Bóng đá Việt Nam & chuyện đốt đuốc thần tượng

Thứ Sáu, 29/03/2013, 15:24

Khi những fan cuồng tuổi teen bám lấy cái ghế anh ca sĩ Hàn quốc vừa ngồi để hôn lấy hôn để, nhiều người thốt lên: "Tụi trẻ bây giờ đã thần tượng một cách điên rồ, mù quáng". Thì đúng là điên rồ, mù quáng thật. Nhưng nói như một chuyên gia bóng đá Việt Nam thời điểm ấy thì chẳng thà có thần tượng để mà điên rồ, mù quáng còn hơn là bói mỏi con mắt cũng không thấy nổi một thần tượng ra hồn.

Vị này nói thế là bởi hơn lúc nào hết, BĐVN đang ở giai đoạn khủng hoảng thần tượng, khủng hoảng ngôi sao.

Mỗi thời một giảm

Vào những năm 80 của thế kỷ 20, nền bóng đá này xuất hiện cùng lúc rất nhiều thần tượng sân cỏ. Đó có thể là "con thần mã" Lưu Tấn Liêm (cách ví von của cố nhà báo Chánh Trinh) ở phía Nam, hay những Cao Cường, Ba Đẻn… ở phía Bắc. Chính những thần tượng với những "đặc sản" xử lý bóng của riêng mình đã khiến các trận đấu diễn ra sôi nổi, và các khán đài luôn ở trạng thái… hút hàng. Theo lời kể của cựu trọng tài Dương Mạnh Hùng thì hồi ấy người ta thần tượng cầu thủ đến nỗi hầu hết các cô gái trường múa nổi tiếng là xinh đẹp đều yêu cầu thủ. Và vì thế mới có một sự "trùng hợp dễ lý giải" đó là nhiều danh thủ phía Bắc sau này đều có vợ là những diễn viên múa sắc nước hương trời.

Sang những năm 90 của thế kỷ 20 thì BĐVN xuất hiện cả một thế hệ vẫn được người ta gọi là "thế hệ vàng" với những cái tên danh bất hư truyền như Hồng Sơn, Huỳnh Đức, Công Minh, Hoàng Bửu... Thời ấy, lần nào ĐTVN  đi đá giải về tới sân bay Tân Sơn Nhất là người hâm mộ đều kéo nhau ra đón, và trong một lần như thế, từng có một cô gái giương lên một tấm bandrone: "Hồng Sơn - bạn em yêu anh!". Có nhiều cô gái Việt Nam yêu mến, ngưỡng mộ những cầu thủ đẹp trai, đá bóng giỏi như Hồng Sơn, Huỳnh Đức tới mức sẵn sàng thức trắng đêm để viết cả chục lá thư tay. Và nói như Hồng Sơn trong một lần "bật mí" hiếm hoi thì: "Nếu trả lời từng thư một, có lẽ đã không có thời gian xỏ giày ra sân nữa…".

Sau thời "thế hệ vàng", BĐVN cũng xuất hiện một thế hệ tài năng mới với những cái tên như Phan Thanh Bình, Lê Quốc Vượng, Đặng Thanh Phương, và đặc biệt là Phạm Văn Quyến. So với thế hệ của Hồng Sơn, Huỳnh Đức, Văn Quyến thậm chí còn được nhiều chuyên gia đánh giá cao hơn ở góc độ tài năng lẫn góc độ quảng bá thương hiệu. Văn Quyến cũng sướng hơn thế hệ đàn anh ở góc độ vật chất và cũng được các HLV, các quan chức Liên đoàn nâng niu, chiều chuộng hơn ở góc độ… quản lý con người. Song có lẽ chính bởi những cái hơn tích cực lẫn tiêu cực ấy mà Quyến lại chết đau hơn, dù chưa chắc đã xấu hơn một bộ phận tiền nhân của mình.

Khi Quyến cùng 6 tội đồ bán độ tại ĐT U.23 QG rồi gắng gượng thanh minh bằng mấy chữ: "Vì em còn trẻ" người ta hiểu rằng một thần tượng thế là đã thành… thần tượng sáp. Thế nên từ chỗ ngưỡng mộ, chiều chuộng Văn Quyến, tất cả quay sang kinh hãi, ruồng rẫy Quyến. Bây giờ thì mọi chuyện đã qua đi, Quyến đã trở lại trong màu áo Sông Lam rồi Ninh Bình, nhưng "con người ta không thể tắm hai lần trên một dòng sông" được nữa. Bây giờ thần tượng Văn Quyến ngày nào được người ta ưu ái cho đá bóng, cho nhận lương… cũng đã là một hạnh phúc lớn lao rồi.

