Bóng đá chưa bao giờ đi lạc

Thứ Ba, 19/08/2014, 10:35
"Nếu chẳng phải là Israel thì có lẽ các nước phương Tây đã can thiệp rồi. Việc này không thể cứ tiếp diễn mãi thế. Trẻ em vô tội đang bị tàn sát. Phải dừng lại ngay thôi".

Đó chính là lời chia sẻ của cầu thủ Joey Barton trên trang cá nhân của mình hôm 24/7 vừa rồi. Joey Barton, một cầu thủ tài năng nhưng bị coi là ngỗ nghịch của bóng đá Anh, đã không thể nén lòng mình nổi khi anh chứng kiến những hình ảnh xung đột căng thẳng tại Gaza gần đây. Và bộc bạch của anh đã nhận được rất nhiều những đồng cảm từ những người hâm mộ, những con người bình thường vốn dĩ cũng đang nhìn nhận chuyện giết chóc đây đó trên thế giới là những phi lý không thể nào cứ mãi tồn tại.

Nhưng giữa các ý kiến ủng hộ Barton, tất nhiên cũng sẽ có những ý kiến chỉ trích, đặc biệt là ý kiến của những cầu thủ gốc Do Thái. Điển hình là Yossi Benayoun, tuyển thủ Israel đã có nhiều năm lăn lộn ở Premier League. Lập tức, Benayoun đã lên trang cá nhân của mình công khai chỉ trích Barton với lời lẽ khá nặng nề là "Này Barton, có những điều chẳng bao giờ thay đổi được và một trong những điều đó chính là cậu quá ngu dốt. Cậu sẽ còn ngu dốt đến hết cuộc đời mình. Thật đáng xấu hổ". Cũng như nhiều người Israel khác đang tỏ thái độ không đồng ý ngừng bắn ở Gaza, Benayoun, dưới tấm áo ái quốc, đã coi chuyện xung đột ở Gaza khiến phụ nữ và trẻ em vô tội phải chết là chuyện quá bình thường.

Benayoun (trái) và Barton.

Câu chuyện trên mạng xã hội của hai ngôi sao bóng đá châu Âu ấy khó có thể phân biệt được cái đúng-sai bởi những xung đột ở Gaza vốn dĩ có nguồn gốc sâu xa, phức tạp từ trong lịch sử với những nguyên nhân chồng chéo tổng hòa từ mọi khía cạnh xã hội. Con người mỗi ngày mỗi vay mượn các nguyên nhân ấy để bào chữa thêm cho các hành động bạo lực của mình và càng khiến việc phân định đúng-sai trở nên mơ hồ hơn. Chỉ có một sự thực, một sự thực duy nhất vẫn luôn tồn tại bấy lâu nay. Đó là người vẫn nằm xuống bất chấp những nỗ lực muốn mọi điều phi lý kia phải dừng lại và nó khiến những nỗ lực kia trở nên nhỏ nhoi hơn bao giờ.

Người ta vẫn nghĩ chiến tranh, tôn giáo, tư tưởng, quyền lợi quốc gia v.v... là những thứ thuộc về những chính trị gia nhiều hơn là những mảng màu khác của xã hội như nghệ sỹ, cầu thủ, nhà khoa học… nhưng thực tế, trong bản thể mỗi con người đều có một phần không hề nhỏ luôn quan tâm đến chính trị. Đơn giản, chính trị là thứ ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, đến danh dự cá nhân của mỗi con người.

Chính vì thế, sự bất an trong lòng Barton đã khởi sinh từ chỗ anh nhìn thấy sự lan rộng của bạo lực ở Gaza được cộng hưởng với vụ máy bay MH17 bị bắn rơi. Châu Âu vốn dĩ bình lặng không chiến chinh kể từ sau năm 1945 nhưng trong mắt những người như Barton, những nguy cơ có vẻ hiện hình sau những câu chuyện tang thương vừa diễn ra. Và họ sợ hãi trước nguy cơ ấy. Và họ cảm thương những con người đã là nạn nhân của nguy cơ ấy. Và họ lên tiếng, những tiếng nói dù đơn lẻ, trên những trang cá nhân đơn lẻ của mình.

Trong khi đó, ở chiều khác, Benayoun cảm nhận danh dự cá nhân của một người Israel bị ảnh hưởng nghiêm trọng khi người Israel đang bị coi là những kẻ thủ ác tại Gaza hôm qua, hôm nay và có thể ngày mai. Từ trong vô thức, anh ta bảo vệ dân tộc mình mà bất chấp quan tâm tới sự thật rằng đã có nhiều người Palestine chết bởi chính bàn tay của những người mà anh gọi là đồng bào.

FIFA vốn dĩ không thích bóng đá dính dáng đến chính trị nhưng rõ ràng, họ không thể phủ nhận rằng bóng đá vẫn luôn là một phần của xã hội và nó có liên quan mật thiết đến đời sống chính trị xã hội. Chắc những người điều hành FIFA nghĩ rằng bóng đá là một xã hội riêng, và nó có quyền đi lạc ra ngoài xã hội chung kia như một thực thể đơn lẻ, bất cần, vô nhiễm và vô can. Nhưng họ có lẽ không muốn ai nhắc lại những tác động của bóng đá với xã hội và đời sống chính trị một quốc gia là như thế nào.

Câu chuyện nhiều người Brazil tự sát sau thất bại của Brazil ở World Cup; câu chuyện các bạo loạn tại Brazil sau kỳ World Cup vừa rồi có lẽ đã bị họ bỏ qua. Người Brazil không chỉ tự sát hay tạo nên bạo loạn chỉ vì thất vọng bởi bóng đá mà họ thất vọng bởi xã hội Brazil từ quá lâu rồi, thất bại kia chỉ là giọt nước làm tràn ly mà thôi. Từ đó, sức chịu đựng của họ đã bị thách thức mạnh mẽ mà trong cuộc thách thức đó, họ đã đầu hàng.

Và hơn hết, chính FIFA cũng mạnh miệng tuyên bố rằng chuyện họ chọn Qatar đăng cai World Cup 2022 chính là vì họ muốn mở rộng về thế giới Arab, dùng bóng đá làm nhịp cầu cho sự bắt tay giữa Tây và Đông. Đó là chính trị chứ còn là gì khác nữa đây?

Bóng đá, vì thế, không thể nào đi lạc ra ngoài xã hội chung, như cách mà nhiều người vẫn nghĩ…

Hà Quang Minh
.
.
.