Tim Cahill và kỳ World Cup cuối cùng:

Cahill càng bền bỉ, bóng đá Australia càng thiếu nhân tài

Thứ Bảy, 12/05/2018, 14:48
Mới đây, Tim Cahill vừa được điền tên vào danh sách sơ bộ 32 cầu thủ của đội tuyển Australia dự World Cup 2018. Ở tuổi 38, đây là kỳ World Cup thứ 4, cũng là kỳ World Cup cuối cùng của cựu tiền đạo Everton. 

Tuy nhiên, việc Cahill vẫn được trọng dụng trong suốt 15 năm ở đội tuyển dường như không phải một tín hiệu tốt, trái lại, nó chỉ chứng tỏ bóng đá Australia đang ngày càng thiếu hụt nhân tài.

Thời còn thi đấu cho Everton, Tim Cahill nổi tiếng nhờ khả năng đánh đầu cực tốt dù chỉ sở hữu chiều cao khiêm tốn 1m78. Dưới thời HLV David Moyes, Cahill luôn là con bài tẩy trong những pha không chiến. 68 bàn ghi được trong 278 trận khoác áo Everton cho thấy khả năng săn bàn tuyệt vời của Tim Cahill dù anh xuất thân là một tiền vệ. Tuy nhiên, đó là câu chuyện của 6-7 năm về trước.

Cahill đã rất sa sút ở tuổi 38.

Bản thân Tim Cahill hiểu anh đã đi xuống phong độ từ rất lâu. Kể từ lúc trở lại đầu quân cho Millwall vào kỳ chuyển nhượng mùa đông năm nay, anh không thể ghi nổi lấy một bàn thắng. Ở tuổi 38, Cahill chỉ có thể vào sân ở những phút cuối cùng của trận đấu, còn lại chủ yếu ngồi trên băng ghế dự bị. Không bàn thắng, không kiến tạo, rõ ràng Cahill giờ là một tiền đạo vô hại.

Tồi tệ hơn, số thẻ phat Cahill nhận được còn lớn hơn cả số cơ hội nguy hiểm anh tạo ra. Cahill để lại hình ảnh tiêu cực bằng việc chơi xấu đối thủ trong trận thua Fulham hồi cuối tháng trước, khiến anh bị treo giò 3 trận, còn Millwall kết thúc chuỗi 14 trận bất bại liên tiếp, qua đó tụt lại dần trong cuộc đua giành vé dự playoff lên chơi ở Premier League.

Do đó, việc Cahill tiếp tục được gọi lên tuyển Australia càng khiến người hâm mộ bóng đá xứ sở chuột túi bất ngờ. Nhưng với những ai đã theo dõi bóng đá Australia bấy lâu, họ nhìn mọi chuyện theo một góc độ khác: Bóng đá Australia giờ đây đang thiếu nhân tài trầm trọng. Tiêu chuẩn tuyển thủ khoác áo Australia đã đi xuống thê thảm trong 1 thập kỷ qua.

12 năm trước, đội tuyển Australia lần đầu trở lại World Cup sau 32 năm vắng bóng. Đội hình của đội bóng xứ sở chuột túi khi đó quy tụ những ngôi sao hàng đầu thi đấu ở Premier League, Serie A và Bundesliga. Trong số 23 tuyển thủ Australia dự World Cup 2006 chỉ có 3 cái tên chơi bóng ở châu Đại Dương, 20 người còn lại đều thi đấu ở châu Âu.

Bên cạnh Tim Cahill chơi cho Everton khi đó, họ còn có thủ môn Mark Schwarzer (Middlesbrough), hậu vệ Lucas Neill (Blackburn Rovers), tiền đạo Mark Viduka (Middlesbrough) - chân sút hàng đầu ở Premier League, tiền vệ Harry Kewell (Liverpool)... Hầu hết trong số họ đều đá chính ở Anh, cho thấy sức mạnh đội tuyển Australia khi đó ở đẳng cấp thế giới.

Bằng sức mạnh của đội hình không thiếu những ngôi sao khi đó, Australia vượt qua vòng bảng World Cup 2006 và chỉ chịu bị loại trước nhà vô địch Italia tại vòng 16 đội. Đó cũng là trận đấu Australia khiến Italia toát mồ hôi hột thi đấu, và chỉ có thể chiến thắng ở phút bù giờ cuối cùng bằng quả phạt đền của Francesco Totti.

