Cần một hành lang pháp lý để bảo vệ thị trường tranh Việt

Chủ Nhật, 24/05/2020, 10:04
Giới mỹ thuật trong nước lại một lần nữa xôn xao vì trong phiên đấu giá trực tuyến “Art du Vietnam” của nhà đấu giá nổi tiếng Drouot (Pháp) có 2 bức tranh đề tên Bùi Xuân Phái và Nguyễn Tiến Chung bị coi là sao chép, làm giả lộ liễu. Câu chuyện này một lần nữa báo động về bản quyền mỹ thuật và nạn tranh giả của nước ta.


Tranh giả ngang nhiên lên sàn đấu giá quốc tế

Trong phiên đấu giá trực tuyến, có 2 tác phẩm được đề tên của họa sĩ Bùi Xuân Phái và Nguyễn Tiến Chung. Trong đó, bức tranh sơn mài "Gặt lúa" được cho là của họa sĩ Nguyễn Tiến Chung, sáng tác năm 1970 có mức giá khởi điểm là 6.000- 8.000 Euro. Còn bức bột màu trên giấy "Diễn viên chèo" được cho là của họa sĩ Bùi Xuân Phái, có mức giá khởi điểm là 1.500-2.000 Euro. Con trai họa sĩ Nguyễn Tiến Chung khẳng định bức tranh của bố ông là giả.

Tranh giả của họa sĩ Trần Văn Cẩn được bán đấu giá trên sàn quốc tế.

Theo nhiều nhà nghiên cứu, chỉ bằng mắt thường cũng nhận ra bức “Diễn viên chèo” là tranh giả, vì trình độ kỹ thuật thấp và không có điểm tương đồng với phong cách của danh họa Bùi Xuân Phái. Nét vẽ vẫn có những chỗ ngây ngô và quan trọng của một bức tranh mà không thể làm giả được, theo họa sĩ Đào Hải Phong, đó chính là hồn cốt, tinh thần của tranh, người chép có tài đến mấy cũng không chép được.

Đây không phải lần 1, lần 2 tranh Việt bị làm giả trên sàn đấu giá quốc tế.  Trước đó, họa sĩ kỳ cựu Nguyễn Thụ cũng lên tiếng tố bức tranh sơn mài “Thuyền buồm dưới ánh trăng” ký tên ông trên sàn trực tuyến của nhà đấu giá Aguttes (Pháp) là mạo danh. Bởi thực tế, trong đời ông chưa vẽ một bức sơn mài nào. Bức này được đánh giá là xấu, khắc hẳn phong cách mềm mại, mang đậm màu sắc Á Đông trong các tác phẩm của họa sĩ Nguyễn Thụ. May mắn cho tác phẩm “Thuyền buồm dưới ánh trăng” vì tác giả của nó còn sống. Còn nhiều tác phẩm, nhất là của các họa sĩ Đông Dương bị làm giả mà chúng ta thiếu những căn cứ để lên tiếng bảo vệ.

Bức tranh bột màu trên giấy được cho là của họa sĩ Bùi Xuân Phái với những nét vẽ còn thô.

Năm 2019, giới mỹ thuật bị chấn động bởi nhà đấu giá danh tiếng Sothebys Hong Kong công khai tác phẩm của các họa sĩ nổi tiếng Việt Nam như Trần Văn Cẩn, Tô Ngọc Vân, Nguyễn Tư Nghiêm, Nguyễn Sáng trên web, để các nhà sưu tập tham khảo trước khi đưa lên sàn đấu giá. Ngay lập tức, cả 4 tác phẩm này bị giới họa sĩ Việt bóc mẽ là tranh chép, tranh giả của  4 tứ trụ” của hội họa Việt Nam, trong đó 2 bức “Lá Thư” và “Hai cô gái trước tấm bình phong” của họa sĩ Tô Ngọc Vân và Trần Văn Cẩn đang được Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam lưu giữ và trưng bày.

