Các ĐT quốc gia Việt Nam: Nói không với tiền!

Thứ Tư, 08/10/2014, 14:30

Đã có một thời, chuyện tiền thưởng từng được nhìn nhận như một chuyện đương nhiên, tất yếu ở các ĐT bóng đá Việt Nam, kể cả ĐT trẻ lẫn ĐTQG, và ở cái thời mà "đồng tiền thậm chí còn được đặt cao hơn danh dự", bóng đá Việt Nam đã phải trả những cái giá rất đắt. Nhưng bây giờ có vẻ như mọi thứ đang đi theo chiều hướng ngược lại: khi khoác áo ĐTQG, tất cả các tuyển thủ tuyệt đối không được tơ tưởng đến tiền.

Năm 2005, khi vừa ngồi vào ghế PCT tài chính VFF nhiệm kỳ 5, ông Lê Hùng Dũng đã tuyên bố treo thưởng 6 tỉ đồng cho chiếc HCV bóng đá nam SEA Games 23. Lập luận của ông Dũng khi ấy là: "Trước đây bóng đá Việt Nam đã nhiều lần vào chung kết nhưng thường thất bại và sau mỗi thất bại lại là những nghi vấn lớn. Bây giờ, với việc treo một khoản tiền thưởng chưa từng có, chắc chắn các cầu thủ sẽ chuyên tâm vào đá, và sẽ đá hết mình". Nhưng thực tế là ở kỳ SEA Games được treo tới 6 tỷ đồng cho ngôi vô địch ấy, 7 cầu thủ của ĐT U.23 Việt Nam đã không chịu "đá hết mình" ngay từ vòng đấu bảng - ở một trận đấu mà: "Tụi em bán, nhưng bán mà đội vẫn thắng, chứ có bán để đội thua đâu". Màn bán độ kinh thiên động địa tại kỳ SEA Games ấy giúp nhiều quan chức VFF thấy rằng: tiền thưởng tưởng là liều kháng sinh có thể chữa một căn bệnh trầm kha trong làng bóng, nhưng xem ra nó cũng không thể chữa được những "bệnh nhân" bệnh nặng.

Ở các kỳ SEA Games và Tiger Cup (giờ đổi tên thành AFF Cup) sau này, VFF vẫn liên tục treo thưởng cho các cầu thủ. Mà đừng nói tới cả một giải đấu, ngay sau mỗi một trận đấu thôi, các quan chức Liên đoàn cũng có thói quen thưởng nóng. Trong hiếm hoi những trận đấu hoặc những giải đấu vừa phải đi xa nhà, vừa "ngửi" thấy trước là không có thưởng (hoặc thưởng không như ý mình) từng có chuyện cầu thủ lấy lý do "đã nhận đủ thẻ vàng" hoặc "mất hộ chiếu"... để ung dung ngồi nhà. Nói như cựu chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ thì có một giai đoạn sức mạnh đồng tiền và những ám ảnh tiền bạc đã xấm chiếm đầu óc một bộ phận tuyển thủ, khiến nhiều thời điểm họ không còn là họ nữa.

Nhưng đấy là những gì thuộc về một thời đã qua, kể từ khi nhiệm kỳ VII VFF thành hình, một quan niệm mới về chuyện treo thưởng và chuyện dùng tiền kích thích tinh thần thi đấu của cầu thủ đã hình thành. Mọi chuyện bắt nguồn từ cuộc họp thường trực đầu tiên của nhiệm kỳ VII tại TPHCM, khi một thành viên đã nói với phần còn lại: "Giờ là lúc phải để các cầu thủ hiểu rõ rằng khoác áo ĐTQG là trách nhiệm, là nghĩa vụ, là niềm vinh dự, chứ không phải lên đó với mục đích kiếm tiền". Vị này còn có những phân tích rất thực tế như sau: "Mà xét cho cùng, khi một cầu thủ được khoác áo ĐT thì giá trị hình ảnh của họ sẽ phất lên rất cao, và cùng với sự phất lên ấy chắc chắn là họ sẽ được các CLB nhìn nhận, đánh giá bằng một thước đo hoàn toàn khác. Như thế, việc được khoác áo ĐT chẳng phải cũng sẽ giúp cho chính các cầu thủ được "lên giá" ở cấp độ CLB đó sao?".

