Các hoạt động giải trí “đóng băng” vì COVID-19

Thứ Sáu, 20/03/2020, 16:09
Đại dịch COVID-19 đã làm đình trệ các hoạt động văn hóa giải trí trong Nam và ngoài Bắc. Cho đến ngày 15/3/2020,  tất cả các rạp chiếu phim, nhà hát, quán bar, phòng trà đều đóng cửa đến hết tháng 3. Trước đó, từ ra tết, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã ngừng tất cả các lễ hội, sau đó là các show diễn ca nhạc.


Các  nhà  hát tại Hà Nội "lao đao"

Ngày 15/3, trước tình hình diễn biến dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn thành phố, để hạn chế lây nhiễm và bùng phát dịch bệnh, Ban Chỉ đạo Công tác phòng chống dịch yêu cầu các đơn vị rạp chiếu phim, nhà hát, các chương trình biểu diễn nghệ thuật trên địa bàn tạm dừng hoạt động, đến hết tháng 3-2020.

Các nhà hát trên địa bàn thành phố Hà Nội đều đã đóng cửa. NSƯT Chu Lượng, quyền Giám đốc Nhà hát Múa rối Thăng Long chia sẻ: “Đầu năm, chúng tôi đã chuẩn bị nhiều chương trình đặc sắc phục vụ người dân và khách quốc tế,  nhưng vì dịch bệnh nên phải hoãn lại hết. Thiệt hại rất lớn khi chúng tôi sống bằng lịch biểu diễn hằng ngày, 3 - 4 tỷ đồng, nhưng vì sức khỏe của cán bộ và vì cộng đồng, chúng tôi phải tạm ngừng”.

Các vở diễn của Lune Production cũng đang hoãn do COVID-19.

Có chung hoàn cảnh, Phó Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ, NSƯT Sĩ Tiến nói: "Chúng tôi đã chuẩn bị rất kỹ các chương trình để kỳ vọng rằng sẽ có một mùa Xuân 2020 đẹp, tuy nhiên do diễn biến dịch COVID-19 ngày càng phức tạp, sau Tết thì diễn được 2 buổi với số lượng vé sụt giảm đáng kể theo từng buổi, các chuyến lưu diễn ở tỉnh hủy bỏ thậm chí là dự án làm phim cũng phải giảm mật độ rất nhiều.

Anh chị em nghệ sĩ thực sự rất buồn bởi vì không được tập trung đông người thì không được biểu diễn. Đời sống bị ảnh hưởng nhưng tất nhiên chúng tôi cũng đã làm công tác tư tưởng để anh chị em tranh thủ trong thời gian nghỉ có thể trau dồi khả năng, chuẩn bị thêm các chương trình phục vụ các em thiếu nhi trong dịp 1-6.

Bên cạnh đó chúng tôi cũng dọn dẹp, tân trang lại nhà hát. Thậm chí bây giờ trên khán phòng, chúng tôi đóng cửa không cho ai ra vào tự do để đảm bảo môi trường khán phòng sạch sẽ sau khi đã khử khuẩn".

NSƯT Thu Huyền - Phó Giám đốc Nhà hát Chèo Hà Nội nói rằng “Có lẽ, phải gọi là giải cứu nghệ sĩ chèo, vì ra tết là quãng thời gian duy nhất trong năm nghệ sĩ chèo có sân khấu để hoạt động, kiếm sống. Từ ra Tết, sau đêm nhạc chào mừng ngày thành lập Đảng 3-2, tất cả các lịch biểu diễn của Nhà hát Chèo đều dừng lại. Ngừng lễ hội là ngừng hoạt động. Ngay mới đây, chúng tôi có một suất diễn ở Thái Bình nhưng khi xuất hiện bệnh  nhân 17, các cụ gọi điện lên thông báo hủy. Lâu nay, các nghệ sĩ sống bằng lương bao cấp, có người chỉ vài triệu đồng một tháng, rất khó khăn”.

Đại diện CGV cho biết, cùng tình trạng với các đơn vị giải trí khác, lượng khách giảm kỷ lục so với cùng kỳ năm ngoái. Tính đến thời điểm hiện tại, một số phim đã bị hủy lịch chiếu vì dịch COVID-19 như “No time to die”, “Fast 9”, “Vùng đất câm lặng 2”.

