Bóng đá Italia nhìn từ trận “derby Trung Quốc”

Thứ Ba, 18/04/2017, 15:57
Trận derby thành Milan lần thứ 218 trong lịch sử đã kết thúc theo một kịch bản không thể kịch tính hơn.


Inter Milan chơi tuyệt hay và tưởng chừng đã bỏ túi chiến thắng với 2 bàn dẫn trước ngay trong hiệp 1. Nhưng AC Milan nhờ sự vùng lên mạnh mẽ ở khoảng 10 phút cuối đã đưa trận đấu kết thúc trong thế bất phân thắng bại, với bàn ấn định tỉ số 2-2 của trung vệ Zapata ở phút bù giờ thứ 7. Chỉ có điều, màn trình diễn nghẹt thở ấy vẫn không phải là điểm nhấn đáng chú ý nhất của trận đấu này…

Những điều đặc biệt hơn nằm ở chỗ:  Lần đầu tiên trận derby thành Milan diễn ra ở khung giờ 17h30 (giờ Việt Nam). Đây là một khung giờ không phải phục vụ người châu Âu nói chung và người Italia nói riêng. Nó chỉ thuận tiện cho người châu Á. Sự điều chỉnh này thể hiện chiến lược hướng tới thị trường châu Á của người Italia.

Đáng nói là ở thời điểm lên lịch cho trận đấu này, thì đó hoàn toàn chỉ là một sự sắp xếp mang tính ngẫu nhiên của BTC Serie A. Nhưng rốt cuộc vào lúc này, không trận đấu nào phù hợp với khung giờ châu Á ấy hơn trận derby Milano. Đơn giản vì cả 2 gã khổng lồ thành Milan giờ đều là những CLB thuộc sở hữu của những ông chủ Trung Quốc.

Cuộc "xâm lăng" của người Trung Quốc

Lịch sử huy hoàng của Inter Milan gắn liền với nhà Moratti: Angelo Moratti và Massimo Moratti. Tất cả các Cúp Châu Âu mà Nerazzurri giành được đều là dưới triều đại của Moratti cha hoặc Moratti con.

Ngoài giai đoạn được sở hữu bởi gia đình nhà Moratti thì trong suốt hơn 100 năm tồn tại của mình (thành lập năm 1908), Inter Milan cũng luôn thuộc sở hữu của người Italia. Thế nhưng, truyền thống ấy đã chấm dứt vào năm 2013.

Khi Massimo Moratti quyết định bán 70% cổ phần CLB cho tỷ phú người Indonesia, Erick Thohir. Chưa dừng lại ở đó, sự ảnh hưởng của người Italia lên đội bóng vốn là niềm tự hào của họ đã chính thức chấm dứt vào tháng 6/2016. Tập đoàn Suning Group Holdings, một trong 3 doanh nghiệp ngoài quốc doanh lớn nhất Trung Quốc với doanh số gần 50 tỷ USD/năm đã hoàn tất việc mua lại nốt 30% cổ phần mà Massimo Moratti nắm giữ.

Ngoài ra, tập đoàn này còn mua lại gần 39% cổ phần từ tay Erick Thohir để trở thành chủ sở hữu của Inter Milan với khoảng gần 69% cổ phần. Thương vụ này được cho là tiêu tốn của người Trung Quốc khoảng 270 triệu euro. Inter Milan chính thức trở thành một đội bóng ngoại quốc, đóng quân trên đất Italia. Khi mà tổng cổ phần của tất cả các cổ đông nội không chạm đến mốc 0,5%.

Điều tương tự cũng xảy ra với AC Milan. Chỉ 2 ngày trước trận derby thành Milano, đội chủ sân San Siro đã chính thức đổi chủ. Sau khoảng thời gian đàm phán dài đến 2 năm, trong đó có thời điểm tưởng rằng thỏa thuận về việc bán đội bóng giàu truyền thống của Italia có nguy cơ đổ bể, cuối cùng AC Milan đã thuộc về tay những tỷ phú Trung Quốc. Tập đoàn Rossoneri Sport Investment Lux do doanh nhân Yonghong Li đứng đầu, mua được đội bóng đá AC Milan với giá 786 triệu đôla.

"Fininvest đã hoàn tất việc bán toàn bộ số cổ phần tại AC Milan - tương đương 99,93% - cho Rossoneri Sport Investment Lux. Đây là bước cuối cùng của thỏa thuận mua bán được ký vào ngày 5/8/2016 và nối lại vào ngày 24/3/2017.

