Premier League và Boxing Day

Bóng đá trong "ngày tặng quà"!

Thứ Hai, 12/01/2015, 14:13
Khi toàn châu Âu đã yên lặng đi vào giai đoạn nghỉ đông, chỉ còn lại Premier League vẫn miệt mài thi đấu. Thậm chí, họ chỉ nghỉ ngày Giáng sinh và chỉ 1 ngày sau, bóng đá lại tiếp diễn trong ngày Lễ tặng quà (Boxing day). Bóng đá ở Anh thương mại đến tận cùng, hay đơn giản đó là truyền thống?
1. Câu chuyện về bóng đá ngày cuối năm đã được nhắc đến nhiều ở Anh, nhưng chưa bao giờ có ai tự hỏi rằng tại sao các trận bóng lại cứ diễn ra trong những ngày nghỉ lễ? Lời giải thích đơn giản nhất mà ai cũng có thể đưa ra: Bóng đá Anh là giải đấu có tính thương mại lớn nhất thế giới, họ phục vụ CĐV ở tất cả các thời điểm "đáng tiền" nhất.

Premier League đã phải thi đấu từ buổi trưa để đáp ứng như cầu bản quyền truyền hình ở các thị trường lớn như châu Á, vậy thì đá thêm 1 vòng đấu vào ngày nghỉ lễ thì đâu có gì là nghiêm trọng. Thế nhưng đó chỉ là lời giải thích chưa thực sự thấu đáo và thuyết phục. Thực chất, việc bóng đá Anh thi đấu vào ngày Boxing day còn có những câu chuyện và ý nghĩa khác, vượt ra ngoài khuôn khổ bóng đá.

Theo quan niệm của Thiên chúa giáo, ngày 25/12 là ngày chúa Giáng sinh, và ngày 26/12, tất cả đều chúc mừng điều đó bằng cách tặng quà cho nhau, gọi là ngày Lễ tặng quà (Boxing day). Đó là những ngày lễ quan trọng nhất trong năm, còn hơn cả lễ đón mừng năm mới. Từ hàng trăm năm qua, đó là ngày mà tất cả phải thể hiện tình yêu trước Chúa, bằng cách dẹp bỏ mọi ân oán, bày tỏ tình cảm với nhau. Mọi ranh giới phân cách giai cấp, mọi tầng lớp xã hội đều bị xóa nhòa trong ngày Lễ tặng quà. Đó là lúc, các nhà chủ phải tỏ lòng cảm ơn, tặng quà cho người hầu, người giúp việc… Lâu dần, ngày tặng quà trở thành truyền thống, mọi người đều có thể tặng quà cho nhau để bày tỏ tình cảm của mình, để mọi người được xích lại gần nhau.

Những hình ảnh đặc trưng cho những trận bóng vào ngày Boxing day.

Bóng đá cũng là một phần của sự hàn gắn. Vương quốc Anh được coi là nơi đầu tiên xuất hiện ngày Boxing day, nên họ coi thi đấu bóng đá là thể hiện sự cống hiến, món quà tặng cho các CĐV. Vì thế mà lịch thi đấu ngày Boxing day là chuyện bình thường, và nó thực sự là ngày hội khi các CLB thi đấu cống hiến hơn, nhiệt huyết hơn và cũng tạo ra những trận cầu "điên rồ" hơn. Ví dụ cụ thể là ngày Boxing day năm 1963 đã đánh dấu kỉ lục vô tiền khoáng hậu: 39 trận đấu ở các giải chuyên nghiệp diễn ra trong ngày 26/12 có tới 157 bàn thắng. Riêng 10 trận ở giải Ngoại hạng Anh đã có tới 66 bàn, trong đó đáng chú ý có các trận đấu không thể quên như: Fulham-Ipswich: 10-1; Liverpool-Stoke: 6-1; West Brom-Tottenham: 4-4; Blackpool-Chelsea: 1-5; Burnley-MU: 6-1; West Ham-Blackburn: 2-8… Tỷ lệ bàn thắng trung bình ngày Boxing day là 3,15  bàn/trận, cao hơn 21% so với các trận đấu khác.

Tuy nhiên, việc các trận đấu diễn ra vào ngày 26/12 không chỉ là đam mê, sự phục vụ, niềm vui trong một ngày lễ hội, mà ở đó còn có những ý nghĩa lịch sử đáng trân trọng.

