Bộ môn chèo có đang thực sự “sống”?

Thứ Tư, 25/09/2019, 09:06
Đó là những trăn trở của các nghệ sĩ nhiều năm gắn bó sống chết với bộ môn nghệ thuật Chèo. Hiện nay, đa phần các nghệ sĩ chèo sống bằng lễ hội và hát văn. Vậy chèo có thực sự “sống”?


Liên hoan nghệ thuật sân khấu Chèo toàn quốc ba năm một lần lại được tổ chức ở Bắc Giang (từ 15 đến 29-9). Đây cũng là dịp để những nghệ sĩ chèo trong cả nước gặp gỡ, giao lưu, trình diễn những tác phẩm mới của mình trong thời điểm chèo và nghệ thuật truyền thống lay lắt tồn tại. 

Theo NSND Hạnh Nhân, trong các loại hình nghệ thuật truyền thống, sức sống của chèo có vẻ khả quan hơn cả. Bằng chứng là liên hoan lần này thu hút 16 đơn vị nghệ thuật biểu diễn và 1.000 diễn viên với 26 vở chèo. 

Từ những Nhà hát Trung ương như Nhà hát Chèo Việt Nam đến đoàn chèo các tỉnh Hải Phòng, Hải Dương, Thái Bình, Hà Nam…  đều mang từ 1 đến 2, thậm chí 3 vở tham gia hội diễn. 

“Có về tham dự liên hoan chèo mới cảm nhận được hết tình yêu, niềm say mê làm nghề của các thế hệ nghệ sĩ chèo. Khán giả ngồi chật kín cả lối đi. Khung cảnh đó như một giấc mơ đối với những người làm nghệ thuật truyền thống” - NSND Hạnh Nhân chia sẻ. 

Nhưng theo NSND Hạnh Nhân, người có thâm niên gắn bó với chèo từ lâu chia sẻ: “Khán giả đến xem chèo vì được miễn phí và chủ yếu là những người lớn tuổi. Còn các vở diễn, vẫn như tình trạng của các kỳ liên hoan, diễn xong rồi đắp chiếu. Đó là chưa nói đến chất lượng vở diễn trong liên hoan chèo năm nay không cao, chủ yếu là các vở diễn cũ được tái sinh trở lại bằng dàn diễn viên mới. Chèo thiếu hơi thở của cuộc sống đương đại”.

Vở “Rồng phượng” của Nhà hát chèo Việt Nam.

Làm thế nào để chèo thực sự “sống khỏe sống mạnh” trong đời sống. Đó là trăn trở của rất nhiều nghệ sĩ tâm huyết với nghề. Vì yêu, các nghệ sĩ vượt qua những áp lực của cơm áo gạo tiền để say đắm chèo. Dù cát xê một đêm diễn chỉ vài trăm ngàn... nhưng họ vẫn yêu, vẫn đắm đuối vì “nghiệp chèo” đã vận. Nhưng nhìn vào hội diễn, bao nhiêu năm rồi chèo vẫn thế. 

Giám khảo liên hoan - PGS- TS Trần Trí Trắc cho rằng: “Đây là một liên hoan chèo hoài cổ. Kịch bản cũ, nội dung cũ, cách làm cũ, ngôn ngữ cũ, tác giả cũ, đạo diễn cũ. Liên hoan toàn vở cũ, đề tài lịch sử, dã sử, huyền thoại cũ kỹ, có những vở người ta đã diễn hàng chục năm rồi. Ví dụ như Kiều Loan viết từ 1942 của Hoàng Cầm, tới bây giờ là 77 năm rồi. Còn phần lớn vở diễn 30 - 40 năm lôi ra diễn lại”.

Các vở diễn mà giáo sư Trần Trí Trắc gọi là “hoài cổ” đó là những tác phẩm kinh điển của chèo. Nhưng ai sẽ là người xem những vở chèo kinh điển đó. Chắc chắn, chủ yếu chỉ là những người già. 

Như NSND Hạnh Nhân chia sẻ, đông người xem chưa chắc đã vội mừng. Thực tế, bao năm nay chèo vẫn cũ và chỉ phục vụ đối tượng khán giả già, đa số từ U40 trở đi. Nếu không đổi mới, chèo sẽ “chết” khi lớp khán giả này mất đi. 

Còn lớp khán giả hôm nay, họ không được tiếp cận chèo theo đúng ngôn ngữ và suy nghĩ của họ. Họ có thể biết đến tên chèo nhưng không hiểu nó, không hiểu nên không yêu, không yêu thì tất nhiên không quan tâm, không quan tâm nghĩa là “sống chết mặc kệ”.

Vở “Gọi đò” của đoàn Bắc Giang.

Chèo “nệ cổ” sẽ thành bảo tàng và không thể tiếp cận với lớp khán giả mới, nó không thể đi cùng cuộc sống thời đại nếu không thực sự mang hơi thở của cuộc sống hôm nay. Nếu chèo vẫn cũ thì dù hay mấy, độc đáo mấy, đặc sắc mấy... thì nó vẫn là cũ. Mà cũ rồi sẽ chết. 

“Chèo muốn có khán giả phải đổi mới và bám sát vào cuộc sống mới. Nhà nước phải bao cấp chứ không thể để nghệ sĩ phải bươn chải kiếm sống, bởi cứ thả nổi thì họ sẽ làm theo cách của họ và chèo sẽ biến tướng, sẽ vào lễ hội, đền chùa, vào du lịch. Lúc đó, chèo không còn là chèo nữa”, Giáo sư Trần Trí Trắc khẳng định.

