Ca sĩ Ngọc Châm: Âm nhạc là góc sâu thẳm nhất của tôi

Thứ Tư, 06/03/2019, 14:56
Ca sĩ Ngọc Châm được biết đến là một nhà tổ chức, người khởi xướng của chuỗi âm nhạc "Vàng son một thuở", tôn vinh tác giả - tác phẩm. Nhưng giấc mơ âm nhạc vẫn luôn ấp ủ trong trái tim cô gái này. Sau hơn 20 năm gắn bó với nghệ thuật, Ngọc Châm ra album đầu tiên "Giai nhân' hát nhạc Vũ Thành An.


- Tôi và chắc nhiều khán giả khá bất ngờ khi chị ra album, vì lâu nay Ngọc Châm xuất hiện với hình ảnh là một doanh nhân, một nhà sản xuất hơn là một ca sĩ?

+ Tôi nghĩ trong tôi vẫn còn niềm đam mê hát, tôi vẫn yêu ánh đèn sân khấu, mê những giai điệu, ca từ lãng mạn. Bất chợt nghe một giai điệu đẹp, tôi luôn cảm thấy hân hoan, hạnh phúc. Giấc mơ âm nhạc vẫn còn đâu đó trong tâm hồn tôi. Vì cuộc sống mưu sinh, tôi chuyển sang lĩnh vực kinh doanh nhưng tôi vẫn chọn âm nhạc để được sống với đam mê của mình. 

Với vai trò là nhà tổ chức, tôi có cái nhìn tổng quát hơn và tôi hiểu, đằng sau sự tỏa sáng của một ca sĩ luôn có nhiều người cùng chung tay. Vì thế, khi lên sân khấu người ca sĩ mang trong lòng sự biết ơn, trân trọng thì họ sẽ hát hay hơn.

- Một album đầu tay ở tuổi không còn trẻ, chị có nghĩ là muộn?

+ Tôi học hát từ năm 18 tuổi, gần 20 năm mới ra sản phẩm đầu tay, có thể là muộn với những người có nhiều tham vọng. Nhưng đối với tôi thì không.  Đến bây giờ tôi mới cảm thấy mình vừa đủ độ chín của một người đàn bà từng trải. 

Âm nhạc của chú Vũ Thành An phải từng trải mới ngấm và hát hay được. Tôi đã đi qua nhiều cung bậc cảm xúc của cuộc đời, có yêu thương, có hy sinh, có khổ đau, hạnh phúc. Vì thế tôi hát đằm thắm, dịu dàng chứ không ai oán, nức nở, day dứt. Với "Giai nhân" tôi đã vượt lên chính mình, vượt lên cả những lo toan trong cuộc sống, những tác động của ngoại cảnh. 

Khi tôi chìm đắm trong thế giới âm nhạc của Vũ Thành An, tôi hát hay lên mỗi ngày. Những ngày ở phòng thu, tôi cảm thấy mình được sống đúng là mình, hiền lành, dịu dàng, khác với những giây phút tôi phải ra thương trường, phải gồng mình lên. Tôi nhận ra,  âm nhạc là góc chân thành sâu thẳm nhất của tôi, một người phụ nữ đa cảm, yếu mềm và lãng mạn.

- Vì sao chị chọn nhạc sĩ Vũ Thành An cho album đầu tay của mình, chứ không phải là một tuyển chọn ca khúc của các nhạc sĩ nổi tiếng mà chị từng gặp và làm việc với họ?

+ Trong suốt nhiều năm làm chuỗi chương trình "Vàng son một thuở", tôi vẫn nghĩ nếu ra một album đầu tay sẽ tuyển chọn bài hát của các nhạc sĩ tôi yêu. Nhưng tôi lỡ duyên với nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9, ông mất quá đột ngột khi tôi chưa kịp thực hiện dự định. Rồi tôi gặp chú Vũ Thành An khi chú về Việt Nam. 