2.Người Anh là những người luôn bị ám ảnh về chiến tranh. Hằng năm, vào thời điểm tháng 10 cho đến cuối năm, Vương quốc Anh luôn có các hoạt động tưởng nhớ về một thời chiến tranh. Bóng đá Anh cũng là giải đấu duy nhất có truyền thống tưởng niệm những nạn nhân của chiến tranh, bằng cách đeo những biểu tượng bông hoa anh túc trên ngực áo. Và cuộc thế chiến thứ nhất cũng là một trong những nguyên nhân cho bóng đá ở Anh luôn diễn ra vào ngày boxing day.

Ngày lịch sử đó là ngày 26/12 cách đây tròn 100 năm, khi cuộc chiến tranh thế giới thứ nhất đang diễn ra rất khốc liệt. Một thỏa thuận ngừng bắn giữa Anh và Đức được thiết lập. Đó được coi là 1 thỏa thuận phi thường ở thời điểm ấy. Thỏa thuận ngừng bắn ngày Giáng sinh và lễ Boxing day khi đó được phía quân đội Anh khởi xướng và phía Đức chấp nhận. Ngày đó, rất nhiều trận đấu bóng đã diễn ra trên mặt trận, trên những khoảng sân trống được giăng đầy dây thép gai, những ụ súng. Thậm chí có 1 trận đấu đặc biệt trên chiến trường giữa binh lính Đức và Anh. Trận đấu đó được đồn đại trong huyền thoại, được coi là biểu trưng của sự nhân văn vẫn còn tồn tại ngay trong lòng cuộc chiến khốc liệt. Họ có thể xả súng trên chiến trường, vì nghĩa cả dân tộc của mình,  nhưng cũng có những ngày súng ống phải được cất đi, nhường chỗ cho sự linh thiêng, để ngày mai sẽ lại là trận chiến mới. Mãi về sau này, người ta mới xác định trận đấu đó là có thật khi được nhiều nhà sử học ở Anh ghi lại. Trận đấu đó binh lính quân đội Đức thắng Anh 3-2.

Các trận đấu của Ngoại hạng Anh luôn hấp dẫn trong ngày boxing day.

Trận đấu đó trở thành sự ám ảnh về chiến tranh, và tồn tại như một truyền thuyết, đến mức về sau này, ở Anh đã tổ chức các trận đấu mang tính kỉ niệm vào ngày 26/12. Bóng đá Anh không chỉ thi đấu ngày Boxing day với ý nghĩa "tặng quà" đơn thuần nữa, mà ở đó còn mang lại niềm vui cho cộng đồng mà còn mang ý nghĩa của ngày Boxing day năm 1914. Thỏa thuận ngừng bắn và trận đấu cách đây đúng 100 năm chính là cảm hứng để Paul McCartney của ban nhạc huyền thoại The Beatles sáng tác bài “Pipes of Peace” năm 1983.

Boxing day luôn là sản phẩm đặc trưng của bóng đá Anh.

Ngày 12/12 vừa qua, tại Vườn tưởng niệm quốc gia của Vương quốc Anh tại Staffordshire đã khánh thành đài tưởng niệm thỏa thuận ngừng bắn năm 1914, với biểu tượng được thiết kế bởi cậu bé 10 tuổi. Buổi lễ có Hoàng tử Wiliam và HLV ĐTQG Anh Roy Hodgson tham dự. Ngay cả UEFA cũng đã quan tâm đến sự kiện ngừng bắn của 100 năm trước và tiết lộ sẽ có một đài tưởng niệm ngày đó cũng như và vai trò của bóng đá trong xã hội và ảnh hưởng tích cực đến chiến tranh tại Ploegsteert (Bỉ), nơi cũng có thỏa thuận ngày bắn năm 1914 và có các trận đấu giữa quân đội Đức và Pháp.

Như vậy, bóng đá ở Anh diễn ra vào ngày Boxing day không chỉ là truyền thống, mà còn mang những ý nghĩa lịch sử sâu sắc. Nó trở thành thói quen không thể tách rời khỏi đời sống xã hội nơi này. Hay nói cách khác, đó là tính nhân văn, là một ngày lễ hội cho toàn xã hội và khơi gợi tình yêu, đam mê, hướng đến một xã hội cống hiến hơn, gần gũi hơn, hòa bình và tốt đẹp hơn.

