Bóng đá Việt nhìn từ đường phố

Thứ Năm, 04/09/2014, 12:30

Sẽ khá nhiều người bất ngờ khi tay bút kỳ cựu Oliver Kay của tờ The Times đã nhận xét về bóng đá Anh là "thiếu tầm nhìn dài hạn" và "quá chú trọng các lợi ích ngắn hạn sẽ phải trả giá lâu dài". Một nền bóng đá được coi là phát triển nhất thế giới, với doanh thu bản quyền truyền hình gấp nhiều lần các nền bóng đá khác, với sức hấp dẫn thu hút các ngôi sao tứ xứ đổ về lập nghiệp… mà bị coi là thiếu tầm nhìn dài hạn, chắc hẳn Oliver Kay có nhầm lẫn gì chăng? Hay tay bút ấy đang trở nên “khó tính” quá mức với bóng đá Anh nói chung và giải ngoại hạng Anh nói riêng?

Thực tế không phải là Oliver Kay nhầm lẫn, hay hằn học gì trong nhận định này, bởi đó cũng là nhận định chung của nhiều chuyên gia bóng đá Anh khác. Cách đây 6 năm, chính báo chí Anh cũng từng cảnh tỉnh LĐBĐ Anh rằng "hãy nhìn và học người Đức đi, họ đang trên đà vượt trội chúng ta". Nhận định đó đã và đang trở thành sự thực khi Đức và giải Bundesliga ngày một hấp dẫn hơn, tạo ra nhiều giá trị hơn và đe dọa ngôi vị số 1 của Premier League.

Câu chuyện về những nhận xét kể trên cho chúng ta bài học nào đây? Rất dễ nhận thấy, đó là bài học về sự tỉnh táo, về việc không ngủ quên trên đỉnh cao hão huyền nào đó và cả về sự khiêm cung cần thiết khi thực hiện công việc của mình.

Ở Việt Nam, nhiều người làm bóng đá rất mê giải ngoại hạng Anh, mê nền bóng đá Anh và sự say mê đó có thể được lý giải bởi việc họ được “no đủ” với bóng đá Anh nhờ vào truyền hình. Song, trong số những người đang làm bóng đá ấy, có được bao nhiêu người biết học cách làm bóng đá Anh thực thụ từ những câu chuyện tưởng như rất vặt vãnh và tầm phào như nhận định của tay bút Oliver Kay?

Hãy thử đặt một câu hỏi nghiêm túc về số lượng khán giả đến sân ở V League các mùa vừa qua và so sánh nó với thời kỳ giữa thập niên 90 của thế kỷ trước, ta sẽ không khỏi giật mình vì hình như người Việt đang quay lưng lại với giải bóng đá Việt, giải bóng đá mà tự chúng ta tôn vinh mình là “hấp dẫn nhất Đông Nam Á”. Hãy quên đi những câu chuyện liên quan đến tiêu cực, cá độ và chúng ta sẽ nhận ra rõ ràng rằng tiêu cực và cá độ chỉ là một trong những nguyên nhân để khán giả quay lưng lại với bóng đá Việt. Nguyên nhân thực sự nằm ở chỗ khác, ở chính cách làm bóng đá hiện nay đã biến các đội bóng trở thành những thực thể tồn tại theo kiểu “không cần khán giả”.

Ca sỹ Tuấn Hưng, cầu thủ kiêm ông bầu đội bóng H.A.T trong giải HPL.

Nếu coi bóng đá là một ngôi nhà thì khán giả chính là nền móng của ngôi nhà ấy. Nếu coi bóng đá như một cái cây thì khán giả chính là đất, là nước, là dưỡng chất nuôi cái cây ấy lớn. Song, ở Việt Nam, hình như người ta đã và đang coi đất, nước, dưỡng chất của cái cây bóng đá là những ông bầu, những người khoác cái áo “xã hội hóa” bóng đá.

Trong khi V-League không thu hút nổi khán giả đến sân thì HPL (Hà Nội Phủi League), giải đấu của giới bóng đá đường phố, lại đang khiến khán giả say mê nó vô cùng. Ở đây không phải là chuyện các đội bóng phủi chơi bóng vô tư, trong sạch hơn V League mà đơn giản các đội bóng đó đã và đang tạo được cộng đồng bao bọc mình. Họ coi chính những người hâm mộ là dưỡng chất quan trọng nhất để nuôi sống đội bóng dù những người hâm mộ ấy chưa thực sự trao cho đội bóng một đồng bạc lẻ nào.

Nhìn vào các đội bóng của HPL, chúng ta không khỏi liên tưởng đến ngày các CLB vĩ đại ở châu Âu mới phôi thai thành lập. Họ cũng là những hội đoàn được xây dựng nên từ một cộng đồng, là nơi cộng đồng ấy gửi gắm niềm mê say, hi vọng và chia sẻ nỗi buồn. Từ môi trường đó, cộng đồng ấy càng rộng mở hơn và dần dần tạo thành nền tảng để CLB có một đời sống văn hóa, bề dày lịch sử rồi từ đó, CLB sẽ có khả năng kiếm được doanh thu từ nó.

Ở V-League, chỉ còn số ít CLB thu hút được khán giả đến sân, như Sông Lam Nghệ An, như Than Quảng Ninh, như Thanh Hóa. Nhìn lại, chúng ta chắc chắn nhận thấy họ có cùng một điểm chung: cái tên không bị gắn vào một thương hiệu nào đó một cách sống sượng.

Chuyện đổi tên CLB ở Việt Nam vốn dĩ đã là chuyện quá cũ nhưng nó vẫn cần được nhắc lại. Đơn giản, khi đổi tên đội bóng, người chủ CLB đã khai tử luôn hệ thống người hâm mộ đông đảo của CLB ấy. Và khi người ta làm bóng đá với tâm thức bỏ quên cái gốc của bóng đá, chắc chắn họ chỉ có thể đạt được lợi ích ngắn hạn không hơn không kém.

Tự nhiên, muốn có một điều ước cho bóng đá Việt. Đó là biết đâu đấy, 10 năm nữa, chính các CLB tham dự giải bóng đá đường phố ở Hà Nội, ở TP Hồ Chí Minh lại chính là những CLB bóng đá chuyên nghiệp thực sự, với cách vận hành dựa trên nền tảng vững chắc là những người hâm mộ, những chủ nhân thực sự của đội bóng, cả về thể lý lẫn về tinh thần…

Lúc ấy, biết đâu, V-League lại chỉ còn là một cái giải "phủi"…

Hà Quang Minh
.
.
.