Từ việc CLB Man City có thể tới Việt Nam:

Cần một nhận thức chuẩn

Thứ Ba, 07/07/2015, 08:00
Phải cẩn thận dùng từ "có thể" vì cho đến khi bài báo này lên khuôn thì hợp đồng đưa Man City sang Việt Nam thi đấu vẫn chưa được ký, dù các nhà tổ chức khẳng định nó sẽ diễn ra vào ngày 27/7, và đoàn tiền trạm của Man xanh đã tới Việt Nam. Nhưng đúng là sau Arsenal, khả năng một đội bóng lớn tại giải ngoại hạng Anh như Man City đến Việt Nam lúc này là khá cao. Và nó buộc Liên đoàn bóng đá Việt Nam, ngành Thể thao và cả ngành Du lịch cần có những nhận thức chuẩn xác nhất, để có thể đạt mục đích của mình một cách tốt nhất.
Từ câu chuyện bóng đá

Nếu quả thật là Man City sẽ đến Việt Nam thì vẫn phải nhấn đi nhấn lại chi tiết: họ chỉ đến sau khi lỡ chuyến du đấu tại Indonesia, liên quan đến việc Liên đoàn bóng đá Indonesia bất ngờ bị FIFA cấm vận.

Có nghĩa, Việt Nam chỉ là một phương án phát sinh, một điểm đến thứ yếu của Man xanh. Hai năm trước, Việt Nam cũng từng là điểm đến của Arsenal, nhưng ai cũng hiểu nó bắt nguồn từ mối quan hệ của ông bầu Đoàn Nguyên Đức - ông chủ của Học viện bóng đá Hoàng Anh Gia Lai JMG với đội bóng của HLV Wenger.

Trước nữa, Olympic Brazil từng đến Việt Nam để làm quen thời tiết châu Á trước khi sang Bắc Kinh tham dự Olympic. Còn năm 1996, CLB Juventus cũng từng sang Việt Nam sau sự sắp đặt của những nhà tài trợ. Và như thế, các đội bóng lớn trên thế giới chỉ đến Việt Nam vì những lý do như "tài trợ", "quan hệ cá nhân", "làm quen thời tiết" hoặc "phương án 1 bị đổ bể", chứ không phải vì Việt Nam quả nhiên là một thị trường tốt để họ khai thác và phát triển.

Chỗ này thì chúng ta có vẻ thua xa người Thái Lan, Malaysia - nơi mà áo thi đấu của các CLB lớn ở giải Ngoại hạng Anh - thứ áo "xịn", chính gốc (chứ không phải áo "nhái") luôn được bán với một số lượng lớn và độ ổn định cao qua mỗi năm. Lâu nay, người Việt Nam vẫn tự hào rằng mình rất yêu bóng đá, nhưng nên nhớ người Thái Lan, Malaysia, Singapore, Indonesia cũng yêu bóng đá.

Man City chỉ đồng ý đến Việt Nam sau khi kế hoạch tại Indonesia phá sản.

Và ở những nền bóng đá ấy, cái gọi là "tình yêu bóng đá" có vẻ được thể hiện một cách căn cơ, bền bỉ hơn chúng ta. Bằng chứng là lượng khán giả trung bình ở Thái League luôn được duy trì ổn định, trong khi lượng khán giả ở V.League luôn trồi sụt thất thường, mà sự ổn định - nó là yếu tố quan trọng để các đội bóng lớn xem xét trước khi quyết định xây dựng, mở rộng thị trường.

Bên cạnh lý do này, cũng phải thấy rằng so với những nước trong khu vực vừa kể, số lượng những đại gia vừa có tiền, vừa chịu chơi, vừa máu mê bóng đá của Việt Nam cũng có vẻ ít hơn và xuất hiện muộn hơn. Thế nên nếu không sử dụng những kênh riêng hoặc những cơ hội phát sinh đặc biệt nào đó, mà tự tin thái quá vào việc "chúng ta là một đất nước yêu bóng đá" và "chúng ta xứng đáng để các đội bóng lớn trên thế giới phát triển thị trường" thì bóng đá Việt Nam sẽ rất khó đón những đội bóng này đến Việt Nam. 