Dù chịu những sự tác động khác nhau, và ở những cấp độ khác nhau nhưng cả Văn Quyến lẫn Công Vinh đều là những... thần tượng sáp.

Khi Văn Quyến "chết" thì cũng là khi những cầu thủ như Tài Em hay Công Vinh có cơ hội độc chiếm ngôi vị thần tượng của làng bóng Việt. Nói thế là bởi, Tài Em chính là người đã tố cáo vụ bán độ của Văn Quyến, còn Công Vinh lại là người đá thay vị trí của Quyến ở cả cấp độ CLB lẫn cấp độ ĐTQG. Khách quan mà nói thì có không ít người ngưỡng mộ tinh thần "bảo vệ màu cờ sắc áo" của Tài Em, nhưng đứng ở góc độ chyên môn thuần tuý, một cầu thủ nổi tiếng là "chú ong chăm chỉ" như Tài Em chưa bao giờ đạt đến tầm của một thần tượng.

Chỗ này thì Công Vinh hơn Tài Em, bởi Công Vinh là một tiền đạo cá tính, và Công Vinh cũng đặt dấu giày của mình vào hàng loạt chiến công của ĐT, mà rực rỡ nhất chính là bàn gỡ 1-1 trong trận chung kết lượt về AFF Suzuki Cup 2008, đưa ĐT lần đầu chạm đỉnh vàng ĐNA. Thực tế thì sau một AFF cup chói sáng, Công Vinh cũng đã trở thành thần tượng trong mắt của không ít người hâm mộ, dẫu đấy là những cô/cậu ca sĩ nổi tiếng hay những fan hâm mộ hết sức bình dân.

Nhưng thần tượng Công Vinh lại "chết" bởi chính cái đỉnh cao chói lọi mà mình đang ngự trị. Đặt giá trị bản thân cao hơn giá trị tập thể, cao hơn cả những nguyên tắc, luật lệ cơ bản của một cuộc chơi, Công Vinh đã tạo ra nhiều "phản ứng bất hủ" như vái lạy trọng tài, đến khi bị VFF xử phạt về hành vi vái lạy lại phát biểu theo dạng "VFF quá bạc với tôi", rồi mới nhất là việc không chịu bắt tay HLV trưởng ĐTQG khi bị thay ra sân  hay không chịu khởi động cùng nhóm cầu thủ dự bị cho tới trước khi được nhắc nhở tại AFF Cup 2012. Công Vinh khiến người ta "sợ" tới mức suốt một thời gian dài sau AFF Cup phải đứng trước nguy cơ thất nghiệp, và nói như chính một đồng nghiệp của Công Vinh thì nếu không được CLB quê hương cưu mang phút chót, rất có thể anh đã… chính thức thất nghiệp cho tới hết lượt đi V.League.

Bây giờ, sau tất cả những đỉnh cao - vực sâu đã qua, có lẽ Công Vinh đã thực sự đạt được một trạng thái cân bằng cần thiết, và thực sự biết phải sống, phải hành nghề ra sao trong quãng thời gian còn lại của cuộc đời cầu thủ. Nhưng sau tất cả, số lượng người tiếp tục thần tượng Công Vinh có lẽ chỉ đếm được trên đầu ngón tay…

Tới đây, một kết luận được rút ra: so với những thế hệ cầu thủ những năm 80, 90 của thế kỷ 20, số lượng thần tượng và tuổi thọ thần tượng của những thế hệ sau này đã giảm đi trông thấy.

Tại sao? Và tại sao?

Nói tới chuyện tuổi thọ thần tượng giảm sút, có lẽ yếu tố thời đại có tính tác động cao hơn yếu tố cá nhân. Đã rất nhiều lần chúng tôi đặt cho các chuyên gia bóng đá Việt Nam một câu hỏi: nếu những Cao Cường, Ba Đẻn đầu thai vào thời của Văn Quyến, Công Vinh, và ngược lại, những Văn Quyến, Công Vinh đầu thai vào thời của Cao Cường, Ba Đẻn thì phải chăng BĐVN đã có những thần tượng - những tội đồ hoàn toàn khác biệt? Nên nhớ là thời bao cấp, các cầu thủ Việt Nam nghèo hơn ở góc độ vật chất nhưng lại lành hơn ở góc độ tinh thần và môi trường xã hội.

