Bóng ma học đường và lỗ hổng của cái nôi khai sinh túc cầu

Thứ Sáu, 01/04/2016, 13:29
Phong độ chói sáng mùa này của Leicester có dấu ấn rất lớn của Jamie Vardy và Danny Drinkwater, những cầu thủ từng bị liệt vào danh sách “hết đát”. Giữa tuần qua, họ đã ra sân trong màu áo ĐT Anh, một giấc mơ trưa đúng nghĩa đen.


Drinkwater chững chạc ở trung tâm hàng tiền vệ trong lần đầu bước ra sân chơi quốc tế. Mãi đến phút 84, HLV Roy Hodgson mới chịu thay anh ra. Người đồng đội Drinkwater ở Leicester ghi 2 bàn trong 2 trận liên tiếp, cả hai đều có những pha lập công quan trọng (ấn định và mở tỷ số), Vardy rõ ràng không phải là hiện tượng một mùa. Anh mang trong mình dòng máu ngôi sao!

Cách đây 3 năm, người ta còn thấy Vardy và Harry Kane - một tài năng khác bị chối bỏ trong quá khứ - ngáp ngắn dài trên băng ghế dự bị ở giải hạng Nhất. Giờ thì hai người họ khuynh đảo Premier League.

Mãi đến năm nay, khi Leicester nổi lên như một hiện tượng, cuộc truy lùng các tài năng tại xứ sương mù mới rộ lên. FA và bộ sậu chợt nhận ra, bao năm qua họ cất công tìm kiếm nhân tài, hóa ra nhân tài lại ở rất gần.

Một vấn đề nghiêm trọng của bóng đá Anh, rằng vì sao giới chức trách không phát hiện Vardy, Kane, Drinkwater sớm hơn? Liệu rằng ngoài kia, còn tài năng ẩn dật nào đang vô tình rơi vào quên lãng không?

Trong quá khứ, họ là ai?

Truyền thông Anh đã khai thác quá nhiều về hành trình tiến tới vũ đài của Vardy. 5 năm trước, anh ta còn đang chơi ở giải hạng 8, rồi sau tiến thêm 3 bậc lên cấp bậc giải đấu hệ bán chuyên. Sau này, được Leicester “bốc” về nhưng Vardy chỉ sắm vai kép phụ. Mùa trước, Vardy cũng không hề nằm trong kế hoạch của Leicester vì tiền đạo chủ lực là Ulloa – bản hợp đồng đắt giá nhất lịch sử CLB.

3 năm trước Kane, Vardy, Drinkwater còn trên băng ghế dự bị Leicester...

Drinkwater khấm khá hơn chút. Là sản phẩm của lò Carrington danh tiếng, mang tiếng lên đội một Man Utd trong 3 năm, nhưng Drinkwater chưa bao giờ có vinh dự khoác lên mình sắc áo đỏ. Anh bị đem cho mượn triền miên, trước khi gia nhập Leicester. Sir Alex từng bảo: “Cậu ấy cố nữa cũng chỉ bằng ngón chân của Paul Scholes”.

Harry Kane hồi tiểu học đá cho đội U11 của Arsenal. HLV Wenger quan sát một lần, rồi rút ra kết luận: “Còi dí thì đá đấm gì”.

Điểm chung của họ là bị ghẻ lạnh trong quá khứ, và bỗng chốc được tung hô như những người hùng thời hiện đại.

Vì sao bị lãng quên?

Telegraph đặt ra một giả thiết: Giá như Vardy, Kane được phát hiện sớm hơn, bóng đá Anh đã vô địch Euro!

Tháng 12/2015, ở phòng hội thảo công viên St George, FA tổ chức diễn đàn với tựa “Truy tìm ký ức”, có sự tham gia của 320 HLV và tuyển trạch viên chịu sự quản lý của liên đoàn. Người chủ trì, Giáo sư Ross Tucker đặt câu hỏi: Tại sao cấp tuyển chọn bóng đá trẻ để lọt rất nhiều ngôi sao lớn? Vì sao Vardy không được phát hiện sớm hơn?

...Bây giờ họ là niềm hy vọng của Tam Sư tại VCK Euro 2016 sắp tới.

