Bóng đá Đồng Tháp rúng động vì cầu thủ trẻ bán độ: "Đàn cò vàng" lạc lối

Thứ Sáu, 15/05/2020, 10:50
11 cầu thủ của đội U21 Đồng Tháp nhận án kỷ luật của VFF vì tham gia bán độ trong trận đấu với U21 Vĩnh Long tại vòng loại U21 quốc gia 2019, trong đó có những tài năng được đánh giá rất cao, thực sự là câu chuyện buồn với bóng đá Việt Nam nói chung và bóng đá Đồng Tháp nói riêng.


Một thời vang bóng

Ít ai biết rằng bóng đá Đồng Tháp có một lịch sử lâu đời bậc nhất ở Việt Nam. Xứ "bưng biền" đã có những đội bóng đầu tiên từ những thập niên 40 của thế kỉ trước. Khi đó, đội bóng Đồng Tháp có tên là Hội Sadec Sport. Ngày 17/12/1976, trên sân vận động Sa Đéc diễn ra trận đấu lịch sử, hợp nhất giữa hai đội Sa Đéc và Đồng Tiến để thành lập đội bóng đá Đồng Tháp.

Bóng đá Đồng Tháp đã trải qua những tháng ngày hoàng kim khi từng 2 lần vô địch quốc gia vào các năm 1989 và 1996. Lên thi đấu ở hạng A1 (vô địch quốc gia) năm 1987, đến năm 1989, đội Đồng Tháp dưới sự dẫn dắt của HLV Phạm Duy Tiến đã thi đấu ấn tượng và đoạt chức vô địch sau khi đánh bại "thế lực" Thể Công trong trận chung kết ngày 28/5/1989 với tỷ số sát nút 1-0 trên sân Hàng Đẫy.

Trần Công Minh, đại diện cho thế hệ lừng lẫy nhất của bóng đá Đồng Tháp.

7 năm sau, ở mùa 1996, người hâm mộ bóng đá Đồng Tháp lại chứng kiến đội bóng quê hương đăng quang với chiến thắng 3-1 trên sân Cao Lãnh trước đội Công an Thành phố Hồ Chí Minh trong trận chung kết. Đó là chiến công của "thế hệ vàng" với những cái tên như Trần Công Minh, Huỳnh Quốc Cường, Trịnh Tấn Thành…

Nhưng đó cũng là dấu mốc thành công cuối cùng của bóng đá Đồng Tháp. Dù vẫn tiếp tục sản sinh ra những lớp cầu thủ giỏi, ví dụ như lứa 85-86 của Phan Thanh Bình, Quý Sửu, Đoàn Việt Cường, Châu Phong Hòa… Đồng Tháp dần thụt lùi bởi không có tiềm lực tài chính tốt như các đội bóng khác và nhiều lý do khách quan. Họ thường xuyên nằm ở nhóm nguy hiểm trên bảng xếp hạng vì lập kỷ lục 4 lần rớt hạng khỏi V.League, lần gần nhất là vào năm 2016.

Sự ra đời của Liên đoàn Bóng đá Đồng Tháp cuối tháng 12/2012 không làm thay đổi tình hình dù tài chính đã khởi sắc hơn nhờ chiến lược marketting hiệu quả. Năm 2016, Đồng Tháp là đội bóng đầu tiên có ấn phẩm riêng của mình.

Trang web và fanpage trên Facebook cũng được đầu tư kỹ càng để nâng tầm hình ảnh đội bóng, giúp thu hút các CĐV đến sân Cao Lãnh nhiều hơn. Thống kê của VPF cho thấy mỗi trận đấu sân nhà của đội bóng xứ "bưng biền" thu hút tới 8.000 khán giả tới sân, một con số đáng mơ ước với bất cứ CLB nào khác tại V.League.

Nhưng những tín hiệu tích cực đó không được cụ thể hóa bằng thành tích trên sân cỏ. Đồng Tháp thiếu đi những chiến lược gia đủ giỏi, có tầm nhìn tốt để đưa đội bóng vào một lộ trình phát triển ổn định.