Một thế hệ U.19 luôn biết đặt màu cờ sắc áo quốc gia làm trọng.

Với suy nghĩ ấy, khi ĐT U.19 Việt Nam liên tiếp lọt vào chung kết giải U.22 và U.19 Đông Nam Á, và khi mà tiền đổ về U.19 là không ít thì VFF cũng đã kiên quyết không đưa tiền vào tay cầu thủ. Đơn cử như việc sau giải U.19 Đông Nam Á tại Hà Nội vừa qua, khi thành phố Hà Nội đã quyết định thưởng ĐT 1 tỷ đồng thì chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng cho biết: "1 tỷ đồng này sẽ được phân bổ thành những quyển sổ tiết kiệm gửi đến gia đình các cầu thủ". Ông Dũng phân tích rất chí lý rằng các em còn quá nhỏ, quá ít kinh nghiệm sống. Đưa tiền vào tay các em quá sớm không loại trừ khả năng sẽ khiến các em đánh mất bản thân mình. Thực tế bóng đá Việt Nam đã từng có những cầu thủ sa ngã vì tiền, đánh mất cả sự nghiệp vì tiền, và xét một cách sâu xa thì lỗi nằm trước hết ở những người đã gieo cái tư tưởng "cứ đá là có tiền" vào đầu họ và thực tế là chỉ sau 1,2 trận thắng "coi được" là lại sẵn sàng nhét tiền vào tay họ.

...Mà phải đá vì màu cờ sắc áo. Ảnh: H.M.

Theo thông tin của chúng tôi thì không chỉ với ĐT U.19 Việt Nam mà ngay cả với ĐT Olympic Việt Nam tại Asiad năm nay hay ĐTQG Việt Nam tại sân chơi AFF Suzuki Cup 2014 vào cuối năm - giải đấu mà Việt Nam là một trong hai nước đồng chủ nhà thì chuyện dùng tiền treo thưởng cũng sẽ kết thúc. Hơn lúc nào hết, những người lãnh đạo nền bóng đá muốn các tuyển thủ phải đặt màu cờ sắc áo quốc gia lên cao, và phải luôn thấy rằng chỉ có nó mới là số 1.

Vậy thì cũng hơn lúc nào hết, các cầu thủ cần phải thay đổi tư duy, thay vì ít nhiều vẫn lởn vởn, tơ tưởng đến chuyện tiền khi lên khoác áo ĐTQG như trước nữa!  

Cảm động câu nói của Đông Triều

Nhắc đến chuyện tiền và chuyện thưởng tiền ở cấp độ ĐTQG không ai không biết là sau khi giành chiến thắng 5-1 trước U.19 Australia ở vòng bảng giải U.19 châu Á hồi năm ngoái, trung vệ Đông Triều đã được một cầu thủ đội bạn đặt câu hỏi: "Thắng trận này, tụi mày được thưởng bao nhiêu tiền?". Câu trả lời của Đông Triều: "Tụi tao không được tiền, nhưng được nhiều thứ quý hơn tiền, đó là được sự ủng hộ của hàng triệu người sau lưng". Rất nhiều fan hâm mộ cảm động với một câu nói như thế, và người ta tin tưởng rằng một thế hệ được ăn học bài bản như của Đông Triều rồi sẽ duy trì, gìn giữ được tư tưởng này cho đến khi kết thúc nghề cầu thủ.

