Những “người mới” ấn tượng của điện ảnh Việt 2018

Thứ Hai, 04/02/2019, 10:00
Năm 2018, điện ảnh Việt sản xuất số lượng phim khá lớn. Tuy số lượng nhiều nhưng phim để khán giả nhớ tới lại ít. Nhưng năm 2018 lại là một năm ghi dấu sự ra đời của nhiều phim đầu tay được làm bởi các ekip rất trẻ.


Ở đó hé lộ những gương mặt đạo diễn trẻ có khả năng làm “nên chuyện” trong tương lai gần. Họ là những nghệ sĩ dấn thân với nghề, đạt được những thành quả ban đầu đáng khích lệ.

Cao Thúy Nhi, cô gái “Nhắm mắt thấy mùa hè”

Khán giả còn nhớ, trong Liên hoan phim Quốc tế Hà Nội lần thứ V vừa rồi, bộ phim “Nhắm mắt thấy mùa hè” là tác phẩm đại diện của điện ảnh Việt Nam tranh giải ở hạng mục Phim truyện dự thi. Bộ phim trước đó được trình chiếu trong khuôn khổ Liên hoan Việt Nam tại Nhật Bản và đồng thời được đề cử giải “Phim hay nhất” tại Viet Film Fest – Mỹ. 

Đáng nói, đây là tác phẩn đầu tay của một nữ đạo diễn trẻ sinh năm 1989. Những kỳ tích mà “Nhắm mắt thấy mùa hè” có được cho thấy một khả năng bứt phá của Cao Thúy Nhi. “Nhắm mắt thấy mùa hè” là một bộ phim Việt được quay trên đất Nhật. Dự án điện ảnh này ban đầu được khởi xướng bởi một nhóm du học sinh Nhật Bản. 

Cao Thúy Nhi đã gặp được tiếng nói chung với nhóm bạn trẻ ấp ủ một tác phẩm điện ảnh có bối cảnh câu chuyện được kể trên đất Nhật. Cả ekip liều lĩnh cuối cùng đã làm nên một “Nhắm mắt tới mùa hè” thuyết phục khán giả. 

Nữ đạo diễn trẻ đã phải bỏ tiền túi, lên đường đến Nhật nhiều lần trong 2 năm để thực hiện bản demo cho phim, cuối cùng nhận được cái gật đầu đầy ý nghĩa từ một đối tác phía Nhật, đồng ý tài trợ cho bộ phim ở phía Nhật. 

Tuy nhiên, phía trong nước, những cái gõ cửa của ekip làm phim không được hồi đáp, và có lúc họ nghĩ phải bỏ dở dự án vì không có kinh phí. Kiên nhẫn rồi cuối cùng bộ phim cũng hội đủ điều kiện để được bấm máy. Bộ phim ra đời và nó có được một số phận khá may mắn. 

“Nhắm mắt thấy mùa hè” đã được chu du tới nhiều Liên hoan phim cũng như các sự kiện điện ảnh trên thế giới, và cho nữ đạo diễn những trải nghiệm thú vị. Cao Thúy Nhi chia sẻ: “Như một mối duyên lành, Nhật Bản là nơi có đông khán giả ủng hộ phim nhất. Khi phim chiếu mở màn Liên hoan phim Việt Nam tại các thành phố lớn bên đó, vé đều được đặt hết rất nhanh trong thời gian ngắn. Rất đông du học sinh, người Việt Nam đang sinh sống, làm việc tại Nhật tới ủng hộ phim, thậm chí còn lan truyền thông tin về bộ phim, gợi ý bạn bè, người thân tới xem. 

Các buổi chiếu được lấp kín chỗ, rất nhiều ghế phụ được xếp thêm dọc lối đi để phục vụ khán giả. Một kỷ niệm đáng nhớ là không ít cặp đôi một người Nhật và một người Việt yêu nhau đã hẹn nhau đi xem “Nhắm mắt thấy mùa hè”. Với những người làm phim như chúng tôi, điều đó khiến bộ phim càng trở nên có ý nghĩa”.

Đạo diễn Cao Thúy Nhi (thứ 2 từ trái sang) cùng ekip của mình trong buổi công chiếu phim tại Nhật.

Tuy là một đạo diễn trẻ sớm gặt hái thành công, nhưng Cao Thúy Nhi rất nghiêm khắc với mình. Cô khiêm tốn cho rằng, mọi thứ mới chỉ là một sự khởi đầu. Khán giả trong và ngoài nước yêu thích “Nhắm mắt thấy mùa hè” nhưng Cao Thúy Nhi tự chấm điểm cho phim của mình chỉ là 5,5 trên thang điểm 10. Một sự khắt khe đáng ngạc nhiên. 

Cao Thúy Nhi chia sẻ, vì đây là phim đầu tay của cô nên chắc chắn sẽ còn nhiều hạn chế, thiếu sót. Nhi cũng cho rằng là một đạo diễn thì cần phải khắt khe với phim của mình, để không “ngủ quên” trên chiến thắng, để tác phẩm sau ra đời phải tốt hơn, hay hơn tác phẩm trước đó. Cao Thúy Nhi xác định, cô sẽ đi con đường của một nhà làm phim độc lập. Cô muốn làm các phim nghệ thuật thay vì các phim thương mại.