Sau live show riêng của chú năm 2017, theo dõi quá trình tôi làm việc, chú rất quan tâm, quý mến. Rồi chú viết tặng tôi bài hát đầu tiên: "Em không dám tham vọng". Sau đó, chú viết nhiều hơn, số lượng bài chú gửi tặng lên tới mười mấy bài, với mong muốn tôi sẽ hát hết những ca khúc ấy. Nhưng công việc kinh doanh bận rộn, tôi cứ lần lữa mãi chưa thực hiện được. Một ngày, tôi nhận được tâm thư của chú đòi bài lại. 

"Đến bây giờ con vẫn chưa bắt tay vào sản xuất những bài hát chú viết tặng con một năm nay rồi, mỗi đứa con tinh thần ra đời đều mong muốn bay đi, nếu con không hát chú sẽ lấy lại bài để tặng người khác". Chú ra "tối hậu thư" cho tôi đến tháng 9-2019 phải hoàn thành, nếu không ra sẽ thu lại bài. Vì thế, tôi không có lý do gì để trì hoãn.

- Chị có bị áp lực không vì âm nhạc của Vũ Thành An đã đóng đinh với nhiều ca sĩ nổi tiếng?

+ Tôi rất bị áp lực, tôi chọn 4 ca khúc cũ và 4 ca khúc mới. Tôi thu các ca khúc cũ trước và nghe lại, tôi cảm giác giống  một ai đó, tôi nhắn cho đạo diễn âm nhạc tôi sẽ thu lại từ đầu, bắt đầu từ những bài mới, sẽ là giọng của tôi, tinh thần của tôi và từ tinh thần của bài mới này sẽ thu bài cũ. Nếu không làm được điều đó, tôi sẽ từ bỏ dự án này. Tôi bắt đầu bằng "Không tên 94". Và tôi hát lại ca khúc cũ. Tôi không muốn giống ai cả, mỗi người là một bản thể. Người nghệ sĩ phải tìm ra bản sắc của mình, đó là hạnh phúc của người nghệ sĩ.

- Với "Giai nhân" chị muốn kể cho khán giả nghe câu chuyện về những người đàn bà?

+ "Giai nhân" gồm 8 ca khúc: Giai Nhân (không tên 91), Không Tên 50, Không tên số 6, Không Tên số 7, Hà Nội tôi yêu trái tim khờ (không tên 94), Em không dám tham vọng, Mùa thu ngày ấy tìm nhau (Không tên 98), Đời Đá Vàng.

Toàn bộ các ca khúc được sắp xếp để kể một câu chuyện tình, từ khi NÀNG chìm đắm trong tình yêu, với những khát vọng tình yêu cháy bỏng tha thiết, cho đến những thăng trầm, dâu bể đường tình, nhưng GIAI NHÂN không bao giờ thôi những ước vọng về một tình yêu đẹp, một cuộc sống nồng nàn hạnh phúc. Và NÀNG vẫn tiếp tục hành trình tìm kiếm hạnh phúc của mình dẫu cho "Đời đá vàng" trắng đen, lận đận.

Giai nhân là một mỹ từ khen tặng người đẹp của thập niên 50-60. Khi chọn "Giai nhân" mở đầu album, tôi sử dụng phần hòa âm phối khí của dàn nhạc thính phòng, dẫn dắt câu chuyện từ một người phụ nữ cổ điển, có tâm hồn đẹp đến những trắc trở trong tình yêu đôi lứa, những khao khát của người đàn bà. Nhưng tôi hát với tinh thần của một người đã đi qua hết nỗi buồn, đau khổ và nhìn lại tình yêu của mình bằng sự bao dung.

Nhạc sĩ Vũ Thành An và ca sĩ Ngọc Châm.

- Hình như chị cũng tìm thấy mình trong âm nhạc Vũ Thành An?