NSND Hạnh Nhân - Chỉ huy dàn nhạc Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch: Chèo đang sống lay lắt

Giai đoạn này không còn là thời điểm của sân khấu và chèo cũng không tránh khỏi tình trạng chung đó. Nhưng nói chèo “chết” cũng không phải, vì bằng chứng là Liên hoan Chèo toàn quốc 3 năm tổ chức một lần vẫn có rất nhiều đoàn tham gia. Hiện nay, các sân khấu chèo vẫn tồn tại dù nhỏ lẻ và chủ yếu đi diễn theo hợp đồng lễ hội. 

Các nghệ sĩ chèo hiện nay sống chủ yếu nhờ lễ hội và hát văn. Vừa qua, nhà nước có chủ trương sáp nhập các nhà hát, các đoàn đang phải gồng lên để tồn tại và chèo cũng vậy, muôn vàn khó khăn. Nói chung chèo đang sống lay lắt.

Bởi chèo hiện nay vẫn chủ yếu là những vở diễn cũ. Vấn đề đặt ra là chúng ta phát triển chèo như thế nào, theo hướng bảo tồn hay bảo tàng. Loại hình nghệ thuật nào muốn tồn tại cũng phải phán ảnh được đời sống đương đại, có kết nối với đương đại. Nhưng chèo đang thiếu điều đó. 

Chúng ta khan hiếm những kịch bản mới. Có nhiều nguyên nhân. Một trong những nguyên nhân quan trọng là chế độ nhuận bút bèo bọt. Viết một kịch bản lễ hội, các tác giả đã có nửa cái xe ôtô, trong khi viết kịch bản chèo chỉ dăm triệu đồng mà mất quá nhiều thời gian, tâm huyết. Không có kịch bản hay nên các nhà hát cứ diễn đi diễn lại những vở kinh điển, làm cho chèo càng ngày càng bị cũ đi. Chúng ta không thiếu các bạn trẻ tài năng. Nhưng điều quan trọng nhất phải là có kịch bản.

Một vở diễn tham gia liên hoan.

So với các loại hình nghệ thuật khác chèo cũng đỡ hơn nhiều vì chèo gần gụi với đời sống, nó thấm đẫm tâm hồn Việt. Chèo thuộc về đại chúng. Vì thế ở các tỉnh như Thái Bình vẫn gây dựng được các câu lạc bộ chèo. Nhưng muốn chèo có đời sống mạnh mẽ hơn, để các nghệ sĩ sống toàn tâm toàn ý với nghề, chúng ta cần sự đầu tư từ phía nhà nước, một sự đầu tư đặc biệt do đặc thù từng loại hình. Nếu chúng ta không đầu tư để bào tồn và phát triển chèo, dần dần do nhu cầu đời sống, chèo sẽ bị biến tướng, không còn giữ được hồn cốt của nó nữa.

Nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long: Phải có những chính sách đặc biệt cho chèo

Chèo là một di sản quý, là một báu vật của dân tộc nên chèo luôn có vị trí đặc biệt. Nó là một nghệ thuật phổ biến nhất trong văn hóa người Việt vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng. Nó cũng là một kho tàng hết sức phong phú của nhiều nghệ thuật nằm trong nghệ thuật (âm nhạc, sân khấu, mỹ thuật, văn học…). Vì vậy, tôi cho rằng chèo luôn phải nằm ở vị trí ưu tiên số một cho bảo tồn và lan tỏa giá trị nghệ thuật truyền thống trong đời sống hôm nay. 

Chèo có thực sự sống không? Đây không thể là câu hỏi mà đây là trách nhiệm của những người làm văn hóa hôm nay. Hãy nhìn sang kinh kịch của Trung Quốc, kịch Noh của Nhật Bản để có những giải pháp tốt nhất cho chèo. Chèo có được công chúng hôm nay đón nhận không? Có. Nó vẫn là một nghệ thuật gần như không thể thiếu trong đời sống tinh thần của các làng quê Việt Nam hiện nay. Nó còn hấp dẫn không? 

Hãy tự đến xem một đêm chèo chuyên nghiệp hoặc một chiếu chèo dân gian, tôi tin chèo hoàn toàn có thể lấy nước mắt, niềm vui, chiếm trọn tình cảm và chinh phục hoàn toàn người xem. Chèo có nhiều người trẻ xem không? 

Tôi đã từng nhiều lần về chấm cuộc thi Tài năng nghệ thuật trẻ tỉnh Thái Bình và thấy có nhiều bạn trẻ dự thi từ hát đến các loại nhạc cụ, họ hết sức tài năng và chinh phục tôi hoàn toàn. Nhưng làm thế nào để người trẻ chọn chèo cho đường dài là điều cần phải nghĩ tới. Tại sao chèo vẫn xa lạ? Bởi người xem không chủ động tìm đến chèo. 

Tóm lại với riêng chèo, không được phép cho chèo vào vùng nguy hiểm. Bởi đây là một nghệ thuật có giá trị,  hoàn toán xứng đáng đại diện cho cả một vùng văn hóa trung tâm của dân tộc Việt. Phải ưu tiên đặc biệt cho chèo để chèo luôn sống trong đời sống hôm nay. 

Hiện nay công tác bảo tồn và phát huy giá trị truyền thống ở ta tập trung nhiều cho những nghệ thuật có nguy cơ thất truyền vì thế các hồ sơ di sản chèo chưa được quan tâm. Đó là một thiệt thòi cho chèo nói chung và các nghệ nhân, nghệ sĩ gắn với chèo. 

Đã có thời chèo được cải biên, kịch hóa và được công chúng yêu thích. Tuy nhiên, chúng ta cần cân nhắc trong giai đoạn hiện tại, hướng chọn đề tài như thế nào cho phù hợp để chèo phát huy hết những giá trị của mình và thực sự sống trong đời sống. 

Lan Tường
.
.
.