Để đối phó với dịch, các đơn vị làm sách, xuất bản tổ chức các hội sách online nhằm giữ khách hàng.

Một số phim khác của Việt Nam dự định công chiếu như “Chị Mười Ba: 3 ngày sinh tử của Việt Nam”, “Bí mật của gió”, “Trạng Tí” cũng tạm hoãn và dời lịch chiếu đến cuối năm. Trước đó, CGV đã thông báo tạm dừng hoạt động các cụm rạp trong thành phố Hồ Chí Minh. Trung tâm chiếu phim Quốc gia, một địa điểm thu hút khách tại Hà Nội cũng thông báo  đóng cửa. 

Trước đó, rất nhiều chương trình nghệ thuật của các nghệ sĩ được chuẩn bị công phu cũng bị hủy như chương trình “Chuyện tình”, chào mừng ngày Phụ nữ Việt Nam 8-3 của ca sĩ Khánh Ly. Ca sĩ  Quang Hà cũng chia sẻ, anh bị hủy 21 show diễn trong thời gian vừa qua. Ra Tết là mùa hát sự kiện của các nghệ sĩ theo dòng nhạc dân gian ở miền Bắc.

Nhưng ngay cả những ca sĩ đắt show như Tân Nhàn, Tố Nga, Phạm Phương Thảo đều “ngồi im” trong thời điểm này.  “Thiệt hại về kinh tế rất nhiều, nhưng trong thời điểm này, chúng ta đều phải chung tay cùng cả nước chống dịch. Đó là việc quan trọng nhất trong thời điểm này”, NSƯT Tố Nga chia sẻ.

Làng giải trí  TP Hồ Chí Minh cũng hiu hắt

Nhiều chương trình nghệ thuật, giải trí, các sự kiện văn hóa lớn ở TP Hồ Chí Minh cũng lâm vào tình trạng “bể kèo” vì COVID-19. Mọi công tác chuẩn bị đã xong, nhưng vì dịch bệnh diễn biến phức tạp, Hội sách TP Hồ Chí Minh lần thứ XII vốn dự định được tổ chức từ 16 - 22/3 tại Công viên Lê Văn Tám cũng phải hoãn lại. Theo đó, Sở Thông tin và Truyền thông sẽ tham mưu đề xuất UBND thành phố tổ chức sự kiện này vào một thời gian khác, phù hợp hơn.

Nhà hát Múa rối Thăng Long tạm dừng hoạt động.

Lễ hội áo dài – sự kiện thường niên của TP Hồ Chí Minh cũng sẽ được tính toán quyết định sau, tùy vào tình hình diễn tiến của dịch bệnh COVID-19 cũng như khả năng, hiệu quả chống dịch của TP Hồ Chí Minh.

Gala Xiếc quốc tế 2020 do Nhà hát Nghệ thuật Phương Nam và đoàn xiếc thú Hồng Lộc phối hợp thực hiện tại rạp xiếc công viên Gia Định (quận Gò Vấp) cũng "gãy gánh" giữa đường vì ảnh hưởng dịch bệnh. Khán giả không có, Ban tổ chức quyết định ngưng gala giữa chừng. 14 nghệ sĩ xiếc quốc tế được mời tới đã lên đường về nước ngay sau đó.

Một số dự án phim vốn đang chờ ngày ra rạp, nay cũng hoãn công chiếu. Mới đây, thông cáo báo chí từ đoàn làm phim Trạng Tí” (nhà sản xuất Ngô Thanh Vân) - phim chuyển thể từ “Thần đồng đất Việt”, thay vì lịch phát hành vào dịp 30-4 năm nay, lại dời lịch chiếu mới sang tháng 2 năm sau.

Còn bộ phim “Bí mật của giò”, dù đã ra mắt tại TP Hồ Chí Minh và Hà Nội, song nhà sản xuất phim cũng phải dời thời điểm công chiếu chính thức vì diễn biến phức tạp của dịch bệnh; đến nay chưa có thêm động tĩnh gì mới. Trong đợt này, một phim khác cũng được mong đợi là “Chị Mười Ba” cũng có khả năng dời lịch chiếu ban đầu là ngày 27/3. Tuy nhiên, đến thời điểm này, phim chưa quảng bá rầm rộ.

