Cái dớp "về nhì" tại Grand Slam của Andy Murray:

Cái giá của con nhà giàu

Thứ Tư, 08/06/2016, 14:13
"Big 4" làng banh nỉ thế giới vốn là câu chuyện giữa Federer, Nadal, Djokovic và Murray nhiều năm qua.Nhưng thực ra, cuộc chiến ấy chỉ gói gọn trong mối quan hệ đối đầu giữa ba gương mặt đầu tiên. Andy Murray, tay vợt số một Vương quốc Anh chưa bao giờ đứng trong hàng ngũ ấy.


Trong khi cả Federer là tượng đài thì lượng danh hiệu Grand Slam của Djokovic và Nadal đều chạm ngưỡng hai chữ số. Ngược lại, dù liên tục duy trì vị trí trong tốp 4 bảng xếp hạng ATP khoảng 7 năm trở lại đây song Murray mới 2 lần đoạt ngôi quán quân hệ thống giải đấu danh giá nhất trong năm.

Phải nhấn mạnh chi tiết Murray đã 10 lần đi tới trận đấu cuối cùng ở các giải Grand Slam, nghĩa là anh đã đánh rơi 80% số cơ hội. Tối chủ nhật, một hình ảnh quen thuộc của Murray ở Philippe Chatrier: Dễ dàng gục ngã trước Djokovic.

Có người cho rằng do Murray quá "cơ bản", cái gì cũng tốt nhưng không cái gì nổi bật. Khi thương hiệu của Federer là lối đánh tấn công, của Nadal là những cú đánh móc, của Djokovic là cú trả giao bóng thì nhìn Murray, giới mộ điệu chỉ biết nói: "Anh này đánh hay, nhưng dễ bắt bài".

Tạp chí New Yorker từng bình luận: "Murray thiếu bản sắc". Vậy rốt cuộc, đâu là nguyên nhân chặn đà thăng tiến của Murray, bất chấp một sự thật ngoài tốp 4, anh không có đối thủ.

Chuẩn "con nhà tông"

Willie là một trong số những vận động viên (VĐV) nam đánh đôi tốt nhất thế giới, đặc biệt ở thập niên cuối thế kỷ 20.Judy là chuyên gia huấn luyện tennis tại Scotland cùng giai đoạn.

Murray - cầu thủ lớn của trận đấu nhỏ, cầu thủ nhỏ của trận đấu lớn.

Andy Murray là sản phẩm của cuộc hôn phối giữa hai nhân vật thành công bậc nhất làng banh nỉ Vương quốc Anh.Năm 1987, Murray chào đời.

Lên 2 tuổi, Murray chập chững ném những quả bóng hơi vào tường và cố gắng chụp lấy chúng.Một năm sau, khi chúng bạn bắt đầu đi mẫu giáo nhỡ thì Murray đã làm quen với tennis bằng những chiếc vợt nhựa bán ở siêu thị Walmart.

Đến lúc lên 5, Murray đã tham gia giải đấu đầu tiên tổ chức bởi cung thể thao Dunblane cho độ tuổi từ… 9 đến 11. Murray sớm bộc lộ tố chất hơn người, tới mức Leon Smith, trưởng phòng đào tạo quần vợt phải thốt lên: "Nhìn kìa, cậu bé này tới từ hành tinh khác".

Ngay lập tức, Murray tham gia tập luyện bán thời gian tại Học viện tennis Dunblane, tiền lệ chưa từng xảy ra tại đây vì tiêu chuẩn đầu vào là 8 tuổi.

Tài năng của Murray khỏi phải bàn cãi. Anh xuất sắc đến độ Liên đoàn quần vợt Scotland thừa nhận môi trường thực tại không phải điều kiện phát triển lý tưởng cho một tay vợt như Murray. 

Mùa hè 1992, Murray lên đường sang Tây Ban Nha tu nghiệp. Bố mẹ Murray thậm chí phải bán đi hai kỷ niệm chương thời còn thi đấu để hùn đủ vốn 40.000 euro cho cậu út đi du học.

Murray theo học tại Sanchez-Casal, học viện tennis nổi tiếng nhất Tây Ban Nha. Tại đây, anh và Rafael Nadal trở thành đồng môn của nhau. Nhưng trong khi Nadal hàng tháng đều được trực tiếp giảng dạy bởi Pete Sampras, Murray lại loanh quanh so vợt với những tay vợt ngoài tốp 100 ATP làm việc bán thời gian tại đây.

