Bóng đá châu Âu mùa chuyển nhượng:

Bóng ma phía sau những hợp đồng

Thứ Hai, 25/08/2014, 14:30
1. Doanh thu của một CLB phụ thuộc rất nhiều vào chuyển nhượng, nhưng khác với 1 thập kỉ trước, chuyển nhượng cầu thủ thời điểm này phức tạp và có chi phí cao hơn trước rất nhiều.

Ngoài lí do phá giá của các CLB lớn, với những tập đoàn kinh tế, những nhà tài phiệt khổng lồ đứng phía sau, một phần lớn nguyên nhân còn đến từ vai trò của bên thứ 3. Nói nôm na, đây là một tổ chức ngoài bóng đá sở hữu một cầu thủ, và nếu như đội bóng thực hiện bản hợp đồng chuyển nhượng sẽ phải kí 2 hợp đồng với CLB chủ quản và tổ chức sở hữu cầu thủ. Đây là cách sở hữu cầu thủ ngày càng phổ biến trong vài năm trở lại đây, chủ yếu nằm ở các ngôi sao Nam Mỹ.

Sở dĩ có hiện tượng này bởi ở Nam Mỹ, hoạt động của các tổ chức ngầm rất mạnh, có ảnh hưởng lớn đến xã hội và bủa vây cả bóng đá. Ở đây, các CLB rất dễ rơi vào cảnh phá sản hoặc hạn chế kinh doanh. Khi đó, các tập đoàn sẽ nhảy vào mua lại các cầu thủ tài năng, cổ phần CLB để sở hữu cầu thủ, trả tiền đào tạo, chi phí sinh hoạt, lương bổng. Đổi lại, họ nhận được 100% hoặc một tỷ lệ tương ứng giá trị thị trường của cầu thủ này. Ví dụ, các cầu thủ đắt giá như Falcao (Monaco), James Rodriguez (Real Madrid), Lucas Moura (PSG)… đều có sở hữu từ bên thứ ba khi tiến hành các thủ tục chuyển nhượng.

Một nghiên cứu của Hiệp hội các CLB châu Âu đã được công bố các đây 2 tháng, với dự án nghiên cứu về vai trò và vị trí của TPO (viết tắt của bên sở hữu thứ 3: Third-Party Ownership) dưới sự hỗ trợ của Tập đoàn kế toán KPMG. Nó đưa ra các dữ liệu khẳng định rằng, giá trị chuyển nhượng của bóng đá châu Âu bị khống chế mạnh từ bên thứ ba, với những thông số thú vị về hoạt động của các tổ chức này.

Trên khắp châu Âu, cứ 100 cầu thủ thì có khoảng 5 đến 7 người thuộc dạng sở hữu của bên thứ ba. Tỷ lệ này đang tăng dần trong 5 năm qua, và đặc biệt bùng nổ cùng với trào lưu cầu thủ Nam Mỹ được "nhập khẩu" đến đây. Vì thế, ở một số giải đấu, con số này còn cao hơn thực tế rất nhiều. KPMG đã rà soát lại hoạt động kinh doanh của các CLB Bồ Đào Nha và phát hiện ra thực tế kinh hoàng rằng: TPO là điều cực phổ biến với giá trị sở hữu của bên thứ ba chiếm khoảng từ 27 đến 36% thị trường cầu thủ trong giải VĐQG Bồ Đào Nha. Đặc biệt nhất là trường hợp của FC Porto, nhà vô địch châu Âu năm 2004.

Mùa giải năm ngoái, Porto có tới 20 cầu thủ có sở hữu của bên thứ ba, trong đó có tới 7 cầu thủ có 100% giá trị thuộc bên thứ ba, gồm: Danilo, J.Martinez, A.Sandro, Otamendi, H.Quinones, Caballero và Maicon. Tất cả các cầu thủ này đều có quốc tịch Nam Mỹ. 13 cầu thủ khác đều có sở hữu từ 40% trở lên. Và kết cục là hợp đồng của Porto với 20 cầu thủ này có trung bình 74,5% giá trị thuộc bên thứ ba.

2. Đến đây, vai trò của TPO mới thực sự trở thành một vấn đề khiến bóng đá trở nên phức tạp. Thậm chí, đó là thách thức đối với những cuộc chuyển nhượng và khiến nó trở thành một hoạt động kinh tế đầy mánh lới.

Neymar, thương vụ làm chao đảo Barca.