Đến câu chuyện hình ảnh con người -  đất nước

Khi một đội bóng lớn đã đến Việt Nam, và khi những thông tin liên quan đến việc đi - đến này xuất hiện trên các phương tiện truyền thông quốc tế thì nó không đơn thuần chỉ là câu chuyện của bóng đá nữa. Nó trở thành câu chuyện của một nền thể thao, thậm chí một đất nước, một dân tộc.

Nếu biết tận dụng thời cơ này để quảng bá hình ảnh về bóng đá Việt Nam nói riêng và đất nước - con người Việt Nam nói chung, chắc chắn chúng ta sẽ thu được những hiệu quả bất ngờ, và ngược lại. Trên thực tế, chúng ta đã làm được điều này hay chưa?

Ở góc độ tổ chức, cũng có những chi tiết khá lý thú cần nhắc lại, chẳng hạn như việc khi thầy trò HLV Wenger vừa xuống sân bay Nội Bài thì chúng ta đã lập tức đội một chiếc nón lên đầu nhà cầm quân người Pháp. Hình ảnh một "ông Tây" nổi tiếng và có sức tác động trong thế giới bóng đá như Wenger đội một chiếc nón Việt Nam chắc chắn sẽ tạo ra một sức tác động lớn.

Khi người viết bài này hỏi ông Wenger: "Ông cảm nhận sao khi đội chiếc nón ấy?" thì ông Wenger bảo: "Trước đây, tôi từng nhìn thấy nó trên những con tem, và tôi cứ nghĩ nó chỉ là một hình ảnh để in lên tem, nhưng đến đây thì tôi mới biết hoá ra nó có thật. Và tôi thật sự thấy thú vị vì được đội nó lên đầu". Nên nhớ, câu trả lời này không chỉ xuất hiện trên những trang báo Việt Nam, mà còn trên cả những trang báo nước ngoài.
Đại diện Man City tiền trạm sân Mỹ Đình.

Vẫn trong dịp đó, khi chiếc xe bus chở Wenger và các học trò đang đi trên phố Hà Nội thì thật bất ngờ, có một chàng trai co chân chạy theo chiếc xe. Chàng trai ấy - người sau này được gọi là "Running man - Vũ Xuân Tiến" đã được mời lên xe, và sau này thậm chí còn được CLB Arsenal mời sang dự khán một trận đấu tại Sân vận động Emirates. Hình ảnh "Running man - Vũ Xuân Tiến" khoác cờ đỏ sao vàng chạy trên sân Emirates chắc chắn cũng là một hình ảnh giúp bạn bè quốc tế hiểu rõ hơn về con người Việt Nam, chí ít là ở góc độ tình yêu bóng đá.

Nhưng bên cạnh những điểm rất được như vậy, cũng có những tồn đọng cần phải được rút kinh nghiệm. Chẳng hạn như khi Arsenal chưa tới thì giữa những nhà tổ chức sự kiện này với ban quản lý sân Mỹ Đình đã diễn ra một vụ tranh cãi ầm ĩ liên quan tới chuyện giá thuê sân - cái chuyện mà phía sân Mỹ Đình hét giá tới 1,6 tỷ đồng với suy nghĩ: "Người ta ăn cơm thì cũng phải cho chúng tôi húp cháo" còn VFF thì khăng khăng bảo: "Họ định tận dụng thời cơ để "chặt chém".

Rõ ràng, khi thượng khách chưa đến nhà thì việc chính những người trong nhà đã xâu xé, tranh cãi nhau  quanh chuyện "cơm - cháo" thật chẳng hay ho chút nào. Thêm một ví dụ khác liên quan đến trận đấu của Đội tuyển Olympic Brazil năm 2008: trong buổi tập trước trận, phía Brazil đề nghị một CLB Việt Nam cho mượn vài cầu thủ để đủ quân đá nội bộ. Khi buổi tập kết thúc, những cầu thủ người Việt rời sân tập đồng thời cầm luôn những trang phục tập luyện mình được phát.

