Bóng đá Iran: Những biến cố kinh hoàng

Thứ Bảy, 08/03/2014, 15:16

Mỗi kì World Cup, bóng đá Iran lại  bước sang một chương mới, bất kể là thành công hay thất bại. Và khi World Cup 1998 khởi động vòng loại, bóng đá Iran cũng được lật giở sang một trang mới với những biến cố mới…

1. Năm 1997, Mohammad Khatami đắc cử Tổng thống. Những tháng đầu nhiệm kì của Khatami vô tình trùng hợp với cuộc cải cách bóng đá ở Iran với mục tiêu là hướng tới World Cup 1998 tại Pháp. Phe bảo thủ, các tổ chức tôn giáo lên án mạnh mẽ, phản đối bóng đá dữ dội. Nhưng điều đáng nói nhất là bóng đá đã bị lấy ra làm công cụ cho cuộc đấu tranh chính trị. Sau khi Iran bị Qatar đánh bại, để rồi phải tham dự trận đấu loại trực tiếp với Nhật Bản, lực lượng bảo thủ trong Quốc hội Iran đã triệu tập HLV Mayeli Kohan để "thẩm vấn".

Nhân cơ hội đó, họ nhắm "mũi tấn công" vào Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Thể chất, ông Hahsei Tabe, một nhân vật có số má trong Quốc hội. Tuy nhiên, chính Khatami và cộng sự của ông mới là những người nắm quyền điều khiển cả nền bóng đá Iran. Trong 2 trận đấu với Nhật Bản, Iran tiếp tục thất bại. HLV Kohan bị sa thải tức thì. Và lần đầu tiên, một HLV nước ngoài đến dẫn dắt đội tuyển Iran. Đó là HLV người Brazil: Valdeir Viera.

Trận đấu play-off World Cup 1998 giữa Iran và Australia.

Hai trận đấu loại trực tiếp nữa với đại diện châu Đại dương (Australia của HLV Terry Venables) là cơ hội cuối cùng của Iran để cứu vãn cơ hội đến với World Cup. Trước khoảng 120.000 CĐV tại sân vận động Tehran Azadi, trận đấu kết thúc với tỷ số hòa 1-1. Đội bóng của Terry Venables tự tin cho rằng, họ sẽ giành thắng lợi lượt về trên sân nhà 100.000 chỗ ngồi Melbourne Cricket Ground. Thực tế là Australia đã dẫn trước tới 2-0 ở trận lượt về, nâng tổng tỷ số 2 trận lên 3-1.

Có một chi tiết đáng chú ý là sau khi Vidmar ghi bàn thứ 2 cho Australia, một người đàn ông đã chạy ra sân, cầm một con dao và cắt các đường dây mạng. Trận đấu phải dừng lại 10 phút. Và đó là quãng thời gian làm thay đổi số phận của đội tuyển Iran. Họ có một khoảng thời gian tĩnh tâm, điều chỉnh, còn Australia thì bị cắt rời sự hưng phấn đang ở mức tột cùng. Sự kiện này sau đó được nói rằng đã xuất hiện trong những lời tiên tri ở Iran.

Chẳng hiểu có đúng hay không, nhưng những điều diễn ra sau đó hoàn toàn có lợi cho Iran. Họ ghi liền 2 bàn ở những phút cuối để hòa 2-2, đủ để loại Australia bằng luật bàn thắng trên sân khách.

Đội tuyển Iran sung sướng như phát điên. Các CĐV ở Iran đổ xuống đường. Khoảng 3 triệu người, cả nam lẫn nữ hòa vào với nhau trên mọi nẻo đường Tehran. Trên cả nước, có khoảng 10 triệu người xuống đường trong đêm Iran thắng trận. Đó là "cuộc xuống đường" đông đảo, lớn nhất kể từ cuộc cách mạng Hồi giáo năm 1979.

CĐV Iran.

Âm nhạc phương Tây, thậm chí là có cả rượu. Phụ nữ cởi bỏ khăn trùm đầu truyền thống. Cảnh sát được huy động, điều tra một sự lộn xộn xảy ra ở đại sứ quán Pháp vào buổi tối hôm đó, khi một đám đông tới 3.000 người đã tập trung ở cửa và ném hoa qua hàng rào với những tiếng hô vang: "Hẹn gặp ở Paris!".

Chiến thắng tưng bừng đó mang lại cho các thành viên của đội tuyển Iran một phần thưởng lớn: một kì nghỉ ngắn 2 ngày ở Dubai trước khi trở về nhà. Nhưng thực chất đó là do Chính phủ trì hoãn để nắm bắt tình hình trong nước, trước khi lên kế hoạch tổ chức một lễ ăn mừng lớn tại sân vận động Azadi. Đài truyền hình, phát thanh, báo chí liên tục "van nài" các cổ động viên nữ tránh xa đám đông. Không có hiệu quả. Khoảng 100.000 người đã đến sân Azadi, trong đó có khoảng 5.000 phụ nữ, tham gia lễ hội lớn nhất trong vòng 18 năm.