3.Tuy nhiên, trong một thế giới bóng đá đã bị thương mại hóa ở mức tối đa, giải Ngoại hạng Anh ngày nay cũng bị pha tạp bởi những yếu tố tiền bạc. Người ta cho rằng Ngoại hạng Anh câu khách vào ngày nghỉ lễ, nhất là trong thời điểm này, đây là giải đấu duy nhất thi đấu. Bên cạnh đó, yếu tố đó cũng được ủng hộ từ các phương tiện truyền thông, hay nói đúng hơn là có tác động từ bản quyền truyền hình.

Năm 1997, đã có những cuộc họp để xem xét có nên cho Ngoại hạng Anh nghỉ đông và xóa bỏ thi đấu ngày boxing day (và cả ngày 1/1) hay không. Nhưng cuối cùng gần 90% số phiếu ủng hộ quyết định tiếp tục thi đấu 2 ngày này, trong đó phần lớn là giới truyền thông và các đơn vị có lợi ích trong bản quyền truyền hình. Và thực tế, suốt từ năm 1982 đến nay đánh dấu sự… tăng giá dịch vụ trong ngày Giáng sinh, Boxing day và năm mới. Giá vé và các dụng cụ cổ vũ như áo, khăn, trang phục thi đấu, giày, bóng… tăng cao gần bằng giá năm 2014 (nếu tính cả mất giá, trượt giá của đồng tiền). Và từ đó, các kiểu giá bóng đá ở Anh tăng dần theo thời gian và đến nay trở thành  môn thể thao đắt đỏ nhất thế giới, với giá trị bản quyền cũng như các dịch vụ đi kèm thuộc hàng ngốn nhiều  tiền nhất so với tất cả các bộ môn thể thao khác. Ví dụ bộ trang phục MU năm 1982 giá 13,50 bảng (tương đương 42 bảng ngày nay), còn giá 1 bộ của MU bây giờ cũng chỉ là 38 bảng. 

Như vậy, xen giữa ý nghĩa truyền thống, lịch sử, sự kiện ngừng bắn ngày Boxing day năm 1914, giải Ngoại hạng Anh còn có nhiều ý nghĩa kinh doanh. Dẫu sao thì đó cũng là điều phải có trong giai đoạn mà bóng đá Anh phát triển ở mức cực cao. Và điều quan trọng nhất là các CĐV vẫn chấp nhận, các sân cỏ vẫn ngập tràn sự sôi động trong những ngày nghỉ lễ.

Bóng đá Anh thi đấu ngày Boxing day và cả lễ Giáng sinh

MU và Arsenal là các CLB rất thành công khi thi đấu vào những dịp Boxing day. Đặc biệt là Man Utd, họ luôn chơi cực hay trong ngày Boxing day dù ở bất kì giai đoạn nào, khủng hoảng hay lúc ở đỉnh cao phong độ. Man Utd đã chơi 20 trận vào các dịp Boxing day và đã thắng tới 17 trận, kiếm được 53 điểm (hòa 2 và chỉ thua 1 trận). Arsenal đã chơi 17 trận vào dịp Boxing day và thắng 11 trận, cũng chỉ thua 1 trận (hòa 5), kiếm được 38 điểm. Trong khi đó ĐKVĐ Ngoại hạng Anh là Man City đang đứng trong nhóm đội sổ với chỉ 30 điểm sau 20 trận (đá 20 trận, chỉ thắng 9, hòa 3 và thua 8 trận).

Không chỉ đá vào gày Boxing day, giải Ngoại hạng Anh còn từng thi đấu vào ngày Giáng sinh. Bóng đá Anh từng tổ chức thi đấu toàn bộ 1 vòng đấu vào ngày Giáng sinh năm 1958 với 39 trận đấu diễn ra ở các hạng đấu. Năm 1959 chỉ có 2 trận tổ chức vào ngày Giáng sinh. Trận đấu gần đây nhất thi đấu vào 25/12 là trận Blackpool đánh bại Blackburn 4/2 năm 1965.

Lê Trung
.
.
.