Nổi máu ghen tỵ, Murray đánh điện về nhà, bảo cha mẹ gửi anh trai Jamie, một tay vợt đầy triển vọng khác của Scotland sang hỗ trợ. Thế là, 30.000 euro khác được gửi tới tài khoản của Sanchez-Casal, chỉ để phục vụ sự nghiệp của Murray.

Sớm thừa hưởng tinh thần thể thao chuyên nghiệp từ gia đình, lại lớn lên trong điều kiện vật chất sung túc đầy đủ, Murray nhanh chóng trở thành niềm hy vọng tennis của đại dân tộc khối thịnh vượng.

17 tuổi, Murray đã dự Davis Cup, đi vào lịch sử với tư cách VĐV trẻ nhất đại diện cho Vương quốc Anh. Hơn 18 tháng sau, anh lọt vào tốp 100 ATP, một kỳ tích mà trong lịch sử, chỉ 4 người làm tốt hơn Murray.

Nhụt chí vì được nuông chiều

Wimbledon 2005 đánh dấu sự xuất hiện của Murray trước đông đảo công chúng.Vào tới vòng 3, đối thủ là David Nalbadian.

Hai set đầu, Murray chơi tuyệt hay. Anh lần lượt thắng 7-6, 6-1 và sẵn sàng làm nên địa chấn. Nhưng sau khi mắc 14 lỗi đánh hỏng trong set 3 và thua trắng, Murray mất bình tĩnh. Anh thua tiếp set 4 và tỏ ra suy nhược cơ thể ở ván đấu quyết định.

Bắp chân chuột rút và cái mặt liên tục nhăn nhó báo hiệu cái kết không có hậu.Murray thua 1-6, rời cuộc chơi.

Không ai trách mắng một tay vợt trẻ, nhưng thứ khiến người ta lo lắng là tại sao, một VĐV đang ở kỳ sung mãn, tới từ Liên hiệp Anh - nơi vốn nổi tiếng với chế độ tập luyện nặng thể lực, có lợi thế sân nhà cùng khí hậu lại không thể chịu đựng tới set thứ 5?

Đấy là vấn đề của Murray.Tài năng là một chuyện nhưng duy trì tài năng, đẩy tài năng tới giới hạn là chuyện khác.Mà trong đó, yếu tố dinh dưỡng là tối quan trọng.

BBC kể lại năm 2005, phóng viên của họ vào Starbukcs mua cafe bắt gặp cảnh Murray mồm ngấu nghiến bánh mỳ bọc đường, tay khư khư cốc frappuchino (loại cafe đánh bông, uống cùng kem tươi). Ở quầy thu ngân, mẹ Murray đang thanh toán hai suất ăn hệt vậy.

Khá bất ngờ trước khẩu phần ăn hàng ngày của Murray, BBC bèn cất công đi gặp Gilbert, HLV của Murray lúc ấy. Ông này té ngửa.

Số là khi hai bên đặt bút ký hợp đồng, Murray yêu cầu sự giúp đỡ nhằm cải thiện tốc độ di chuyển theo bề ngang. Gilbert đưa ra khuyến nghị: "Thêm 8 dặm mỗi giờ được không?".Murray nhất trí, vì điểm yếu của anh là vừa chạy vừa đánh trả.

Tuy nhiên, muốn đạt tới gia tốc ấy, Murray cần tăng trọng lượng thêm 4kg. Nhưng tăng vào chỗ nào trên cơ thể? Theo Gilbert, Murray giảm mỡ bụng, thêm phần cánh tay và bả vai, đồng thời tập thêm cơ bắp chân để bàn chân đỡ chịu quá nhiều lực, từ đó mà đôi chân trở nên dẻo dai, bền bỉ và nhanh nhẹn hơn.

Ấy vậy mà Murray chỉ nghe vế "tăng cân" mà bỏ ngoài tai phần cốt lõi đằng sau. Trong hai năm liền, Murray nghiện bánh ngọt và cafe sữa, khiến cơ thể phát phì thêm 10kg.

Andy Murray một lần nữa gác vợt trước Novak Djokovic.

Cũng trong khoảng thời gian ấy, Nadal - người chỉ hơn Murray một tuổi và bắt đầu sự nghiệp gần như cùng lúc đã vô địch Roland Garros tới 2 lần, dần trở thành đối trọng thực sự của Federer.Còn với Murray, thành tích tốt nhất tại các giải Grand Slam chỉ là vòng 4 Úc mở rộng.

