Bỏ quy định cấm hát nhép, cơ hội cho những ca sĩ giả

Thứ Tư, 23/12/2020, 08:35
Lâu nay, việc một số ca sĩ hát nhép khi lên sân khấu đã bị công chúng lên án vì họ không có thực lực. Thế nhưng, Nghị định 144/2020/NĐ-CP quy định về hoạt động nghệ thuật biểu diễn, vừa được ban hành đã bỏ quy định cấm hát nhép khi biểu diễn nghệ thuật. Nhiều người lo ngại quy định mới sẽ tạo điều kiện cho những ca sĩ “thích” hát nhép…

1.Trước đây, Nghị định 79/2012/NĐ-CP quy định một trong các hành vi bị cấm đối với tổ chức, cá nhân biểu diễn nghệ thuật là sử dụng bản ghi âm để thay cho giọng thật của người biểu diễn hoặc thay cho âm thanh thật của nhạc cụ biểu diễn. 

Thế nhưng điểm mới trong Nghị định 144/2020/NĐ-CP sắp có hiệu lực không còn quy định cấm sử dụng bản ghi âm để thay cho giọng thật của người biểu diễn (hát nhép) hoặc thay cho âm thanh thật của nhạc cụ biểu diễn (đàn nhái) như ở Nghị định 79.

Trước thông tin cho rằng nghệ sĩ sắp được thoải mái hát nhép trên sân khấu, ông Nguyễn Thu Đông - Phó trưởng phòng phụ trách Phòng Quản lý biểu diễn và bản ghi âm ghi hình (Cục Nghệ thuật biểu diễn), khẳng định Nghị định không có quy định cấm hát nhép, đàn nhái, nhưng cũng không có quy định cho phép hát nhép, đàn nhái. 

Quan điểm của Cục Nghệ thuật biểu diễn là nghệ sĩ phải có trách nhiệm với chính uy tín của mình. “Nghệ sĩ cần bảo vệ danh tiếng, hình ảnh của mình trước công chúng, không ai lại muốn chọn hát nhép, đàn nhái lừa dối khán giả”, ông Đông nói.

Chi Pu nhiều lần bị công chúng nghi hát nhép.

Theo ông Đông, sở dĩ Nghị định 144/2020/NĐ-CP bỏ điều cầm này và một số điều cấm khác vì các điều cấm cụ thể trong nghị định cũ đã không còn phù hợp với tình hình quản lý mới. Nghị định 144 được xây dựng trên tinh thần tăng quyền và trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức khi tham gia các hoạt động xã hội, giảm những cấm đoán, tăng hậu kiểm, kiểm tra, giám sát của cơ quan quản lý. Khi có bằng chứng rõ ràng về việc ca sĩ hát nhép, đàn nhái, gây tổn hại cho tinh thần, nhận thức của công chúng thì sẽ bị xử phạt theo Nghị định 158 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo.

2.Nhưng thực tế, trong một thị trường âm nhạc lộn xộn như hiện nay, thì việc trông chờ vào trách nhiệm của các nghệ sĩ sẽ dẫn đến sự mất kiểm soát. Bằng chứng là nhiều năm qua, sự hấp dẫn của showbiz và ánh hào quang của nó quá lớn khiến nhiều người trẻ “bấp chấp” việc mình không có khả năng, lấn sân sang địa hạt ca hát. Họ bằng mọi giá, mọi cách để nổi tiếng. Vì không có thực lực nên lên sân khấu, chỉ có cách duy nhất là hát nhép. Nhiều vụ hát nhép lộ liễu của Chi Pu, Thanh Vân, Bích Phương… đã bị khán giả lên tiếng gay gắt. Rõ ràng, thái độ làm nghề như vậy là thiếu tôn trọng khán giả.

Năm 2019, Cục Nghệ thuật biểu diễn đã đưa ra quy định về việc cấm hát nhép, loại bỏ bớt sự nhiễu loạn của đời sống âm nhạc.  Thế nhưng, bây giờ, việc đó lại đẩy về cho “trách nhiệm làm nghề của các nghệ sĩ”. Chúng ta trông đợi gì ở hai chữ “trách nhiệm” đó?  Rõ  ràng, với những nghệ sĩ thực sự, có tài năng, có giọng hát, họ sẽ không bao giờ hát nhép trên sân khấu bởi họ có lòng tự trọng và trách nhiệm của một nghệ sĩ. 