Leon Lê, người mê đắm văn hóa dân tộc

Không thể không nhắc đến Leon Lê trong năm 2018. Anh là một đạo diễn Việt kiều thế hệ thứ 3. Trẻ, nhưng dấn thân và đặc biệt đam mê công việc làm phim. “Song Lang” là một bộ phim nghệ thuật khiến các nhà chuyên môn phải ngả mũ, dành rất nhiều thiện cảm cho chàng đạo diễn trẻ này. 

Một câu chuyện đẹp liên quan đến cải lương, môn nghệ thuật truyền thống của người Nam Bộ đã được kể một cách thú vị trong “Song Lang”. Lý do để Leon Lê làm phim này là bởi anh quá yêu cải lương. 

Lớn lên ở Sài Gòn, Leon Lê đã có một tuổi thơ đắm đuối với những giai điệu vọng cổ ngọt ngào xốn xang lòng người. Thời đó, các rạp hát cải lương còn nhiều ở Sài Gòn, Leon Lê thường trốn nhà đi nghe hát. Anh mong ước sau này sẽ trở thành một nghệ sĩ cải lương. 

Rồi Leon Lê theo gia đình đến Mỹ, dù rất nỗ lực tham gia vào làng giải trí Mỹ và gặt hái những thành công bước đầu, trở thành người Việt đầu tiên xuất hiện trên sàn diễn Broadway nhưng chàng trai vẫn không nguôi một tình yêu thiết tha dành cho cải lương. 

Từ bỏ ánh hào quang nơi trời Tây, Leon trở về nước tham gia những vai diễn trong các bộ phim Việt, để rồi từ đây, ngọn lửa với cải lương được nhen nhóm trở lại trong lòng anh. “Song Lang” là kết tủa của một tình yêu văn hóa cội nguồn của Leon Lê. 

Càng sống trong lòng nước Mỹ anh càng hiểu rằng, mỗi con người dù có đi xa đến đâu, thì tiếng gọi của nguồn cội vẫn là tiếng gọi mạnh mẽ nhất. Sự khác biệt trong văn hóa chính là dấu tích để một người nghệ sĩ nói với thế giới, rằng anh ta đến từ đâu. 

Ở thời điểm mà nghệ thuật cải lương đang có dấu hiệu lụi tàn, bị khán giả quay lưng, phải sống lay lắt trong ồ ạt các loại hình giải trí khác, Leon Lê càng quyết tâm làm một bộ phim về cải lương. Anh muốn khán giả, đặc biệt là khán giả trẻ hiểu được vẻ đẹp của cái lương để cùng nhau góp sức giữ gìn di sản truyền thống quý báu này. 

Một phim về nghệ thuật cải lương quả thật ít nhiều mạo hiểm, vì cải lương không dễ hát, sân khấu cải lương lại không còn nhiều. Nếu đã xem “Song Lang”, bạn sẽ cảm nhận được sâu sắc tình yêu của người đạo diễn trẻ dành cho cải lương. Anh trau chuốt từng khuôn hình, cẩn trọng từng chút tất cả những gì liên quan đến cải lương, như xiêm y của người nghệ sĩ, từng viên đá đính trên chiếc áo, chiếc mũ của họ. 

Anh không muốn những người yêu mến cải lương cảm thấy hụt hẫng vì đạo diễn đã sơ suất ở một điểm nào đấy, không tôn trọng tinh thần vẻ đẹp của cải lương. “Song Lang” được phát hành nhân dịp kỷ niệm 100 năm sân khấu cải lương, dù không thắng lợi về doanh thu chiếu rạp nhưng vẫn là một dấu son đỏ trong lòng người yêu điện ảnh năm 2018.

Câu chuyện về đạo diễn Việt kiều Leon Lê mang đến một thông điệp cho khán giả. Một người nghệ sĩ để đi xa, cần phải biết nâng niu văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Những giá trị cốt lõi ấy sẽ giống như tấm hộ chiếu để bạn đi trong lòng thế giới, được nhận diện như một cái tôi riêng chứ không phải là một phiên bản nhờ nhờ. 

Leon Lê đã dành hết tiền của, tâm sức cho một bộ phim mà ảnh hưởng của nó không chỉ trong phạm vi một bộ phim. Nó là một tiếng nói của tình yêu, của sự nhắc nhớ, thậm chí là cảnh báo, về những cái đẹp trong quá khứ đang dần dần bị mất đi nếu chúng ta không có ý thức nâng niu, giữ gìn cho mai sau. 

Câu hỏi vì sao một đạo diễn sống ở nước ngoài nhiều năm lại có thể làm một tác phẩm điện ảnh rung động về văn hóa truyền thống như vậy có lẽ sẽ còn ám ảnh các đạo diễn trong nước.

Thùy Dương
.
.
.