẫn hơn

Thứ Sáu, 25/12/2015, 13:08
Truyền thông cả thế giới xôn xao và sẽ còn xôn xao, bình luận, bàn tán về cuộc thi Hoa hậu hoàn vũ vừa diễn ra tại Mỹ. Lịch sử của cuộc thi chưa từng chứng kiến chuyện người dẫn chương trình xướng nhầm tên á hậu 1 thành hoa hậu. Sau 30 giây mừng vui ngây ngất, Hoa hậu Columbia phải ngậm ngùi chuyển giao vương miện cho Hoa hậu Philippines.
Bao nhiêu đồn đại, đoán già đoán non về việc hoán đổi kết quả cuộc thi. Nhưng ngẫm cho cùng, chuyện trao nhầm trong đời sống thì khi nào và ở đâu chả có. Trao nhầm rồi sửa ngay, trao lại cho “đúng người đúng của” cũng còn tốt chán. Có không ít sự trao nhầm trong đời người ta chả buồn sửa, cứ cố tình lờ đi, xem ra còn nguy hại hơn.

Thật ra mà nói, chả ai muốn cái màn trao nhầm, nhất là giữa thanh thiên bạch nhật. Những sự trao nhầm cố tình, có tính toán thường khó mà nhận diện, đoán biết. Nó là câu chuyện trong bóng tối, còn lâu mới thấy ánh đèn. Một khi sự trao nhầm đã trở thành xảo quyệt, thành kỹ năng, thành một phép toán được tính từ đầu, thì công chúng bị qua mặt dễ như bỡn.

Những người cầm cân nảy mực có thể hợp lý hóa mọi thứ ngọt ngào hơn mật. Và cái màn trao nhầm chỉ mang ý nghĩa gián tiếp, chứ còn lâu mới trở thành món mồi sơ sểnh trực tiếp trước bàn dân thiên hạ như vụ trao nhầm vương miện hoa hậu hoàn vũ vừa rồi.

Chúng ta thường có tâm lý mong muốn mọi việc diễn ra xuôi chèo mát mái. Những sự kiện lớn thì không được phép sai sót. Nhưng sai sót vẫn cứ xảy ra, ngay cả khi nó không được quyền. Không hoàn hảo, đó chính là cuộc sống. Vấn đề là người ta sẽ xử lý  thế nào với những tình huống sai sót đó.

Giây phút sửa sai trao nhầm vương miện hoa hậu trong đêm chung kết Hoa hậu hoàn vũ thế giới 2015.

Câu chuyện trao nhầm vương miện hoa hậu hoàn vũ khiến tôi suy nghĩ nhiều về điều này. Tôi hình dung, nếu Ban tổ chức không nhắc nhở người dẫn chương trình đính chính kết quả ngay lập tức, nếu họ “chữa cháy” tình huống bằng cách “ỉm” sự trao nhầm đó đi, để tránh bị dư luận bàn tán, mổ xẻ, nghi ngờ, nghĩa là chấp nhận sự trao nhầm đó thành một kết quả đương nhiên, thì sẽ tốt cho ai?

Sẽ tốt cho họ, đương nhiên, những người được xem là tổ chức thêm một kỳ thi hoa hậu hoàn vũ thành công. Nhưng thử hình dung tiếp xem, á hậu 1 sẽ mang vương miện, và hoa hậu sẽ trở thành á hậu. Suốt đời họ sống trong kết quả ấy, thậm chí hài lòng về mình, không có chút tổn thương nào.

Và một bí mật giấu kín, rằng họ đều đang hài lòng nhầm về kết quả một cuộc thi họ tham gia. Như thế cũng chẳng nhân văn chút nào. Một ngày nếu sự thật được phơi bày, tổn thương của họ còn lớn gấp nhiều lần sự tổn thương mà họ phải trải qua bất đắc dĩ trên sân khấu giờ phút đăng quang ấy, vì sự trao nhầm vương miện. Quan trọng hơn là các vị trí được trở về đúng thứ hạng của nó, theo đánh giá của ban giám khảo, bất kể đánh giá đó là chính xác hay không.

Bởi xét cho cùng, đã tham gia một cuộc thi, thì mọi thí sinh phải chấp nhận luật chơi, chấp nhận sự đánh giá của Ban giám khảo của cuộc thi đó. Ngay cả khán giả cũng đừng đòi hỏi ban giám khảo phải là chân lý tuyệt đối. Họ có tiêu chí của họ, và cuộc thi có tiêu chí của cuộc thi.

Có một điều rất lạ là, trong cuộc sống mọi người thường quá tò mò, quá nhạy cảm, quá đa nghi trước một sự nhầm lẫn. Khi một sự nhầm lẫn xảy ra và được sửa chữa ngay sau đó, người ta thường phản ứng bằng cách nghi ngờ, đồn đại, khó chịu, la ó.

Ít ai chịu nghĩ rằng nếu sự nhầm lẫn đó không được sửa kịp thời, hay bị ỉm đi, thì mọi sự còn đáng quan ngại đến mức nào. Người không xứng với ngôi vị vẫn ngồi chễm chệ ở ngôi vị đó, người xứng đáng thì mất quyền lợi chẳng hạn. Rõ ràng là không công bằng.

Cách tiếp cận một thông tin và xử lý thông tin của đám đông thường có xu hướng a dua, phong trào. Người ta có xu hướng khó chấp nhận một sai sót nếu nó được sửa ngay, và đôi khi lại dễ dàng chấp nhận những nhầm lẫn sai sót khi nó không được sửa, vì hiểu biết hay kỹ năng phân tích thông tin kém.

Người ta sẵn sàng phản ứng gay gắt trước sự việc trao nhầm vương miện một cuộc thi hoa hậu, dù sự trao nhầm chỉ diễn ra 30 giây là được sửa sai, trong khi họ chẳng mấy khi dám lên tiếng gay gắt vì những chuyện trao nhầm khác, như việc trao nhầm chức vụ cho một kẻ ngu dốt, trao nhầm giải thưởng cho một tác phẩm hay một công trình kém chất lượng, trao nhầm lòng tin cho một kẻ phá hoại…

Thực tế, một sự nhầm được sửa ngay chắc chắn không thể nguy hại bằng một sự nhầm không được sửa, thậm chí bị lờ đi, ỉm đi. Cho nên, việc trao nhầm vương miện cho hoa hậu, thực ra, có gì mà phải ầm ĩ thế…

Hội Quân
.
.
.