Năm 2006, một vụ chuyển nhượng đình đám đã tạo ra bước ngoặt trong hệ thống chuyển nhượng. Đó là vụ West Ham mua bộ đôi Carlos Tevez và Javier Mascherano từ CLB Corinthians của Brazil. Sau khi cuộc mua bán xong xuôi, LĐBĐ Anh mới phát hiện sở hữu Tevez và Mascherano có bên thứ ba. Tức là West Ham không chỉ mua bán với Corinthians mà còn phải trả một số tiền lớn cho công ty sở hữu hai cầu thủ này.

Ngay lập tức, Chủ tịch Hiệp hội Bóng đá Anh đã phản ứng: "Đây không phải là thương vụ bóng đá hay hoạt động thương mại nữa, mà là kinh doanh con người". Ngoài ra, hệ thống sở hữu cầu thủ còn có sự góp mặt của những siêu cò, trong đó ví dụ điển hình là Zahavi, người từng lũng đoạn thị trường chuyển nhượng với quyền sở hữu, đại diện của rất nhiều cầu thủ lớn.

Với sự phức tạp này, bóng đá Anh lập tức ra quy định không chấp nhận chuyển nhượng cầu thủ có sở hữu của bên thứ ba. Nhưng về phía các siêu cò thì việc chuyển nhượng một cầu thủ như vậy dễ dàng hơn, bởi khi kí hợp đồng, CLB sẽ chỉ phải mua với giá vừa phải, khi chính số tiền ấy là bản cam kết để chia sẻ rủi ro với đối tác trong thương vụ này. Hình thức sở hữu này đã tạo ra một mạng lưới tập đoàn, công ty có quyền năng gây ra áp lực trong hoạt động thương mại của một CLB bóng đá. Và đương nhiên, nó mở ra một dòng tiền đầu tư vào cầu thủ, gây ra sự thật rằng, bóng đá không còn thuộc về chính nó.

Mô hình này nở rộ ở Nam Mỹ, nhưng thực tế nó lại xuất phát từ… châu Âu. Nghe qua rất vô lí, nhưng thực chất nó chỉ khác nhau về mặt thể hiện. Ở châu Âu, một đội bóng không thể mua những cầu thủ có giá hàng chục triệu euro. Họ cũng không thể bỏ ra tới trên 100 triệu euro để mua về những món hàng ưng ý.

Khi đó, họ phải đến các ngân hàng vay tiền. Thậm chí, có những ngân hàng cho vay với mức lãi suất ưu đãi bằng 0. Khi đó, chính các ngân hàng đã sở hữu cầu thủ và đội bóng ấy, còn CLB chỉ là người sử dụng. Vì thế mới có chuyện, các CLB dù làm ăn có lãi, nhưng vụ chuyển nhượng đã khiến họ mắc những khoản nợ ngân hàng lên đến hàng trăm triệu euro.

Tevez và Mascherano đến West Ham, thương vụ làm thay đổi hệ thống chuyển nhượng tại Anh.

Ngay ở giải Ngoại hạng Anh, số nợ của các CLB đã đạt tới trên 2 tỷ euro. Khi đó, sự rủi ro với một CLB sẽ cực cao nhưng lại được bảo lãnh bởi ngân hàng, khả năng kinh doanh từ những cầu thủ được mua về, và sự đảm bảo về mặt thương hiệu đội bóng. Và sau đó là hàng loạt hệ quả khác, như sự phân hóa, mất cân bằng ở các giải đấu.

Sự phân hóa này theo thời gian trở nên sâu sắc và nó tạo ra hiệu ứng bong bóng cho kinh tế bóng đá quốc gia. Nhà kinh tế học Adam Smith của Anh chứng minh và xác định rằng, tài chính bóng đá hoàn toàn không phản ánh cán cân kinh tế thực chất của đất nước đó.

Ví dụ như Bồ Đào Nha có số lượng tăng trưởng về tài chính bóng đá 10% so với Đức. Đó là điều hoàn toàn phi logic. Tiếp đó, nó dẫn đến các hệ quả về nợ công… Và chính những nền bóng đá có sự can thiệp của những "bên thứ 3" thường nằm ở các quốc gia có sự bất ổn về kinh tế như Hy Lạp, Ireland, hoặc những nền kinh tế đang gặp rắc rối về ngân hàng như Tây Ban Nha.