2. Tuy nhiên cảnh tượng hỗn loạn nhưng đặc quánh khát vọng, đam mê kia không dừng lại ở đó. Sau lễ bốc thăm chia bảng World Cup 1998, Iran nằm cùng bảng với Mỹ. Cả hai bên đều đã cố gắng để xóa đi những ý niệm về biểu tượng chính trị. Nó lại được tái hiện 7 tháng sau khi Iran gặp Mỹ ở vòng chung kết World Cup 1998. Đó là trận đấu mà đội thua sẽ chính thức bị loại. Số liệu thống kê của FIFA cho biết, Mỹ có tới 12 cú sút cầu môn, 4 lần dội cột dọc, xà ngang, trong khi Iran chỉ có 3 cú sút, nhưng họ lại ghi tới 2 bàn thắng. Iran thắng 2-1.

Một kết quả không tưởng. HLV của Iran ở kì World Cup đó là ông Jalal Talebi cố gắng đưa ra những phát biểu ngoài chính trị: "Đó là chiến thắng to lớn của Iran, không phải vì đối thủ là đội tuyển Mỹ mà vì đây là chiến thắng đầu tiên của Iran tại một kì World Cup. Tổng thống Mohammad Khatami cũng gửi thư chúc mừng tương tự: "Xin chúc mừng. Chiến thắng này là biểu tượng của sự đoàn kết quốc gia".

Ayatollah Ali Khamenei thì "chúc mừng" trực diện: "Đêm nay, một lần nữa, đối thủ mạnh mẽ và kiêu ngạo đã cảm thấy vị đắng của thất bại dưới tay ta". Một lần nữa, ở các thành phố lớn của Iran, hàng triệu người đã lại đổ xuống đường. Các cửa hàng mở cửa vào giữa đêm, họ phát kem, đồ ngọt miễn phí. Hàng chục ngàn cảnh sát đứng và xem. Các cô gái, phụ nữ lại lột khăn trùm mặt. Có cả tiếng súng chỉ thiên bắn lên trời. Mặc dù bốn ngày sau đó, Iran thất thủ trước Đức (0-2), nhưng họ vẫn được chào đón như những người hùng khi trở về Tehran.

18 tháng sau cái ngày kì diệu ấy, đội tuyển Iran có chuyến du đấu đến California, chuyến đi được đánh giá rất cao. Trận đấu tại Pasadena Rose Bowl với 50.000 người kết thúc với tỷ số 1-1. Mặc dù WashingtonTehran vẫn chưa có quan hệ ngoại giao, nhưng từ trận đấu đó, các cuộc giao lưu văn hóa, thể thao đã diễn ra thường xuyên hơn.

Mối quan hệ vốn đóng băng từ cuộc bầu cử Khatami năm 1997 đã tan dần. Nhưng bên cạnh đó vẫn có những phàn nàn từ phía các nhà chức trách của đội tuyển Iran rằng, cảnh sát đã lục lọi, kiểm tra gắt gao hành lí của đội bóng, hoặc quá nhiều hãng bia đã quảng bá đầy rẫy trên sân vận động Pasadena Rose Bowl (tôn giáo của người Iran cấm uống bia, rượu). Hệ quả của 2 trận đấu gặp Mỹ mang lại rất lớn. Những chiến thắng của bóng đá cũng tạo ra ảnh hưởng tích cực đến xã hội Iran. Xiềng xích được nới lỏng.

Tiến bộ xã hội, hiện đại hóa được đẩy mạnh. Bóng đá giống như một lực lượng làm thay đổi xã hội. Nhưng nó cũng tạo ra một vài hiệu ứng ngược. Như năm 1999, các sinh viên, các nhà hoạt động chính trị và một vài nhóm người đã xuống đường biểu tình 5 ngày vì chính phủ của Khatami đóng cửa một tờ báo. Họ đụng độ với cảnh sát sau những cuộc tranh cãi, bất đồng có nguyên nhân bắt nguồn từ bóng đá.

Iran trước trận đấu lịch sử gặp Australia.

3. Những cuộc bạo loạn, phản đối chế độ cứ kéo dài âm ỉ cùng với những trận bóng đá. Và một cuộc cải cách nữa diễn ra vào năm 2001. Huấn luyện viên kì cựu, nổi tiếng Miroslav Blazevic được mời dẫn dắt đội tuyển Iran và họ sẵn sàng một lần nữa đến với World Cup. Cuối tháng 10/001, Iran gặp Iraq trong trận đấu tại vòng bảng của vòng loại World Cup 2002. Sau trận đấu tại Tehran, Iran giành chiến thắng với tỷ số 2-1.