Thời ấy, những danh thủ nói riêng và những cá nhân nổi tiếng trong xã hội nói chung không phải đối diện với nhiều cám dỗ như thời của Văn Quyến, Công Vinh. Thời ấy, báo chí, truyền thông và một "công nghệ soi mói" tất yếu đi kèm với nó cũng chưa phát triển như thời của Văn Quyến, Công Vinh, thế nên những tật nọ, tật kia (nếu có) của những ngôi sao thời ấy cũng khó có thể phát tán rộng rãi như bây giờ.

Đương nhiên, yếu tố cá nhân luôn có những tác động lớn lao đến tính cách và cuộc đời một con người. Nhưng yếu tố môi trường thường mang tính quyết định và có "xác suất ảnh hưởng" cao hơn. Đối với nghề cầu thủ ở Việt Nam - cái nghề mà cho tới khoảng 10 năm đầu tiên của thế kỷ 21, người ta vẫn phải đối diện với một thực trạng đào tạo chỉ chú trọng đến chuyên môn, và gần như trắng tinh về văn hoá (cầu thủ Thành Lương từng thú nhận: "Khi học văn hoá, chúng em toàn xin điểm") thì sự tác động của yếu tố môi trường, yếu tố hoàn cảnh là điều càng rõ thấy.

Riêng về vấn đề "số lượng thần tượng" giảm sút, nguyên nhân chủ yếu nằm ở sự sa sút trong hệ thống đào tạo cầu thủ của hàng loạt trung tâm nổi tiếng như Thể Công (giờ là Viettel), Hải Phòng, Sông Lam, Đồng Tháp, TP Hồ Chí Minh. Nhưng cũng phải thấy có những nguyên nhân mang tính khách quan như việc phần lớn các bậc phụ huynh bây giờ không muốn con em mình theo nghiệp bóng đá, khiến cho diện tuyển chọn cầu thủ năng khiếu bị thu hẹp. Và đặc biệt, trong hệ thống thi đấu đỉnh cao như V.League hay giải hạng Nhất QG, gần như tất cả các đội bóng đều đặc biệt ưu tiên các cầu thủ ngoại, khiến cho cơ hội cạnh tranh (chứ chưa nói tới cơ hội tỏa sáng) của cầu thủ nội giảm đi xuống trông thấy so với trước.

Năm nay, lò đào tạo trẻ Hoàng Anh Gia Lai - một lò đào tạo được xây dựng theo mô hình của Arsenal sẽ trình làng lứa cầu thủ đầu tiên sau gần chục năm đào tạo, những cầu thủ hứa hẹn không chỉ ưu việt về chuyên môn mà còn được trang bị một nền móng văn hoá đủ dày để hành nghề không chỉ ở Việt Nam. Vậy thì từ lò đào tạo này, từ lứa quả ngọt đầu tiên này, BĐVN rồi sẽ có sự xuất hiện trở lại của những thần tượng thực sự… xứng danh thần tượng?

Chờ và hy vọng…!  

Thần tượng nhập tịch - Thần tượng Việt kiều

Trong khi không thể tìm thấy một thần tượng thuần nội, nhiều người đã nhìn sang những cầu thủ nhập tịch như Huỳnh Kesley hay những Đinh Hoàng Max, Đinh Hoàng La… Nhưng vì những cầu thủ này đều chưa được gọi trở lại ĐTQG nên mức độ ảnh hưởng là không thật nhiều. Mặc khác, kinh nghiệm cho thấy tìm được 1 cầu thủ nhập tịch thực sự có tài năng và cách ứng xử dễ mến như Huỳnh Kesley là điều không dễ.

Thời gian gần đây, có những cầu thủ Việt kiều được mời về khoác áo ĐTVN như Mạc Hồng Quân hay Michal Nguyễn, trong đó Mạc Hồng Quân bắt đầu khiến các fan để ý bởi không chỉ đá bóng hay mà còn rất đẹp trai, và có một phong thái ứng xử rất… giàu tri thức. Nhưng dẫu sao Mạc Hồng Quân cũng mới chỉ chuẩn bị đá trận chính thức thứ 2 cho ĐTQG. Tuổi thọ của Mạc Hồng Quân ở ĐTQG đến đâu (chứ chưa nói tới việc tuổi thọ của "thần tượng Mạc Hồng Quân" đến đâu) là điều còn phải đợi thời gian kiểm chứng!

Phan Đăng
.
.
.