2 kỳ World Cup tiếp theo, lứa cầu thủ tài năng của Australia dần mai một. Dù khẳng định ưu thế tuyệt đối ở châu Á bằng chức vô địch Asian Cup, nhưng nhìn vào những cầu thủ đang khoác áo Australia, ta thấy họ ở một đẳng cấp thua kém hoàn toàn so với lứa đàn anh trước kia.

Ở thời điểm hiện tại, trong đội hình từng tham dự World Cup 2006, chỉ còn một mình Tim Cahill còn thi đấu ở đội tuyển. Sau khi rời Everton, anh trôi dạt qua Trung Quốc, về Australia thi đấu, rồi bây giờ trở lại Championship - giải hạng nhất Anh - đầu quân cho CLB cũ Millwall. Rõ ràng Cahill không còn mạnh mẽ và nhanh nhẹn như xưa, nhưng anh vẫn chiếm một suất đá chính.

Những cái tên còn lại đang khoác áo đội tuyển Australia càng cho thấy đội tuyển nước này đã sa sút đến thế nào. Thủ môn Mathew Ryan và tiền vệ Aaron Mooy là hai cái tên hiếm hoi chiếm một suất đá chính ở một CLB Premier League. Người bắt dự bị cho Ryan, Mitchell Langerak, sau một thời gian thi đấu ở Dortmund giờ đã trôi dạt sang Nhật Bản.

Trent Sainsbury sau thời gian thi đấu ở Trung Quốc giờ đang cố tìm lại mình tại Thụy Sĩ. Hàng tiền vệ gồm đội trưởng Mile Jedinak, Massimo Luongo, Jackson Irvine đều thi đấu ở Championship. Trên hàng công, Cahill phải thi đấu bên cạnh những tiền đạo hạng xoàng như Robbie Kruse hay Tomi Juric. Người có phong độ ổn định nhất là Mathew Leckie, cầu thủ ra sân khá thường xuyên tại Hertha Berlin.

Đó là minh chứng rõ nhất cho thấy thế hệ cầu thủ tài năng của bóng đá Australia một thời giờ đây đã mai một đến thế nào. Tiêu chuẩn "đá chính ở Premier League" để được lên tuyển Australia 12 năm trước giờ hạ xuống thành "đá chính ở Championship", thậm chí là những nền bóng đá ở cấp độ thấp hơn nhiều tại châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc.

Tomi Juric là tiền đạo tốt nhất Australia đang có, nhưng anh chưa thể gánh vác thay Cahill.

Một đội tuyển quốc gia thiếu nhân tài đến như vậy, thế nên dễ hiểu tại sao họ phải trông chờ vào một chân sút đã 38 tuổi như Tim Cahill. 12 trận gần nhất chơi cho đội tuyển Australia, Cahill đá chính 5 trận, ghi 2 bàn. Nhưng tính rộng ra, kể từ tháng 6 năm ngoái đến nay, sau 21 trận, anh chỉ ghi được 3 bàn.

Cú đúp của Tim Cahill vào lưới Syria giúp Australia giành vé dự vòng chung kết World Cup hồi tháng 10 năm ngoái là khoảnh khắc tỏa sáng hiếm hoi của Tim Cahill. Tuy nhiên sau đó, anh lại tiếp tục im hơi lặng tiếng. Tuổi tác rõ ràng đã khiến Cahill không thể thi đấu lâu trên sân và đóng góp nhiều như trước nữa.

Người khả dĩ nhất thay thế vai trò ghi bàn của Tim Cahill hiện nay là Tomi Juric. Sở hữu chiều cao 1m91, cầu thủ này rất mạnh mẽ trong tranh chấp và những pha không chiến. 2 năm qua, anh ghi bàn nhiều gấp đôi Cahill ở đội tuyển quốc gia. Tuy nhiên, Juric chỉ đang chơi cho FC Luzern, một đội bóng bình thường tại Thụy Sĩ. Tầm ảnh hưởng Juric có cũng không thể sánh ngang được với Cahill.

