Bóng rổ Việt Nam và 11 năm bước ra từ bóng tối

Thứ Tư, 21/10/2020, 07:50
Hơn một thập niên trước, những người yêu thích bóng rổ tại Việt Nam hẳn sẽ không bao giờ nghĩ tới một giải bóng rổ chuyên nghiệp trên dải đất hình chữ S.


Nhưng kể từ đó đến nay, bóng rổ Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ ngoài sức tưởng tượng với quy mô hoành tráng và quy tụ không ít anh tài. Đâu là nguyên nhân đến từ sự chuyển mình đó?

Thoát cái nôi bao cấp

Tương tự bóng đá, bóng rổ được du nhập vào Việt Nam từ thời kỳ Pháp thuộc. Nhưng trong khi môn thể thao vua ngày càng lớn mạnh theo thời gian và quy tụ số người hâm mộ khổng lồ, bóng rổ Việt Nam vẫn phải chật vật tìm chỗ đứng suốt một thời gian dài. Thành lập vào năm 1992, dù đã là thành viên chính thức của Liên đoàn Bóng rổ quốc tế nhưng Liên đoàn Bóng rổ Việt Nam luôn gặp khó khăn trong việc phát triển bộ môn này ở trong nước.

Việc tiếp tục gắn bó với mô hình bao cấp, kinh phí hoạt động hoàn toàn phụ thuộc vào ngân sách nhà nước là nguyên nhân chính khiến bóng rổ Việt Nam giậm chân tại chỗ suốt vài thập niên. Mọi chuyện ngày càng tệ đi trước thềm SEA Games 23 (2005) khi môn thể thao này bị nước chủ nhà loại ra khỏi danh sách các môn thi đấu chính thức, Tổng cục Thể dục - Thể thao quyết định ngừng cấp ngân sách khiến mọi hoạt động của Liên đoàn Bóng rổ bị tê liệt.

Bóng rổ Việt Nam từng bị lãng quên trong nhiều năm trước khi bước ra ánh sáng.

2 năm kể từ ngày vắng bóng ở SEA Games, bóng rổ trở lại danh sách nhưng đầu tư cho môn thể thao này ở Việt Nam vẫn là con số không. Xuất phát điểm quá thấp so với các nước trong khu vực, chi phí đầu tư hạ tầng cơ sở tốn kém, cùng khả năng tranh chấp huy chương gần như không có là những lý do chính khiến bóng rổ Việt Nam tiếp tục bị bỏ quên. Những người chơi trái bóng cam hẳn không khỏi chạnh lòng khi thấy những môn thể thao khác được đầu tư rầm rộ.

Ít ai biết bóng rổ Việt Nam từng có giai đoạn 11 năm liên tiếp "ba không": Không tập trung đội tuyển quốc gia, không tập huấn trước thềm các giải đấu lớn, không đầu tư trọng điểm. Hậu quả là các địa phương dần rút bóng rổ khỏi danh sách các môn thể thao cần phát triển, qua đó giải bóng rổ Vô địch quốc gia hàng năm chỉ còn đúng 3 đội: TP Hồ Chí Minh, Phú Thọ và Quảng Ninh. Điều đó cũng có nghĩa dù tệ đến mấy thì những đoàn dự giải cũng có huy chương mang về.

Bóng rổ Việt Nam hẳn sẽ tiếp tục sống trong bóng tối nếu như không có cú hích mang tên Saigon Heat. Dưới sự đầu tư bài bản theo mô hình một CLB thuộc giải bóng rổ nhà nghề Mỹ (NBA), Saigon Heat đã cho thấy bóng rổ Việt Nam hoàn toàn có khả năng cạnh tranh với các nước trong khu vực. Thành công của Saigon Heat đã giúp những nhà quản lý quyết định mở cửa, xã hội hóa môn thể thao này. Đó chính là tiền đề cho giải bóng rổ nhà nghề Việt Nam (VBA).

VBA chính là động lực để bóng rổ Việt Nam phát triển theo mô hình xã hội hóa.

