Bóng đá Việt thời "tình thương mến thương"

Thứ Tư, 29/07/2020, 10:55
Than Quảng Ninh bất ngờ cho Hải Phòng mượn Mạc Hồng Quân và Nghiêm Xuân Tú, đồng thời trả lại Andre Fagan về Hải Phòng trước thời hạn.

Việc cả 3 cầu thủ này đều đang là trụ cột của Quảng Ninh khiến dư luận không hiểu sao đội bóng này lại “thương” Hải Phòng đến thế, coi như từ bỏ luôn tham vọng tranh chức vô địch V.League cũng như cạnh tranh ở AFC Cup để giúp người láng giềng của mình lo trụ hạng. Tuy nhiên, từ trước tới nay, V.League vốn chẳng thiếu kiểu các đội bóng “thương” nhau như vậy.

Đẩy đi, kéo lại

Đêm 24-7, cộng đồng mạng truyền tay nhau bức ảnh chụp lại dòng trạng thái bày tỏ sự buồn bã và có cả câu chửi thề mà Andre Fagan viết trên trang facebook cá nhân, thông báo việc tiền đạo này sẽ rời Quảng Ninh. Dù Fagan sau đó đã gỡ bỏ dòng trạng thái này nhưng dân mạng đã kịp chụp lại và chia sẻ ở khắp các diễn đàn bóng đá.

Trả lời phóng viên, tiền đạo người Jamaica tiết lộ anh không được ai báo trước bất kỳ điều gì và mọi việc diễn ra đột ngột sau trận Quảng Ninh thắng SLNA ở vòng 11 (tối 24-7).

Nhưng những điều kỳ lạ chưa dừng lại ở đó. Fagan còn cho biết ngay cả việc anh được Hải Phòng cho Quảng Ninh mượn ở đầu mùa này cũng diễn ra theo cách chẳng giống ai. Hợp đồng giữa tiền đạo này và Hải Phòng còn hiệu lực đến năm 2022. 

Sau khi mùa giải 2019 kết thúc, Fagan trở về Jamaica nghỉ ngơi, vẫn đinh ninh rằng mình sẽ tiếp tục khoác áo đội chủ sân Lạch Tray ở mùa bóng tiếp theo. Thế nhưng đến ngày trở lại Việt Nam, Fagan được lệnh tới đá cho Quảng Ninh theo dạng cho mượn, đi cùng anh còn có tiền đạo Jermie Lynch và thủ môn Phan Đình Vũ Hải. 

Nhiều năm qua, Mạc Hồng Quân và Nghiêm Xuân Tú đã là những nhân tố quan trọng trong đội hình của Quảng Ninh.

Không ai giải thích lý do vì sao, dù Fagan đang là chân sút chủ lực của đội trong nhiều mùa giải. Tiền đạo này đơn giản được yêu cầu lên đường và rồi đến lúc cần, Hải Phòng và Quảng Ninh cũng đột ngột bắt Fagan về lại đội bóng cũ mà không cần báo trước. 

Tất nhiên, chuyện một đội bóng cho mượn rồi lấy lại cầu thủ sớm hơn dự kiến vì đang gặp khó khăn cũng không phải điều gì quá ghê gớm. Nhưng trên thế giới, chẳng ở đâu có chuyện một đội bóng lọt top 3 sau giai đoạn một, sáng cửa tranh chức vô địch lại đẩy đi cùng lúc 3 trụ cột về đá cho một đội oằn mình chống xuống hạng.

Lý giải cho quyết định này, Chủ tịch Phạm Thanh Hùng của CLB Quảng Ninh cho biết sở dĩ đội cho mượn Nghiêm Xuân Tú, Mạc Hồng Quân và trả lại Fagan là để tạo cơ hội cho các cầu thủ trẻ như Vũ Hồng Quân hay Nguyễn Hữu Khôi được vào sân đá thay đàn anh.

Câu trả lời của ông Hùng dĩ nhiên chẳng những không khiến CĐV Quảng Ninh thấy thỏa đáng mà còn trực tiếp hủy hoại danh tiếng, hình ảnh của bóng đá đất Mỏ sau nửa thập kỷ đầu tư bài bản.