Những tiền đạo còn lại thay thế Cahill đều là những cầu thủ hạng xoàng. Jamie Maclaren chủ yếu đánh bóng ghế dự bị ở SV Darmstadt 98, câu lạc bộ thi đấu ở Bundesliga. Nikita Rukavystya trôi dạt sang Israel, và cả hai cầu thủ này đều không gây ấn tượng mỗi lần được gọi lên đội tuyển quốc gia.

Bản thân Cahill còn nguyên khát khao cống hiến cho đội tuyển Australia đến ngày anh giải nghệ. Việc gọi Tim Cahill lên đội tuyển quốc gia trong danh sách sơ bộ không có nghĩa chắc chắn anh sẽ chiếm một suất dự World Cup. Tuy nhiên, việc Cahill còn hiện diện trong đội tuyển càng chỉ cho thấy đội bóng nước này đang thiếu nhân tài.

"Tre" Cahill đã rất "già", nhưng vẫn chưa có măng non nào của Australia mọc suốt hơn 10 năm qua. Và vì thế, bóng đá Australia đang ngày càng trở nên tầm thường so với thế giới giống như lứa cầu thủ của họ. Dường như bóng đá Australia đã đánh mất chính mình kể từ khi trở thành một phần của bóng đá châu Á, với mục đích dễ dàng giành vé dự World Cup.

Tim Cahill và những kỷ lục ở đội tuyển Australia

Sinh ra ở quần đảo Samoa, nhưng Tim Cahill sớm sang Australia rồi đến Anh chơi bóng. Anh cũng chọn khoác áo đội tuyển Australia để có cơ hội thi đấu ở những giải đấu lớn. Những kỷ lục cùng đội tuyển Australia cho thấy anh đã quyết định đúng.

Hiện tại Tim Cahill là chân sút xuất sắc nhất trong lịch sử đội tuyển Australia với 50 bàn thắng, bỏ xa người thứ hai Damian Mori (29 bàn). Trong số những cầu thủ còn đang khoác áo Australia, chỉ có Mile Jedinak nằm trong tốp 10 (18 bàn), cho thấy kỷ lục của Cahill còn rất lâu nữa mới có thể bị phá vỡ.

Tim Cahill vẫn chiếm suất đá chính ở ĐT Australia

Về số lần khoác áo đội tuyển Australia, Tim Cahill đang đứng thứ hai với 105 trận, chỉ sau thủ môn Mark Schwarzer (109 trận). Anh hoàn toàn có thể phá vỡ kỷ lục này nếu còn tiếp tục thi đấu ở tuổi 38.

Bên cạnh đó, Tim Cahill cũng là cầu thủ Australia đầu tiên ghi bàn ở vòng chung kết World Cup cũng như Asian Cup. Tính ở các vòng chung kết World Cup, sau 3 kỳ tham dự, Cahill ghi được 5 bàn thắng, chiếm giữ luôn vị trí cầu thủ Australia ghi bàn nhiều nhất ở các vòng chung kết World Cup.

Sau 3 kỳ tham dự World Cup, Cahill đã ra sân 8 trận, chỉ sau người đồng đội Mark Bresciano (9 trận). Anh lẽ ra có thể đã cân bằng thành tích này nếu như không dính thẻ đỏ ở trận gặp Đức tại World Cup 2010.

Bàn thắng đầu tiên của Tim Cahill tại World Cup giúp anh đi vào lịch sử bóng đá Australia diễn ra ở trận đầu tiên vòng bảng World Cup 2006. Bị Nhật Bản dẫn trước đến tận phút 84, Tim Cahill là người đã mở màn cho cú lội ngược dòng ngoạn mục. Trong vòng 5 phút từ phút 84 đến phút 89, anh ghi liền 2 bàn thắng trước khi Aloisi ấn định chiến thắng 3-1.

Cahill sau đó ghi 1 bàn ở World Cup 2010 và 2 bàn ở World Cup 2014. Anh cũng là cầu thủ Australia duy nhất đã ghi bàn ở tất cả các kỳ World Cup góp mặt. Tuy vậy, những bàn thắng của Cahill ở 2 kỳ World Cup tiếp theo không thể giúp Australia vượt qua vòng bảng.

Đơn Ca
.
.
.