Nói một cách nôm na, Murray đã lãng phí hai năm tuổi trẻ, mà như chính anh thừa nhận khi đưa ra thông cáo báo chí sa thải Gilbert là: "Tôi đã mắc sai lầm khi không nghe lời Gilbert. Nhưng chúng tôi vẫn phải nói lời tạm biệt vì lẽ ra, ông ấy đã có thể sát sao hơn với tôi. Tại sao Gilbert không hét lên và tát thẳng vào mặt cho tôi tỉnh giấc?".

Thêm một tính xấu nữa của Murray.Anh không có thói quen cho đi và nhận lại. Murray cũng không bao giờ chịu nhận hoàn toàn trách nhiệm về mình vì xung quanh anh luôn có những tấm bia đỡ đạn thường trực. Murray quen ỉ lại, hay nói đúng hơn là anh luôn luôn cần ai đó "chịu trận" cùng mình.

Thế nên, chỉ trong 6 năm qua, Murray đã thay tới 7 HLV.Ivan Lendl nâng Murray lên tầm cao mới, khi là người giúp Murray đoạt hai danh hiệu Grand Slam.Nhưng Lendl cũng phải ra đi vì Murray cho rằng, ông không biết cách truyền cho anh năng lượng trên mặt sân đất nện.

Mới đây, ngay trước thềm Pháp mở rộng 2015, Murray đã sa thải Amelie Mauresmo. Anh khăng khăng khẳng định Mauresmo thiếu kiến thức thực tế, không hiểu về dòng dịch chuyển thời đại nên hai năm gắn bó với nhau, Murray không tài nào có thêm một Cúp bạc trong bộ sưu tập Grand Slam.

Song đôi khi, HLV không có lỗi. Bởi họ đâu trực tiếp cầm súng ra chiến trường. 90% chiến thắng phụ thuộc vào năng lực và màn thể hiện của VĐV.

Murray, thật đáng buồn, không hiểu được chân lý đó. Anh liên tục đổ lỗi cho HLV mà không nhận ra điểm yếu của mình: Cầu thủ lớn của trận đấu nhỏ. Bảo sao, khi sắp bước sang tuổi 30, trước mặt Murray vẫn còn một quãng đường quá xa để di chuyển.

Khoảnh khắc Murray gào lên đau đớn khi chịu trận trước Djokovic tại Roland Garrod 2016, người hâm mộ hiểu ra họ sẽ còn bắt gặp cảnh tượng ấy nhiều lần.

Nghiện đồ ngọt, thích đùa dai

Murray không còn ăn bánh mỳ bọc đường và uống cafe kem sữa, nhưng khẩu vị ngọt của anh không thay đổi. Theo mẹ Murray, con trai mình là fan cứng của Pizza, bánh quy Haagen-Dazs và kem tươi Italia. Tất nhiên, thi thoảng Murray mới ăn, thường là quãng tháng 10-11, khi khoảng nghỉ giữa các giải đấu kéo dài.

Ngón áp út tay trái của Murray có một vết sẹo. Năm 10 tuổi, Murray có thú vui quái đản là túm tóc và… tụt quần anh trai Jamie. Vốn cục tính, lại bị em trêu suốt mấy tuần liền nên Jamie nổi đóa, ghì bàn tay Murray xuống thành bếp và đấm thật mạnh, ngón tay vô tình xượt qua làm mất tảng thịt to trên tay Murray

Thoát chết gang tấc, cầu thủ bóng đá và lăng mạ trọng tài

Năm 1996, Murray là nhân chứng trong vụ thảm sát 16 học sinh ở trường tiểu học Dunblane. Khi Murray và Jamie đi bộ tới phòng thể dục, tiếng súng vang lên, rồi sau đó là tiếng gào thét hỗn loạn. Hai người nhanh chóng cậy cửa phòng hiệu trưởng, vờ khóa lại và trốn dưới chiếc bàn làm việc.

Ngoài ra, vào năm 2002, khi chuẩn bị đăng ký tham dự hệ thống giải quần vợt chuyên nghiệp, Murray nhận lời mời thử việc từ… Rangers, một trong hai CLB bóng đá mạnh nhất của Scotland.

Khi 18 tuổi, Murray chịu phạt 2.000 euro vì tội lăng mạ và từ chối bắt tay trọng tài chính. Sự cố này suýt chút nữa đẩy sự nghiệp Murray xuống bùn lầy trước tin đồn liên đoàn quần vợt thế giới cấm thi đấu 6 tháng với tay vợt trẻ.

Đơn Ca
.
.
.