Bóng chuyền - Lá cờ đầu đưa VĐV Việt Nam ra nước ngoài

Thứ Tư, 22/04/2020, 13:15
Lá cờ đầu của Việt nam trong việc đưa VĐV Việt Nam xuất ngoại thi đấu là bóng chuyền với hai cái tên tiêu biểu: Nguyễn Thị Ngọc Hoa và Trần Thị Thanh Thúy.


Trước đây, việc VĐV Việt Nam xuất ngoại thi đấu giống một giấc mơ xa vời. Tuy nhiên, dần dà theo thời gian, công chúng ngày một quen dần với những cái tên tuyển thủ nổi đình nổi đám ở nước ngoài như Đặng Văn Lâm, Đoàn Văn Hậu trong giời bóng đá; futsal thì có Minh Trí, Thái Huy; cờ vua là Lê Quang Liêm; cầu lông đóng góp Nguyễn Tiến Minh... Tuy nhiên, lá cờ đầu của Việt nam trong lĩnh vực này phải là bóng chuyền với hai cái tên tiêu biểu: Nguyễn Thị Ngọc Hoa và Trần Thị Thanh Thúy.

Sự rụt rè trong quá khứ

Không phải đợi tới khi Thanh Thúy gia nhập một trong những CLB bóng chuyền hàng đầu Nhật Bản vào cuối năm 2019 và nhận đãi ngộ lên đến nhiều tỷ đồng mỗi mùa, bóng chuyền Việt Nam mới mở mày mở mặt và nhận được nhiều lời đề nghị. 

Trên thực tế, từ trước đó rất lâu, thị trường trong nước đã nhận được cái nhìn quan tâm của bạn bè thế giới. Trước cả thời điểm Ngọc Hoa sang Thái Lan thi đấu cho Ayutthaya, một đàn chị của cô là Phạm Kim Huệ cũng lọt vào mắt xanh của những nhà tuyển dụng nước ngoài. 

Tuy nhiên, nhớ lại mọi chuyện chỉ là niềm tiếc nuối với hoa khôi bóng chuyền Việt Nam một thời: “Điều tôi cảm thấy hối tiếc nhất trong suốt sự nghiệp thi đấu đỉnh cao chính là việc chưa thể một lần được đi đấu thuê ở nước ngoài. Tôi không biết vì lý do gì, hay như thế nào mà dù đã có những lời mời từ phía các CLB nước ngoài nhưng đến những khâu cuối cùng thì tôi lại phải nhận thông báo phải ở nhà”.

Bùi Thị Ngà và chuyền hai Nguyễn Linh Chi của CLB Thông Tin Liên Việt Postbank cũng từng được các tuyển trạch viên Thái Lan lưu tâm, nhưng cũng chưa được đơn vị chủ quản cho xuất ngoại. 

Sau khi bóng chuyền đóng cửa ngoại binh ở Giải vô địch quốc gia từ năm 2013 nhằm mục đích nâng chất các tay đập nội, đó cũng chính là lúc mở ra cho các CLB ngoại cơ hội tìm kiếm tuyển thủ Việt Nam chất lượng tại một thị trường thi đấu khép kín, dễ phân cấp trình độ vận động viên.  Nhưng cơ chế quản lý, cách tư duy còn rập khuôn và hơn hết là yêu cầu đảm bảo thành tích đã khiến cơ hội xuất ngoại của VĐV chưa được nhiều dù lời mời là không thiếu.

Phạm Kim Huệ không có cơ hội được sang nước ngoài thi đấu dù rất tài năng.

Trăm hoa đua nở

Nhưng sự nuối tiếc đã là câu chuyện của quá khứ, trong thời đại mới, tầm nhìn và cách làm việc của bóng chuyền Việt Nam cũng đạt những bước tiến đáng kể.  Mới nhất, chủ công cao đến 1,93m của bóng chuyền nước nhà, Thanh Thúy đã ký hợp đồng thi đấu với Densu Airybees – một trong những siêu cường tại giải Vô dịch quốc gia Nhật Bản với mức đãi ngộ 20.000 USD/tháng.

"Không riêng Thanh Thúy, các cầu thủ khác nếu được mời thi đấu theo cách thức tương tự đều được lãnh đạo CLB ủng hộ, tạo mọi điều kiện xuất ngoại”, Trưởng đoàn Thái Bửu Lâm của VTV Bình Điền Long An chia sẻ. 