Thông tin về dự án này cũng biến mất trong nhóm phim sắp chiếu trong tháng 3 của các hệ thống rạp lớn. Theo dự báo của giới làm phim, tình trạng rạp ảm đạm vẫn sẽ kéo dài tới hết tháng 3, ảnh hưởng lớn đến thành tích của các phim từ đầu năm đến nay.

Sân khấu cũng chỉ biết “kêu trời” vì COVID-19. Sau Tết, vốn là dịp để nghệ sĩ cải lương, nghệ sĩ hát bội kiếm thêm thu nhập từ mùa hát chầu, thì nay, cũng đành ngậm ngùi vì các chương trình hoãn vô thời hạn. Trong khi đó, hầu hết các sân khấu đều tắt đèn. Nghệ sĩ liên tục bị hủy “sô”.

Đắt sô như NSƯT Kim Tử Long cũng bị hủy hơn 20 suất diễn lớn, chưa kể những suất diễn nhỏ, diễn hợp đồng, event… Các nghệ sĩ khác như NSƯT Thoại Mỹ, NSƯT Tú Sương, Võ Minh Lâm, Điền Trung, Thanh Thảo, Minh Trường, Nhã Thy... cũng trong tình cảnh tương tự. “À Ố show”, “Làng Tôi”, “Teh Dar” của Lune Production – những vở luôn đắt khách thì nay cũng phải dừng diễn và kế hoạch lưu diễn thế giới mùa hè 2020 cũng phải dừng lại vì COVID-19.

Sống chung với "lũ"

Dù chịu nhiều thiết hại cũng như đối mặt với nhiều khó khăn trong thời gian tới, các nghệ sĩ, các đơn vị cũng đang thích nghi, có những hoạt động điều chỉnh dần, để có thể tiếp tục trụ được trong tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp như hiện nay.

Rạp Tháng Tám đóng cửa đến hết tháng 3.

Dù sân khấu khó khăn, nhưng một số nhà hát, rạp… vẫn đang cố gắng bám trụ để sáng đèn, duy trì một vài suất diễn để tồn tại.

Dù “À Ố show”, “Làng Tôi”, “Teh Dar” dừng biểu diễn ở cả ba thành phố (Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hội An), nhưng mọi hoạt động đằng sau để duy trì cho vở diễn trở lại vẫn đang được duy trì. Nghệ sĩ tiếp tục tập luyện tại các nhà hát; kỹ thuật viên bảo dưỡng cơ sở vật chất và trang thiết bị; nhóm vận hành chịu trách nhiệm mọi phát sinh đối với khán giả và đối tác...

Sau khi Hội sách TP Hồ Chí Minh bị hoãn, các đơn vị làm sách, xuất bản nhanh chóng thực hiện các hình thức giao lưu, livestreams, hội sách online, tung các chương trình khuyến mãi nhằm kích cầu sức mua của độc giả trong thời gian dịch bệnh.

Ở Hà Nội, các nhà hát đóng cửa đón khách, nhưng các nghệ sĩ vẫn âm thầm làm việc, chuẩn bị cho các dự án mới. Tại Nhà hát Nhạc vũ kịch, các nghệ sĩ vẫn miệt mài tập luyện, thậm chí họ làm việc rất căng cho một dự án sẽ được trình làng vào cuối năm nay nhân dịp biên đạo múa Lê Ngọc Văn về nước.

Nhà hát Chèo Hà Nội cũng lên kịch mục chuẩn bị chương trình cho ngày tết thiếu nhi 1-6 và các vở mới của nhà hát. “Chúng tôi coi đây là cơ hội để nhà hát nhìn lại con đường của mình, dành thời gian suy nghĩ, chăm chút cho các vở diễn mới. Có lẽ đó cũng là khoảng lặng có giá trị đối với chúng tôi”, NSƯT Thu Huyền nói.

Nguyễn Dung
.
.
.