5 năm cất cánh

Chứng kiến lễ khai mạc công phu với nhiều cung bậc cảm xúc của VBA 2020, thật khó để mọi người tin giải đấu này mới có lịch sử 5 năm hình thành và phát triển. Hoành tráng, long trọng nhưng cũng không kém phần xúc động, lễ khai mạc VBA 2020 khiến chúng ta liên tưởng đến một đại hội thể thao thu nhỏ, nhất là khi Quốc ca Việt Nam được xướng lên bởi dàn đồng ca nhí tại Nhà thi đấu VBA thuộc Quận 12. Nó cho thấy phần nào nguyện vọng của những nhà tổ chức nhằm hướng đến một giải đấu hay và cống hiến.

Nếu xét về mặt tiền bạc, ông chủ của những đội bóng tại VBA không hề thua kém các đại gia ở V.League. Nhưng thay vì đổ tiền ồ ạt để chiêu binh mãi mã, mua sắm ngoại binh, thậm chí giành giật cầu thủ của các đội khác, họ lại cùng bắt tay trên tinh thần fair-play. Bằng chứng là đội bóng rổ mạnh nhất Việt Nam, Saigon Heat, mới chỉ một lần giành chức vô địch vào năm ngoái. Lý do bởi đội hình tranh tài ở VBA của họ chỉ là đội hình 2, còn đội 1 đem đi đánh giải quốc tế.

Việc mua lại nguyên mẫu sơ đồ tổ chức và vận hành của NBA giúp bóng rổ Việt Nam càng tiến đến gần với hình mẫu chuyên nghiệp hơn với vô vàn điều lệ khắt khe. Những cầu thủ trẻ tiềm năng nhất được các đội công nhận sẽ quy tụ tại vòng lựa chọn (draft). Các CLB nắm đằng chuôi trong việc ký hợp đồng theo thứ tự đặc biệt: Đội đứng thấp nhất ở giải VBA năm ngoái sẽ được ưu tiên chọn cầu thủ tốt trước những đội khác. Điều này giúp đảm bảo công bằng cho các CLB, và họ sẽ không phải dùng tiền tranh giành cầu thủ.

"Chúng tôi đủ tiền để chiêu mộ ngoại binh hoặc cầu thủ Việt kiều với những bản hợp đồng tiền tỷ, nhưng điều đó liệu có giúp bóng rổ Việt Nam tiến bộ hay không?", ông Nathan Nguyễn, chủ CLB CanTho Catfish giãi bày. Bên cạnh việc cống hiến những trận đấu đẹp mắt, những ông bầu thuộc VBA còn muốn cầu thủ Việt Nam nâng cao trình độ và vươn tầm quốc tế. Với nguyện vọng ấy, theo thời gian, VBA ngày càng giới hạn khắt khe về số lượng ngoại binh và Việt kiều mà mỗi CLB được đăng ký.

Bóng rổ nữ Việt Nam có tiềm năng phát triển nhưng chưa được đầu tư đúng mức.

Tiền và tình

Để tránh tình trạng chạy đua tiền bạc, VBA giới hạn trần quỹ lương mỗi CLB chỉ ở mức 225 triệu đồng/tháng. Trần quỹ lương của VBA trên thực tế không hề tăng lên theo thời gian, thậm chí còn giảm nhiều so với trước kia (250 triệu đồng) vì các CLB phải cắt đi 1 suất Việt kiều. Nhưng điều đó không có nghĩa thu nhập của cầu thủ bóng rổ giảm sút. Ngược lại, cầu thủ nội binh và Việt kiều bây giờ có thể yên tâm về mặt tiền bạc để sống cùng đam mê.

Trung bình mỗi cầu thủ Việt ở VBA nhận lương khoảng 20-30 triệu đồng/tháng tùy vào trình độ. Số tiền này có thể được tăng gấp đôi nếu họ đồng ý ký vào bản hợp đồng khai thác bản quyền hình ảnh với mục đích thương mại. VBA cũng đảm bảo lộ trình tăng lương cho cầu thủ nội vào khoảng 10% mỗi năm, từ đó giúp những bạn trẻ yêu thích trái bóng cam nghiêm túc cân nhắc với con đường lên chuyên nghiệp trong tương lai gần.