Nick Levett, chuyên gia “săn đầu người” của FA cho biết ở độ tuổi từ 12-14, học viên chưa bộc lộ hết tài năng. Nguyên nhân là do mạng lưới trường học dạy đá bóng tại xứ sương mù tiếp tục mở hồ sơ tuyển sinh khổng lồ. Như năm 2014, khoảng 12.500 trẻ em đăng ký nhập học trên 41 cơ sở huấn luyện, trung bình khoảng 304 em/cơ sở.

FA không giới hạn đầu vào, nhưng cực kỳ nghiêm ngặt trong kỳ thi tốt nghiệp. Quota tú tài cho mỗi cơ sở là 11, tương đương tỷ lệ chọi 1/27 – quá khốc liệt với trẻ con. Vả lại, 12-14 tuổi là quãng mới dậy thì của con trai, nhân cách, thể trạng và nhận thức chưa hoàn thiện. Vardy bị loại khỏi trường tài năng Sheffield Wednesday, nơi sức cạnh tranh cao thứ nhì ở Anh (1 chọi 76)

Đấy chính là thói làm việc quan liêu của Greg Dyke và cộng sự. Như ở Đức, có khoảng 68 học viện trẻ, nhưng mỗi học viện chỉ được phép nhận tối đa 82 học viên mỗi năm, và cứ 7 em lại có 1 người được giữ lại sau khi hoàn thành chương trình. Vì thi tuyển đầu vào sát sao nên chất lượng học viên đã cao hơn mặt bằng chung từ đầu, đến cuối chỉ việc chọn ra “những người thực sự nổi bật”.

Hơn nữa, tồn tại một thực tế trên khắp thế giới là chỉ 0,5% số học viên theo học từ năm 9 tuổi trở thành cầu thủ thi đấu ở giải VĐQG sau này và 24% lượng cầu thủ nhí bước ra sân cỏ thế giới nếu bắt đầu tập bóng từ 13 đến 16 tuổi.

Cộng hưởng với môi trường cạnh tranh khốc liệt như đã đề cập dẫn nên mới xuất hiện tình trạng bóng đá Anh bỏ sót rất nhiều tài năng suốt nhiều năm qua. “Ở đâu đó, trên các sân bóng phong trào, đang có một tiền đạo nhạy bén, một trung vệ quyết đoán đủ trình độ khoác áo ĐTQG”, cựu tuyển thủ Gareth Southgate chia sẻ.

Những người như Vardy, Kane hay Drinkwater, Southgate gọi là “bóng ma”.

Định kiến của nhà tuyển dụng

Điều tra xã hội học là một phần không thể thiếu trong quy trình tuyển chọn của các trinh sát viên. Họ cần những số liệu thống kê, từ đó rút ra hiện tượng, hành vi.

Vào tháng Giêng năm nay, Levett khảo sát ngày tháng năm sinh của 8.000 học viên tham gia thi đấu tại hệ thống giải Surrey, dành cho lứa tuổi cấp trung học cơ sở toàn quốc. Ông phát hiện 45% lượng học viên của những cơ sở nổi tiếng nhất như Carringtonv (Man Utd), London Colney (Arsenal), Melwood (Liverpool) chào đời trong ba tháng 9, 10 và 11.

Những người như Vardy được gọi là “bóng ma” - nhóm tài năng bị bỏ rơi và chỉ nổi tiếng khi sắp bước sang bên kia sườn dốc sự nghiệp.

Tuy nhiên, đây chưa phải căn cứ xác định “tài năng” cuối cùng thu được từ những bảng hỏi. 26/57 tuyển thủ Anh từng ra sân hơn 50 trận cấp ĐTQG sinh vào các tháng 3,4,5. Nếu nhìn vào dữ liệu mà Premier League cung cấp, 1/3 số cầu thủ Anh đã và đang chơi bóng ở Premier League sinh từ tháng 6 đến tháng 8.

Một đặc tính của người Anh nói chung là lòng tin vào các con số. 1/4 dân số vương quốc Anh sinh vào quý cuối cùng trong năm là tầng lớp có thu nhập bình quân cao nhất toàn quốc, khoảng 100.000 bảng/tháng.

Giới tuyển dụng tại đây cũng mang nặng tư tưởng ấy. Giữa mê cung ma trận số má, họ ưu tiên những thống kê đã được công bố. Levett là người tiến cử Oxlade-Chamberlain cho Southampton, vì tiền vệ này sinh ngày 15/8.