3. Ngoài lí do "vĩ mô" kể trên, việc xuất hiện TPO cũng là một mối nguy hại bên cạnh những "tiện ích" mà nó tạo ra. Trở lại với thương vụ Tevez và Mascherano năm 2006, họ được West Ham mua từ Corinthians, giá trị được giấu kín. Nhưng sau đó, xuất hiện bên thứ 3 sở hữu Tevez là Media Sport Investments (MSI). Tiếp đó là bên thứ tư: Just Sports Inc. Còn Mascherano cũng thuộc sở hữu của Media Sports Investment, và một phần thuộc về Tập đoàn Global Soccer Agencies và Mystere Services Ltd.

Điều bất thường là các công ty này đều được đại diện bởi một nhân vật: Kia Joorabchian và thỏa thuận môi giới với MSI. Những hoạt động tài chính mập mờ khiến nó bị cho là bất hợp pháp. Lập tức West Ham bị phạt khoản tiền kỉ lục lên đến 5,5 triệu bảng. Tuy nhiên, Tevez vẫn được thi đấu và sau đó chuyển tới Man Utd, Man City, còn Mascherano tới Liverpool

Bản danh sách sở hữu của 20 cầu thủ Porto.

Phía sau những hợp đồng chuyển nhượng này tiếp tục có rắc rối. Và đó là lúc Joorabchian tuyên bố sở hữu chủ quyền của nhiều cầu thủ tại giải Ngoại hạng Anh. Thậm chí, một vụ scandal nổ ra khi nhiều CLB đã che giấu quyền sở hữu của bên thứ 3. Như vậy, số tiền chảy vào các TPO hoàn toàn biến mất khỏi bàn đàm phán. Khi đó, những thương vụ kinh tế này trở thành những hoạt động bất hợp pháp, và tạo ra ảnh hưởng tồi tệ đến nền kinh tế. Nhưng điều đáng ngại hơn là nó trở thành một yếu tố đe dọa sự tồn vong của các CLB.

Khi những đại diện cầu thủ trở thành những tay "buôn" khét tiếng, làm giàu trên mồ hôi cầu thủ và tiền bạc của các CLB, họ trở thành đại diện của "mafia". Và thực tế, đã có những điều tra cho rằng, TPO hay sự xuất hiện của bên thứ 3 sở hữu cầu thủ chính là một hình thái mafia đang trà trộn vào bóng đá. Và nó thực sự tạo ra một mảng tối nữa phía sau trái bóng và những hoạt động kinh doanh bóng đá. Đến đây, câu chuyện mới bắt đầu, với một chương mới, những nghiên cứu mới và những sự xuất hiện của hàng loạt tổ chức, cá nhân liên quan, khống chế, tạo ảnh hưởng đến chuyện chuyển nhượng cầu thủ…

Hay nói nôm na, đó là một hệ thống "mafia" kinh doanh bóng đá lấy chủ thể là CLB và cầu thủ dựa trên những hoạt động chuyển nhượng và sở hữu…

Giải Ngoại hạng Anh cấm TPO

Sau những rắc rối và cáo buộc phạm pháp trong vụ chuyển nhượng Tevez và Mascherano, LĐBĐ Anh (FA) ra lệnh cấm quyền sở hữu bên thứ ba vào năm 2008. Sở dĩ FA cấm và coi đó là phạm pháp bởi sự không minh bạch về tài chính. Ví dụ, năm 2007, Man Utd mua tiền vệ người Brazil, Anderson, từ Porto, họ phải trả 4 triệu bảng cho người môi giới Jorge Mendes, số tiền được gọi là "trả cho chi phí Mendes đã đầu tư 20% cho số tiền 3,75 triệu bảng để mua cầu thủ này từ CLB Gremio vào năm 2006". Con số 4 triệu bảng này được coi là lấy lại 20% vốn đã đầu tư. Năm 2008 là trường hợp của tiền đạo ĐTQG Brazil, Jo. Khi đến Man City từ CSKA Moscow, thương vụ bị phanh phui có một khoản tiền được chuyển cho MSI, tập đoàn sở hữu Jo năm 2006. Tiếp đó, MSI và Joorabchian bị phanh phui đang sở hưu trên 70 cầu thủ khắp châu Âu, trong đó có những tên tuổi rất nổi tiếng như Kaka, Ramires, Deco, Bosingwa, Maicon, Carvalho. Từ tháng 12 năm 2010 đến tháng 1 năm 2011, Tập đoàn Teisa mua 5% quyền sở hữu Neymar, 20% quyền sở hữu Elano. Và vì thế mới có scandal chuyển nhượng cuối năm 2013 khiến Chủ tịch Barca (mua Neymar), ông Sandro Rosell phải từ chức và đối diện tòa án vì nghi án tham ô.

Lê Giang
.
.
.