Lấy về Fagan, Hải Phòng cũng rất “nghĩa khí” khi cho Quảng Ninh mượn tiền đạo Claudecir, vốn chỉ biết chạy bộ và… thở trên sân ở phần còn lại của mùa giải. 

CĐV Hải Phòng lâu nay vẫn nói không ngớt về việc họ không ưa đội Quảng Ninh, thậm chí chẳng mấy cảm tình với Nghiêm Xuân Tú, Mạc Hồng Quân nhưng đâu đó phía hậu trường, lãnh đạo hai đội lại bắt tay, chia sẻ “tài nguyên” trên tinh thần… “lá lành đùm lá rách”. 

Fagan cho rằng mình như con rối giữa Hải Phòng và Quảng Ninh.

Không chung cha mẹ nhưng vẫn là “anh em”

Sau trận thua Viettel 0-2 ở vòng 17 mùa trước, HLV Võ Đình Tân của Khánh Hòa đã có phát biểu gây sốc về chuyện xin điểm ở V.League.

"Bóng đá Khánh Hòa từ trước đến nay vẫn vậy. Khi tôi làm việc, dù bất cứ tình huống hay hoàn cảnh nào, cầu thủ vẫn phải thi đấu hết mình, đó là tiêu chí xuyên suốt mùa giải. 

Ở V-League chỉ mình Khánh Hòa làm được điều đó, kể cả thiếu điểm, thừa điểm, chúng tôi vẫn đá hết mình, không xin xỏ một ai cả. Nói thẳng ra là như vậy", HLV Võ Đình Tân giãi bày trong hoàn cảnh đội bóng của ông đang đứng bét bảng và phải vất vả cạnh tranh vé trụ hạng.

Phát ngôn này sau đó liên tiếp vấp phải nhiều phản ứng, trong đó có cả Chủ tịch VPF Trần Anh Tú và các HLV trưởng các CLB khác ở V.League. Tất cả đều có chung quan điểm cho rằng HLV Võ Đình Tân không nên “vơ đũa cả nắm” và ám chỉ kiểu như vậy.

Ông Tân cuối cùng phải lên tiếng đính chính rằng mình không ám chỉ các đội khác, chỉ muốn rằng dù có phải rớt hạng thì Khánh Hòa cũng không xin điểm, còn đội khác ra sao thì mình không biết.

Chủ tịch Trần Mạnh Hùng của CLB Hải Phòng rất giỏi trong việc mượn người.

Tất nhiên chuyện xin điểm mà HLV Võ Đình Tân nhắc đến có tồn tại hay không thì cũng chỉ dừng ở mức tin đồn. Bởi nếu có bằng chứng rõ ràng, đây đã trở thành án dàn xếp kết quả trận đấu và phải bị điều tra. Nhưng ở V.League có một kiểu xin – cho khác dễ nhìn thấy hơn. Ấy là việc, các CLB sẵn sàng hỗ trợ, cử quân đi “biệt phái” nhằm giúp… đối thủ tăng cường sức mạnh.

Như chính Hải Phòng, ở nửa sau V.League 2019, đội bóng này có tới 6 cầu thủ Hoàng Anh Gia Lai trong đội hình gồm Minh Bình, Lê Phạm Thành Long, Hoàng Nam, Thành Đồng, Trung Hiếu và Nguyễn Lam. Cho mượn cầu thủ vốn là chuyện bình thường, nhưng cho một đội khác cùng chơi ở giải VĐQG mượn đến 6 người cùng lúc là chuyện dị thường.

Hay như Quảng Nam, mùa trước đang vất vả lo trụ hạng bỗng được cho mượn Hoàng Vũ Samson từ Hà Nội, dù lúc đó đội bóng thủ đô đang gặp khó ở vị trí tiền đạo (Oseni chấn thương nghỉ hết mùa). Đẩy Samson, Hà Nội đưa về người thay thế là Ibou Kebe nhưng tiền đạo này chơi không mấy ấn tượng. Và đến năm nay, Kebe lại… xuất hiện ở Quảng Nam với hợp đồng ngắn hạn.