Trước sự lên tiếng mạnh mẽ của truyền thông và giới mỹ thuật trong nước, nhà đấu giá Sothebys Hong Kong đã lặng lẽ gỡ tác phẩm không một lời giải thích.

Trước đó, bức tranh “Đời sống gia đình” của danh họa Lê Phổ dù bị nghi ngờ nhưng vẫn được nhà đấu giá này bán với giá 1 triệu USD. Bức này vẽ người thiếu phụ có 2 bàn tay trái, sai nghiêm trọng về mặt giải phẫu. Họa sĩ Nguyễn Thị Hiền cho rằng: “Đó là sự xúc phạm đến cả nền mỹ thuật Việt Nam”.

Việt Nam chưa có một thị trường cao cấp cho mỹ thuật

Đó là tranh Việt trên thị trường quốc tế. Còn trong nước, tranh giả lâu nay vẫn là một thị trường công khai. Rất nhiều vụ tranh giả, chép tranh bị giới họa sĩ phát hiện, đưa lên truyền thông nhưng cuối cùng lại trôi vào quên lãng. Theo nhà nghiên cứu Phạm Long, điều quan trọng là tranh Việt bị làm giả ở nước ngoài vì phần lớn các tác giả đã mất.

Bức tranh của họa sĩ Nguyến Sáng cũng bị làm giả và đấu giá trên sàn quốc tế.

Chúng ta chỉ có một số văn bản liên quan tới bản quyền nhưng không bảo vệ đươc các tác phẩm/tác giả cũ (ví dụ thời Đông Dương) vì khó có bằng chứng của tác phẩm gốc (trừ các tác phẩm trong bảo tàng hoặc các bộ sưu tập tư nhân có tên tuổi). Chưa có các văn phòng luật/luật sư đại diện cho các tác giả nên khó đấu tranh về mặt pháp lý với các thương vụ “tranh giả ở nước ngoài”.

Họa sĩ Đào Hải Phong nhiều năm lên tiếng đấu tranh vì vấn nạn tranh giả, bởi điều anh trăn trở không phải là việc được mất một vài bức tranh, mà sâu xa hơn, nó làm xấu, mất uy tín cả một nền mỹ thuật mới phát triển. “Nếu cứ lem nhem thế này, thị trường thế giới, các nhà sưu tập và các sàn đấu giá uy tín sẽ dần dần nói không với tranh Việt.

Tranh của họa sĩ Thành Chương “biến” thành tranh của cố họa sĩ Tạ Tỵ.

Tranh giả là vấn đề muôn thuở của tranh Việt, ở trên thế giới cũng có những trường hợp như vậy. Tranh Việt được đưa lên sàn đấu giá quốc tế có một tín hiệu vui là tranh được quan tâm nhưng bi kịch ở chỗ là mới chỉ được quan tâm thì đã bị làm giả, làm nhái. Cứ như thế này thì nền mỹ thuật Việt không ngóc đầu lên được, chúng ta sẽ bị mất uy tín”, Đào Hải Phong cảnh báo.

Theo họa sĩ Đào Hải Phong, việc bảo vệ tranh vẫn là tiếng nói của các nhà sưu tập chân chính, họ phải lên tiếng bảo vệ tài sản của mình. Chúng ta chưa có chế tài quản lý, tất cả mới chỉ giải quyết theo sự vụ, chạy theo sự vụ. Bởi ở nước ta chưa coi trọng nghệ thuật nói chung và mỹ thuật nói riêng. Nếu chúng ta coi tranh là một tài sản, chúng ta sẽ biết cách để bảo vệ nó.

Ở Trung Quốc hay Thái Lan, họ coi tranh là một tài sản, có thể thế chấp trong ngân hàng. Còn Việt Nam thì chưa. Chúng ta cũng chưa có một thị trường cao cấp cho nghệ thuật, đó là thiệt thòi cho nghệ sĩ. Hiện nay, chúng ta có trung tâm giám định bản quyền nhưng trung tâm bị “ế”, không có ai giám định cả, tại dân ta không đủ tin. Giám định nghệ thuật rất khó, cần các phương tiện, kỹ thuật máy móc và cần cả uy tín, đạo đức của người làm.