Trong nhiều năm, tính từ 2008, chỉ có Phạm Công Lộc và Trần Công Minh là những HLV nổi bật. Họ thay nhau làm HLV dẫn dắt đội bóng  trong tổng cộng 5 nhiệm kỳ. Những người còn lại như HLV Trang Văn Thành, Bùi Văn Đông đều chỉ tại vị trong khoảng thời gian ngắn ngủi.

Sự quẩn quanh đó cho thấy Đồng Tháp luôn loay hoay trong việc tìm ra một nhà cầm quân đủ khả năng vực dậy đội bóng lừng danh một thưở. Mảnh đất Tây Nam Bộ trên thực tế không thiếu những tài năng bóng đá trẻ, có thể tiếp bước những thế hệ cha anh. Trong đó, thế hệ của những cầu thủ vừa bị xử phạt do hành vi bán độ từng rất được kỳ vọng.

Những tài năng lầm lỗi

11 cầu thủ vừa bị VFF phạt vì hành vi bán độ đều là những cầu thủ trẻ được đánh giá cao, những người được đặt lên vai kỳ vọng sẽ đưa Đồng Tháp trở lại với V.League trong tương lai gần. Trần Công Minh từng giành giải "Cầu thủ hay nhất" vòng chung kết (VCK) U17 lẫn U19 quốc gia (giành luôn danh hiệu vua phá lưới).

Võ Minh Trọng là người ghi bàn duy nhất từ chấm phạt góc giúp U19 Việt Nam thắng U19 Malaysia tại VCK giải U19 Đông Nam Á 2019. Thủ môn Nguyễn Nhựt Trường cũng từng giành giải thưởng thủ môn xuất sắc nhất U19 quốc gia, thành viên đội U16 Việt Nam dự VCK U16 châu Á 2016.

Các tài năng đầy triển vọng vĩnh viễn phải mang theo cái danh "cầu thủ bán độ".

Hậu vệ Lê Nhựt Huy từng tham dự Giải U16 Đông Nam Á 2015;  Võ Minh Trọng và tiền đạo Kha Tấn Tài có trong danh sách được sang Nhật tập huấn để chuẩn bị cho vòng loại U19 châu Á 2020…

Với những trụ cột như thế, các đội bóng trẻ Đồng Tháp từng mang về 3 chức vô địch liên tiếp U15 (năm 2014), U17 (năm 2016), U19 quốc gia (năm 2018). Năm ngoái, cũng với thành phần ấy, Đồng Tháp tiếp tục giành hạng 3 chung cuộc ở Giải U21 quốc gia năm 2019. Ngay sau đó, U21 Đồng Tháp được tạo cơ hội cọ xát ở sân chơi Giải hạng Nhì quốc gia 2019 trong màu áo CLB Gia Định và về nhì trong cuộc đua tranh suất thăng hạng mùa vừa qua.

Lứa cầu thủ này nếu được đặt vào một môi trường phát triển phù hợp, chắc chắn sẽ là những trụ cột của Đồng Tháp trong tương lai gần và đủ sức đưa đội bóng trở lại V.League. Tiếc thay, chỉ một lần buông thả, các cầu thủ trẻ không chỉ chịu án kỷ luật nghiêm khắc mà còn đeo mang cái án "bán độ" suốt phần còn lại của sự nghiệp, đó mới chính là hình phạt nặng nề nhất.

Tại vòng loại giải U21 quốc gia 2019, cầu thủ Huỳnh Văn Tiến thừa nhận mình và một số cầu thủ Đồng Tháp bàn nhau đánh cược trên mạng với hình thức tài xỉu (hai bàn trở xuống) 150 triệu đồng. Sau trận đấu, tiền cược được 133 triệu đồng, Tiến chia cho 9 cầu thủ đá chính và 2 dự bị. Với vai trò là người cầm đầu vụ cá độ, Huỳnh Văn Tiến bị Ban Kỷ luật VFF phạt 5 triệu đồng và đình chỉ tham gia các hoạt động bóng đá do VFF tổ chức trong 5 năm.