Dùng tiền chống tiêu cực

Trước hàng loạt nghi vấn về việc đội bóng hối lộ trọng tài, từ đó dẫn đến những trận đấu không trung thực, chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng từng có tuyên bố bất hủ: "Từ giờ trở đi bất cứ trọng tài nào tố giác hối lộ có bằng chứng sẽ được chúng tôi thưởng một khoản gấp 3 lần số tiền mà trọng tài đó được hối lộ". Cũng phải nói thêm là cùng với PCT tài chính Đoàn Nguyên Đức, ông Lê Hùng Dũng là một trong hai người luôn bức xúc với vấn nạn trọng tài trong bóng đá Việt Nam. Trước đây khi nhiều ông bầu tố cáo trọng tài bất minh, ông Dũng cũng từng bẻ ngược vấn đề: "Vậy thì ai cho tiền, ai hối lộ trọng tài? VFF ư? Không, chính các ông bầu đấy!".

Sự thay đổi của bầu Đức

Sau hơn 10 năm làm bóng đá, bầu Đức đã thay đổi rất nhiều.

Hồi mới nhảy chân vào làng bóng, và biến Hoàng Anh Gia Lai trở thành đội bóng doanh nghiệp tiên phong của làng bóng Việt, bầu Đức nổi tiếng là người hay vung tiền mua cầu thủ, và thưởng cầu thủ sau mỗi trận đấu. Cá biệt, sau một chiến thắng có ý nghĩa quan trọng, ông sẵn sàng thưởng cầu thủ cả tỷ đồng. Nhưng cũng chính bầu Đức sau này đã nhận ra "vì tiền mà cầu thủ càng ngày càng hư". Thế nên hồi cùng cựu bầu Nguyễn Đức Kiên thành lập VPF, ông rất đồng ý với việc nên đưa ra mức thưởng trần cho mỗi CLB sau mỗi trận thắng, nhưng ý tưởng này đã không bao giờ thành hiện thực. Hiện nay trên cương vị PCT VFF, bầu Đức cũng chính là một trong những người tích cực nhất trong việc đi theo quan điểm: không dùng tiền kích thích cầu thủ, và không treo thưởng cho cầu thủ trước các trận đấu.

Rõ ràng là bầu Đức đã thay đổi rất nhiều, theo chiều hướng rất tích cực. Mong là những ông bầu có quyền thế khác trong làng bóng Việt cũng sẽ thay đổi như bầu Đức, vì chỉ với một sự vận động đồng bộ như thế chúng ta mới có thể thực sự tạo ra một hình ảnh mới, một giai đoạn phát triển mới, từ cấp độ CLB đến cấp độ ĐTQG.

Rốt cuộc, VFF đang thừa hay thiếu tiền?

Khi mới nhậm chức chủ tịch VFF, ông Lê Hùng Dũng không ngại đưa ra những câu nói mang hàm ý tự hào về năng lực kiếm tiền của mình, khi ông còn làm PCT tài chính. Rồi ông thông báo một con số khiến cho cả Đông Nam Á phát sốc: "Từ giờ, mỗi năm Liên đoàn có thể kiếm tới 383 tỷ đồng". Tính từ khi ông Dũng nhậm chức đến giờ, không hiểu là rốt cuộc VFF đang rơi vào tình trạng bội thu hay bội chi nhưng chính ông Dũng sau đó cũng bảo là "chúng ta chỉ thuê được ông Miura - tân HLV trưởng ĐTVN, chứ không thuê được những HLV tên tuổi khác, vì không đủ tiền trả lương cho họ".

Thời còn làm PCT VPF, cựu bầu Nguyễn Đức Kiên từng lên ý tưởng sẽ lập một Hội đồng bảo trợ bóng đá Việt Nam, qui tụ 10 doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam, và từ hội đồng bảo trợ này, mỗi năm VPF có thể kiếm được khoảng 50 tỷ đồng vừa để tổ chức các giải đấu vừa để giúp VFF có nhiều kinh phí hơn trong việc đào tạo trẻ và phát triển các ĐTQG. Sau khi bầu Kiên xộ khám thì con số 50 tỷ cùng cái Hội đồng bảo trợ kia đã tan thành khói mây. Hy vọng là câu chuyện về "383 tỷ đồng/năm" mà ông Lê Hùng Dũng nói đến rồi sẽ không đi vào vết xe đổ này.

Phan Đăng
.
.
.