“Đây là cách để các VĐV vừa có thêm thu nhập, vừa tích lũy kinh nghiệm chinh chiến để đóng góp tốt nhất cho đội tuyển quốc gia. Dĩ nhiên, VTV Bình Điền Long An sẽ phải tăng cường công tác tuyển chọn, bổ sung lực lượng đủ sức thay thế các cầu thủ trụ cột để tranh tài ở giải Vô địch quốc gia, giữ vững thương hiệu và vị thế đội bóng chứ không chỉ chăm chăm lo làm kinh tế".

Những người có trách nhiệm với bóng chuyền Long An rõ ràng sở hữu một tầm nhìn đi trước thời đại. Từ năm 2014, địa phương này đã cho phép Ngọc Hoa sang Thái Lan thi đấu. Bảng thành tích trên đất Thái của cô có thể kể đến một Siêu Cúp Thái Lan trong màu áo của Ayutthaya, hai chức vô địch quốc gia cùng Bangkok Glass. 

Năm 2015, Ngọc Hoa cũng lập công lớn giúp Bangkok Glass bước lên bục cao nhất của giải CLB nữ châu Á và là VĐV bóng chuyền Việt Nam đầu tiên xuất hiện tại giải vô địch các CLB nữ thế giới năm 2016.

Nhưng nói đến người tiên phong của bóng chuyền Việt Nam thì phải nhắc đến Ngô Văn Kiều. Sau SEA Games 24 năm 2007, CLB Sanest Khánh Hòa đã đồng ý chuyển nhượng anh sang CLB số 1 Indonesia Samator Group với mức lương khoảng 2.000 USD/tháng mà nói như một HLV của Sanest Khánh Hòa lúc đó: “Chúng tôi sốc khi phía đối tác chủ động đề nghị số tiền rất lớn này”. 

Văn Kiều trở thành nhân tố chủ lực của Samator Group hai năm liên tiếp trước khi đứt gánh giữa đường vì bị quá tải, dẫn đến chấn thương và không thể tiếp tục sự nghiệp tại nước ngoài.

Quay lại với Thanh Thúy, dù "chỉ" là tuyển thủ bóng chuyền Việt Nam thứ 5 xuất ngoại (sau Ngô Văn Kiều, Đỗ Thị Minh, Nguyễn Thị Ngọc Hoa, Nguyễn Thị Kim Liên) nhưng Thanh Thúy lại đắt "show" nhất khi thi đấu thành công ở Bangkok Glass (Thái Lan, 2016), Attack Line (Đài Loan, 2017-2018). 

Chứng kiến những màn trình diễn ấn tượng của Thanh Thúy tại các giải quốc tế mà mới nhất là Cúp các CLB Bóng chuyền nữ châu Á 2019, Densu Airybees và một CLB ở Giải Vô địch Thổ Nhĩ Kỳ cùng đưa ra lời chào mời hấp dẫn, để rồi Thanh Thúy đã chọn lựa chọn đầu và biến cô chủ công 22 tuổi thành VĐV bóng chuyền có thu nhập cao nhất trong làng thể thao Việt Nam.

Sau Thanh Thúy, Trần Thị Bích Thủy và Trịnh Thị Khánh của Hóa chất Đức Giang cũng sang Thái Lan đầu quân cho Air Force. Trước đó còn có lời chào mời tặng học bổng 4 năm vừa học đại học vừa thi đấu tại Mỹ dành cho Nguyễn Thị Bích Tuyền (Vĩnh Long) khẳng định một thực tế là các tài năng trẻ của bóng chuyền Việt Nam đã, đang và sẽ còn tiếp tục được giới chuyên môn quốc tế thừa nhận.

Thanh Thúy (ngoài cùng bên trái) trong màu áo CLB Denso Airybees của Nhật Bản.

Nguyên nhân thành công

Là một môn thể thao tập thể phổ biến thứ hai tại Việt Nam chỉ sau bóng đá, bóng chuyền trở nên gần gũi với công chúng nhờ vào công tác xã hội hóa rất thành công. Mỗi năm, có rất nhiều giải đấu lớn nhỏ được phát sóng trực tiếp trên truyền hình và thu hút sự chú ý đông đảo, tiêu biểu là VTV Cup. Thậm chí, khi giải đấu được tổ chức ở Hà Tĩnh vào năm 2018, người dân còn xếp hàng từ... 2h sáng để mua vé.