Hành vi của Huỳnh Văn Tiến được VFF xác định là hành vi tổ chức và tham gia cá độ, đánh bạc. Ngoài ra, 10 cầu thủ khác của đội bóng U21 Đồng Tháp tham gia cá độ còn lại đều phải nhận mức án phạt 2,5 triệu đồng, đình chỉ tham các hoạt động bóng đá do VFF tổ chức trong 6 tháng, bao gồm: Nguyễn Nhật Trường, Nguyễn Anh Phát, Võ Minh Trọng, Lê Nhựt Huy, Giang Sô Ny, Trần Hữu Nghĩa, Cao Tấn Hoài, Dương Vũ Linh, Kha Tấn Tài, Trần Công Minh.

Đây là một đòn đau với bóng đá Đồng Tháp nói riêng và bóng đá Việt Nam nói chung. Các cầu thủ còn quá trẻ để lường trước được hết những cạm bẫy quanh trái bóng. Bên cạnh đó, họ cũng không có được sự giáo dục đầy đủ của những người có trách nhiệm.

Khi sự việc bị vỡ lở, ban huấn luyện Đồng Tháp đã có hành động bao che khi chỉ đạo Văn Tiến viết đơn gửi lên Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT tỉnh Đồng Tháp xin nghỉ tập trung có thời hạn và không nhận lương, thưởng vì hoàn cảnh gia đình. Chính cách xử lý này đã khiến cho dư luận càng trở nên bức xúc trước sai lầm của những cầu thủ tài năng chỉ vừa mới bước qua ngưỡng tuổi 20.

Có người "giật dây"?

Huỳnh Văn Tiến là người đứng đầu nhóm cầu thủ Đồng Tháp bán độ độ ở vòng loại giải U21 Quốc gia 2019.

Tuy nhiên, VFF không xử lý nghi án nhóm cầu thủ này dính tiêu cực trong giai đoạn khoác áo CLB Gia Định theo dạng cho mượn ở giải hạng Nhì Quốc gia năm 2019. Trong một bản tường trình gửi CLB Đồng Tháp trước đây, Huỳnh Văn Tiến thừa nhận mình và một số đồng đội được một người đàn anh "tên Thụ" hứa cho tiền để đá thắng trong các trận đấu với Long An và Vĩnh Long. Số tiền nhận được sau trận dao động từ 3 triệu đến 10 triệu đồng mỗi người.

Trưởng ban Kỷ luật VFF Vũ Xuân Thành đã gặp Ban lãnh đạo Đồng Tháp để làm rõ sự việc , nhưng không đủ chứng cứ để kết tội. VFF cho rằng để luận tội thì phải "trọng chứng hơn trọng cung", tức là cần bằng chứng cụ thể về việc bán độ chứ không thể dựa vào lời khai của một cá nhân, bởi rất có thể các cầu thủ sẽ cãi phăng đi rằng đó là người hâm mộ "treo thưởng" chứ không phải tiền bán độ.

HLV Bùi Văn Đông là người được nhắc đến nhiều nhất trong "án bán độ" lần này. Chính ông là người đặt nền móng và xây dựng thế hệ cầu thủ trẻ đầy tài năng gặt hái nhiều thành công ở các lứa tuổi. Khi vụ việc xảy ra, ông Đông thay vì tố cáo sự việc đã có hành động bao che khi chỉ đường cho Huỳnh Văn Tiến viết đơn xin nghỉ tập trung. Dù việc làm này được nhìn nhận dưới góc độ tình cảm thầy trò, ông Đông cũng phải chịu trách nhiệm lớn trong sự sa ngã của các cầu thủ trẻ.

Theo danh sách đăng ký của Đồng Tháp cho hạng Nhất và Cúp Quốc gia 2020, có đến 8 cầu thủ nằm trong nhóm bị treo giò gồm Lê Nhựt Huy, Trần Công Minh, Huỳnh Văn Tiến, Võ Minh Trọng, Cao Tấn Hoài, Trần Hữu Nghĩa, Dương Vũ Linh và Nguyễn Nhật Trường. Như vậy, đội chủ sân Cao Lãnh sẽ mất tới 1/3 lực lượng sau án kỷ luật của VFF.

Đơn Ca
.
.
.