Còn với những người không có giọng hát, lại bị hấp dẫn bởi hào quang sân khấu họ sẽ bằng mọi cách để nổi tiếng. Vì thế, nhiều người làm nghề lo lắng, trong thời gian tới đời sống âm nhạc Việt sẽ không hiếm những người mang danh nghệ sĩ nhưng hát nhép.

Ca sĩ Bích Phương từng bị lộ hát nhép.

Nhạc sĩ Dương Cầm, người đã khởi xướng dự án Band Fest, tạo ra sân chơi cho các ban nhạc ở Viêt Nam bày tỏ quan điểm:”Các cơ quan quản lý đáng lẽ phải quản lý chặt hơn, cấm hát nhép và đưa ra nững quy định xử phạt. Bên cạnh đó thì cần có những quy định riêng và cách sử dụng phần nhạc đệm, hay gọi là beat, đối vơi nhạc điện tử thì được phép để phần hát bè, hát nền ở mức bao nhiêu phần trăm. Và cũng cần có quy định rõ những vấn đề này đối với việc ca sĩ tham gia ghi hình và biểu diễn truyền hình trực tiếp. 

Đã bước chân vào con đường nghệ thuật thì người nghệ sĩ phải có đủ tư chất, khả năng, và bản lĩnh. Là ca sĩ thì phải dùng giọng hát để chinh phục khán giả chứ không phải dùng điệu múa, điệu nhảy để qua mặt khán giả. Một ca sĩ toàn diện là vừa hát hay vừa nhảy đẹp. Nếu đã không hát được thì đừng hành nghề ca sĩ”.

Còn nhạc sĩ Phạm Hải Âu thẳng thắn: “Ai cũng có thể có một bản ghi hay hơn chính mình rất nhiều. Bạn có tưởng tượng được các ca sĩ ra sân khấu rehearsal với nhau chỉ lườm nguýt nhau xem bản mix master của người nào hay hơn người nào. Chuyện hát nhép cũng giết dần các ban nhạc, vì khi cho phép hát nhép tức là vô tình tuyên bố không cần nhạc sống. Tại sao không suy nghĩ và hành động để nâng tầm thẩm mỹ và trải nghiệm của khán giả mà lại làm điều ngược lại? 

Vì sao khán giả ở nhà nghe một bản nhạc (có trả phí hoặc không) và rồi để đến khi bỏ phí ra xem show cũng nghe được chính bản nhạc đó không khác, vẫn những giọng tuned đó, vẫn những luyến láy đó. 

Nghe ở sân khấu mà không khác gì nghe ở nhà, ở quán cafe, ở trung tâm thương mại, ở trên xe taxi. Có phải trải nghiệm thưởng thức của khán giả bị bóp chết từng ngày không? Chính những người làm nghệ thuật chân chính cũng hoang mang vì họ, những người không cần phải tự xưng là nghệ sĩ nhưng vẫn từng ngày cống hiến, nâng tầm thẩm mỹ và trải nghiệm nghệ thuật cho khán giả. 

Đương nhiên cũng có những người làm nhạc được lợi, là những phòng thu âm từ nay sẽ đông khách hơn, những người làm beat sẽ nhiều việc hơn. Nhưng cũng đừng đánh giá thấp họ. Họ có muốn thu âm hay làm beat cho những người không có giọng hát không? Họ cũng muốn chiếc beat của mình được ban nhạc hoà phối lại, muốn nghe được thêm nhiều cách xử lý sống động mà từ bản ghi của mình đã góp phần tạo nên. Đã làm việc ai cũng cần tiền nhưng khi làm âm nhạc, làm nghệ thuật thì sâu thăm thẳm trong người họ, họ cũng cần tâm hồn nữa. Hãy để tâm hồn ấy được sống”.

Nhạc sĩ Nguyễn Quang Long cũng cho rằng, đã đến lúc, cần trả lại các giá trị đích thực cho âm nhạc Việt Nam, đời sống âm nhạc cần có sự cân bằng hơn. Anh lo ngại, việc cho phép hát nhép, đẩy trách nhiệm về phía nghệ sĩ sẽ làm náo loạn đời sống âm nhạc. “Khi những giá trị ảo vẫn đang chiếm lĩnh đời sống âm nhạc thì chúng ta không thể chờ đợi ý thức, trách nhiệm của những người tham gia đời sống văn nghệ. Do đó, vẫn cần sự quản lý và những điều luật chặt chẽ để kiểm soát đời sống âm nhạc không bị sa đà và bát nháo”.
Linh Nguyễn
.
.
.