“Vì thế, cốt lõi vẫn là câu chuyện, hiện nay Việt Nam chưa có một thị trường mỹ thuật thực sự. Nếu có thị trường, hoạt động minh bạch, coi tranh cũng là một thứ hàng hóa như thuốc… chắc chắn, chúng ta sẽ có những chế tài xử phạt nghiêm minh hơn. Tại sao thuốc giả, chúng ta xử lý được còn tranh giả thì không. Đó là do nhà nước, chính quyền chưa coi trọng mà thôi”.

 Họa sĩ Lương Xuân Đoàn, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Mỹ thuật Việt Nam cho rằng: “Hoạt động mỹ thuật ở Việt Nam hiện nay không có sự nương tựa vào một hành lang pháp lý- tiếng nói của luật pháp để bảo vệ quyền tự do sáng tạo của người nghệ sĩ.

Cho nên, người nghệ sĩ đơn phương sáng tạo và cũng đơn phương tự bảo vệ tác phẩm của mình, cũng không biết lúc nào tranh bị biến thành hàng của kẻ làm hàng giả. Khuôn mặt đẹp đẽ của mỹ thuật nước nhà qua các thời kỳ đã bị mờ đi bởi thị trường tranh giả, làm mất cảm hứng của người yêu nghệ thuật và nhiệt huyết của những nhà sưu tập chân chính”.

Cuối năm 2018, Bộ Văn hóa- Thể thao và Du lịch đã thành lập Trung tâm Giám định tác phẩm mỹ thuật, nhiếp ảnh. Tuy nhiên, thực trạng tranh giả, tranh mạo danh vẫn ngang nhiên tồn tại, từ các giao dịch trong nước cho đến nước ngoài, cho thấy khoảng cách giữa các văn bản quy phạm pháp luật với thực tiễn thị trường còn có nhiều chỗ vênh nhau.

Làm sao để giải quyết triệt để tình trạng này vẫn là một câu hỏi làm đau đầu các nhà hoạt động mỹ thuật, giới họa sĩ và nhà sưu tập. Có lẽ, thay vì chạy theo giải quyết các sự vụ (mà thực tế giải quyết chưa triệt để, chưa có chế tài xử phạt một cách nghiêm minh), đã đến lúc các cơ quan quản lý cần khẩn trương và nghiêm túc nghiên cứu các công cụ bảo vệ tranh hữu hiệu như thuế, giấy chứng nhận trị giá cũng như chủ sở hữu tài sản, có hành lang pháp lý rõ ràng để bảo vệ tranh Việt.

Nói như họa sĩ Đào Hải Phong, tranh cũng là một món hàng hóa đặc biệt, giá trị của nó cũng không kém những món hàng hóa đắt tiền, nhưng chúng ta không coi trọng. Việc thúc đẩy một thị trường mỹ thuật minh bạch là điều cần thiết để góp phần bảo vệ tranh thật, bởi sự công nhận và minh minh bạch hóa nguồn tài sản sẽ góp phần đẩy lùi sự giả trá lâu nay và làm gia tăng giá trị thật sự của các tác phẩm.

Muộn còn hơn không, đã đến lúc chúng ta cần một hành lang pháp lý để bảo vệ chính tài sản của mình để những câu chuyện như tranh giả bị đưa lên công khai trên sàn đấu giá quốc tế, hay tranh giả bày bán tràn lan trong nước sẽ được loại bỏ, tạo điều kiện cho thị trường mỹ thuật Việt phát triển. Nếu cứ kéo dài tình trạng này, chắc chắn, nó sẽ bị thui chột và chết yểu.

Linh Nguyễn
.
.
.