Nhiều người ví von, Hà Nội gặp Quảng Nam cũng là derby dù cách xa về mặt địa lý. Hay lại có người ví von, Hải Phòng phải đổi tên thành “Sông Lam Việt Kiều” vì thành phần toàn cầu thủ xứ Nghệ & những anh Tây gốc Việt được Chủ tịch Hùng “bói cá” tìm ra.

Trên băng ghế huấn luyện, vào đầu mùa giải 2018, HLV Ngô Quang Trường bất ngờ rời SLNA và đến Hải Phòng để nhận ghế Giám đốc kỹ thuật. Ban đầu, ai cũng nghĩ chuyện ông Trường ngồi ghế GĐKT chỉ là bước đệm để thay thế HLV Trương Việt Hoàng. Thế nhưng tình thế đó duy trì liền hai mùa giải. 

Đến khi ông Hoàng “boopk” rời Hải Phòng về Viettel thì ông Ngô Quang Trường lên nắm quyền nhưng chưa ấm chỗ, ông Trường bị gọi giật về SLNA với lý do “hết thời gian biệt phái”. Và để bù đắp cho “đối tác” Hải Phòng, SLNA cử Phạm Anh Tuấn, trợ lý lâu năm tại xứ Nghệ ra thành phố hoa phượng đỏ.

Trong một môi trường bóng đá mà các CLB sống dựa vào “bầu sữa” của ông bầu, thậm chí tồn tại hay biến mất theo ý thích của một cá nhân, các CĐV chẳng còn cách nào, ngoài… sống chung và hít thở với nó. 

Ở Tây có giống ở ta?

Chuyện các đội bóng cho mượn cầu thủ của nhau vốn vẫn diễn ra ở khắp nơi trên thế giới. Nhưng tại châu Âu, “mượn người” đang được biến thành một hình thức để lách luật công bằng tài chính. 

Mùa hè 2017, PSG cùng lúc đưa về hai ngôi sao là Neymar và Mbappe. Tuy nhiên PSG chỉ mua Neymar, còn Mbappe thì họ mượn từ Monaco. Nguyên nhân là bởi PSG đã chi ra 222 triệu euro để mua Neymar và họ không thể chi tiếp 180 triệu euro ngay trong năm đó. Nếu tiêu tiền quá tay, PSG rất khó cân đối thu chi, dẫn đến hệ lụy án phạt từ UEFA vì vi phạm luật công bằng tài chính. 

Thế là trong giao kèo cho mượn giữa hai đội được đính kèm điều khoản: PSG phải trả Monaco 180 triệu euro mua đứt Mbappe ngay sau thời điểm năm tài chính 2017 khép lại. Bóng đá châu Âu sau đó còn có nhiều vụ mượn người khác theo kiểu như vậy để lách luật công bằng tài chính. Bayern Munich mượn Philippe Coutinho và Ivan Perisic, Tottenham mượn Giovani Lo Celso, tất cả đều theo dạng cho mượn kèm điều khoản mua đứt.

Thống kê cho thấy, cách đây 10 năm Serie A có 5 thương vụ mượn cầu thủ mỗi mùa, còn mùa 2019-2020 là 35. Đây được xem là hình thức “dùng trước, trả sau” cho các CLB, giúp họ phân chia các khoản chi ra nhằm đảm bảo không bị UEFA tuýt còi vì “chi nhiều hơn thu”. 

Với V.League, các CLB dù không phải lo về luật công bằng tài chính nhưng cũng cần lưu ý, bởi FIFA đang có kế hoạch chỉ cho các đội bóng trong cùng một giải VĐQG mượn tối đa 3 cầu thủ từ cùng một “đối tác”. Điều đó có nghĩa, chuyện một đội mượn tới 6 người của đội khác, trong tương lai, sẽ khó có thể tồn tại.

Đơn Ca
.
.
.