Đã có 20.000 người tụ tập tại quảng trường phía Bắc Tehran để ăn mừng. Cảnh sát phải dùng đến hơi cay, tiến hành bắt hàng trăm người. Nghiêm trọng hơn khi có hàng trăm người bị thương và 20 người chết trong sự hoảng loạn. Và trong những cuộc xuống đường ăn mừng đó, có xen kẽ cả những khẩu hiệu, biểu ngữ mang tính chính trị, chống đối chế độ.

Trước những vụ bạo loạn kiểu như vậy, Tổng thống Khatami đã phải đích thân kêu gọi các CĐV giữ bình tĩnh và kiềm chế khi đội tuyển Iran gặp Bahrain trong trận đấu quyết định diễn ra 10 ngày sau đó. Nếu thắng họ sẽ vào thẳng World Cup, nhưng nếu thua Iran sẽ phải đá trận loại trực tiếp với UAE. Và kết cục là Iran thất bại 1-3. Cổ động viên vẫn tràn xuống đường, nhưng để loan truyền nhau những thông tin không lấy gì là nhẹ nhõm.

Họ nói rằng, các cầu thủ đã nhận được "mật lệnh" của chế độ, phải thua để tránh những sự hỗn loạn như đã từng xảy ra. Không biết những thông tin đó từ đâu, nhưng nó đã mang lại hiệu ứng đám đông tồi tệ. Dù chưa hết cơ hội nhưng bạo lực đã diễn ra. Các tòa nhà chính phủ, ngân hàng bị tấn công. Những người quá khích trẻ tuổi thì ném đá, bom xăng vào cảnh sát, hình ảnh của Ayatollah Khamenei bị đốt.

Đáp lại, cảnh sát phản ứng khá mạnh. Các quảng trường, công viên, đường phố chính của Tehran và Esfahan bị phong tỏa bởi những cuộc chiến, một cuộc bạo loạn trên diện rộng với nguyên nhân đầu tiên đến từ bóng đá, nhưng thực chất có những âm mưu bí ẩn bên trong. Lần đầu tiên kể từ khi nắm quyền, Khatami bị mất uy tín trong giới cổ động viên. Nhưng cũng có giả thiết cho rằng, thất bại này có một phần nguyên nhân từ các giáo sĩ Hồi giáo, khi họ đã quá "hăng hái", dựng các cầu thủ dậy để cầu nguyện suốt cả đêm hôm trước ngày thi đấu.

Tuy nhiên, chính thất bại này sẽ lại là tiền đề để mở ra một câu chuyện mới, một câu chuyện làm thay đổi bóng đá Iran một lần nữa. Và quan trọng hơn, nó tiến đến một cuộc cách mạng, một cuộc đại đột phá với mục tiêu giải phóng phụ nữ…

Ảnh hưởng chính trị đến bóng đá Trung Đông

Việc các cổ động viên Iran cho rằng có chỉ thị từ chính phủ, kiểm soát đội bóng và ngăn họ chiến thắng chỉ là tin đồn, không có căn cứ xác thực. Tuy nhiên, ở các nước Trung Đông, bóng đá đã từng chịu ảnh hưởng rất nhiều từ chế độ, các nhân vật chóp bu để phục vụ mục đích chính trị. Năm 1982, trận đấu tại vòng bảng World Cup gặp Pháp, trọng tài người Nga Miroslav Stupar đã công nhận một bàn thắng của Giresse, nhưng sau đó ông đã rút lại quyết định, từ chối bàn thắng ấy khi các quan chức và Chủ tịch LĐBĐ Kuwait, ông Price Fahid, chạy xuống sân phản đối. Thậm chí, ông còn triệu tập cầu thủ để bỏ ngang trận đấu. Ở Iraq, những câu chuyện về Uday Hussein kiểm soát bóng đá, khống chế đội tuyển quốc gia, tra tấn, nhốt họ và thậm chí thủ tiêu cầu thủ là chuyện bình thường. Đó là những vấn đề phổ biến trong bóng đá Trung Đông, nơi luôn có những bất ổn chính trị.

Vì thế mà việc có tin đồn nghi ngờ Chính phủ đã có những chỉ thị để Iran không thắng trận đấu với Bahrain được các cổ động viên tin rằng có nguyên nhân. Điều đáng chú ý là khi đó, Bahrain đã chính thức bị loại, không còn cơ hội chạy đua đến vé dự World Cup. Chính điều đó càng khiến nghi ngờ tăng lên.

L.Trung
.
.
.