CLB Hà Nội có thể “chuyển hộ khẩu” vào sân Thống Nhất?

Thứ Năm, 10/03/2016, 08:25
Cùng với Hà Nội, Sài Gòn là địa phương bóng đá giàu truyền thống với nhiều cái tên để thương để nhớ trong lòng người như Cảng Sài Gòn, Hải quan, Công an TP Hồ Chí Minh. Thế nhưng, khi bóng đá bao cấp chuyển sang bóng đá chuyên nghiệp thì bóng đá Sài Gòn cứ hoang mang, bập bõm, thiếu hụt thế nào. 


Và bây giờ, khi mảnh đất bóng đá này không còn bất cứ CLB nào tham gia V.League thì rất có thể nó sẽ được "cứu rỗi" bằng việc CLB Hà Nội - một CLB của Hà Nội bỗng nhiên muốn chuyển hộ khẩu vào Nam, trở thành một đội bóng của Sài Gòn. Những người Sài Gòn yêu bóng đá đích thực nên vui hay buồn với một thông tin như thế?

Khi những cái tên truyền thống của bóng đá Sài Gòn cứ lần lượt tan rã thì vẫn còn đó những quyết tâm gìn giữ thương hiệu và giá trị của bóng đá Sài Gòn thứ thiệt. Điển hình như việc Cảng Sài Gòn mất tên thì người ta đã làm mọi cách, huy động mọi nguồn lực để duy trì hồn vía của nó dưới cái tên mới Thép Miền Nam - Cảng Sài Gòn.

Một cái tên mới với sự vào cuộc của một doanh nghiệp mới vừa giúp CLB có thể sống ổn trong thời đại bóng đá doanh nghiệp, bóng đá kim tiền lại vừa có thể hy vọng gìn giữ được cái hồn xưa. Thực tế thì ở những năm 2007, 2008, dưới sự dẫn dắt của một thần tượng bóng đá Sài Gòn là Lư Đình Tuấn (người vẫn được biết đến với cái tên Tuấn "nhím"), cũng có những thời điểm Thép - Cảng thi đấu thăng hoa, và người Sài Gòn vẫn tin yêu đội bóng ấy như tin yêu một Cảng Sài Gòn chính hiệu ngày nào. Nhưng cùng với thời gian, đến cứng như "thép" cũng phải tan dần, và Thép - Cảng bị khai tử trong sự tiếc nuối khôn nguôi của những fan hâm mộ bóng đá miền Nam.

Mất Thép - Cảng, đội bóng cuối cùng còn sót lại cái hồn vía của bóng đá Sài Gòn đích thực, những nhà lãnh đạo bóng đá thành phố vẫn quyết tâm duy trì ít nhất một cái tên ở đấu trường hạng Nhất và V.League, và đấy là lý do khiến người ta dễ dàng chấp nhận những cuộc hôn phối với những đối tác vốn có tiền, có lực nhưng lại đang thiếu một chỗ đứng, một địa bàn.

Thế mới có chuyện cả một lò đào tạo cầu thủ mang tên VST của anh em Văn Sỹ Hùng - Văn Sỹ Thuỷ được "bốc" vào đây để vội vàng khai sinh ra một CLB mang tên Sài Gòn United. Nhưng sau một thời gian ngắn ngủi hoạt đồng, Sài Gòn United cũng tan giã, để lại hàng loạt những ồn ĩ quanh việc bất đồng với cách thức tổ chức, điều hành giải đấu của VFF, thậm chí có lúc còn mời luật sư vào cuộc, tính chuyện kiện VFF lên CAS (Toà án trọng tài thể thao quốc tế).

Cầu thủ CLB Hà Nội (phải) bất ngờ với quyết định chuyển địa bàn hoạt động của lãnh đạo.

Sau này thì bóng đá Sài Gòn còn có những cái tên mới như Navibank Sài Gòn rồi Sài Gòn Xuân Thành. Đội đầu tiên thực chất là đội Quân khu 4 có địa bàn ở Vinh, nhưng khi Quân khu 4 không có điều kiện huy động kinh phí hoạt động ở V.League thì người ta đã vội vã vào cuộc, mang nó về Sài Gòn, và đổ vào nó cả một đống tiền tươi thóc thật. Đội bóng thứ hai lại có nguồn gốc là trẻ Hoà Phát, được chuyển nhượng lần đầu tới Hà Tĩnh, và lần thứ hai thì di trú vào Nam.