Được khán giả hâm mộ, bóng chuyền lập tức trở thành một kênh quảng bá hiệu quả của các doanh nghiệp. Năm 2017, đội bóng chuyền nữ có truyền thống số 1 Việt Nam là CLB LienVietPostBank nhận số tiền tài trợ kỷ lục lên tới 19,2 tỷ đồng từ Ngân hàng Bưu điện Liên Việt. 

Tính ra, trong suốt hơn một thập kỷ hợp tác vừa qua, Ngân hàng Bưu điện Liên Việt đã tài trợ trên 100 tỷ đồng cho CLB để cải tạo, xây dựng cơ sở vật chất tốt nhất để CLB được tập luyện, thi đấu các giải trong và ngoài nước.

"Nhẹ nhàng hơn", Công ty Kingphar tài trợ cho đội bóng chuyền nữ Quảng Ninh 4,5 tỷ đồng vào năm 2017. Hay với mỗi chức vô địch quốc gia, VTV Bình Điền Long Anh được nhà tài trợ Công ty CP Phân bón Bình Điền tặng thưởng hơn 2 tỷ đồng. 

Chính dòng tiền hào phóng của những mạnh thường quân đã nâng tầm cho CLB nói riêng, bóng chuyền nữ Việt Nam và thể thao Việt Nam nói chung lên một đẳng cấp mới.


Thanh Thúy phải trở về Việt Nam vì COVID-19

Tác động của đại dịch COVID-19 lên thể thao Việt Nam, cụ thể ở đây là bóng chuyền là rất mạnh mẽ. Mới đây, ông Thái Bửu Lâm, Giám đốc Công ty Thể thao Bình Điền Long An, đơn vị quản lý chủ công Trần Thị Thanh Thúy nói: “Ngày 21/3, Thanh Thúy hoàn tất thi đấu cho CLB Denso AiryBees, trở về Việt Nam và được đưa đi cách ly 14 ngày ở KTX Đại học Quốc gia tại Thủ Đức (TP HCM ) nhằm phòng tránh dịch bệnh COVID-19 theo quy định”. 

Theo như dự kiến ban đầu thì Thanh Thúy sẽ đáp xuống sân bay Cần Thơ và đi thẳng đến khu cách ly theo đúng quy định của những công dân trở về từ vùng dịch. Những thay đổi phút chót thì chuyến bay của Thanh Thúy đã đáp xuống sân bay Tân Sơn Nhất.

Cũng theo ông Thái Bửu Lâm, Thanh Thúy cùng các đồng đội CLB Denso AiryBees xếp hạng 4 chung cuộc ở giải vô địch bóng chuyền Nhật Bản. Hợp đồng của Thanh Thúy với CLB này đến ngày 15/5 mới kết thúc nhưng tình hình dịch bệnh COVID-19 khiến các giải bóng chuyền ở Nhật Bản đều hoãn nên cô được trở về nước. 

“Thanh Thúy gia nhập CLB Denso Airy Bees khá muộn, ít thời gian chuẩn bị cùng đội nên cũng ít có cơ hội ra sân ở mùa giải vừa qua. Lãnh đạo CLB này cũng ngỏ ý mời Thanh Thúy đầu quân ở mùa giải tiếp theo nhưng chúng tôi đang tính toán làm sao tốt nhất cho chủ công này”, ông Thái Bửu Lâm nói.

Hiện tại, Thanh Thúy đã hoàn tất cách ly 14 ngày, cô sẽ trở lại tập luyện cùng các đồng đội tại CLB VTV Bình Điền Long An. Ở giải Vô địch quốc gia vừa qua Thanh Thúy vắng mặt khiến VTV Bình Điền Long An chỉ xếp hạng 4 chung cuộc. 

Hiện giải bóng chuyền vô địch quốc gia cũng tạm hoãn chưa có lịch thi đấu mới nên cô có thời gian hòa nhập lại cùng các đồng đội. Có ý kiến cho rằng với tình hình dịch bệnh hiện nay, giải bóng chuyền Vô địch quốc gia nên rút xuống còn 1 vòng thay vì 2 vòng như trước.


Hà My
.
.
.