Phải đến vài hôm sau, thông qua cô phiên dịch viên, phía Brazil đòi lại những trang phục này thì nó mới được đem trả. Nhưng theo lời kể của cô phiên dịch thì khi chiếc túi đựng đồ được mở ra, cả một mùi nồng nặc hôi hám bốc lên khiến cô phải xấu hổ. Chẳng là trước khi trả đồ, cầu thủ nhà ta cũng chẳng chịu giặt đồ cho sạch sẽ. Một chuyện nhỏ, rất nhỏ nhưng chắc chắc cũng sẽ khiến những người khách Brazil phải ít nhiều suy nghĩ và đánh giá.

Hy vọng là thời gian tới, khi tiếp đón Man City hoặc bất cứ CLB lừng lẫy nào khác của bóng đá thế giới, chúng ta sẽ có những nhận thức và hành động thật chuẩn xác để nếu không đánh bóng được hình ảnh của mình thì ít nhất cũng đừng khiến mình mất mặt. 

Man City muốn đội ngũ bảo vệ hùng hậu

Trong chuyến tiền trạm vừa qua tại Hà Nội (bao gồm các địa điểm sân đấu, khách sạn, bệnh viện...), một mặt đại diện Man City bày tỏ sự hài lòng về các cơ sở vật chất của chúng ta, một mặt đề nghị VFF phải có một lực lượng bảo vệ dày đặc.

Yêu cầu bảo vệ của Man City được đánh giá là cao hơn và khắt khe hơn cả Arsenal lẫn Olympic Brazil trước đây. Tuy nhiên theo Tổng Thư ký VFF Dương Nghiệp Khôi thì với kinh nghiệm tổ chức các trận đấu - các sự kiện lớn từ trước tới nay, VFF chắc chắn đảm bảo tốt yêu cầu này. Dự kiến sẽ có khoảng gần 1.500 nhân viên, vệ sĩ được huy động để thực hiện nhiệm vụ.

Sẽ có Học viện Man City tại Việt Nam?

Theo lời của ông chủ Ngân hàng SHB Đỗ Quang Hiển thì không chỉ dừng lại ở việc giúp hai CLB được cho là có sự ảnh hưởng của bầu Hiển là Hà Nội T&T và SHB. Đà Nẵng đào tạo cán bộ quản lý, điều hành bóng đá theo chuẩn quốc tế, có nhiều khả năng Man City sẽ phối hợp với ngân hàng này để xây dựng một học viện bóng đá tại Việt Nam.

Ai cũng biết, hiện tại đang có một học viện bóng đá được "đỡ đầu" bởi CLB Arsenal ở Pleiku, và nhiều trung tâm bóng đá khác như Viettel, PVF cũng đang tìm những đối tác lớn ở Đức, Pháp để xây dựng các học viện bóng đá trong tương lai.

Không bất ngờ nếu trong khoảng 5-10 năm nữa, cùng lúc sẽ xuất hiện nhiều Học viện bóng đá quốc tế tại Việt Nam. Nhưng từ những bài học rút ra ở Học viện Hoàng Anh Gia Lai JMG, cũng cần phải nhấc lên đặt xuống ý tưởng xây dựng các học viện mới một cách thật sự chín chắn, nhiều chiều.

Theo nhiều chuyên gia bóng đá thì ở học viện Hoàng Anh Gia Lai JMG, yếu tố "huấn luyện thể lực" có vẻ không được coi trọng đúng mức, và ở đấy người ta chủ trương tạo ra cả một dàn cầu thủ kĩ thuật với hy vọng có thể cung cấp nhân sự cho đội một Arsenal, chứ không tạo ra một đội bóng cân bằng với các vị trí và những yếu câu chuyên môn về vị trí khác nhau. Không biết có phải vì lý do này hay không mà học viện JMG ở Bangkok (Thái Lan) đã bị đóng cửa sau 7 năm hoạt động?

Phan Đăng
.
.
.