Câu hỏi đặt ra: những đội bóng "mác Sài Gòn, hồn nơi khác" như Navibank Sài Gòn và Sài Gòn Xuân Thành rồi đã thể hiện được những gì? Và đã bao giờ người Sài Gòn thực sự coi đấy như những đội bóng chính hiệu của mình chưa? Ngày còn mang tên Quân khu 4, khoác một chiếc áo màu cam, và đá bóng với đúng tinh thần chiến binh nhà lính, thầy trò Vũ Quang Bảo đã làm cả V.League phải ngỡ ngàng. Nhưng khi chuyển tên thành Navibank Sài Gòn, chuyển sang màu áo xanh, được hưởng lương, thưởng và các chế độ đãi ngộ nhiều hơn thì vẫn ông thầy ấy và những con người ấy lại dần dần đánh mất bản sắc của mình.

Cần chú ý, thời gian xuất hiện Navibank Sài Gòn là thời gian là một người nổi tiếng dám nói dám làm, giàu quyền lực, giàu tham vọng như ông Lê Hùng Dũng còn đang là chủ tịch bóng đá thành phố. Ông Dũng muốn và rất muốn xây dựng một đội bóng tử tế của thành phố. Nhưng sau vài năm, khi hết lần này đến lần khác phải vật lộn với cuộc chiến chống xuống hạng thì đội bóng này cũng đến ngày giải thể.

Với Sài Gòn Xuân Thành thì có khác. Đã có những lúc sân Thống Nhất kín người vào xem các trận đấu của đội bóng này, nhưng thời điểm ấy, có lẽ người ta đến sân vì tò mò với sức mạnh của một đội bóng gồm cả chục ông Tây (tính cả Tây "xịn" lẫn Tây nhập tịch) cùng hàng loạt chiêu bài thu hút khán giả của ông bầu Nguyễn Đức Thụy như việc mời một ca sĩ làm chủ tịch danh dự, và biến mỗi trận đấu trở thành một sự kết hợp giữa bóng đá với những màn ca múa nhạc.

Vấn đề nằm ở chỗ, khi những sự tò mò, "bốc thơm" ban đầu qua đi, khi Sài Gòn Xuân Thành trở thành một đội bóng kỳ lạ với hàng loạt trận thua kỳ lạ thì người Sài Gòn đã quay lưng không thương tiếc. Đỉnh điểm của những trận đấu lạ là trận thua 1-3 trên sân Kiên Giang - trận đấu mà trước thời điểm "bóng rung" thì những thành viên của Ban Tư vấn Đạo đức VPF lại nhận được tin nhắn chỉ điểm, để rồi sau đó Sài Gòn Xuân Thành đã bị Ban Kỷ luật VFF trừ điểm không thương tiếc. Dường như chỉ chờ cái cớ ấy, bầu Thụy tuyên bố giải thể, xoá sạch bàn cờ.

Sài Gòn Xuân Thành giải thể mà chẳng để lại bất cứ một sản phẩm đào tạo trẻ nào. Sài Gòn Xuân Thành giải thể, hàng loạt cầu thủ mà trước đó còn nhận lương cả chục triệu đồng/tháng giờ bị đẩy ra đường không thương tiếc.

Bây giờ, nếu hỏi người Sài Gòn xem ấn tượng lớn nhất mà đội bóng này để lại là gì thì có lẽ nhiều người sẽ bảo đấy là ấn tượng về một "gánh xiếc rong". Đến đây, có thể nói bóng đá Sài Gòn đã thấm thía đến tận xương tuỷ nỗi đau của việc đã dễ dàng chắp vá, bốc xén những đội bóng từ nơi khác về địa phương của mình, rồi cứ cố hy vọng nó sẽ trở thành đội bóng của mình.

Bây giờ, khi bóng đá Sài Gòn không có bất cứ CLB nào chơi V.League thì lại xuất hiện thông tin CLB Hà Nội (là Hà Nội thứ thiệt, Hà Nội hẳn hoi đấy nhé) muốn chuyển hộ khẩu vào sân Thống Nhất, và trở thành một đội bóng hồn Hà Nội, xác Sài Gòn. Người trong cuộc thì bảo phải chuyển đổi để có thể dễ dàng gọi tài trợ, dễ dàng giúp đội bóng được hà hơi tiếp sức để có thể phát triển đường xa.

HLV Nguyễn Đức Thắng (phải) cũng bất ngờ trước ý định của chủ tịch CLB Nguyễn Giang Đông.

Người hiểu làng bóng thì bảo CLB Hà Nội và HN.T&T thực chất chịu cùng một sự ảnh hưởng của một ông bầu, và ngoài 2 đội bóng này, ông bầu này được cho là còn có tầm ảnh hưởng tới 2 đội bóng khác ở miền Trung, thế nên cũng đã đến lúc cắt bớt những sự ảnh hưởng để tránh những dị nghị không hay. Còn những người hiểu những biến động ngoài xã hội thì lại nghĩ rằng Sài Gòn vừa chứng kiến những thay đổi lớn ở cấp độ lãnh đạo, và lãnh đạo mới lại là một người rất yêu bóng đá, thế nên không loại trừ khả năng đấy mới là nguyên nhân của mọi nguyên nhân.