Nếu so sánh với bóng đá, có thể thấy thu nhập của cầu thủ bóng rổ Việt Nam không hề thua kém chút nào, thậm chí còn có phần hơn. Những cầu thủ trẻ thuộc lò đào tạo của CLB cũng được đảm bảo mức ăn tập vào khoảng 7-8 triệu đồng/ tháng. Sau mỗi buổi tập ở CLB họ có thể nhận dạy bóng rổ bên ngoài để kiếm thêm thu nhập, cũng là một cách để nâng cao kỹ năng và tìm ra những tài năng có triển vọng khác.

Thu nhập tốt và môi trường chuyên nghiệp là một trong những điều kiện giúp bóng rổ Việt Nam ngày càng quy tụ nhiều người con xa xứ trở về quê hương. Các đại gia công nghiệp cũng để mắt tới VBA thay vì những môn thể thao khác khi nuôi ý định lấn sân. Không chỉ dừng ở những tấm huy chương tại SEA Games vừa qua, bóng rổ Việt Nam chắc chắn sẽ còn tiến xa với mô hình mới.

Hướng phát triển mới và những vấn đề

Sau khi VBA đạt được thành công nhất định trong thời gian đầu, những nhà tổ chức tiếp tục chuyên nghiệp hóa bằng việc thành lập học viện đào tạo bóng rổ. Họ sẽ hướng đến việc nội địa hóa các cầu thủ thay vì ồ ạt ký hợp đồng hoặc nhập tịch ngoại binh để thi đấu cho ĐTQG như nhiều nước khác đang làm. Sau Saigon Heat và HoChiMinh City Wings, Thanglong Warriors trở thành đội bóng tiếp theo thành lập học viện để đôn cầu thủ trẻ lên chơi tại VBA.

Không thể phủ nhận đóng góp của những doanh nhân có tâm, có tầm cho VBA, nhưng số người chịu đổ tiền vào môn thể thao này vẫn còn quá ít. Việc mở rộng quy mô VBA với số đội tham dự, cũng như hệ thống giải hạng dưới là việc tất yếu phải diễn ra theo tiến trình phát triển nhưng điều này đang vấp phải không ít khó khăn. Không phải đơn vị nào, doanh nghiệp nào cũng sẵn sàng đầu tư vào bóng rổ như bóng chuyền hay bóng đá.

Hiện tại VBA 2020 mới có 7 đội tham dự và không có các giải đấu hạng dưới. Mức đầu tư dành cho một đội tại VBA dù không nhiều như bóng đá nhưng cũng ở mức 5 tỷ đồng/năm, qua đó trở thành rào cản lớn cho những địa phương có truyền thống về bóng rổ như Quảng Ninh, Yên Bái nuôi tham vọng lấn sân. Về mặt lâu dài, đây sẽ là việc ngăn cản bóng rổ Việt Nam phát triển khi các cầu thủ trẻ không có nhiều cơ hội cọ xát và trau dồi khả năng thông qua việc thi đấu liên tục.

Một vấn đề nữa của bóng rổ Việt Nam thời điểm này là chúng ta mới chỉ quan tâm đến phát triển bóng rổ nam mà quên mất phái nữ. Tiềm năng của cầu thủ nữ Việt Nam thực tế không hề thua kém các nước trong khu vực, bằng chứng là đội tuyển trẻ của chúng ta từng giành HCĐ giải vô địch Đông Nam Á 2004. Tuy nhiên kể từ đó đến nay, bóng rổ nữ vẫn giậm chân tại chỗ mà không có khoản đầu tư nào đáng kể. Giải bóng rổ VĐQG nữ năm ngoái chỉ có 4 đội tham dự: Hà Nội, TP HCM, Quảng Ninh và Cần Thơ.

Đơn Ca
.
.
.