Các điều khoản giống như những gì từng công bố hồi tháng 8 với việc AC Milan được định giá là 786 triệu đôla, trong đó có khoản nợ 234 triệu", thông báo do Fininvest, tập đoàn của ông chủ cũ Silvio Berlusconi, đưa ra tối 13/4 có đoạn nêu rõ. Việc Fininvest bán hết cổ phần đồng nghĩa với việc tỷ phú Berlusconi chấm dứt triều đại 31 năm làm chủ AC Milan. Đây là giai đoạn mà đội bóng áo sọc đỏ đen giành 29 danh hiệu, trong đó có 5 Cup C1/Champions League.

Như vậy, giống như CLB cùng thành phố, AC Milan giờ là một đội bóng của người nước ngoài (cụ thể là người Trung Quốc) có trụ sở tại thành Milano.

Trận “derby Milano” giờ đã bị gọi là trận “derby Trung Quốc”.

Lối thoát cho bóng đá Italia?

Với việc chủ sở hữu của 2 CLB thành Milan đều là những ông chủ Trung Quốc, trận derby Milano đã lần đầu tiên trong lịch sử được gọi là "trận derby Trung Quốc". Inter gặp AC Milan, bất kể kết quả thế nào, Trung Quốc vẫn giành thắng lợi, một cây viết bình luận. Trên thực tế, có khá nhiều ý kiến mỉa mai nhằm vào sự bán mình của AC Milan và Inter Milan. Nhưng xét cho cùng, đó có lẽ là xu thế tất yếu của bóng đá thời đại toàn cầu hóa, với sự lên ngôi của kim tiền.

Cho dù Silvio Berlusconi có lợi dụng AC Milan làm bàn đạp để leo cao trong sự nghiệp chính trị của mình, thì không ai có thể phủ nhận tình yêu của nhà tài phiệt này với CLB. Khó có Milanista nào có thể vỗ ngực mình yêu Milan hơn Berlusconi - người đã gắn bó với 31 năm, đưa CLB từ chỗ suy thoái (phải xuống hạng) lên đỉnh cao nhất của thế giới bóng đá.

Hãy nghe cựu Thủ tướng Italia tâm sự trong ngày phải nhượng lại AC Milan cho người khác: "Thật đau đớn khi phải bán đi cổ phần của AC Milan, nhưng tôi biết rằng trong bóng đá hiện đại, một đội bóng muốn tăng cường sức mạnh phải cần đến nguồn tài chính dồi dào mà một cá nhân không thể đáp ứng được. Tôi sẽ không bao giờ quên những cảm xúc mà AC Milan đã mang lại cho chúng ta. Tôi cũng không quên tất cả những ai từng đóng góp vào sự thành công của AC Milan", Reuters dẫn lời ông Berlusconi.

Vậy đấy! Chính bản thân Berlusconi cũng hiểu rằng việc ông phải nhượng quyền sở hữu CLB là một điều tất yếu, không thể đảo ngược. Trên thực tế, AC Milan đã dần sa sút trong khoảng 10 năm qua. Mùa giải trước, đội bóng này chỉ xếp thứ bảy tại Serie A và không được dự Cup châu Âu.

Nếu nhìn rộng ra trên bình diện quốc tế thì việc bán mình có thể coi là sự lựa chọn duy nhất của các đại diện Serie A nếu muốn tìm lại vị thế trong quá khứ.

Vặn ngược thời gian quay lại thập niên 90 của thế kỉ trước, Serie A thực sự là "cái rốn của vũ trụ". Tất cả các ngôi sao sáng nhất đều tụ hội về đây.

Khi ấy, Serie A có tới 7 đội bóng ngang tài, ngang sức, với đội hình gồm toàn hảo thủ, đủ sức cạnh tranh chức vô địch. Điều này đã biến Serie A là giải đấu số 1 hành tinh. Còn các đội bóng Italia là những thế lực, đủ sức thống trị đấu trường quốc tế.

Ở thời điểm ấy, sở dĩ Serie A có sự phát triển mạnh mẽ như vậy là do nhóm G7 được sự chống lưng bởi những nhà tài phiệt hoặc những tập đoàn có tiềm lực tài chính khổng lồ. Juventus là bộ mặt của Tập đoàn FIAT. Parma thuộc về Tập đoàn thực phẩm Parmalat. AC Milan là con cưng của Berlusconi, Inter Milan thì có túi tiền không đáy của Massimo Moratti. Lazio cũng có một ông chủ cực kì chịu chi là Sergio Cragnotti…

Thế nhưng, những cuộc khủng hoảng và suy thoái tài chính tại Italia đã thổi bay túi tiền của các tập đoàn, của các ông chủ bản địa. Bóng đá chỉ là cánh tay nối dài của kinh tế dĩ nhiên không nằm ngoài vòng xoáy.