 + Tôi đã trải qua nhiều đau khổ trong tình yêu, hạnh phúc gia đình tan vỡ. Lúc dầu tôi cũng oán hờn cuộc đời, nhưng khi cân bằng lại và thấu hiểu mọi thứ trên đời là nhân duyên, mình yêu thương đấy nhưng không phải cái gì cũng thuộc về mình được, tôi sống bao dung hơn. Hãy cứ sống và yêu thương cuộc đời trọn vẹn để ngày mai mất đi, mình cũng không hề hối tiếc.

- Một Ngọc Châm đàn bà, dịu dàng và bao dung trong âm nhạc. Đó là một góc nhìn khác về chị. Với album này, chị có ý định trở lại sân khấu hay không?

+ Tôi vẫn là linh hồn của "Vàng son một thuở" tôn vinh tác giả tác phẩm. Vì thế những gì tôi làm vẫn đi theo hướng tôn vinh tác giả tác phẩm. Tôi là người sáng tạo thứ hai sau tác giả để chuyển tải ca khúc đến công chúng, tôi muốn làm nhiều hơn vai trò của một ca sĩ chỉ đến và hát. Tôi muốn trò chuyện về cuộc đời của các tác giả, về tâm thế ra đời của bài hát… 

Mỗi bài hát đều có số phận, có khoảng lặng của thời gian và tôi muốn khán giả hiểu được điều đó, họ sẽ cảm thấy âm nhạc có ý nghĩa hơn. Tôi không ra album để lấy danh và đi hát show theo kiểu của một ca sĩ giải trí. Tôi phải hát đúng thứ tôi chọn. Sau này có thể tôi sẽ viết ra những cuốn sách "Vàng son một thuở", kể về cuộc đời của những người nhạc sĩ tài hoa mà tôi có may mắn gặp trong đời như nhạc sĩ Quốc Dũng, nhạc sĩ Vinh Sử, nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9, nhạc sĩ Vũ Thành An…

- Còn dự án sắp tới của chị?

+ Tôi và ê kíp đang chuẩn bị cho gala “Những tình khúc vàng son một thủa” vinh danh tác phẩm của các nhạc sĩ Vũ Thành An, Phạm Duy, Từ Công Phụng, Nguyễn Ánh 9, Quốc Dũng, Trần Quảng Nam và một số nhạc sĩ khác…

- Cảm ơn cuộc trò chuyện của chị.

Nhạc sĩ Vũ Thành An:

"Khi tôi về Việt Nam năm 2017 tham gia chương trình Vàng son một thuở , tôi gặp ca sĩ Ngọc Châm, một người có bản lĩnh trong kinh doanh, đồng thời nhiệt tình với nghệ thuật và tôi cảm nhận cô có tài năng tiềm ẩn. 

Tôi nghĩ rằng Ngọc Châm đúng là người có thể gửi đến quý vị những tác phẩm mới của mình nên tôi đã nhận cô là học trò, là hậu duệ không những trong nghệ thuật mà còn trong lãnh vực bác ái nữa. 

Trong bài "Giai nhân" là chủ đề của CD này, quý vị sẽ thấy được tài năng của Ngọc Châm trong việc sáng tác. Tình cờ một hôm tôi đọc lời chia sẻ của cô trên FaceBook: Em không dám tham vọng mà chỉ xin ước vọng. Đối với tôi câu này hàm chứa một tư tưởng lớn. Một câu viết bình thường nhưng chứng tỏ người viết có đức tính khiêm nhường tự nhiên. 

Từ bài "Em không dám tham vọng" tôi và Ngọc Châm viết thêm một số bài nữa, quý vị sẽ thấy khả năng làm thơ và nhạc của Châm trong bài "Mùa thu ngày ấy tìm nhau". Tôi cầu chúc cho người học trò của mình có một chỗ đứng riêng trong vườn hoa nghệ thuật.

Lan Tường (thực hiện)
.
.
.