Tuy nhiên, Levett đã thừa nhận sai lầm. Chamberlain càng đá càng… xuống chân, và đang đứng trước nguy cơ bị rao bán vào kỳ chuyển nhượng hè. Chính Levett thổ lộ, ông sàng lọc học viên dựa theo tiêu chí năm sinh.

25 năm trước, ngày mới về tiếp quản phòng tuyển sinh của Nottingham Forest, Levett đã bỏ qua Stan Collymore – người sau này gia nhập Liverpool và từng phục vụ ĐTQG – vì Collymore sinh vào tháng 1. “Cũng may là cậu ấy đã tìm được chỗ đứng. Dù không quá xuất sắc, nhưng 11 năm thi đấu đỉnh cao của Collymore đã đọng lại ít nhiều dấu ấn”, Levett nói. Ông tin rằng, nếu ngày ấy kiên nhẫn hơn với Collymore, có thể tiền đạo to béo đã vươn đến những đỉnh cao chói lóa hơn.

Một nghịch lý nữa bắt nguồn từ những con số: Thống kê nào có chỉ số cao hơn thì đáng tin hơn! Harry Kane sinh vào tháng 7, nghĩa là không nằm trong nhóm 45% học viên của các học viện danh giá. Nhưng kỳ thực, anh lại thuộc phần đa đang thi đấu đỉnh cao so với những người sinh vào các tháng 6,7,8!

Trò đùa của những cậu ấm

Dân Ăng-lê nổi tiếng là cao sang quyền quý, thước đo thành công trong xã hội là những tấm bằng đại học danh giá và công ăn việc làm ổn định. Mourinho hồi năm 2014 phải nhờ cậu học trò Hazard sang gia sư môn tiếng Pháp cho con gái vì kỳ thi đầu vào Trường Đại học Imperial, chuyên ngành… cơ khí yêu cầu “giỏi tiếng Pháp”. “Tôi không hiểu, Anh sản xuất ôtô tốt hơn Pháp thì sao kỹ sư phải học tiếng Pháp?”, Mourinho nói.

Ở hoàn cảnh tương tự, bóng đá nơi đây cũng vậy. Harry Redknapp phàn nàn, không nhiều cầu thủ trẻ Anh thực sự nghiêm túc với nghề nghiệp. Phải đến năm 14 hoặc 15 tuổi, sau khi lấy bằng dự bị đại học, những sao mai mới tu chí luyện tập. Theo Redknapp, tuyệt đại đa số trẻ em dù đã đăng ký vào học viện chuyên nghiệp nhưng không học nội trú ở trường, thay vào đó đi học văn hóa cả ngày và đến tối khuya mới vác giày đến sân. Mỗi ngày 2,3 tiếng, một năm dao động trên dưới 700 tiếng, tức là mười năm giờ tập của cầu thủ trẻ mới là 7.000, còn thiếu 3.000 đơn vị so với quy chuẩn “10.000 giờ” – tiêu chuẩn bắt buộc với các học viên nhí tại Đức, Tây Ban Nha, Italia phải hoàn thành trong 5 năm.

“Họ giàu có, học thức cao nên thờ ơ, vô trách nhiệm với bóng đá. Những người như Vardy lại bị bỏ rơi”, Redknapp ngán ngẩm. 

Lại là câu chuyện "tiền"!

Trong rất nhiều lý do dẫn đến việc bóng đá Anh “ngó lơ” hàng loạt tài năng lớn, Redknapp đề cập tới chất lượng đào tạo ở cơ sở bản địa. Các CLB lớn tập trung bành trướng hình ảnh, mở ra những học viện toàn cầu. Riêng Arsenal đã có 32 cơ sở đào tạo trẻ mang thương hiệu JMG khắp thế giới, trong đó có học viện HAGL tại Việt Nam.

Những ông lớn như Arsenal cử nhân viên sang truyền giáo tại các quốc gia khác, thiết lập mối quan hệ kinh doanh để đặt pa-nô quảng cáo chạy dọc đường pitch SVĐ, kích giá trị cổ phiếu trên sàn chứng khoán và trở thành những siêu cường kinh tế đội lốt CLB bóng đá.

Vì vậy, công tác huấn luyện ở quê nhà cũng không được chú trọng. Sau Ashley Cole, Arsenal chỉ giới thiệu thêm hai gương mặt khác cho đội một là Jack Wilshere và Kieran Gibbs hơn 10 năm qua.  

Đơn Ca
.
.
.