Các CLB Italia bắt đầu sa sút không phanh. Điều đó có thể nhìn thấy rất rõ tại các Cúp Châu Âu. Hiện tại Serie A chỉ có 1 đại diện duy nhất đủ sức cạnh tranh ở sân chơi Champions League là Juventus. Hệ quả là từ chỗ độc chiếm, dẫn đầu BXH các nền bóng đá của UEFA, Serie A giờ đã tụt xuống tận thứ 4 và chỉ còn có 3 suất được tham dự Champions League.

Những ông chủ Trung Quốc như Yonghong Li (trái) sẽ giúp bóng đá Italia thức giấc?

Trong khi đó, Premier League lại là một câu chuyện ngược lại. Với sự xuất hiện của các ông chủ nước ngoài lắm tiền nhiều của như Abramovich của Chelsea, các ông chủ Arab của Manchester City… các CLB này đã vụt mình vươn lên trở thành những thế lực của bóng đá châu Âu. Premier League có được vị thế như hiện tại chính là nhờ sự xâm lăng của các ông chủ nước ngoài. Có những thời điểm, có tới 1 nửa số đội bóng tham dự Premier League thuộc sở hữu của các ông chủ nước ngoài (không tính xứ Wales). Với túi tiền của các nhà tài phiệt nước ngoài này, nước Anh đã trở thành điểm đến của rất nhiều ngôi sao.

Không chỉ ở Premier League, mà sự tham gia của các nhà tài phiệt nước ngoài còn đã làm thay đổi cán cân quyền lực tại rất nhiều nơi khác. Điển hình như trường hợp của PSG hay chính giải VĐQG Trung Quốc, nơi đã thu hút rất nhiều ngôi sao của bóng đá thế giới trong 1-2 năm trở lại đây.

Chính vì thế, việc các ông chủ Trung Quốc thực hiện những cú thâu tóm các CLB lớn tại Serie A hoàn toàn có thể mở ra một giai đoạn phục hưng cho nền bóng đá Italia. Nó có thể coi là lối thoát cho những gã khổng lồ của bóng đá thế giới nhưng lại đang sa sút, mất phương hướng.

Các tỷ phú Trung Quốc nổi tiếng là những tay chơi, những người rất chịu chi (có thể thấy rõ điều đó qua những gì đã diễn ra ở giải VĐQG Trung Quốc). Nên sẽ không có gì đáng ngạc nhiên nếu họ lại tạo ra một giai đoạn phát triển nóng nữa tại Serie A. Với năng lực tài chính khổng lồ của các ông chủ, rất có thể AC Milan và Inter Milan sẽ lại vươn mình thức giấc.

"Cổ động viên AC Milan từ lâu đã hy vọng đội bóng có thể trở lại vị thế cũ. Hôm nay, chúng tôi đã thành công trong bước đầu của quá trình đó. Trong tương lai, chúng tôi sẽ tiếp tục đầu tư để đội bóng có một đội hình mạnh mẽ nhằm chinh phục các danh hiệu", ông Yonghong Li đã tuyên bố như thế trong ngày tiếp quản AC Milan. 

Người ta có quyền tin đó không phải chỉ những lời nói suông. Nhưng vấn đề là sau giai đoạn phát triển nóng ấy, Serie A sẽ còn lại gì? Hay sẽ lại đi vào vết xe đổ của quá khứ, chỉ là một đống hoang tàn khi các ông chủ Trung Quốc rút đi, giống như những gì đã diễn ra với sự sụp đổ của các nhà tài phiệt bản địa.

Người Trung Quốc tích cực đổ tiền vào bóng đá châu Âu

Tại Anh, đội bóng giàu có Man.City cũng có 13% cổ phần nằm trong tay người Trung Quốc. Ngoài ra, trong danh sách những đội bóng có nhà đầu tư mang quốc tịch Trung Quốc còn có West Brom, Aston Villa, Wolverhamton, Birmingham. Tổng số tiền mà các đội bóng nói trên nhận từ các tập đoàn Trung Quốc lên đến hơn 700 triệu euro, trong đó chỉ riêng Man.City chiếm 350 triệu euro.

Không chỉ vậy, các nhà đầu tư Trung Quốc còn đổ tiền vào các đội bóng Pháp như Lyon, Auxerre, Sochaux và Nice (tổng số tiền vào khoảng 130 triệu euro). Tại Tây Ban Nha, Atletico Madrid, Espanyol và Granada là những đội cũng có nhà đầu tư Trung Quốc với tổng số tiền đầu tư là hơn 230 triệu euro.

Tất Đức
.
.
.