Rốt cuộc thì nguyên nhân sự thực như thế nào cần thời gian hạ hồi giải đáp, vấn đề chắc chắn là không dễ để người Sài Gòn coi cái đội bóng mới toanh này, cái đội bóng mà ở 4 vòng V.League đầu tiên còn là "đội chủ sân Hàng Đẫy" giờ thực sự là một đội bóng của mình.

Hiện tại có một CLB TP Hồ Chí Minh đang chơi ở giải hạng Nhất, được dẫn dắt bởi thần tượng bóng đá Sài Gòn Lư Đình Tuấn, và đấy mới là sản phẩm đúng nghĩa của bóng đá Sài Gòn. CLB TP Hồ Chí Minh cũng lên kế hoạch thăng hạng để có mặt ở V.League vào năm 2017. Chắc chắn người Sài Gòn sẽ yêu, sẽ thích cái đội bóng hạng Nhất, nhưng là đội bóng của mình hơn là cái đội V.League nhưng lại là cái đội mượn hồn người khác.

Và nếu, bóng đá Sài Gòn vẫn cứ diễn ra chuyện "xác mình, hồn người khác" như thế này, chắc chắn người hâm mộ bóng đá Sài Gòn còn đau!

"Chuyển khẩu" để làm gì?

Dù trên giấy tờ là 2 đội bóng độc lập nhưng CLB Hà Nội thực chất là "sân sau" của Hà Nội.T&T. Về tài chính, với sự chung tay của nhiều doanh nghiệp khi được xây dựng theo mô hình xã hội hoá, tân binh này không gặp vấn đề. Tuy nhiên, là đội bóng "sinh sau đẻ muộn" nên để tồn tại, phát triển thì CLB Hà Nội gặp nhiều rào cản.

Sau khi lên V.League, dù có một vài đề nghị chuyển giao nhưng BLĐ CLB Hà Nội không đồng ý. Khó cạnh tranh, khó thành công và ít cơ hội phát triển nếu ở Hà Nội, ý tưởng chuyển ngang vào TP Hồ Chí Minh được đề xuất khi nhu cầu có đội bóng chơi ở hạng cao nhất và cuối tuần người dân có cơ hội xem V.League ở thành phố lớn nhất cả nước là rất lớn. Tuy nhiên, điều khiến những ông chủ của tân binh này cân nhắc là cách thức và sự đón nhận của người dân TP  Hồ Chí Minh, khi họ mong muốn đội bóng trở thành một phần trong đời sống tinh thần khi có tương lai, có thể phát triển bền vững. 

Giang Anh (báo Thể thao 24h)

Sân Thống Nhất sáng đèn: Nên buồn hay vui?

Chỉ mới cách đây vài năm, Sài Gòn Xuân Thành và Navibank Sài Gòn từng mua "xác" của Quân khu 4, Hà Tĩnh vào làm chủ sân Thống Nhất với nhiều chiến dịch rầm rộ nhưng rồi tất cả đều "hết xôi, rồi việc".

Sự hào nhoáng của Sài Gòn Xuân Thành mỗi cuối tuần với các nhóm múa hát giải trí đi kèm món chính bóng đá khiến người ta ngán tận cổ. Navibank Sài Gòn còn hứa hẹn bắt tay với cả Bayern Munich xây dựng học viện và đào tạo tài năng trẻ cho bóng đá TP Hồ Chí Minh nhưng rốt cuộc chỉ là cái bánh vẽ.

Ngay cả bản thân các CLB còn mơ hồ về tính màu cờ sắc áo của mình thì rất khó cho họ xác định mình đá vì ai và vì cái gì? Hay chỉ đơn giản là phục vụ mục đích khác của những ông chủ, dẫu cho cái tên có gắn thêm hai chữ Sài Gòn.

Bây giờ hỏi các nhà làm bóng đá TP Hồ Chí Minh có cần một đội bóng ở nơi khác về làm chủ sân Thống Nhất vẫn với mục đích phục vụ người yêu bóng đá nơi đây hay không thì thật lòng họ đều lắc đầu.

Bởi nếu muốn đốt cháy giai đoạn để có đội chơi V-League thì cách đây hơn 3 năm, Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá TP  Hồ Chí Minh Trần Anh Tú đã không cần nhọc công gầy dựng đội TP  Hồ Chí Minh sắp sửa đá hạng Nhất và đúng lộ trình năm 2017 lên chuyên nghiệp.

Rõ ràng cách tính của các ông bầu ở nơi khác muốn đưa một CLB gắn đuôi Sài Gòn không đơn thuần là cuộc chơi bóng đá và không biết nếu điều đó thành sự thật thì sân Thống Nhất sáng đèn có làm người xem vui?

Thiên Thanh (Báo Thanh Niên Oline)

Diệp Xưa
.
.
.